Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

XỨ MỸ PHIỀN TOÁI

XỨ MỸ PHIỀN TOÁI
Alan PhanCó lẽ vì tôi sống ở Mỹ từ năm 18 tuổi (1963) vào thời điểm mà cá tính con người dễ bị ảnh hưởng và đang hình thành? Có lẽ vì lối ăn nói “không biết ngượng” dễ làm phật ý các bạn đồng môn? Có lẽ vì một tư duy tự do không ràng buộc vào những khuôn phép của xã hội chung quanh và truyền thống lâu đời của Á Đông? Cho nên, ngoài khuôn mặt, ai gặp tôi lần đầu hay lâu ngày cũng đều có một kết luận là tôi là một thằng Mỹ con; lỡ hít phải phân Mỹ và vô phương thay đổi.
Nhãn hiệu này có thể khá chính xác; nhưng tôi thường nêu ra một sự việc là tôi đã “chọn” sống ở Á Châu trong suốt 20 năm qua; cho thấy tôi không nghĩ môi trường sống tại Mỹ là một nơi thích hợp cho mọi người. Thực thể lại luôn biến động và cho ta rất nhiều góc nhìn từ bất cứ khía cạnh nào của lăng kính: thằng Mỹ con trong tôi vẫn thường nói như vậy với các bạn bè về những con người cộng sản. Dù một triết thuyết không còn tồn tại, nhưng vẫn có rất nhiều người thích bám víu vào quá khứ; nhất là khi quá khứ vẫn còn mang nhiều quyền lợi.

Tôi vừa về Mỹ tuần qua. Có thể là sẽ ở lại đây một thời gian khá lâu, vì lý do gia đình và công việc kinh doanh. Và tôi vẫn nghĩ xứ Mỹ là điểm đến lý tưởng cho những con người trẻ thích chấp nhận thử thách và thăng hoa trong sự nghiệp. Không một nơi nào trên thế giới lại cống hiến cho tuổi trẻ một sân chơi bằng phẳng và không rào cản cho bất cứ loại tài năng nào. Sống tại rất nhiều nơi trên thế giới, tôi và bạn bè vẫn thấy Mỹ là một đấu trường của đẳng cấp quốc tế, không phân biệt mầu da, chủng tộc hay tư duy.

Tuy nhiên, Mỹ cũng có thể là một xứ sở của phiền toái và khó chịu cho những người lớn tuổi như tôi.

Vừa về đến nơi, trong chồng thư mới nhất, tôi nhận giấy báo của ngân hàng và sở thuế California cho biết họ giữ lại một số tiền khá lớn trong trương mục vì tôi vẫn chưa chịu đóng thuế lợi tức cho tiểu bang năm 2010. Luật sư và hãng kiểm toán của tôi đã tranh luận vụ này cả năm nay; lý do là tôi không ở California suốt 18 năm qua, tại sao tôi lại nợ thuế của California? Nhưng chánh phủ nào cũng vậy, nhất là trong lúc ngân sách California đang bị thiếu hụt; phải tìm mọi cách để móc túi dân đen. Tôi tin là mình cũng sẽ thắng; nhưng trong 6 tháng tới, tiền cho luật sư và kiểm toán sẽ khiến tôi nhăn mặt bực dọc mỗi tháng.

Khi về đến nơi, tôi lại nhớ là mình bỏ quên bằng lái xe Mỹ ở Hồng Kông. Hãng xe thuê Avis rồi Alamo từ chối không cho tôi thuê xe, dù tôi là khách hàng “kim cương”gì đó và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm pháp lý ghi rõ trên giấy tờ. Luật của công ty cũng cứng ngắc không khác gì chánh phủ. Sau 15 tiếng trên máy bay, vào 12 giờ đêm, không cho phép tôi mất thì giờ, tôi đành phải kêu taxi vậy.

Trưa hôm sau, tôi hẹn với một người bạn thân từ hồi đại học, anh vừa được bổ nhiệm chân giám đốc vùng Tây Mỹ cho một tập đoàn đa quốc và vừa dời qua Los Angeles tháng rồi (từ Mexico City). Nghe tin tôi về đây, anh mừng lắm vì bạn bè chưa gặp nhau suốt 14 năm qua. Anh mời lên văn phòng anh ở Century City để thăm quan rồi cùng đi ăn trưa sau đó. Đến nơi, anh quá bận với phone và các chỉ thị cho nhân viên. Sau cùng, hai đứa ngồi trong phòng anh, gặm 2 cái sandwiches và 2 lon nước, do cô thư ký đi mua về.

Mặc cho một nền kinh tế năng động, sáng tạo và cởi mở, tạo cho người dân một nếp sống phong lưu so với toàn cầu, người dân Mỹ đã phải trả giá bằng áp lực, sức khỏe và nỗi bình yên (dĩ nhiên là chỉ ứng dụng cho các con kiến cần cù; gần một nửa dân Mỹ còn lại sống nhờ vào đủ loại trợ cấp (OPM) nên thoải mái hơn.)

Tối qua, tôi và gia đình đi xuống một nhà hàng khu Bolsa để tụ họp. Nghe kể về một người bà con. Ông ta khoảng tuổi tôi, bị ung thư ở Việt Nam, nhưng ông có một ý chí sống mãnh liệt. Ông qua Mỹ theo dạng HO và cương quyết chiến đấu với căn bệnh này. Sau 4 năm, ông thành công và câu chuyện của ông đã làm gia đình bạn bè cũng như người lạ khâm phục. Tuy nhiên, cách đây một tháng, ông lái xe đạp, quẹo trái không đúng luật và bị một xe SUV đụng chết. Ngày tang lễ, sở Cảnh Sát còn gởi tới một giấy phạt về việc vi phạm luật giao thông. Cũng may ông chết rồi nên tờ giấy được đốt theo đống vàng bạc.

No country for old men.

Alan Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét