Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Việt Nam – TPP: Từ đường hầm đến ánh sáng

Việt Nam – TPP: Từ đường hầm đến ánh sáng
Vẫn… “ghi nhớ”
Những thông tin gần nhất vẫn chưa bật ra một pha đèn đủ sáng trong đường hầm dẫn nền kinh tế Việt Nam đến TPP.
Chỉ còn không nhiều thời gian trước tháng 11/2013 – thời điểm phải “kết thúc lộ trình tham gia TPP”, nhưng ứng cử viên Việt Nam vẫn dường như còn vướng víu trong mớ bùng nhùng của một thí nghiệm hóa học chưa biết làm sao để tìm ra chất kết tủa.
Sau khi hoàn tất vòng đàm phán thứ 19 tại Brunei, tin tức từ giới quan chức Việt Nam vẫn chỉ manh nha cho thấy “để đạt được kết quả tốt nhất, phiên 19 chỉ tập trung vào các vấn đề mấu chốt còn tồn tại để các nước TPP tìm ra biện pháp thu hẹp khác biệt quan điểm nhằm tiến tới việc đạt được sự đồng thuận. 
Trong số các vấn đề mấu chốt này, quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp quốc doanh và đàm phán mở cửa thị trường hàng hoá rất phức tạp và nhạy cảm không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các thành viên TPP khác. Vì vậy, có thể nói việc xử lý hiệu quả các vấn đề này quyết định tới khả năng có kết thúc đàm phán TPP như mục tiêu đề ra hay không”.

Bản đồ các nước tham gia TPP (AFP)


Nếu Brunei được đoàn đàm phán Việt Nam xác định “TPP đang bước vào giai đoạn quan trọng, có tính chất quyết định đối với việc hoàn thành mục tiêu kết thúc đàm phán vào năm 2013 như mong muốn của các nhà lãnh đạo TPP”, thì khá khó hiểu và có vẻ thật trớ trêu là mọi cố gắng của phái đoàn Việt Nam từ năm 2010 đến nay đã chỉ dẫn đến kết quả những chủ đề then chốt vẫn còn án ngữ nơi bàn giấy như một cơ chế đàm phán nguyên tắc, mới chỉ tiến đến bước “ghi nhớ” mà chưa khai sáng bất kỳ một triển vọng cụ thể hóa nào.

Tình hình trễ nải đến mức như thế hẳn khiến người ta hình dung lại một phán đàm khác mà bộ trưởng thương mại Mỹ nói với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Washington vào cuối tháng 7/2013. Hai vế của thông điệp từ giới quan chức thương mại Mỹ đã toát lên một sự thật khó chối cãi: một mặt là bàn tay xoa dịu về “Việt Nam đã đạt được một số tiêu chuẩn chất lượng cao về TPP”, nhưng mặt trái ngược lại không kém thách thức đối với “vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn tất lộ trình Việt Nam tham gia vào TPP”.

Ẩn dụ của Bộ Thương mại Mỹ cũng gần như đồng pha với một vài ẩn chứa không quá giấu diếm của phái đoàn Cộng đồng châu Âu trong cuộc đối thoại nhân quyền với chính giới Hà Nội vào ngày 11/92013, liên quan mật thiết đến việc “khuyến khích Việt Nam đưa ra những cam kết cụ thể về dân chủ và nhân quyền”. Tất nhiên, giới phân tích đều hiểu vì sao cộng đồng quốc tế lại cần có những cam kết cụ thể như thế  sau một thời gian dài đã hầu như không có gì được thực tế hóa, cũng như những cam kết kỳ vọng như vậy có giá trị ít nhất là mối liên quan nhất thời đến giấc mơ đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, tiếp sau sự ấp ủ của ông Trương Tấn Sang tại buổi hội kiến với Tổng thống Mỹ Barak Obama ở Nhà trắng.

“Cô gái đẹp”
000_Hkg987465-250.jpg
Những người Việt mang hàng hóa từ Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn hôm 30/1/2008. AFP photo

Mọi việc giờ đây hầu như nằm gọn trong tay giới chính khách Việt. Họ là những người chủ động về thế cờ, nhưng cũng chính là khách thể phải giải mã rất nhiều nước đi tiếp tới trên một bàn cờ quốc tế hoàn toàn không tương quan về thế và lực.

Báo chí nhà nước trong những ngày gần đây cũng tỏ ra lắng giọng hơn trong chiến dịch tuyên truyền về “cơ hội TPP”. Trước đó, từ Thông tấn xã Việt Nam cho tới các tờ báo đảng khác đều khuyến dụ một nhận định rất lạc quan của giáo sư Peter A. Petri thuộc Đại học Brandeis của Mỹ, cho rằng Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia vào TPP về xuất khẩu, đầu tư, thuế quan và còn được tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế cũng như có thể tiếp cận với thị trường của toàn bộ các nước trong TPP.

Những số liệu lạc quan không kém cũng liên tục được giới truyền thông kiên định khuynh hướng thông tin một chiều: nếu tham gia vào TPP, nền kinh tế Việt Nam có thể ngay lập tức tăng 26,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, và nếu Nhật Bản cũng có mặt trong định chế này thì doanh số xuất cảng của Việt nam còn tăng đến con số 37,5 tỷ USD.

Một lần nữa từ chiến dịch vận động tham dự vào bàn tiệc WTO, những con số lại được viễn thị, bay bổng như một hấp lực đầy quyến rũ mà các quan chức chính trị Việt Nam thường xuýt xoa như “cô gái đẹp” – một ẩn dụ xuất phát từ giới chính trị gia phương Tây.

Thế nhưng kẻ tiếp cận với “cô gái đẹp” ấy có làm nên cơm cháo gì thì lại là một hội chứng hoàn toàn khác. Trong con mắt của giới ngoại giao và những quan chức thiên về chủ nghĩa thực dụng của Việt Nam, nước Mỹ đã từng được mặc định bằng khái niệm về cái đẹp mỹ miều nhưng khá là đỏng đảnh như vậy. Từ trước khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới vào năm 2006, nền kinh tế và thị trường Hoa Kỳ đã có một sức hấp dẫn đặc biệt. Bằng chứng là sau khi Hiệp định song phương thương mại Việt – Mỹ được ký kết, kim ngạch buôn bán giữa hai quốc gia cựu thù này đã tăng vọt lên vài chục lần, và nền kinh tế đầu bảng trên thế giới đã không hổ danh là một lá chắn giúp cho nền chính trị Việt Nam không những thoát khỏi “bóng đè” CPC – danh sách các nước được quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo, mà còn cán mốc 80 tỷ USD tài trợ ODA trong hai chục năm qua, trở thành một trong những quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất thế giới, cho dù từ gần một phần tư thế kỷ qua, quốc gia này vẫn luôn nằm trong nhóm nước đầu bảng trên thế giới về độ tham nhũng trầm trọng và trong nhóm nước cuối bảng quốc tế về tính minh bạch.

7 năm sau WTO, một lần nữa “cô gái đẹp” lại được đưa vào tầm ngắm nơi thị trường nhan sắc. Chiếm đến phân nửa trong 15 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2012, và 31% trong doanh số 7,2 tỷ USD hàng da giày của đất nước hình chữ S vào năm ngoái, Mỹ hiển nhiên là một thị trường có tính hấp lực cao và đem lại nhiều đô la nhất.

Đặc biệt, nếu Việt Nam được chấp thuận vào bàn tiệc đứng TPP, những món ăn nguội sẽ có thể không phải đóng thuế. Hàng dệt may từ thuế suất 7-15% hiện nay sẽ về 0%, và tương tự cho hàng da giày. Chỉ khi đó, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam mới tăng lên “cả về lượng và chất” mà không phải quá lo lắng về cảnh bị kiện chống phá giá như các mặt hàng cá basa và tôm tại thị trường Mỹ trong suốt nửa thập kỷ qua.

Tuy thế, tác phẩm nào cũng có hai mặt, và dù các quan chức Hà Nội có thực tế và uyển chuyển đến đâu, họ vẫn khó có thể qua mặt miền đất sinh sản ra chủ nghĩa thực dụng.

Hoa Kỳ là một biểu trưng cho chủ nghĩa nước lớn trong TPP.

Đường hầm chật chội
000_Hkg8686356-250.jpg
Triển lãm sản phẩm công nghiệp Trung Quốc tại Hà Nội hôm 12/6/2013, ảnh minh họa. AFP photo

Khác khá nhiều với định chế WTO, các nước trong nội khối TPP không chấp nhận sự phân chia hình ảnh Bắc - Nam, hay diễn tả theo cách khác là sự khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển. Cách đây gần 7 năm khi được chấp thận vào WTO, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và nhận được khá nhiều ưu đãi về thuế suất xuất khẩu, thị trường và những món quà khác không phải đóng thuế. Nhưng còn giờ đây, cho dù vẫn là một quốc gia “đang trên đường phát triển”, song với tư cách là thành viên nghiễm nhiên của WTO, Việt Nam không còn được ưu ái về những điều kiện thuế má như thế. Cũng với tư thế là một sân chơi được mô tả là sòng phẳng, Việt  Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước trong nội khối TPP, dù rằng về danh nghĩa đây là mối quan hệ nối kết để tăng cường sức mạnh châu Á - Thái Bình Dương và tận dụng lợi thế so sánh giữa các quốc gia.

Một trong những điều kiện tiên quyết nhất của sân chơi bình đẳng này chính là việc Việt Nam phải chứng minh bằng được xuất xứ hàng hóa của họ xuất khẩu vào các nước TPP có nguồn gốc nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước trong nội khối này chứ không phải là từ các quốc gia bên ngoài. Thế nhưng thực tế lại khác hẳn, vì đa số nguyên liệu và bán thành phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường nhập khẩu để gia công lại nảy nòi từ Trung Quốc – một quốc gia phương Bắc bị xem là có mối quan hệ “phụ thuộc” rất lịch sử đối với chính thể ở Hà Nội.

Tình thế trên dẫn đến tư thế nào tiếp theo? Nếu không chuyển đổi được vùng nhập khẩu nguyên liệu, hay nói cách khác là không né tránh sự lệ thuộc hầu như quá rõ rệt vào chủ nghĩa buôn bán biên giới của Bắc Kinh, Hà Nội chắc chắn sẽ không được giảm hoặc miễn thuế xuất khẩu sang các nước TPP, đặc biệt là vào thị trường Mỹ với triển vọng tràn đầy tươi sáng. Nhưng nếu cố tình chuyển đổi vùng nguyên liệu và xa rời phương Bắc thì sang chấn nào sẽ xảy đến với cơ thể Hà Nội khi Trung Nam Hải lên cơn cảm mạo?

Tuy thế, những ràng buộc khắt khe về nguồn gốc nguyên liệu chỉ mới là phạm trù “rào cản kỹ thuật”, trong khi còn những phạm trù khác mang tính thách đố không kém. Sau một thời gian lơ lửng trong tầng trung quyển và cái ghế TPP cũng lửng lơ hứa hẹn, giới tuyên giáo và điều hành thương mại Hà Nội đã bắt đầu phải cân nhắc đến một thực tế gần với mặt đất hơn. Đó là điều được giới quản lý đặt ra về khía cạnh “tiêu cực” khi được chính thức tham gia vào TPP.

Đối lưu mua bán luôn có nguyên tắc có đi có lại, Hà Nội sẽ không được cho không cái gì nếu không phải trả một cái giá nào đấy. Cái giá đó chính là việc mặt bằng thuế nhập khẩu bình quân 11,7% của các nước TPP vào Việt Nam cũng đương nhiên được đưa về 0% nếu Việt Nam đứng chân trong hàng ngũ danh giá này. Từ đó suy ra, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ bị “thất thu” một khoản không nhỏ từ thuế nhập khẩu, giáng thêm một cú khá nặng nề nữa vào bầu sữa vốn chỉ còn nhỏ giọt của ngân sách Việt Nam trong bối cảnh cơn suy thoái đã kéo dài đến 5 năm ở quốc gia này. Tuy thế và dù đã luôn cẩn trọng với điều được coi là “lợi bất cập hại” về cán cân xuất nhập khẩu, cho tới giờ giới điều hành kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra một con số nào về phản ứng hóa học ngược ấy, ít nhất trong các báo cáo công khai. Vẫn không có một tính toán nào đủ thuyết phục cho thấy ngân sách sẽ bị giảm thu thuế bao nhiêu nếu chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng.

Khác hẳn với chủ thuyết “thuyền ra biển lớn” của giới tuyên giáo, thực tiễn của cuộc chơi sòng phẳng rất có thể sẽ dẫn dắt giới doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vào một khúc ngoặt tối tăm hơn trong đường hầm chật chội, vào giấc mộng cạnh tranh đa phương nhưng còn lâu mới đủ sức tay đôi với các tập đoàn tư bản trường vốn và không kém kỹ xảo của nước ngoài.

Phạm Chí Dũng gửi RFA từ Việt Nam
2013-09-16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét