Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Giáo dục Campuchia có những bước tiến khổng lồ

Mình tán thành cách làm của Campuchia trong lĩnh vực giáo dục. Thế giới chắc không có nước nào như VN cứ thi là đỗ, kể cả khi bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu thế thì tổ chức thi làm gì cho lãng phí. Các nước chỉ cho một tỷ lệ nhỏ học sinh, sinh viên đỗ để nuôi họ học cao hơn, còn những người trượt thì đi làm. Xã hội rất cần người làm đủ mọi ngành nghề chứ đâu cần toàn những người ngồi máy lạnh tay chỉ trỏ, mồm đọc diễn văn viết sẵn như ở nước ta. Tôi đã qua làm việc với các Bộ, ngành và Ủy ban phát triển của Campuchia (do Thủ tướng Hun Sen đứng đầu) những năm 2000 và rất khâm phục quan chức của họ. Họ làm việc theo phong cách như phương Tây. Rất nhiều người học từ Mỹ, Anh và Singapore về nên giỏi tiếng Anh. Tôi tin là cứ với xu thế hiện nay, chắc chắn người Campuchia sẽ sớm vượt chúng ta. Lại nhớ Quốc trưởng Campuchia Norodom Xihanuc đã từng nói: ”Cứ 100 người Campuchia thì chỉ có 1 người khôn, 99 người còn lại đều ngu nhưng một người khôn đó được làm lãnh đạo của 99 người ngu. Trong khi đó Việt Nam cứ 100 người thì có tới 99 người khôn và chỉ có một người ngu, nhưng chính người ngu đó lại làm lãnh đạo của 99 người khôn”. Hiện trạng giáo dục ngày nay của hai nước đã chứng minh ông nhận xét rất đúng đúng.
Giáo dục Campuchia đang có những bước tiến khổng lồ
fb Nguyễn Thị Bích Hậu - 23-9-2020 - Người trong hình là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao của Campuchia, tiến sĩ Hang Chuon Naron, đảm nhiệm chức vụ từ năm 2013. Sau 7 năm tại vị, ông đã đưa lại cho giáo dục Campuchia một diện mạo tươi mới mà nhiều quốc gia tưởng là to lớn hùng mạnh hơn cũng phải thèm muốn.
Ảnh: internet
Là một người có tầm nhìn xa trông rộng, khi nhậm chức, ông đưa ra 8 điểm quan trọng để cải cách giáo dục nước nhà khi đó đang chìm vào tình trạng chạy đua theo thành tích, chất lượng xuống cấp, giáo viên yếu và thiếu, học sinh không có khả năng cạnh tranh, gian lận thi cử và hối lộ tham nhũng tràn lan.

8 điểm ông đưa ra là nâng cao chất lượng, cải cách kỳ thi THPT quốc gia (BacII), đào tạo kỹ năng, phát triển kỹ năng mềm, cải cách thể thao, giám sát nhân viên, cải cách tài chính và đẩy mạnh nghiên cứu giáo dục.

Việc đầu tiên ông cho làm là chống gian lận thi cử trung học để đưa chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Và ông cho coi thi cực kỳ nghiêm nhặt và đưa tỷ lệ tốt nghiệp PTTH của Campuchia vốn toàn gần như tuyệt đối về thực chất luôn. Khi đó dân biểu tình và nhiều người chống đối, xong ông dám đối mặt và làm bằng được, quyết không chùn bước.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Campuchia từ 80% trong năm 2013 giảm mạnh còn 25,7% năm 2014. Nghĩa là thực chất chỉ có 1/4 xứng đáng đậu PTTH mà thôi. Sau đó học sinh phải bò ra học thật.

Tỷ lệ này trong các năm sau được cải thiện đáng kể (năm 2015 là 56%, năm 2016 là 62%, năm 2017 là 63,84% và năm 2019 là 68%), và điều đáng nói là không còn bóng dáng của tệ hối lộ và gian lận.

Những học sinh đạt điểm A trong kỳ thi này khi cải cách chỉ còn 11 em, nay đạt 400 em.

Việc kế tiếp ông cho tăng lương giáo viên lên 300% cho toàn bộ 130 ngàn người. Và 80% tổng ngân sách giáo dục của Campuchia hiện nay là giành cho lương giáo viên. Đồng thời giáo viên buộc phải nâng cao trình độ. Bộ Giáo dục xây dựng các kế hoạch với mục tiêu nâng cao trình độ của tất cả giáo viên-đòi hỏi họ phải có bằng cử nhân thay cho bằng trung cấp (chỉ phải học 2 năm) như hiện nay. Riêng đối với giáo viên THPT, tiến tới sẽ phải có bằng thạc sĩ.

Về sách giáo khoa, ông cho làm lại nội dung theo hướng cho phép học sinh tham gia tích cực hơn vào các bài học.

Ông cực kỳ chú trọng vào đào tạo cho sinh viên và học sinh về kỹ thuật số qua việc xây dựng thí điểm các trường học Thế hệ mới. Campuchia đã đầu tư hàng triệu đô la vào cơ sở hạ tầng của Trường học Thế hệ Mới, thư viện điện tử, đào tạo giáo viên và đưa Công nghệ thông tin vào lớp học.

Về giáo dục thanh thiếu niên, ông rất chú trọng những kỹ năng quan trọng để các con có thể hội nhập toàn cầu, đó là kỹ năng tự học hiệu quả, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng mềm và kỹ năng ngôn ngữ, đạo đức., học STEM và khả năng làm chủ kỹ thuật số.

Ông cho rằng “Thanh niên là trụ cột quan trọng của quốc gia, họ phải được trang bị kiến ​​thức. Đó là kiến ​​thức chung, học tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, kỹ năng nghề và kiến ​​thức toàn diện. Bản thân thanh niên cần tích cực giải quyết các vấn đề xã hội, tham gia giải quyết việc làm cho chính thanh niên, đoàn kết tốt, tôn trọng bản sắc dân tộc”.

Ông luôn toàn tâm toàn ý cho giáo dục, năm 2018, sau khi trúng cử Nghị sỹ quốc hội 13 ngày, ông xin từ chức để chỉ làm Bộ trưởng Giáo dục cho thật tốt. Ông quản lý tài chính cho ngân sách giáo dục rất nghiêm ngặt do trước đó ông từng làm thứ trưởng Bộ Tài chính Campuchia.

Bản thân Hang Chuon Naron cũng là một con người của học hỏi, của tiến bộ, ông là một học giả không ngừng chinh phục các đỉnh cao trí tuệ, là tấm gương thiết thực cho mọi học sinh.

Ông tốt nghiệp đại học Luật và quan hệ quốc tế Kiev và có bằng tiến sĩ Kinh tế quốc tế tại trường MGIMO danh giá của Nga. Ông học và lấy bằng thạc sỹ Luật từ một chương trình liên kết với Đại học Lumière University Lyon 2 của Pháp. Trong khi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông tiếp tục học tiến sĩ giáo dục và lấy bằng năm 2018 tại Đại học Chualongkom Thái Lan. Ông rất tích cực tham gia các chương trình và diễn đàn giáo dục toàn cầu để tìm đường đi nước bước phát triển giáo dục nước nhà. Ông thông thạo tiếng Nga, tiếng Anh…

Ông được học sinh, thày cô giáo và dân chúng yêu mến. Năm 2016 ông được dân bầu chọn là Bộ trưởng yêu thích nhất của Campuchia.

Nhờ có công sức của ông mà tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học tăng từ 87% năm 2000 lên 98%, tỷ lệ học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tăng lần lượt là 57% và 30%. Kể từ ít hơn 1% dân số được học đại học năm 2000 lên 15% hiện nay. Học sinh Campuchia đã bắt đầu tham gia các kỳ thi quốc tế và về giáo dục đại học, Viện Công nghệ Campuchia được công nhận không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu.

Thật phước thay cho dân Campuchia có một nhà giáo dục như ông.

Nghĩ mà thấy buồn thấy tủi quá. Có lẽ ta còn thua xa cả hàng xóm mất rồi.

https://www.facebook.com/anhthianna/posts/3496251743787651

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét