Đọc bài dưới đây quá xót xa, tôi tin là phản ánh đúng sự thật. Gần như 100% các bình luận trong stt này của bác Thái Hạo đều công nhận đúng là sự thật. Tất nhiên không phải trong mọi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều như thế, nhưng tôi tin những ông chủ nước ngoài, đặc biệt là chủ người Đài Loan, Trung Quốc và cả Nhật Bản và Hàn Quốc, đều rất biết cách dùng “người Việt trị người Việt”. Họ sẽ chọn đứa nào xông xáo, năng nổ và vô học nhất, để cho lên làm “cán bộ”. Khi đó, người VN phải xác định đi làm công nhân thì phải vứt bỏ lòng tự trọng, nhân phẩm và các thứ quyền này nọ trong sách vở để nghe lệnh “cán bộ”. Con trâu cày xong còn được chủ vỗ lưng cho mấy cái rồi dắt ra bãi cỏ hay cho uống miếng nước; làm công nhân thì thua xa con vật. Trong rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không tồn tại tình người, cũng không tồn tại pháp luật. Mỗi công nhân chỉ là một cỗ máy, làm, làm và làm nhanh hơn nữa. Ngoài tiếng máy thì chỉ có tiếng chửi rủa suốt ngày của các bà tổ trưởng, nhóm trưởng.... Đa số người VN có tâm lý phục tùng người nước ngoài nhưng lại hà hiếp chính đồng bào mình. Do chính sách chia để trị nên trong nội bộ công nhân với nhau cũng bè phái chà đạp phẩm giá của nhau không thương tiếc. Mỗi lần nghe những người công nhân kể về cuộc sống trong doanh nghiệp của họ, ai nấy đều rất đau lòng. Vậy nên mới có thơ rằng: "Gái Âu Cơ sang xứ lạ kiếm chồng. Trai Lạc Long sang đất người tìm việc. Tài nguyên Việt bị nước ngoài vắt kiệt. Người Việt chết chính trên quê hương mình!". Tôi giảng cho sinh viên về lịch sử kinh tế VN, trong đó có những đoạn tố cáo sự bóc lột dã man, tàn bạo của phong kiến phương Bắc trong nghìn năm Bắc thuộc, của thực dân Pháp trong 80 năm Pháp thuộc, nhưng thực tế ở nước ta hiện nay giai cấp nông dân và công nhân khổ như thế này thì ca ngợi chế độ CHXNCN Việt Nam sao đây ? Đây là thành quả đấu tranh cách mạng hy sinh gian khổ của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, của công cuộc đổi mới long trời lở đất của Đảng sau 1986 vẫn được ca tụng sao ? Chẳng lẽ các ông lãnh đạo tiền bối của Đảng đi vô sản hóa thời Pháp, tức là đi làm cu-li, lại sướng hơn giai cấp công nhân tự do đi làm thuê cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày nay sao ? Đọc bài này làm mình nhớ tới những năm làm đại biểu dự thính tại Quốc hội, nhiều lúc nghe các ĐBQH tranh luận, mình nghĩ mỗi năm Quốc hội họp 3 lần, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân nhưng chỉ toàn bàn chuyện lên trời hái sao, còn cuộc sống và lao động cực khổ dưới đất của người dân thì chẳng ai quan tâm. Thế nên tôi nghĩ cán bộ công chức chúng ta học nhiều nhưng đóng góp cho đất nước thua xa người công nhân và nông dân, cho nên dù có thu nhập cao thì cũng không nên khoe khoang có đời sống cao hơn họ, khoe như thế nhục lắm; nhất là nên hạn chế khoe ảnh ăn chơi du lịch lên FB. Tốt nhất là mức sống của công nhân và nông dân như thế nào, chúng ta cũng chỉ nên sống ở mức như thế; tiền bạc dư thừa thì cứ để trong ngân hàng, và ngân hàng cho vay để phát triển kinh tế; sau này chết đi thì để cho con cháu, còn chúng sử dụng thế nào cho có ích thì tùy nhận thức của chúng.Công nhân là những người bị bỏ quên
FB Thái Hạo - Thời gian vừa rồi tôi cứ nuôi mãi ý định sẽ xin vô khu công nghiệp để làm công nhân... Tôi tiếp xúc và có cả những khoảng thời gian dài sống chung với họ, những công nhân nhiều ngành nghề, như cao su, giày da, chế biến... Tôi chứng kiến cuộc sống của họ và nghe kể quá nhiều về những khổ nhọc và bất công mà họ phải chịu. Cũng may, công nhân đa số ít học, nên rồi họ quen, cái lớn nhất còn lại với họ là đồng lương và sức khỏe; còn những chuyện sỉ nhục, xúc phạm, dần cũng quen...
Tôi muốn đi làm công nhân để trực tiếp trải qua cái cuộc sống ngột ngạt, tăm tối ấy; để cảm, để hiểu bằng da thịt mình: người công nhân Việt Nam đang phải gánh chịu những gì. Nghe kể không thôi chưa đủ dù nhiều lúc nó đã vượt quá sức chịu đựng của bản thân.