Hãy để Nga được là Nga
“Putin là nước Nga và nước Nga là Putin”
Trong bài viết nổi tiếng ký tên “X” của George F. Kennan xuất bản năm 1947, ông lập luận rằng sự thù địch của Liên Xô đối với Hoa Kỳ là gần như không thể lay chuyển, bởi nó không bắt nguồn từ xung đột lợi ích cổ điển giữa các cường quốc, mà bắt nguồn từ sự bất an và chủ nghĩa dân tộc đã ăn sâu bén rễ. Có thể nói cuộc xung đột hiện nay giữa Nga của Vladimir Putin và phương Tây cũng tương tự: Gốc rễ của nó là sự va chạm giữa phương Tây với các giá trị phổ quát và nước Nga đang theo đuổi một bản sắc riêng biệt.Chính sách đối ngoại ngang ngạnh của Putin là lời đáp cho sự thất bại nhục nhã của một đế chế, lời đáp đó tạo ra bởi truyền thống chính trị chuyên chế, những giáo lý phản động của dòng Kitô giáo Chính thống, và sự tự hào về vị trí địa lý rộng lớn và tài nguyên thiên nhiên của Nga. Qua thất bại của Nga trong Chiến tranh Lạnh, nhận thấy sự cần thiết phải tung hô nguồn gốc phi Tây phương của lịch sử và truyền thống Nga, Putin đã dựa vào những giá trị bảo thủ tương tự như những gì từng nổi lên để đáp lại cuộc xâm lược của Napoleon năm 1812, những thứ vốn gây cản trở cho các nỗ lực hiện đại hóa của Pyotr Đại đế.
Khi Phó chánh văn phòng Tổng thống Nga Vyacheslav Volodin phát biểu trong một cuộc họp gần đây của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai tại Sochi rằng “Putin là nước Nga và nước Nga là Putin,” ông đã bày tỏ một thực tại sâu sắc của Nga. Không có một quốc gia nào khác mà ở đó tính cách của nhà lãnh đạo lại tạo nên một dấu ấn sâu đậm lên lịch sử dân tộc như vậy, từ Ekaterina Đại đế và Ivan Bạo chúa cho tới Lenin và Stalin.
Thế nhưng chủ nghĩa Putin không chỉ đơn thuần là sự ham muốn quyền lực. Putin biết rằng sự tái nổi lên của Nga trên trường quốc tế phải được củng cố bằng một sự đối trọng với chủ nghĩa biệt lệ Mỹ, bản sắc quốc gia dựa trên một quan điểm riêng về lịch sử và những lý tưởng khác biệt.
Như Putin tuyên bố năm ngoái, sự sụp đổ của Liên Xô đã giáng một “đòn nặng nề” lên “những quy tắc văn hóa và tinh thần” của Nga, và “nỗ lực khai hóa Nga từ bên ngoài” sau đó chỉ là sự “vay mượn nguyên thủy.” Thay vì mong đợi một hệ tư tưởng quốc gia mới tự mình nổi lên, Nga phải theo đuổi và phát triển bản sắc độc đáo của nó với Putin là người dẫn đầu.
Đảm bảo một vị trí cho nước Nga trong trật tự thế giới mới là điều không thể thiếu để có thể thiết lập một bản sắc như vậy. Để làm được điều đó, Putin đã tối đa hóa giá trị chính sách đối ngoại của trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ của Nga, cho phép điện Kremlin xây dựng quan hệ đối tác với các cường quốc châu Á đang lên, đặc biệt là Trung Quốc. Như một số quan chức đã đề xuất, nếu Nga bắt đầu một dự án quy mô lớn mang tính định hình bản sắc để phát triển vùng lãnh thổ rộng lớn phía đông dãy núi Ural, bao gồm cả Siberia và Viễn Đông, nó sẽ có cơ hội hiếm có để làm sâu sắc những mối quan hệ này hơn nữa.
Nói rộng hơn, việc Putin thách thức quyền bá chủ của Mỹ có thể thu hút sự hỗ trợ đến từ nhiều quốc gia và dân tộc trên toàn thế giới, những người phẫn nộ với những giá trị và chuẩn mực mà Mỹ áp đặt. Quả thật, đối với nhiều chủ thể quốc tế, quan niệm của phương Tây về sự khoan dung và quy chuẩn chính trị, chẳng hạn như việc chấp nhận “lối sống phi truyền thống” mà đơn cử là đồng tính luyến ái, theo lời Putin là một sự sỉ nhục đối với “sự đa dạng mà Đức Chúa trời trao tặng” cho thế giới.
Nhưng Putin không chỉ đơn thuần là rao giảng giá trị. Việc sáp nhập Crimea và gây bất ổn liên tục tại Ukraina đã thúc đẩy tham vọng hồi sinh sự thống trị văn hóa và chính trị của Nga tại lục địa Âu – Á và phần lớn không gian thuộc Liên Xô cũ của ông. Trong mắt Putin, Hiệp định Yalta năm 1945 chia đôi châu Âu thành hai khu vực ảnh hưởng của Liên Xô và phương Tây vẫn chưa chết; đơn giản là biên giới của nó đã lùi về phía đông.
Đáng chú ý, sau một cuộc thảo luận về rất nhiều thách thức toàn cầu trong một cuộc họp gần đây tại Valdai, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã xác định cuộc biểu tình của những người sắc tộc Nga tại Chişinău (Kishinev), thủ đô của Moldova, là “vấn đề quan trọng nhất” cần phải giải quyết. Nước Nga của Putin luôn không ngại ngần gì khi nói đến đoàn kết dân tộc.
Tất nhiên phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phải chịu một phần trách nhiệm cho sự thất bại trong việc tìm cách đạt được một giải pháp ngoại giao cho cuộc đối đầu hiện nay với Nga. Trước khi có thể đạt được một nền hòa bình lâu dài, Mỹ sẽ cần phải suy nghĩ về những sai lầm đặc trưng cho giai đoạn bá chủ của nó thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, khi mà những cuộc phiêu lưu quân sự đơn phương và tham vọng chủ nghĩa đế quốc kiểu mới của Mỹ khiến nó mệt mỏi, nợ nần chồng chất, sa lầy trong chiến tranh liên miên.
Nếu không tự suy xét như vậy, Mỹ và những đồng minh châu Âu của nó có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc vào biện pháp trừng phạt kinh tế để ngăn chặn sự xâm lược của Nga. Nhưng dù phương pháp này có thể làm suy yếu tính chính danh của Putin bằng cách hạn chế khả năng ông ta có thể đem lại sự thịnh vượng về kinh tế, nó cũng có thể dẫn đến một phản ứng dân tộc chủ nghĩa chống phương Tây dữ dội. Hơn nữa, như Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov đã cho thấy, các biện pháp trừng phạt có thể được xem là phước lành khi nó buộc điện Kremlin đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào tài nguyên của Nga.
Bản sắc dân tộc không thể được đưa ra thay đổi thông qua đàm phán; nhưng ngoại giao có thể pha loãng những biểu hiện hung hăng của chúng. Đây là lúc để các nhà lãnh đạo Nga và phương Tây đưa ra một sự thỏa hiệp lớn cho hòa bình ở miền đông Ukraine, một sự thỏa hiệp vượt qua cả Nghị định thư Minsk để giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu và kiểm soát vũ khí vốn đã cản trở sự hợp tác về những vấn đề như nội chiến ở Syria và chương trình hạt nhân của Iran.
Nga không cần phải đảo lộn trật tự toàn cầu hiện có mà chỉ đơn giản là cần tìm đúng vị thế của nó trong đó. Và Mỹ phải để cho Nga làm điều đó.
Shlomo Ben-Ami, nguyên ngoại trưởng Israel, là Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Toledo về Hòa bình. Ông là tác giả cuốn sách Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli-Arab Tragedy.
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2014/12/23/hay-de-nga-duoc-la-nga/#sthash.4xjuCBgj.dpuf
Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “Let Russia Be Russia,” Project Syndicate, Dec. 15, 2014.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng
Bài liên quan: #27 – Nguồn gốc hành vi của Liên Xô
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng
Bài liên quan: #27 – Nguồn gốc hành vi của Liên Xô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét