Lái xe và lái tài xế
Tạp ghi Huy PhươngThấy vợ đang nấu ăn ở trong bếp, ông chồng đang đọc báo ở phòng khách bên, bỏ tờ báo xuống bước vào cạnh vợ, ông nhìn vào nồi canh rồi nói: “Sao ít nước quá vậy. Chắc mặn rồi đấy. Thêm nước kha khá vào đi em!” Ông lại giở nắp xoong nồi thịt hầm, cúi xuống hít hà mấy cái, góp ý kiến: “Cái này em đã ướp đủ gia vị chưa? Sao không thấy thơm tho gì cả vậy?” Ông quay người lại chỗ để nồi cơm điện, đưa tay định giở nắp ra. Bà vợ nãy giờ im lặng theo dõi cử chỉ lạ lùng của chồng, nhưng đến lúc ông sắp chõ miệng vào nồi cơm, thì bà nổi nóng, hết chịu đựng, la lên: “Ông đi ra khỏi nhà bếp đi! Khi nào xong, tôi mời ông cầm đũa. Việc bếp núc là của tôi, tôi yêu cầu ông đừng xen vào! Giỏi thì ông vào nấu đi, cho tôi ra ngồi đọc báo!”
(Hình minh họa: Raul Arboleda/AFP/Getty Images)
Bấy giờ ông chồng chậm rãi trả lời: “Nấu ăn là việc của bà, lái xe là việc của tôi, thế mà lúc tôi lái xe, ngồi bên cạnh bà cứ hết nhắc nhở hết chuyện này đến chuyện nọ, hết kêu chậm lại, lại kêu nhanh lên! Hết nhắc dừng, lại giục đi, mà tôi có nổi nóng hồi nào đâu?”Trong một cuộc phỏng vấn điều tra các vị đàn ông lái xe, thì đã có 90% quý ông bị các bà vợ ngồi bên can thiệp bằng cách “cố vấn thô bạo” vào việc lái xe. Ngày xưa quý vị phi công nếu có cho vợ đi nhờ máy bay thì cũng chỉ được để vợ ngồi ở thân tàu, nếu ngồi ở buồng lái, dù các bà chẳng hề học lái máy bay ngày nào, cũng muốn lái cả phi công.
Quý bà thường hay xen vào công việc của ông chồng, nếu có đàn bà thích lái tài xế, lái phi công, thì ngày xưa cũng có bà lái cả tướng, tá. Có bà tư lệnh mỗi đêm thường gọi các vị trung đoàn trưởng để nhắc nhở chuyện “hụi hè” cho nên chúng ta mới phải chịu cái cớ sự bỏ nước mà đi ngày nay.
Tôi đã từng ngồi chung xe với nhiều cặp vợ chồng, nhất là khi ông chồng lái thì bà vợ hình như không bao giờ chịu ngồi yên:
“Bảng 'stop' kìa anh!” - “Ðèn đỏ kìa anh!” - “Xanh kìa, đi đi anh!” - “Sao chậm vậy anh!” - “Nhanh lên một chút anh!”
Hình như đa số phụ nữ thường không chịu ngồi yên khi ông chồng lái xe, nhưng chưa có ông chồng nào dám nói: “Nào, giỏi thì bà lái xe đi, cho tôi ngồi đọc báo!”
Tôi tin rằng người lái xe có nhiều kinh nghiệm và phản ứng hơn là người ngồi bên cạnh, nên không thể hỏi họ, sao lúc này hay đoạn đường này chạy nhanh, mà ở chỗ kia lại giảm chân ga. Trong bản chất người phụ nữ nào cũng có chút ít mầm mống của người mẹ, người chị, cô giáo mà ít thấy điều gì tỏ ra họ là đứa con, đứa em, thích chủ động hơn là thụ động.
Thông thường là người phụ nữ ít giữ được bình tĩnh hơn người đàn ông. Xe đang chạy trên đường mà thấy ở phía tay phải có xe cảnh sát đang chớp đèn đứng lại biên phạt một xe hơi khác là mấy bà đã quýnh lên: “Cảnh sát kìa! Cảnh sát kìa anh!”
Người lái xe sẽ hỏi lại: “Nếu có một con sư tử đang nhai ngấu nghiến một con nai đầy máu me bên bìa rừng, thấy một con nai khác chạy qua, nó có bỏ mồi để rượt theo con nai mới không?” Câu trả lời là không.
Nhưng thấy ông cảnh sát đang đứng biên giấy phạt bên đường thì nên đổi lane, gọi là “pass over” nếu không sẽ bị phạt nặng, vì đã có trường hợp tài xế chạy gần đụng chết ông cảnh sát vì có lẽ muốn quan sát chuyện gì đã xẩy ra.
Có khi thấy xe cảnh sát chạy bên kia đường các bà đã la hoảng: “Cảnh sát kìa! Cảnh sát kìa!” Thì thây kệ nó, mình chạy xe đúng luật là được rồi, đừng hoảng.
Thật tình nếu giao tay lái cho mấy bà, ông chồng làm người quan sát ngồi một bên chắc cũng phải lên ruột. Tôi vẫn nghĩ là đàn ông lái xe giỏi hơn đàn bà. Ở Bolsa này đã có hai trường hợp lái xe tông thẳng vào quán ăn, hay ngoài chợ lùi xe cán phải bà già đều là... phụ nữ. Nhưng cũng có trường hợp đàn ông lái xe đụng cột đèn làm mất điện cả khu phố như một ông nghị viên, thì đó là vì... xỉn, chứ không phải vì lái dở!
Tôi cũng đã từng biết chuyện một bà lái xe vào thẳng garage, thay vì rà chân thắng thì lại đạp mạnh chân ga, may mà ông chồng đang đứng trước xe nhảy kịp, chỉ làm đổ vách, chứ chưa đụng đến người.
Ở các lớp học xóa ticket, phụ nữ đông hơn đàn ông. Có lẽ cảnh sát Mỹ có lòng kỳ thị, phân biệt giới tính chăng?
Ở Thụy Sĩ, theo hãng bảo hiểm Suva, một hãng bảo hiểm có khách hàng đông nhất, thì đàn bà gây nhiều tai nạn lái xe hơn đàn ông. Phái đẹp hiện nay có tỷ lệ gây tai nạn cao hơn nam giới là 25%, lý do là hay bị căng thẳng và “lo ra” hơn cánh mày râu.
Tại Anh, theo báo Telegraph, một cuộc khảo sát cho thấy có tới 1/3 nam giới cho biết họ không cảm thấy an toàn khi để vợ hoặc bạn gái lái xe hơi, với lý do các bà quá dễ bị xao nhãng, chia trí bởi chuyện con cái, cảnh vật trên đường hoặc người lái xe khác.
Nhưng theo nghiên cứu trên 700 người của công ty Carrentals cũng ở Anh thì phụ nữ lái xe ít vi phạm an toàn giao thông, ít gây tai nạn hơn đàn ông. Có đến 57% nam giới vướng phải một hoặc nhiều tai nạn, trong khi tỷ lệ này của phụ nữ chỉ 44%. Cũng theo các thử nghiệm của Ðại Học Bradford (Anh) lại cho thấy khoảng thời gian tập trung và khả năng học luật ở phụ nữ tốt hơn nhiều so với nam giới. Nguyên nhân có thể do lượng hormon oestrogen của phụ nữ đã kích thích lên một phần não gọi là thùy trán chuyên xử lý các kỹ năng liên quan. Ðiều này cũng giải thích vì sao học sinh nữ dễ tập trung ở trường hơn nam; và vì sao phụ nữ lái xe cẩn thận hơn đàn ông.
“Ông nói gà bà nói vịt.” Vậy biết tin ai bây giờ?
Tôi không phải là người viết tạp ghi nói xấu phụ nữ, nhưng đôi lúc cũng là người trong cuộc, cũng như đã nhiều lần chứng kiến cảnh quý bà đang tận tụy dạy lái xe cho chồng, nói rõ là “làm nghiệp vụ lái tài xế.”
Có điều, trong 23 năm lái xe ở Mỹ, tôi đã nhiều lần bị cảnh sát theo chớp đèn sau xe, bắt dừng lại bên vệ đường để viết giấy phạt, và những lần đó là những lần trong xe không có “bà thầy” dạy lái xe ngồi bên cạnh.
Ở một lớp học xóa ticket, tôi gặp một ông bạn già khá thân, ông “nháy nhó” với tôi: “Ðừng nói với vợ tôi là mình gặp nhau ở đây nhe anh!” Tôi bắt tay ông thật chặt, nói nho nhỏ với ông một câu nửa Tàu, nửa Tây: “Ok! Ok! Me too! Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân!” (Dịch theo hoàn cảnh này là: Ðiều gì anh không muốn tôi nói với vợ anh, thì anh cũng đừng nói với vợ tôi nhé!)
“Không thầy đố mầy làm nên!”
Câu này không bao giờ thay đổi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét