Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Vì sao chúng ta càng lớn càng xa cách với bố mẹ?

Đọc bài này mình nhớ bố mẹ quá. Bố mẹ mất được mấy năm rồi mà tưởng như mới cách đây ít hôm. Nhiều đêm thức giấc, đi ngang qua phòng bố mẹ, ngang qua salon trong đêm tối, cảm tưởng như bố mẹ vẫn đang ngồi đó.
Vì sao chúng ta càng lớn lại càng trở nên xa cách với bố mẹ?
01/09/2020 - 
 Bố mẹ dùng tình yêu và sự kiên nhẫn nuôi chúng ta lớn lên, với hy vọng tới một ngày, chúng ta cũng có thể dành tình yêu và sự kiên nhẫn tương tự đối đãi với họ một mai họ già đi. Đừng vì sự vô tâm của mình trở thành trở ngại khiến bố mẹ ngày càng dè dặt trước mặt chúng ta. 

Sau khi lớn lên, sự trao đổi giữa chúng ta và bố mẹ càng ngày càng ít đi. Bố mẹ không hiểu thế giới mới của chúng ta, chúng ta lại không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu những buồn vui giận hờn của bố mẹ.

Mấy kỳ nghỉ lễ năm nay của tôi khá khác so với những năm trước, của bạn bè tôi cũng vậy. 2 năm gần đây, số lượng bạn bè của tôi chọn về nhà nghỉ lễ cùng bố mẹ thay vì đi chơi, đi du lịch ngày càng nhiều. Có lẽ bởi vì khi bước vào độ tuổi xây dựng sự nghiệp, chúng ta càng lúc càng cảm nhận được bố mẹ mình đang già đi. Những người quanh năm đi làm xa nhà như tôi và như nhiều người khác nữa, mỗi năm số dịp được ở bên bố mẹ khéo chỉ tính trên đầu ngón tay.

Tôi từng đọc được một bài toán mang tên "Bài toán tình thân":

"Giả sử bố mẹ của bạn hiện tại 60 tuổi, số tuổi thọ còn lại của họ là 20 năm. Bạn không sống cùng bố mẹ, mỗi năm, trung bình số ngày bạn gặp họ là 6 ngày, số thời gian sinh hoạt gần nhau là 11 tiếng. Như vậy, thời gian còn lại mà bạn có thể ở bên bố mẹ chỉ là 1320 tiếng, tương đương với 55 ngày".

55 ngày này, chính là thứ chúng ta vẫn hay gọi là "còn nhiều thời gian".


May mắn là mọi người đã bắt đầu ý thức được việc mình cần ở bên gia đình, ở bên bố mẹ nhiều hơn.

Tuy nhiên, hết kỳ nghỉ lễ, những người lúc về ôm mong muốn báo hiếu bố mẹ bao nhiêu thì lúc trở lại thành phố lại than vãn nhiều bấy nhiêu, tất cả đều cho rằng việc giao tiếp với bố mẹ thực sự chẳng dễ dàng gì. Thậm chí, có mấy người bạn của tôi còn cãi nhau to với bố mẹ. Rõ ràng lúc đầu trở về là vì muốn bố mẹ vui, kết quả không ngờ lại khiến bố mẹ thêm bận lòng, bản thân mình cũng khó chịu.

Tôi phát hiện ra một sự thật, khi chúng ta trưởng thành, mối quan hệ với bố mẹ cũng trở nên xa cách hơn. Chúng ta không biết bố mẹ lúc này thích gì, chúng ta không quen được những thói quen sinh hoạt cũ kỹ của bố mẹ và càng chẳng biết làm sao để họ thay đổi. Và cũng có những người, buồn vì không được bố mẹ thấu hiểu, bao dung, đón nhận, không biết phải yêu bố mẹ như thế nào, ngược lại, chỉ biết làm cho mối quan hệ căng thẳng hơn.

Rốt cuộc, vì sao mọi người lại cảm thây không hợp với bố mẹ?

A: Mẹ tôi già rồi cứ thích ăn đồ ăn còn thừa, nói thế nào cũng không chịu bỏ

Mẹ tôi rất tiết kiệm, lúc nào cũng thích cất đồ ăn còn thừa lại trong tủ lạnh, bữa sau tiếp tục ăn. Tôi được nghỉ về nhà thấy thế thì bực lắm. Tôi đã nói với mẹ nhiều lần rằng: "Làm như vậy không tốt cho sức khỏe, mẹ chỉ cần mỗi bữa nấu ít đi một chút là được mà".

Mẹ tôi lại nói: "Sao mà đong đếm chính xác được con? Kiểu gì cũng bị thừa, đổ đi lãng phí lắm. Để trong tủ lạnh cũng có hỏng được đâu. Con không ăn thì để mẹ ăn một mình".

Tôi tức giận, rõ ràng tôi muốn tốt cho mẹ, mẹ lại không nghe tôi. Tôi mang cả khoa học ra nói, mẹ vẫn không chịu bỏ vào tai. Lần nào mẹ cũng lấy cớ: "Bà ngoại con cũng thích ăn đồ thừa, bà vẫn sống đến 90 tuổi đấy thôi".

Chỉ vì mỗi thế mà hai mẹ con tôi lúc nào cũng căng thẳng...



B: Bố mẹ tôi chỉ chăm chăm để ý tôi, không quan tâm gì khác

Tôi là con một nên dường như mọi sự quan tâm để ý bố mẹ đều dành trọn cho tôi. Hiện tại, hai người đã về hưu, cả ngày rảnh rỗi không có gì làm, cũng chẳng đi tham gia mấy hoạt động của hội người cao tuổi, chỉ chăm chăm để ý nhất cử nhất động của tôi, khiến tôi rất áp lực.

Ngày nghỉ về nhà, buổi nào cũng như buổi nào, tôi đều phải nghe lời giục giã bắt lấy vợ. Bố mẹ nói tôi 30 tuổi rồi, không lấy vợ khéo ế suốt đời. Tôi khuyên bố mẹ rằng tôi tự biết phải làm thế nào, bố mẹ chỉ cần chăm sóc chính mình cho tốt là được nhưng bố mẹ nào đâu chấp nhận.

Lời qua tiếng lại là thành cãi nhau to, cuối cùng không chịu được, tôi còn bỏ lên thành phố trước trong khi kỳ nghỉ vẫn còn dài.

Tôi biết bố mẹ yêu tôi nhưng có những tình yêu thực sự khiến con người ta ngạt thở. Có đôi khi, tôi thật sự hy vọng bố mẹ tôi có thể ích kỷ một chút, đừng sống chỉ vì tôi...

C: Tôi đưa bố mẹ đi du lịch, kết quả bố mẹ luôn miệng chê hết cái này đến cái kia đắt

Nghĩ đến việc bố mẹ tôi cả đời chỉ quanh quẩn ở quê, tôi xót lắm nên tranh thủ kỳ nghỉ lễ năm nay, tôi đã đưa bố mẹ đi du lịch. Dự định ban đầu là đi 1 tuần nhưng chỉ mới được 2 ngày, tôi đã tức đến muốn khóc.

Bố mẹ tôi sợ tôi tiêu tiền linh tinh nên cả ngày chỉ ở trong khách sạn, ra ngoài ăn cơm chê đắt, đi tham quan cũng chê đắt, không dám chơi cái gì, không dám mua cái gì. Thực ra bố mẹ tôi không thiếu tiền, tôi cũng thế, nhưng quan trọng là bố mẹ tôi không nỡ tiêu.

Bất kể đi đâu, bố mẹ tôi cũng sẽ hỏi một loạt vấn đề: "Có đắt không con? Có mất tiền không con?". Chỉ cần biết là mất tiền, bố mẹ tôi sẽ không đi nữa, khiến kế hoạch ban đầu của tôi tan tành mây khói. Tôi tức phát khóc thật luôn, vậy mà bố mẹ còn mắng tôi hoang phí.

Các bạn có thấy bóng dáng mình trong những câu chuyện nho nhỏ trên không? Chẳng trách người ta cứ nói, lớn lên chính là quá trình chúng ta càng bước càng xa bố mẹ. Sau khi lớn lên, sự trao đổi giữa chúng ta và bố mẹ càng ngày càng ít đi. Bố mẹ không hiểu thế giới mới của chúng ta, chúng ta lại không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu những buồn vui giận hờn của bố mẹ.

Chúng ta luôn nói mình bận, bố mẹ chẳng dám làm phiền. Chúng ta càng ngày càng mạnh bạo, bố mẹ thì càng ngày càng dè dặt. Dần dần, bố mẹ trở thành "những đứa trẻ" hiểu chuyện nhất. Không làm phiền con cái trở thành sự dịu dàng xót xa nhất bố mẹ dành cho chúng ta.

Nhiều khi, không phải chúng ta không yêu bố mẹ mình, ngược lại, là vì quá yêu nên mới bị rối loạn. Những người bạn tôi kể ở trên đều rất yêu thương và hiếu thuận với bố mẹ đấy chứ, nhưng tránh sao được những bất đồng quan điểm, những cãi vã khi mà họ chẳng biết dùng cách nào đúng đắn nhất để quan tâm bố mẹ.

Vì sao ư? Chủ yếu là vì một khái niệm có liên quan đến tâm lý: Phụng dưỡng. 

Cái gọi là phụng dưỡng chính là sau khi con cái lớn lên cần quay ngược lại chăm sóc, bảo vệ bố mẹ. Trong quá trình này, rất dễ xuất hiện vấn đề những đứa con chỉ chăm chăm dùng cách mình cho là đúng để quan tâm bố mẹ, giống như ngày xưa, bố mẹ cũng áp đặt giá trị quan của mình lên con cái.

Thế nhưng, bố mẹ cũng sẽ thay đổi vì chúng ta và chúng ta cũng chẳng ngại bỏ bớt đi cái tôi để chiều theo bố mẹ đúng không? Chỉ vậy thôi, mối quan hệ giữa chúng ta và bố mẹ sẽ bớt đi phần căng thẳng và thêm phần gắn bó.

Ngày bé, chúng ta lúc nào cũng nghe theo lời bố mẹ . Nhưng rồi chẳng biết từ lúc nào, bố mẹ lại là người thuận theo những gì chúng ta nói. Lý do cho điều này thực ra chỉ vì họ sợ mất đi sự ỷ lại của chúng ta, thành ra quay qua ỷ lại chính con cái mình. Bố mẹ dùng tình yêu và sự kiên nhẫn nuôi chúng ta lớn lên, với hy vọng tới một ngày, chúng ta cũng có thể dành tình yêu và sự kiên nhẫn tương tự đối đãi với họ một mai họ già đi.

Đừng vì sự vô tâm của mình trở thành trở ngại khiến bố mẹ ngày càng dè dặt trước mặt chúng ta. Khoảng cách như có như không giữa bố mẹ và con cái, chúng ta rất dễ vượt qua nhưng với bố mẹ, có lẽ nó đòi hỏi sức lực không thể tưởng tượng nổi đâu.

Yingie - Design: Huyền Trang

https://baodansinh.vn/vi-sao-chung-ta-cang-lon-lai-cang-tro-nen-xa-cach-voi-bo-me-22020190134850.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét