Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

Nói xấu bí thư nên cần phải xử lý hình sự để răn đe…

Nói xấu đồng chí bí thư nên cần phải xử lý hình sự để răn đe…
fb Hoài Nguyễn - Hiện nay là thời gian nước rút của các đại hội đảng cấp cơ sở. Trong chuyện đấu đá nội bộ, thì đây cũng là mùa của các đơn thư tố cáo lẫn nhau. Hầu hết người tố cáo đều ẩn danh. Liệu lỡ trong trường hợp nào đó mà người tố cáo nặc danh bị lộ danh tính, thì họ có thể bị đi tù vì tội vu khống lãnh đạo?
Ảnh minh họa: Vnmedia
Một trường hợp vừa xảy ra: theo bản tin trên báo Tuổi Trẻ vào cuối giờ chiều ngày 17-9, trước thềm đại hội Đảng các cấp, nhiều lãnh đạo các xã, thị trấn ở huyện Tam Đảo, lãnh đạo các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc và trung ương nhận được nhiều đơn thư nặc danh tố cáo nhiều hành vi vi phạm của lãnh đạo huyện Tam Đảo.

Nhận thấy các nội dung tố cáo trên có dấu hiệu vu khống, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã xác lập chuyên án điều tra, làm rõ thông tin trên, và đến ngày 15-9 đã làm rõ ông Nguyễn Mạnh Toàn chính là người thực hiện hành vi viết đơn thư nặc danh, vu khống nhằm hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo huyện Tam Đảo.

Khi bị khởi tố, ông Nguyễn Mạnh Toàn là đương kim phó Ban tuyên giáo Huyện ủy Tam Đảo. Nói theo cách dân dã, vì ông Toàn đã sống lâu trong chăn, nên hiểu chăn có những con rận ra sao, con nào là rận chúa.

“Điều 19. Đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng về hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm:

Khi nhận được đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì người xử lý đơn báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự.

Điều 20. Giữ bí mật và bảo vệ người tố cáo.

Người xử lý đơn tố cáo phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị người có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo khi có yêu cầu”.

Hai điều nêu trên được trích từ Thông tư 07/2014/TT-TTCP, quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành.

Luật Tố cáo năm 2018 (hiệu lực thi hành từ 1-1-2019), không có phần định nghĩa về “tố cáo nặc danh”, nhưng có thể hiểu là đơn tố cáo không có thông tin, địa chỉ của người tố cáo.

Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo, người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo, hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật Tố cáo 2018 thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo 2018 trường hợp thông tin tố cáo trên có nội dung rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về người có hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Không ít người tố cáo, đặc biệt là tố cáo hành vi tham nhũng, tố cáo các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức thường lựa chọn tố cáo nặc danh vì họ sợ bị trả thù, trù dập… nên đây là một quy định rất tiến bộ và được đông đảo người dân ủng hộ – đặc biệt trong bối cảnh Đảng đang cần lành mạnh hóa đội ngũ, thì việc nhận các đơn thư tố cáo nặc danh, cần thiết sự cẩn trọng thụ lý, tránh áp đặt kiểu mặc định “nói xấu đồng chí bí thư nên cần phải xử lý”…

Hoài Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét