Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Điều trị ung thư ở Pháp

Điều trị ung thư ở Pháp
MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris - Pháp) - Đây là bài được viết trong cơn đau xé của cuộc đại phẫu của chị, trong một cơ thể lả đi vì những trận hóa trị kinh hồn, của những đợt xạ trị bỏng rát, và của nỗi buồn lặng khi nhìn mái tóc mình ngày càng vơi đi và biến mất… Đây không phải là cuốn sách kể khổ của một bệnh nhân ung thư, mà là tất cả những kinh nghiệm đã trải qua muốn truyền lại cho những người cùng cảnh ngộ với mình. Và đó chính là ân tình của chị với cuộc đời này.
Chế độ và hệ thống điều trị
Ở Pháp có hai hạng: điều trị tư, tốn nhiều tiền hơn, và điều trị công, tốn ít tiền hơn, tất nhiên dịch vụ cũng có khác nhau. Chúng tôi thường chọn điều trị công. Trong lãnh vực tư, người bệnh là “khách hàng”, trong lãnh vực công thì người bệnh là người bệnh, một sự phân biệt rõ ràng.

Các bác sĩ trong lãnh vực tư có quyền tính thêm “phụ trội thù lao”, ngoài những phí tổn mà hảo hiểm xã hội cộng với bảo hiểm tương trợ đã chịu chi trả cho một lần khám bệnh hay một công việc nào khác.

Nếu ai trông chờ vào sự cảm thông của những bác sĩ chữa ung thư trong tư cách là khách hàng hoặc người bệnh, từ người giải phẫu đến bác sĩ ung bướu, thì đừng thất vọng, vì điều đó có thể có, nhưng rất hiếm hoi, họ không có thì giờ, và người nào cũng chỉ là một khách hàng/bệnh nhân như cả trăm ngàn khách hàng/bệnh nhân ung thư khác, những ca bệnh hoặc nặng hoặc nhẹ, mà họ phải chữa trị.

Được chữa trị đúng cách, không bị dùng làm thí nghiệm là đã phước đức lắm rồi, không mong gì hơn và cảm ơn rất trân trọng.

Trong hệ thống y tế công, những bệnh viện nhỏ dần dần bị đóng cửa, thành phố quy tụ trên 30.000 dân mới có được một bệnh viện đa phân khoa, thường là hai thành phố khoảng 30.000 dân có chung một trung tâm y tế.

Dân ở vùng quê, tỉnh nhỏ bị thiệt hại nhiều nhất, phải có phương tiện tiền và xe để đi ít nhất 40km đến bác sĩ chuyên khoa, đi 10 đến 25km để đến bác sĩ tổng quát, và quy định hiện hành là phải có toa của bác sĩ tổng quát chuyển đến bác sĩ chuyên khoa khiến mất thời gian điều trị. Những làng có trên 3.000 dân mới có một, hai bác sĩ tổng quát. Có lẽ thành phần bác sĩ vì nhiều lý do không thích ở nhà quê, tỉnh nhỏ. Rồi dân lại phải còn di chuyển đến những trung tâm chụp hình, lọc máu... riêng rẽ.

Ở Paris, phân khoa cấp cứu thì ế, năng suất chỉ đạt được khoảng 50%, theo nhật báo Le Parisien; ngược lại ở thành phố nhỏ thì quá tải, có bệnh nhân chết trong khi chờ đợi, thường thì thời gian chờ đợi kéo dài đến 7-8 tiếng đồng hồ, ít nhất là 5 tiếng. Bị AVC (đột quỵ) mà chờ cấp cứu thì mất hết thời gian vàng, vì có đến được bệnh viện thì cũng phải nằm chờ tới phiên được nhận!

Vì thế, dân chúng bị bắt buộc phải đi “du lịch sức khỏe” nội địa, chạy ngược chạy xuôi (những ai còn có chân cẳng và tiền bạc để chạy).

Những bệnh viện công có khả năng điều trị ung thư nối với nhau như mạng nhện cách nhau 40, 60, 80, 90km, nhưng không có phương tiện giao thông công cộng nối các bệnh viện với nhau, chỉ có thể đi bằng xe hơi. Tại đây, ít nhất là các phân khoa tim mạch - giải phẫu - ung bướu - quang tuyến phải được đảm bảo.

Mới đây, trong việc giải tỏa sự phong tỏa xã hội đợt I vì COVID-19 ngày 11-5-2020, chính phủ Pháp ấn định cho tự do di chuyển trong vòng bán kính 100km nơi mình cư trú vì đó là “espace vitale” (địa bàn sinh sống) tối thiểu của dân.

Người ta đặt câu hỏi, có hay không có kỳ thị những người bệnh không phải là gốc Pháp trong hệ thống y tế của Pháp? Kinh nghiệm của cá nhân tôi cho thấy ở những bệnh viện có bác sĩ, y tá là người gốc nước ngoài thì người bệnh gốc nước ngoài được tiếp đón chăm sóc ân cần hơn.

Người già nằm viện dưỡng lão thì có viện dưỡng lão lo.

Nước Pháp có một trung tâm ung thư tư nổi tiếng, đó là trung tâm Gustave Roussy nằm ở phía tây nam của Paris, Villejuif, nên thường được gọi tắt là Villejuif, thuộc hệ thống Unicancer hội tụ 18 trung tâm ung thư tư ở các thành phố lớn: Paris, Angers, Bordeaux, Lille, Lyon, Marseille, Montpellier, Reims, Caen, Clermont-Ferrand, Dijon, Nancy, Nantes, Rennes, Rouen, Saint Cloud, Strasbourg, Toulouse và 20 bệnh viện công, với 21.000 nhân viên y tế.


Truyền hóa chất điều trị ung thư Ảnh minh họa

Mỗi năm họ điều trị cho 675.000 bệnh nhân, thực hiện 1.130.000 cuộc hẹn khám bệnh, doanh thu 2,5 tỉ euro (năm 2018), và 30% trên tổng số bệnh nhân là ung thư vú, 20% là ung thư tử cung.

Trong kế hoạch phát triển tiềm năng của cái gọi là thị trường ung thư 2020-2027 của Unicancer thì có những điểm như việc phẫu thuật ung thư vú: 50% sẽ là công việc của một ngày rồi bệnh nhân ra về, xạ trị sẽ phát triển hơn chiếm 45% điều trị ung thư vú, việc hóa trị sẽ thành liều thuốc uống tại nhà, một công việc đang được thử nghiệm thí dụ như phác đồ thử nghiệm Create-X với chất thuốc Capecitabine (tên thương mại là Xeloda) để chữa ung thư đã bị di căn. Mỗi năm Unicancer mua vào 400 triệu euro các sản phẩm y khoa.

Nhiều bệnh nhân ung thư chỉ đến đấy điều trị, trung tâm Villejuif có cả một phần để cho du khách nước ngoài đến chữa bệnh, tập hợp tất cả các phân khoa nên việc định bệnh rất nhanh, không để mất thì giờ vàng ngọc làm tổn hại thêm sức khỏe bệnh nhân.

Theo thống kê năm 2018, trung tâm Villejuif có hơn 300 nhà khoa học nghiên cứu, 545 bác sĩ chuyên khoa, 1.200 điều dưỡng và tổng cộng hơn 3.100 nhân viên y tế phục vụ, số giường bệnh là 457 giường, tuy vậy vẫn thường quá tải. Gần đấy mọc lên mấy cái khách sạn ba sao, bốn sao để người thân hay người bệnh ở trọ. Bệnh nhân nội địa thường bị đưa ra những bệnh viện nhỏ lân cận, nằm dưới quyền kiểm soát của trung tâm, và muốn xin một cái hẹn phải có giấy giới thiệu của một bác sĩ và đã có hồ sơ bệnh án nhưng chưa được điều trị. Theo thông tin, ở đây, chỉ cần tối đa 2 tuần, không phải 2 tháng, là việc định bệnh đã xong, chuyển qua khâu điều trị. Phụ nữ giàu có ở các đảo của Pháp (Dom-Tom) thường bay từ đảo về đây điều trị, họ cũng sử dụng trung tâm ung thư Léon Bérard ở Lyon.

Muốn vào Paris chữa bệnh thì bạn phải có xe hơi xịn; xe diesel hạng 4, hạng 5 bị cấm chạy ở Paris và các vùng phụ cận. Nghèo thì chết, giàu thì sống. Những người chỉ đến Paris đi chơi, ăn ở và không ra khỏi Paris không hiểu được điều đó.

Trận dịch COVID-19 đang hoành hành trên nước Pháp, khi tôi viết những hàng này, là minh chứng cho sự yếu kém của tổ chức y tế Pháp hiện đại. Không đủ giường, không đủ thiết bị, không đủ người, không có khẩu trang y tế cho dân, không có cồn rửa tay..., phải phân lọc những người già trên 60 tuổi, không cứu chữa. Giới lãnh đạo không có tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược để bảo vệ dân chúng, nước đến chân mới nhảy. Nền kinh tế bị kiệt quệ, dân chúng không hiểu nổi sự lệ thuộc kinh tế của nước Pháp vào Trung Quốc, thí dụ như 80% thị trường cung cấp dược phẩm của Pháp phụ thuộc vào Trung Quốc, theo lời một dược sĩ.

Y tế vốn là một cột trụ của xã hội, không những trong mục đích bảo đảm sức khỏe cho dân chúng mà là rất cần thiết trong quốc phòng, mạng lưới y tế càng rộng thì an ninh quốc phòng càng bảo đảm...

Lấy hẹn và lấy hẹn và lấy hẹn…

Phương pháp hóa trị trước rồi mổ sau được xem là phương án “tối ưu” để làm cho ung thư nhỏ lại, tránh di căn. Thường khi phát hiện ung thư, nhiều trường hợp đều ở giai đoạn 2 là may mắn, các tế bào ung thư còn ở trong trạng thái cục bộ chưa lây lan qua các bộ phận khác.

Nhưng nếu chậm đi một hai tháng, trong khoảng thời gian định bệnh bị chậm trễ, có thể tế bào ung thư đã chuyển sang giai đoạn 3, tức là đã bắt đầu tấn công các tuyến khác thì phải làm sao để yêu cầu bác sĩ hóa trị cấp tốc, tránh chuyển sang giai đoạn 4, tức là lây lan sang nội tạng và xương thì hết phương cứu chữa.

Điều này cắt nghĩa tình trạng tử vong do di căn ung thư vú vì chậm trễ điều trị tại Pháp lên đến khoảng 20%, số còn lại 80% sống sót được trên 5 năm nữa. Người bệnh được hóa trị là coi như được “ban ơn” sống thêm vài năm nữa.

Bảy tám lần khám bệnh là bảy tám lần phải lấy hẹn, câu chuyện ung thư được bắt đầu bằng bà thư ký bác sĩ hay thư ký bệnh viện! Hên xui may rủi mà bà thư ký làm ơn làm phước ban cho một cái hẹn gần, đôi ba ngày cho đến một tuần, bằng không thì hẹn xa, hai tuần, ba tuần hay thậm chí sáu tuần. Quyền lực của chức vị thư ký chăng?

Có hẹn xa, vậy là phải chạy đi tìm bác sĩ khác, trung tâm khác, ở thành phố khác, mất nhiều thì giờ, đi xa, tốn kém lại thêm sốt ruột. Bản thân tôi từ khi phát bệnh, hoang mang lo sợ trong một thời gian dài có khi đến cả hai tháng hơn, làm đủ mọi yêu cầu, mọi thủ tục… thì bác sĩ đi nghỉ hè mấy tuần lễ liên tiếp nên lại phải chờ đợi.

Các nước Âu châu đều bộc lộ nhược điểm phòng thủ trong mùa hè, vì người ta đi làm suốt năm kể cả mùa đông lạnh giá đói nắng cho nên đến ba tháng hè thì thành phần tích cực của xã hội, bao gồm bác sĩ, nhân viên y tế, đều thay phiên kéo nhau đi nghỉ hè hết cả.


Tinh thần lạc quan yêu đời cũng có tác dụng không nhỏ trong thời gian điều trị ung thư

Có những bệnh viện tỉnh nhỏ phải gạt bệnh nhân vì quá tải, bệnh nhân gọi tới trong đầu tháng 7 mà bị gạt ra, bảo tháng 8 gọi lại để lấy hẹn vào tháng 10, hoặc bệnh nhân đến tận cơ sở urgence (cấp cứu) trình diện thì bị gạt ra hẹn 10 ngày nữa trở lại!

Thế giới đều biết nền y học của nước Pháp là ưu việt, nhưng chế độ sức khỏe của Pháp hiện nay là chế độ tập trung tất cả về Paris và các thành phố lớn. Không phải ai cũng có điều kiện để đi Paris chữa bệnh lâu dài. Việc ăn ở, di chuyển, săn sóc là cả một vấn đề, vì bảo hiểm không công nhận phí tổn.

Các cơ sở bệnh viện công, nhất là ở tỉnh nhỏ, thành phố nhỏ, kề cận với vùng nông thôn, ít tốn kém cho dân, cho quỹ bảo hiểm xã hội, thì không đủ nhân viên phục vụ y tế. Dân chúng có tiền đều tìm đến các bệnh viện tư, bác sĩ tư, thì tất cả phí tổn sẽ tăng nhiều hơn, tốn kém hơn. Người dân không dành dụm được một số tiền lớn phòng khi đau ốm đều phải trông chờ vào bệnh viện công. Tại những cơ sở y tế, bệnh viện thiếu nhân viên thì coi như là đóng cửa.

5.000km để định bệnh

Anh ấy vẫn lái xe, tôi nghiêng người nhìn anh, nói:

- Em giải phóng cho anh đó, đi lấy vợ khác đi...

Tôi không nói tiếp, tôi như người tàn phế vĩnh viễn rồi, cổ họng đã nghẹn lại.

Anh ấy vẫn lái xe, giơ ba ngón tay lên, liếc nhìn tôi, nhoẻn miệng cười:

- Không phải một, mà ba, bốn bà cơ, mới thay thế được em...

Anh ấy cười. Vững đến thế!

Tôi nhìn anh, không ngạc nhiên vì điều anh nói, anh đã nói với tôi mấy lần như thế, tôi cũng phải cười, nếu vậy thì chúng ta cùng ra trận, một trận chiến không cân sức, có mấy ai chống lại được định mệnh.

Bác sĩ trưởng khoa C. lại đi nghỉ mùa hè, trước khi đi ông cho tôi cái hẹn cách hai tuần sau, tức là đến giữa tháng 7.

Giờ đây, đến phiên chồng tôi sốt ruột, nếu đã qua tới giữa tháng 7 mà làm hết xét nghiệm này xét nghiệm khác, chưa được điều trị, đã hai tháng rưỡi nay chắc khối u ngày càng phát triển, ngay đến ông bác sĩ quang tuyến Ch. phải thúc giục, điều trị mau lên kẻo trễ, bị di căn!

Anh ấy nhìn đồng hồ xe, nói:

- Từ hôm thay máy xe đến hôm nay là anh đã chạy hết 5.000km để đưa em đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, mỗi lần đi và về coi như là gần 200km!

Anh ấy bèn gọi đến trung tâm ung thư Gustave Roussy và được một cái hẹn vào cuối tháng 7. Lại chờ đợi một cái hẹn.

Cái hẹn đầu tiên của tuần sau đó, là đã qua đầu tháng 7, là làm sinh thiết vú bên trái. Ôi, nói đến sinh thiết vú là tôi sợ xanh mặt, lần này thì can đảm hơn, đã biết bệnh tình của mình rồi, không còn đường nào khác.

Chồng tôi lại đưa tôi đến trung tâm siêu âm của thành phố Cr. Một bác sĩ quang tuyến không quen biết thực hiện công việc sinh thiết, ông chích thuốc tê rồi chọc kim lấy ba lần cả thảy. Tôi lặng người đi vừa sợ vừa đau. May quá, công việc này không lâu, chưa đến nỗi tôi ngất xỉu. Xong rồi lại còn phải tự mang mẫu sinh thiết ra bưu điện của thành phố để gửi đi Paris đến một phòng thí nghiệm chờ lấy kết quả mười ngày sau. Bên vú trái đau ê ẩm, thuốc tê đã tan rồi.

Ngày hôm sau, thứ bảy, tôi có hẹn sáng sớm ở một bệnh viện tại một thành phố khác Ch. để chụp scanner (chụp cắt lớp), cách xa nhà khoảng 90km.

Trời tháng 6 mờ mờ lúc 6 giờ rưỡi sáng, lành lạnh, chim chóc quanh nhà đã hót líu ríu vang lừng; chiều hôm qua, chim cúc cu thong thả gọi cúc cu, cúc cu báo hiệu trời sẽ mưa.

Bệnh viện tư này nằm lọt thỏm trong một cánh rừng thưa, bên cạnh một trường đua ngựa. Tháng 6 đầu hè, cây cối xanh một màu xanh non rất tươi, bãi đậu xe nằm dưới những tán lá xanh mát rượi. Tôi có cảm tưởng như bệnh viện chẳng có ai, rất vắng, thế mà khi người bệnh cần xin hẹn thì phải chờ hai, ba tuần, có khi tháng rưỡi, hai tháng. Cô thư ký của bác sĩ trưởng khoa C. lấy hẹn cho tôi, nên chỉ phải chờ có một tuần.

Tuần kế tiếp lại có hẹn làm scintigraphie (chụp xạ nhấp nháy) ở bệnh viện Cr. Cứ thế, tôi chờ cái hẹn này đến cái hẹn khác, xét nghiệm này đến xét nghiệm khác, chờ đợi mỏi mòn từ hành lang bệnh viện thành phố này đến hành lang bệnh viện thành phố khác…♦

LTS: Đây là bài viết của Mathilde Tuyết Trần, một cây bút quen thuộc của tạp chí Hồn Việt. Năm vừa qua, chị đã phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo: ung thư vú. Bài viết gần như tự sự của chị trong suốt quãng thời gian điều trị bệnh mà chúng tôi trích từ quyển sách chị vừa xuất bản tại Paris: Ung thư - Hành trình đến với cảm thông. Đọc bài viết của chị mới hiểu hết những ưu và nhược điểm của nền y tế của Pháp mà trước nay ai cũng nghĩ là ưu việt. Chị Tuyết Trần từ khi bắt đầu cảm thấy không ổn ở ngực từ đầu tháng 5-2019, nhưng phải 2 tháng sau, để có được kết quả chính xác về căn bệnh của mình, vợ chồng chị đã phải xuôi ngược trên đoạn đường 5.000km từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Và khi được điều trị gọi là tạm ổn sau 8 lần hóa trị và nhiều lần xạ trị, anh chị đã phải trải qua đoạn đường 22.000km...

Quyển sách chị viết trong cơn đau xé của cuộc đại phẫu, trong một cơ thể lả đi vì những trận hóa trị kinh hồn, của những đợt xạ trị bỏng rát, và của nỗi buồn lặng khi nhìn mái tóc mình ngày càng vơi đi và biến mất… Đây không phải là cuốn sách kể khổ của một bệnh nhân ung thư, mà là tất cả những kinh nghiệm đã trải qua muốn truyền lại cho những người cùng cảnh ngộ với mình. Và đó chính là ân tình của chị với cuộc đời này.

http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/6358-hv151-iu-tr-ung-th-php.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét