Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Sao phải thu phí tuyến đường do nhà nước đầu tư?

Sao phải đề xuất thu phí tuyến đường do nhà nước đầu tư?
RFA 2020-09-22 - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, và được ông cho biết ý kiến của mình: “Theo quan điểm cá nhân của tôi, chỉ có kiểu tư nhân đầu tư bỏ tiền ra, thì có quyền thu phí. Vì bản thân tiền ngân sách đưa ra đã là từ thuế và phí người dân đóng rồi. Người ta đóng tiền thuế để anh xây dựng hạ tầng cơ sở, mà bây giờ anh lại thu phí một lần nữa như BOT là bất hợp lý, căn cứ vào luật nào mà làm như vậy, không thể được. Không hiểu tại sao Bộ Giao thông lại đề ra kiến nghị này, căn cứ vào cơ sở nào, xuất phát từ đâu? Nếu như vậy là phí trùng phí, thuế chồng thuế... Tiền người dân đã đóng qua thuế và phí, thu vào ngân sách, đó là tiền của dân, của xã hội... mà bây giờ anh lại tiếp tục thu một lần nữa, như vậy là trùng lấp, không được.”

BOT An Sương - An Lạc, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Giao thông -Vận tải hôm 22/9 có văn bản chỉ đạo các cơ quan trực thuộc nghiên cứu việc thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư thông qua trạm thu phí trên đường, theo đề xuất của Bộ Tài chính trước đây.

Cụ thể, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ là cơ quan chủ trì nghiên cứu đề án này, căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành và nhu cầu thực tiễn để đánh giá đề xuất của Bộ Tài chính.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 22 tháng 9 năm 2020 liên quan đề xuất này, tài xế Nguyễn Minh Hùng, cũng là chủ một doanh nghiệp vận tải, người từng nhiều lần lên tiếng phản đối những trạm BOT bất hợp lý, cho biết ý kiến của mình:

“Nhà nước đầu tư mà thu phí thì phí chồng phí đâu có được, vốn xã hội mới thu được. Tiền nhà nước là tiền thuế của dân mà, sao lại thu phí nữa. Vốn xã hội đầu tư mới, phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển, thì thu phí tốt. Còn những đường nâng cấp mở rộng bằng tiền nhà nước, thì không thu được. Ngay cả tiền nhà nước đầu tư con đường mới mà thu phí cũng bất cập, tạo gánh nặng thuế phí cho dân.”
Nhà nước đâu có làm mà chỉ cải tạo, nâng cấp... mà nhà nước thu phí, trong khi đó doanh nghiệp vận tải hay cá nhân bọn tôi đã đóng phí hàng năm gọi là duy tu đường bộ rồi, mà bây giờ qua con đường đó vẫn phải đóng phí. -Anh Đức


Ngoài việc giao Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải nghiên cứu đề án thu phí này, Bộ Giao thông Vận tải còn chỉ đạo đặc biệt nghiên cứu phương án triển khai thực hiện một số dự án có yêu cầu cấp bách như: đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan và 6 dự án đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông...

Anh Đức, với tư cách là một người dân, một người kinh doanh cho thuê xe du lịch, cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình về việc này, hôm 22 tháng 9 năm 2020:

“Thật ra nếu cao tốc làm song hành với con đường cũ, thì chuyện họ thu là tất yếu, cái đó là đương nhiên, cả thế giới này đều làm như thế. Tuy nhiên, đối với những con đường hiện hữu từ xưa, thậm chí không phải do nhà nước làm, mà do những thời kỳ như người Pháp làm, người Mỹ làm... nó hiện hữu từ lâu nay gọi là quốc lộ, hương lộ, tỉnh lộ... nhà nước đâu có làm mà chỉ cải tạo, nâng cấp... mà nhà nước thu phí. Trong khi đó doanh nghiệp vận tải hay cá nhân bọn tôi đã đóng phí hàng năm gọi là duy tu đường bộ rồi, mà bây giờ qua con đường đó vẫn phải đóng phí.”

Anh Đức cho biết, không những thế, còn có những con đường cao tốc đầu tư mới, thu phí là đương nhiên, nhưng họ lại cố tình đặt những trạm thu phí không đúng vị trí, những người không đi cũng bị chặn lại để thu phí, rất vô lý... Bây giờ lại thu phí chồng phí, chỉ làm thêm gánh nặng cho người đóng thuế, cho người dân...

Theo khoản 15 Điều 4 Luật đầu tư công 2014, thì đầu tư công là hoạt động đầu tư của nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vốn đầu tư công quy định tại Luật này có thể là vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương... và nhiều loại vốn khác...

Vậy có thể hiểu các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư, là các dự án đầu tư công. Nếu nhà nước thu phí các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư thì các dự án đầu tư công khác có như thế hay không? Trong khi vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, thông thường được hiểu đa phần là từ tiền thuế của người dân.

Vậy lập trạm thu phí theo kiểu trạm thu phí BOT trên đường cao tốc do nhà nước đầu tư có hợp lý, có trái với quy định của nhà nước xưa nay về vấn đề này?

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 22 tháng 9 năm 2020 liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói:

“Tôi cho rằng cái này trái với nguyên tắc của BOT, vì BOT phải là đối tác công tư. Nếu mà tiền cũng của nhà nước, đất cũng của nhà nước, thì là đầu tư công, thì phải theo quy định của luật đầu tư công. Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước đã đưa ra nhiều loại phí như phí bảo trì đường bộ và nhiều loại phí khác nữa, có liên quan đến việc nhà nước lấy công quỹ, nhân sách ra để đầu tư. Do đó phải thu theo đồng tư công chứ không thể thu theo BOT là đầu tư đối tác công tư.”

xả trạm
Các tài xế và người dân phản đối khi trạm BOT Ninh Xuân mở thu phí ngày đầu tiên Courtesy of Thanh Niên -RFA edited

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu là đầu tư công thì phài thu qua thuế hoặc phí, như kiểu người tham gia giao thông nộp phí mỗi năm bao nhiêu tiền... tương tự như phí bảo trì đường bộ. Chứ không thể dựng trạm để thu theo kiểu BOT. Ông nói tiếp:

“Cách làm xưa nay vẫn thế, thông thường chi từ ngân sách nhà nhà nước và thu cho ngân sách nhà nước, thì nói chung chỉ sử dụng chủ yếu là công cụ thuế. Còn phí với lệ phí thì nó mang ý nghĩa khác. Bây giờ muốn thu thêm để bổ sung cho ngân sách, để đầu tư cho con đường mới, thì theo tôi có thể đánh thêm một loại thuế vào xăng dầu chẳng hạn, thì nó thể hiện tất cả mọi người tham gia. Cách thu cho ngân sách nhà nước thì có cách thu riêng. Tôi cho rằng tất cả những khái niệm cơ bản cần phải được xem xét rất là kỹ lưỡng, đặc biệt là những người có thẩm quyền quản lý.”

Giải thích về đề xuất thu phí này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải hôm 22/9 cho báo chí biết, việc này là thực hiện theo yêu cầu triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung khoản phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.

Tuy nhiên lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải không nói rõ liệu việc thu phí này có trùng lấp với quy định của Luật Đầu tư công hay không?

Để tìm hiểu thêm, Đài Á Châu Tự Do hôm 22 tháng 9 năm 2020 liên lạc Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, và được ông cho biết ý kiến của mình:

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, chỉ có kiểu tư nhân đầu tư bỏ tiền ra, thì có quyền thu phí. Vì bản thân tiền ngân sách đưa ra đã là từ thuế và phí người dân đóng rồi. Người ta đóng tiền thuế để anh xây dựng hạ tầng cơ sở, mà bây giờ anh lại thu phí một lần nữa như BOT là bất hợp lý, căn cứ vào luật nào mà làm như vậy, không thể được. Không hiểu tại sao Bộ Giao thông lại đề ra kiến nghị này, căn cứ vào cơ sở nào, xuất phát từ đâu? Nếu như vậy là phí trùng phí, thuế chồng thuế... Tiền người dân đã đóng qua thuế và phí, thu vào ngân sách, đó là tiền của dân, của xã hội... mà bây giờ anh lại tiếp tục thu một lần nữa, như vậy là trùng lấp, không được.”

Trạm Ninh Xuân ở Khánh Hòa và trạm Bờ Đậu ở tỉnh Thái Nguyên. Cả hai trạm đều rất bất cập, người dân, phóng viên và các chuyên giao thông đã chỉ ra những bất cập đó, nhưng Bộ Giao thông vẫn bảo lưu ý kiến và cho thu phí. -Nguyễn Minh Hùng

Dù chưa triển khai thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư, nhưng nhiều trạm thu phí đường bộ theo hình thức BOT (Build, operate, transfer: xây dựng, vận hành, chuyển giao) ở Việt Nam thời gian qua vấp phải những phản đối của người dân và tài xế. Những người phản đối cho rằng các trạm thu phí hoặc đặt sai vị trí, hoặc thu phí quá cao.

Chính quyền một số địa phương thậm chí đã huy động công an để giải tán các cuộc phản đối. Một số người phản đối đã bị bắt và kết án tù với cáo buộc gây rối trật tự công cộng.

Tài xế Nguyễn Minh Hùng, cho biết thêm về thực trạng các trạm thu phí BOT hiện nay:

“Mình thấy Bộ Giao thông không cầu thị lắng nghe, hiện còn 2 trạm BOT người dân đang phản đối là trạm Ninh Xuân ở Khánh Hòa và trạm Bờ Đậu ở tỉnh Thái Nguyên. Cả hai trạm đều rất bất cập, người dân, phóng viên và các chuyên giao thông đã chỉ ra những bất cập đó, nhưng Bộ Giao thông vẫn bảo lưu ý kiến và cho thu phí. Còn trạm Bờ Đậu họ vẫn chưa xử lý nhưng tạm dừng. Còn việc các anh em phản đối BOT từ trước đến nay cũng có mặt được và chưa được... vi dụ một số anh em phản đối ôn hòa nhưng vẫn vướng vòng lao lý. Còn về mặt được là từ khi người dân phản đối, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cho ra nghị quyết 437, không làm BOT trên đường hiện hữu, và đã dừng 14 dự án có thu phí trên đường hiện hữu, cũng như không mọc thêm trạm BOT nào mới trên đường hiện hữu.”

Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, tại Việt Nam hiện nay có 88 trạm thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức BOT. Bộ Giao thông – Vận tải quản lý 74 trạm, số còn lại do các Ủy ban Nhân dân các tỉnh quản lý. Tuy nhiên đã có nhiều phản đối trong cả nước hơn hai năm qua, các tài xế cho rằng các chủ đầu tư không xây dựng bao nhiêu, mà lại cố tình đặt trạm sai vị trí để thu nhiều tiền, ngoài ra số tiền phải trả khi qua các trạm cũng bị người dân phản đối cho là quá cao.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-the-proposal-to-collect-tolls-for-roads-invested-by-the-state-reasonable-09222020133627.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét