Bổ nhiệm quan chức: Việt Nam nay “hóa ra còn kém xa thời phong kiến”
Quốc Phương, BBC News Tiếng Việt, London, 25 tháng 9 2020
Chính sách và cách thức bầu chọn, bổ nhiệm lãnh đạo ở Việt Nam như qua việc chính quyền Hà Nội bầu một ứng viên duy nhất, ông Chu Ngọc Anh, làm tân Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thay ông Nguyễn Đức Chung bị bãi nhiệm, xem ra còn "thua kém xa" so với thời phong kiến, ý kiến từ giới quan sát nói với BBC News Tiếng Việt.Bình luận từ giới quan sát thời sự về cách thức, chính sách bầu chọn cán bộ lãnh đạo của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam qua sự kiện Hà Nội vừa bầu và bổ nhiệm tân Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh thay thế ông Nguyễn Đức Chung bị bãi nhiệm.
Hôm 24/9/2020, tại một cuộc hội luận thứ Năm với chủ đề 'Hà Nội có tân Chủ tịch: thách thức và cơ hội", Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu từ Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói với BBC:
"Thông qua với việc chọn lựa, bầu, rồi giới thiệu kiểu bầu như thế này mới thấy rằng nhà nước Việt Nam hiện nay còn thua xa so với triều đại phong kiến trong việc quy hoạch và đào tạo nhân tài. Thậm chí thua nhiều lắm.
"Chúng ta biết rằng ngày xưa, những người đứng đầu một thành phố Kinh đô gọi là chức An phủ sứ. Ông An phủ sứ này được chọn từ đâu? Ông ta được chọn từ trong số 18 ông quan đầu tỉnh, tức là đứng đầu 18 lộ của thời Trần.
"Trong 18 vị đó, chọn ra một vị giỏi nhất. Mà ai chọn? Đích thân nhà Vua chọn. Chọn về rồi, không được cử ngay lập tức làm chức An phủ ở Kinh đô, mà người ta gọi là Đại An phủ sứ. Ông Đại An phủ sứ này khi về kinh đô, phải cho một thời gian làm chức vụ gọi là Thẩm hình Viện sự.
"Vị Thẩm hình Viện sự này trông coi việc hình án ở Kinh đô một thời gian, nếu thấy đạt được yêu cầu, bấy giờ nhà Vua mới cử làm Đại An phủ sứ, tức là như chức Chủ tịch Thành phố Hà Nội bây giờ, chứ không phải là chuyện đơn giản.
"Và ngày xưa, đích thân Vua Trần Thái Tông chọn trong 18 người đầu tỉnh của các tỉnh, lúc đó gọi là lộ, để chọn ra. Từ lúc Vua bắt đầu chọn cho đến lúc Vua chọn được là mất tám năm."
Một đầm sen ở Hà Nội
'Dụng nhân như dụng mộc'?
Trở lại với việc bổ nhiệm các vị Chủ tịch Hà Nội hiện nay và thời gian gần đây, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện bình luận:
"Ở đây, từ ông phụ trách vấn đề khoa sản, là bác sỹ sản khoa như là ông Nguyễn Quốc Triệu, cho đến ông Kiến trúc sư như là ông Nguyễn Thế Thảo, cho đến ông công an như là ông Nguyễn Đức Chung và đến bây giờ là một ông Tiến sỹ về khoa học tự nhiên (vật lý), cho thấy nó không tạo ra và thể hiện một tầm nhìn, hay một sự quy hoạch, hoặc một sự chọn lựa cây gỗ nào vào vị trí nào.
"'Dụng nhân như dụng mộc', các cụ thời xưa từng nói như vậy. Việc 'dùng người' đối với chức Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội này, mà trung ương, Ban Tổ chức Trung ương quyết định chọn ra mà, phải đợi Bộ Chính trị quyết, cho thấy Bộ Chính trị rất lúng túng trong việc này và không hình thành rõ đường hướng nhất định.
'Nhà nước ta thua thời phong kiến về lựa chọn nhân tài'
"Vì vậy việc chọn người vào chức Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội không có gì mạch lạc cả, cho nên nó trở thành một cái gọi là tư duy nhiệm kỳ. Đó là thứ tư duy nảy sinh ra từ tư duy chọn lựa người vào vị trí chủ tịch thành phố Hà Nội của Trung ương đảng, của Bộ Chính trị và của Ban Tổ chức trung ương.
"Và ông Chu Ngọc Anh trở thành Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thì ông sẽ làm bao nhiêu năm? Nếu muốn biến thành phố Hà Nội này trở thành một trung tâm về khoa học và công nghệ, thì người làm chủ tịch phải có ít nhất là 10 năm mới có thể làm được, còn nếu chỉ hai năm mà sau đó lại đưa đi chỗ khác thì sẽ rất là khó.
"Chúng ta biết rằng để có một thành phố Đà Nẵng như bây giờ, ông cố Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã phải có một quá trình rất là dài," Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện nói với BBC.
Nên học từ thi hoa hậu?
Nhân dịp này, một số nhà quan sát thời sự khác cũng chia sẻ thêm với BBC News Tiếng Việt về điều mà họ cho rằng chính quyền và đảng cộng sản Việt Nam cần rút kinh nghiệm ngay về công tác cán bộ, nhân sự trong cả nước, để tránh có các sai sót, hay 'lỗ hổng' về chọn sai, nhầm người, trong đó có nhân sự lãnh đạo các đô thị lớn quan trọng như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt trong bối cảnh đang chuẩn bị cho Đại hội đảng 13 của đảng cộng sản cầm quyền.
"Lỗ hổng về chọn sai, nhầm nhân sự lãnh đạo theo tôi đương nhiên là có, thậm chí có rất nhiều từ trung ương tới địa phương," nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online từ Warsaw, Ba Lan nêu quan điểm.
"Tôi nói đơn giản, như tổ chức một cuộc thi hoa hậu chẳng hạn - cái mà Việt Nam làm rất nhiều trong những năm qua - người ta phải tìm ứng viên trong mọi lĩnh vực, mọi miền của đất nước.
"Đây lại chỉ loanh quanh trong đảng, mà là đảng duy nhất, vậy đương nhiên là nhiều người tài giỏi đâu có cơ hội. Những người làng nhàng (nếu không muốn nói là yếu kém) nhưng giỏi chui luồn, lắm mưu mô sẽ leo cao, leo sâu. Vậy thì làm gì có cạnh tranh về nhân sự, làm sao chọn được người tài.
"Còn về vấn đề chịu trách nhiệm do đề bạt sai, giới thiệu sai, bổ nhiệm sai, tôi thấy rằng nói về trách nhiệm thì Việt Nam là trách nhiệm tập thể. Người ta chỉ có thể quy cho cá nhân nào đó khi mất mát, thất thoát một số tiền. Chứ việc bổ nhiệm nhân sự kém cỏi, tôi chưa thấy có ai bị trách nhiệm gì cả."
Cuộc sống ở Việt Nam đang trở lại bình thường, ảnh ngày 9/6, tỉnh Bắc Giang
Từ Hà Nội, nhà báo Hải Đăng (tức Quốc Việt) đưa ra ý kiến:
"Tôi thấy rằng cơ chế bồi dưỡng và bổ nhiệm lãnh đạo ở địa phương như hiện tại mà không qua bầu cử phổ thông trực tiếp mà chỉ diễn ra trong một nhóm nhỏ Đảng ủy với nhau, rồi không để người dân địa phương được quyền tự chọn ra lãnh đạo đại diện cho mình… là rất có vấn đề.
"Nó bộc lộ nhiều lỗ hổng và sai phạm là tất yếu. Lỗi ở đây là lỗi hệ thống, muốn khắc phục chỉ có cách cải cách nền tảng bầu cử, quy trình lập pháp và thậm chí cả hệ thống chính trị.
"Đối với đảng và nhà nước mà trong bối cảnh đang chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13, liên quan công tác quy hoạch, tuyển chọn cán bộ, nhân sự quản lý, lãnh đạo các cấp của chính quyền, nhà nước và đảng cầm quyền, tôi thấy rằng chắc chắn toàn bộ công việc trên phải thay đổi, phải chú trọng tài năng hơn là "phẩm chất, đạo đức chính trị", thậm chí có thể để người ngoài đảng tự ứng cử.
"Nhưng tôi e rằng điều này chắc chắn là chưa thể xảy ra do sức ỳ còn quá lớn."
Đại hội 13 có hy vọng gì không?
Cũng từ Hà Nội, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà quan sát thời sự và xã hội dân sự Việt Nam, đưa ra bình luận:
"Về vấn đề tuyển chọn, quy hoạch, bổ nhiệm nhân sự này, tôi thấy rằng đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận và thực hành lãnh đạo toàn diện, ghi cả điều đó vào trong Hiến Pháp, thế nên đảng phải chịu trách nhiệm nếu có các sai sót trong công tác nhân sự quan trọng, nhất là cấp trung, cao trong các bộ máy của đảng và chính quyền từ trung ương tới địa phương.
"Nhưng đảng luôn nói là lãnh đạo tập thể, thế nên khi có lỗi thì chỉ có một số cá nhân bị đem ra xử lý theo kiểu 'thí tốt'. Còn sai lầm tổng thể về mặt đường lối thì không ai chịu trách nhiệm, không ai phải trả giá. Nhân dân ai nếu có ý kiến thì có thể bị vu cho là phản động, là thế lực thù địch phá hoại sự bình yên của đất nước. Thậm chí nhiều trường hợp bị bắt giam vì những cái cớ do họ, tức là chính quyền, dựng lên.
"Thành ra sắp tới có đại hội 13 của đảng Cộng sản sắp tổ chức đấy, nhưng tôi không có hy vọng gì lớn vào sự thay đổi của đảng cầm quyền. Chỉ khi nào những sức ép kinh tế, chính trị đủ lớn để người dân thay đổi thái độ thì những người cầm quyền may ra mới buông bỏ quyền lực tự nắm giữ của họ.
"Và tôi cho rằng mọi sự thay đổi nếu có trong đại hội 13 này chỉ là chiêu trò chính trị nhằm thoát khỏi bế tắc về đường lối một cách tạm thời mà thôi," Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói với BBC từ Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54297251
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét