Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Đề án cải tiến trang phục CSGT: vẽ ra để tiêu tiền?

Tôi rất sợ các phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến ở tất cả các cơ quan nhà nước. Đám quan chức văn phòng chuyên ngồi máy lạnh này để chứng minh là đang làm việc thì phải có sáng kiến, cải tiến. Thế là khổ các cơ sở phải thực hiện, trong khi đây đều là những sáng kiến, cải tiến vô bổ, thậm chí phản khoa học, phản lô gíc. Công an bây giờ là lực lượng mạnh nhất nên muốn gì chả được. Vượng và Phúc dù được cụ Tổng ủng hộ mà không được em Lam ủng hộ thì sau đại hội XIII chắc chắn về đuổi gà cho vợ.
Đề án cải tiến trang phục CSGT: vẽ ra để tiêu tiền?
Diễm Thi, RFA 2020-09-23 - Ông Long cho hay, trong nhận xét, đánh giá cán bộ cuối năm có mục sáng kiến, cải tiến cho nên họ phải thi đua nhau có sáng kiến, có cải tiến. Từ những cải tiến đó mới đẻ ra dự án, mới có cớ để xin ngân sách Nhà nước. Vấn đề là không có cơ chế nào giám sát việc chi tiêu này. Họ làm mọi cách để tiêu tiền quốc gia một cách hợp lý. Luật trong tay họ.
Một nữ CSGT ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2013.
Thông tin Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) được giao xây dựng đề án nghiên cứu, đổi mới trang phục của lực lượng cảnh sát giao thông cho năm tới, được đăng trên báo chí Nhà nước thu hút khá nhiều chú ý của công luận. Một số ý kiến cho rằng “Không mầu nào bằng mầu thân thiện cả!” hay “Văn minh lịch sự ở thái độ, không ở màu sắc.”

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, Điều tra Giải quyết Tai nạn (Cục CSGT) trao đổi với báo chí hôm 22/9 thì trang phục của lực lượng này đang được nghiên cứu đổi mới gồm quần áo dài tay, ngắn tay, thu đông, xuân hè, áo mưa, giầy dép, ủng, các loại mũ, găng tay... Màu sắc trang phục không thay đổi nhưng kiểu dáng, kích cỡ và chất liệu sẽ cải tiến để phù hợp với địa hình, thời tiết các vùng miền.

Trung tá Quân đội, bác sĩ Đinh Đức Long nêu nhận định của ông:

“Chuyện thay đổi trang phục thì quân đội hay công an gì cũng thế. Nghe ra thì có vẻ hợp lý như phù hợp với thời tiết, phù hợp với địa phương, vùng miền... Nhưng nó chưa thuyết phục lắm. Cảm giác của tôi là người ta vẽ ra để có dự án thì mới tiêu được tiền.

Kinh nghiệm tôi là bộ đội ngày xưa. Có lần tôi đi khám cho một đơn vị sản xuất quân trang cho quân đội, tôi khen họ sản xuất quân trang rất tốt. Giày tôi đươc cấp mỗi năm một lần mà tôi đi 5 năm chưa hỏng. Họ trả lời rằng, anh nói ở đây thôi chứ anh nói chỗ khác thì em chết đói vì không có đơn đặt hàng đấy. Đấy là sự thật!”

Ông Long cho hay, trong nhận xét, đánh giá cán bộ cuối năm có mục sáng kiến, cải tiến cho nên họ phải thi đua nhau có sáng kiến, có cải tiến. Từ những cải tiến đó mới đẻ ra dự án, mới có cớ để xin ngân sách Nhà nước. Vấn đề là không có cơ chế nào giám sát việc chi tiêu này. Họ làm mọi cách để tiêu tiền quốc gia một cách hợp lý. Luật trong tay họ.

Lực lượng CSGT đã trải qua bốn lần thay đổi trang phục. Từ năm 1946 đến năm 1962, lực lượng công an sử dụng trang phục chung. Năm 1962, lực lượng CSGT bắt đầu có trang phục riêng. Năm 1988, quần áo của toàn ngành công an được thay đổi lần hai. Năm 1998, trang phục của toàn ngành công an thay đổi lần ba và được sử dụng đến năm 2016. Từ ngày 6 tháng 6 năm 2016, trang phục của toàn ngành công an thay đổi lần thứ tư.

Chỉ bốn năm sau, lực lượng CSGT lại có ý định thay đổi trang phục. Theo đánh giá của PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì số tiền bỏ ra rất lớn trong khi ngân sách thì đang eo hẹp. Số tiền này là bí mật chứ không bao giờ được công khai. Ông nêu quan điểm của mình:

“Quân đội và công an rất đông nên số tiền từ ngân sách nhà nước hàng năm rất lớn. Hình thức không quyết định năng lực. Hơn nữa trong bối cảnh hiện nay thì tất nhiên họ phải tìm lý do này lý do khác để họ thay thôi. Thực tế thì trong tình hình nguồn lực có hạn mà lại cứ đòi thay đổi đồng phục cho CSGT thì tốn kém nhiều đấy chứ không ít đâu.

Khi báo chí đưa lên thành vấn đề thời sự thì có thể các cơ quan chức năng và Quốc hội sẽ giám sát, chất vấn chứ không phải cứ đề xuất là được.”

Một CSGT ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2013.
Một CSGT ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2013. Reuters

Cho đến nay, không có con số chính thức về số lượng công an hay số lượng cảnh sát giao thông trên cả nước được công bố một cách công khai.

Tuy nhiên, vào ngày 2 tháng tư năm 2017, Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên về các vấn đề Việt Nam và Á Châu tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, phổ biến trên blog một tài liệu ước lượng con số công an ở Việt Nam, từ công an có thẻ ngành đến những lực lượng bán quân sự trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công An năm 2013 là khoảng 6,7 triệu người. Trong đó có 1,2 triệu công an viên. Ông Thayer cho hay con số này được lấy từ bài viết của một viên chức an ninh Liên Bang Úc tên Laurie Gray viết trên tạp chí Cảnh Sát Liên Bang Úc.

Với đề án cải tiến trang phục cho cảnh sát giao thông đang được Cục Cảnh sát giao thông xây dựng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề cập đến sự tốn kém không cần thiết:

“Tôi nghĩ với số lượng cảnh sát khổng lồ của Việt Nam là một gánh nặng rất lớn cho ngân sách. Có nghĩa là người dân phải bỏ tiền ra nuôi họ thì họ phải chi tiêu nó vừa phải thôi, từ quần áo cho đến vũ khí.

Đáng tiếc là trong một nhà nước cảnh sát, nó càng đông quân nó càng chi được nhiều tiền thì cái oai, cái uy, cái quyền lực của nó càng lớn. Nếu không có luật pháp nghiêm minh và có sự giám sát chặt chẽ của xã hội thì tiền chi tiêu bừa bãi như vậy, nhất là chi tiêu vào vũ khí mà không ai biết giá như thế nào, được tiêu một cách vô tội vạ.”

Là một công nhân, cô Trần Thị Tuyết từ Tây Ninh, nêu ý kiến của mình về việc thay đổi trang phục cho CSGT:

“Quan trọng là năng lực nghề nghiệp của họ chứ không phải bộ đồng phục. Bộ đồng phục chỉ bận vô để dễ ăn hối lộ của người dân thôi. Tôi là người dân, tôi không đồng ý chi tiền thay đổi đồng phục cho công an. Thay vì chi như vậy thì dùng tiền đó để giúp dân nghèo khốn khổ hay hơn. Bộ đồng phục lâu nay vẫn được, không cần thay đổi tốn tiền. Họ bày ra để họ ăn phần trăm. Mà tiền đó của dân chứ đâu phải của họ tự bỏ ra.”

Ngoài việc thay đổi trang phục bị cho là tốn kém ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của dân, lực lượng CSGT vừa qua còn được trang bị vũ khí sát thương để làm nhiệm vụ. Theo đó, kể từ ngày 5 tháng 8 năm 2020, CSGT được trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ bao gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, dùi cui điện, áo giáp và còng số 8.

Theo thông tư số 65/2012 của Bộ Công An thì Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi địa bàn tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ…

Dư luận cho rằng, với nhiệm vụ này thì CSGT không cần được trang bị vũ khí sát thương như vậy.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-necessary-to-improve-current-traffic-police-attire-dt-09232020132304.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét