Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Hành trình cuối đời của GS. TRẦN ĐỨC THẢO

Tôi nghe danh tiếng GS Trần Ðức Thảo lần đầu tiên năm 1978 và ngay lập tức thấy kính trọng GS. Theo wiki, năm 1957-1958, GS bị kết án dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông bị cách chức Phó Giám đốc trường ĐHSP Hà Nội, chức Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả ĐHSP và ĐHTH Hà Nội, bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển. Ông hạn chế liên hệ với người khác, bị cô lập trong cuộc sống. Thái Vũ kể: "việc gặp thầy Trần Đức Thảo từ nước Pháp tư bản trở về là rất dễ bị quy tội như bên Trung Quốc trong Đại Cách mạng Văn hoá. Gặp thầy lủi thủi đạp chiếc xe đạp mini cộc cạch cũng đành làm ngơ, nhiều khi không dám nhìn. "Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng, ở Việt Nam bản thân mình và các đồng nghiệp khác cũng chỉ là những người nghiên cứu và giảng dạy triết học, người duy nhất được coi là nhà triết học, chỉ có Trần Đức Thảo mà thôi. Trong quyển sách hồi ký nguyên văn bằng tiếng Pháp là Mémoire d'un Vietcong (Hồi ký của một Việt Cộng), Trương Như Tảng viết: "Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc… Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man." Françoise Corrèze, người bạn thân của Trần Đức Thảo có hay tới thăm ông ở căn phòng khu tập thể Kim Liên, nhưng chỉ bút đàm, vì phòng bị thu âm. Mọi người nên đọc sách của Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường, hai trí thức lớn nhất VN thời cộng sản nhưng bị đầy ải cũng vào loại tàn khốc nhất.
HÀNH TRÌNH CUỐI ĐỜI CỦA GS. TRẦN ĐỨC THẢO
TỪ CĂN NHÀ NÁT PHỐ ĐỀ THÁM (SÀI GÒN) ĐẾN NGHĨA TRANG VĂN ĐIỂN (HÀ NỘI)fb Nguyễn Trung Kiên - Tôi rất xúc động khi được đọc Status của TS.Nguyễn Xuân Diện về việc sửa sang phần mộ của Triết gia Trần Đức Thảo tại Khu A, Nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội). Là người gần 20 năm lần theo hành trình của triết gia Trần Đức Thảo, được gia đình ủy quyền công bố Di cảo của Giáo sư, tôi xin được công bố một số tư liệu (trong đó có một số tư liệu được công bố lần đầu) về hành trình cuối đời của Giáo sư Trần Đức Thảo, như sau:

1. Ngày 28/1/1991, ông Hồng Hà, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, gửi thư cho Giáo sư Trần Đức Thảo, thông báo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho Giáo sư đi công tác tại Pháp 1 tháng, ngân sách do Đảng cấp [Ảnh 1]


2. Ngày 6/3/1991, Giáo sư gửi thư cảm ơn tới Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh [Ảnh 2]


3. Giáo sư Trần Đức Thảo rời căn nhà nát mà ông trú ngụ trong gần 5 năm (1986-1991) tại nhà 200B phố Đề Thám (Quận 1, Sài Gòn) để sang Paris công tác vào ngày 10/3/1991

4. Kể từ cuối tháng 4/1991 (khi Giáo sư bước sang tuổi 75), sau khi tiêu hết số tiền công tác phí từ ngân sách Đảng, cho đến khi Giáo sư qua đời vào ngày 24/4/1993 tại Paris, Giáo sư đã phải sống một quãng đời vừa khổ cực về vật chất vừa trầm uất về tinh thần. Một mặt, do lòng tự trọng, ông đã khước từ mọi sự giúp đỡ về vật chất và tiền bạc từ đồng nghiệp, bạn bè, sinh viên và những người ngưỡng mộ ông; ông đã phải nhờ anh em trẻ đánh máy giúp các bản viết tay những bài viết về triết học của ông để bán trong các buổi thuyết trình tại Paris.

Hiện có hai nhân chứng lịch sử ghi lại những tư liệu khả tín về năm tháng cuối đời cùng sự qua đời và đám tang của Giáo sư tại Paris, như sau:

a) Tác giả Nguyễn Đức Hiền:

“...Vẫn là vị khách ở cùng tầng lầu, thường lui tới thất thường về ban đêm khi thấy ánh điện sáng trong phòng chúng tôi. Đó là nhà triết học Trần Đức Thảo. Thời gian này – thu đông 1992 - mọi người ở đây cho rằng anh chưa đến nỗi nào! Bởi lẽ hàng ngày người ta vẫn chạm trán một ông già ở độ tuổi “cổ lai hy” khoác chiếc áo dạ cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh đủ thứ xoong, chảo, chai, lọ leo lên leo xuống hàng trăm bậc thang gác, tự lo lấy bữa cho mình (những bữa ăn quá đơn giản: thường là một bát “súp” rau lẫn mì ống, hoặc một mẩu bánh mỳ gối với một quả trứng “ốp lết” hay vài lát khoai tây rán). Người ta cũng thấy ông già ấy cứ “hành trình” chừng mười lăm bậc thì dừng lại tựa người vào thành lan can đứng nhắm mắt lại miệng thở như thổi “bễ”. Nhưng ai cũng nghĩ rằng một nhà hiền triết châu Á từng có những tác phẩm một thời làm rung chuyển nền tảng tư duy lý luận châu Âu, đến tận bây giờ còn kham nổi một việc đại loại như thế, có nghĩa là con người ấy còn đủ sức vượt qua nhiều mùa đông khắc nghiệt nữa ở Paris. Ai ngờ nấc thang thời gian cuối cùng đánh dấu tuổi thọ con người ấy chỉ có đến ngần ấy mà thôi! (Trần Đức Thảo tạ thế mùa xuân năm 1993)…

Tối hôm ấy anh Thảo kể lại cho tôi nghe… có nhiều chuyện làm anh buồn. Không phải nỗi buồn cơm áo đời thường mà là nỗi buồn thất vọng trước sự sa sút tinh thần ghê gớm! Chao ôi, anh phải tốn mất bao nhiêu công sức mới tổ chức nổi một buổi “công-phê-răng” (conference) tại “Nhà Văn hoá Việt Nam” vận động được trên ba chục cử toạ kể cả trí thức Việt lẫn Pháp tới nghe tác giả giới thiệu hai công trình xuất bản:

1- Để nắm vững hơn phép lôgích hình thức và phép biện chứng (Pour une logique formelle et dialectique).

2- Một hành trình (Un itinéraire).

Thế mà có những kẻ - người mình, bạn bè hẳn hoi, mới cách đây chưa lâu hết lời ca ngợi anh khi anh mới đặt chân tới Paris - lần này vừa thấy anh xuất hiện trên diễn đàn là hùa nhau quấy phá (…)

(…) Anh đi Pháp, trụ ở Paris, tự nhốt mình sống khổ hạnh trên cái lầu năm nhà khách sứ quán ấy chính là để mưu cầu sự nghiệp ấy… Mấy cuộc “công-phê-răng” trước, anh đã bị phá đám, cuộc này nữa ở “Nhà văn hoá Việt Nam”, lại tiếp tục bị thất bại. Nhưng anh vẫn không nản chí! Ôi, anh Thảo, cái đêm hôm ấy, tôi nằm nghĩ thương anh, lo cho sự chấn hưng học thuyết của anh mà không biết tìm cách nào giúp đỡ anh…

(…) Tôi còn phải cảm ơn anh nhiều, cảm ơn sự cao thượng của anh: Anh, nhà tư tưởng hoạt động chủ yếu ở phương Tây mà tâm hồn phong độ không xa cách đạo lý người quân tử phương Đông. Tôi biết trong những ngày đầy khó khăn sóng gió ở Paris, ngoài việc tiếp nhận chế độ trợ cấp hạn chế của tổ chức trong nước gửi qua sứ quán, anh đã lẩn tránh tất cả sự giúp đỡ của bầu bạn người Pháp cũng như bà con Việt kiều. Mọi người đều hiểu anh cần tiền không phải để ăn, để sống – anh đã quá quen với sự chịu đựng thiếu thốn vật chất – mà để đầu tư cho những công trình triết học dở dang không ai có thể thay thế anh đảm đương nổi (…)”

(Nguyễn Đức Hiền, “Câu chuyện khó quên ở phố Verrier (Paris)”, Báo Văn nghệ, 1993)

b) Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ [Ảnh 3: TS Vũ và nhà thơ Huy Cận với GS Trần Đức Thảo tai Paris, 1993]




Thực vậy, tôi và vợ tôi, Nguyễn Thị Dương Hà, đã có thời gian sống cùng Trần Đức Thảo tại Nhà khách Sứ quán Việt Nam ở Paris, số 2 Le Verrier, cho đến khi ông mất vào cuối tháng 4 năm 1993. Năm 1992, với tư cách cán bộ Bộ ngoại giao Việt Nam, tôi trở lại Paris để học tại Học viện quốc tế quản lý hành chính công (IIAP), trực thuộc Thủ tướng Pháp, nay là Trường quốc gia hành chính (ENA). Việc vợ chồng tôi thuê một phòng tại Nhà khách này không chỉ vì đó là nơi tôi đã ở trong lần du học trước đó mà còn vì cách trường có hai trăm mét, tại số 2 đại lộ l'Observatoire.

Ngay ngày đầu tiên tôi đã gặp Trần Đức Thảo. Số là tôi từ ngoài đường vào thì thấy một cụ già gầy gò, hai tai nút đầy bông, đang hổn hển kéo lên thang gác một xe đẩy nhỏ buộc một bịch nước đóng chai. Ngạc nhiên vì không thấy ai giúp ông, tôi liền nói: "Bác để cháu mang lên cho" và đưa bịch nước đó lên phòng của ông ở tầng 2.

Đó là một căn phòng bề bộn sách và bản thảo, đặc biệt là rất bẩn và hôi, bông dính mủ rải rác khắp nơi. Mọi chỉ dấu cho thấy chỉ có mình ông ở đây. Vẻ cảm động, ông hỏi tôi: "Cháu tên gì?".

Tôi trả lời: "Cháu tên Vũ" rồi hỏi lại: "Bác tên gì?". "Tôi là Trần Đức Thảo", ông rành mạch. Tôi sững người: "Trần Đức Thảo! Cháu đã nghe tiếng bác từ lâu. Bác là nhà triết học. Cháu còn biết bác là nạn nhân của vụ án 'Nhân văn Giai phẩm'. Bố cháu là Huy Cận, bác cháu là Xuân Diệu. Các ông ấy nói nhiều về bác lắm".

Trần Đức Thảo nói ngay: "Ai chứ Huy Cận, Xuân Diệu thì tôi thân lắm" rồi hỏi thăm về bố tôi (Xuân Diệu đã mất từ năm 1985). Sau này tôi mới biết là vào đầu năm 1991, ngay trước khi Trần Đức Thảo đi Pháp, bố tôi cùng chú ruột tôi là Cù Huy Chử, Tiến sĩ triết học, Trưởng khoa của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh) và con chú tôi là Luật sư Cù Huy Song Hà, đã đến thăm ông tại nhà ở 200 Đề Thám, TP Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, bố tôi đã tặng ông bài thơ 'Gửi thế kỷ 20' với đề tặng "Kính tặng Anh Trần Đức Thảo, nhà triết học suy tư cùng thế kỷ".

Thế là tôi trở thành chỗ tin cậy của triết gia họ Trần không chỉ trong chuyện "hậu cần" mà còn cả trong những việc ông đang làm ở Paris. Ông cho tôi biết vì sao và bằng cách nào ông sang được Pháp.

Ông cũng chia sẻ với tôi những gì ông đã và đang làm và dự định của ông cho thời gian tới. Còn hiện tại, ông nhờ tôi bán những bản tóm tắt những đề tài triết học mà ông sẽ thuyết trình tại Nhà Việt Nam hay Đại học Paris 7 với giá 20 francs (hồi đó khoảng hơn 3 USD) một tập để có tiền sống qua ngày...

Trần Đức Thảo đã ký tặng tôi một bản như vậy. Chính qua những cuộc trò chuyện tay đôi với ông cả ở nhà lẫn trên đường phố mà tôi hiểu được khá cặn kẽ con người cũng như suy tư của ông. Khi nghe tôi kể về tình cảnh đến thảm thương cũng như dự định nghiên cứu của Trần Đức Thảo, Jean Dupèbe, Giáo sư của tôi tại Đại học Paris 7, cựu sinh viên Trường Sư phạm nơi Trần Đức Thảo đã từng học, kêu lên: "Trần Đức Thảo là thầy của tất cả chúng tôi, tại nước Pháp này! Tôi sẽ phải làm cái gì đó để giúp Giáo sư Thảo". Ngay sau đó, Jean Dupèbe đã vận động Hội cựu sinh viên Trường sư phạm lập ra một khoản trợ cấp cho ông.

Tóm lại, Trần Đức Thảo coi tôi như "thủ túc" của ông. Chị Hiền và bà Bích Hồng, cùng ở Nhà khách, là những người có măt khi ông hấp hối tại chính căn buồng của ông, thuật lại với vợ tôi: "Khi hấp hối, bác Thảo kêu: "Vũ ơi? Vũ ơi?" thì mọi người thưa rằng: "Vũ đang đi thực tập ngoại giao tại Sénégal. Vũ sắp về rồi". Bác Thảo không nói gì nữa, rồi mất".”

(Cù Huy Hà Vũ, “Bảo vệ ‘con người thật’ của Trần Đức Thảo”, BBC, 7/5/2018, URL = < https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44031382>

5. Bình đựng tro cốt của GS Trần Đức Thảo được đưa về Việt Nam vào đầu tháng 5 năm 1993, được "tá túc" một thời gian tại Nhà tang lễ Phùng Hưng trước khi được đưa vào chôn cất tại Khu A, Nghĩa trang Văn Điển. [Ảnh 4-11] TS. Cù Huy Chử từng kể lại với tôi rằng, sở dĩ bình tro của GS Trần Đức Thảo phải "tá túc" lâu đến vậy tại Nhà Tang lễ Phùng Hưng là nhà thơ Huy Cận lúc đó đã "đấu tranh" để đưa bình tro của GS. Thảo vào chôn cất tại Nghĩa trang Mai Dịch, nhưng không thành (vì hàm phẩm "chuyên viên cao cấp" của ông thấp hơn hàm Thứ trưởng, là hàm phẩm tối thiểu để được xem xét chôn cất tại Nghĩa trang Mai Dịch).










Nhà văn Phùng Quán, một nhân vật "Nhân văn-Giai phẩm", một người nhân chứng lịch sử khác, kể lại như sau:

"Năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, triết gia đã bay sang Pháp để hoàn thành tác phẩm triết học Mácxit quan trọng của đời mình: "Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người". Triết gia đã trút hơi thở cuối cùng nơi đất khách quê người, khi tác phẩm còn viết dở dang… Triết gia có tên là Trần Đức Thảo. Lần này triết gia trở về Tổ quốc trong khoang hành lý máy bay, chiếm một chỗ hết sức khiêm nhường. Triết gia đã hóa thân thành tro nằm trong cái bình bằng kim loại sơn màu xanh thẫm hơi giống một chiếc cúp bóng đá và cũng to bằng cỡ đó.

Về đến Hà Nội, vì không gia đình vợ con và không có cơ quan nào và trường đại học nào trước đây triết gia đã từng công tác và giảng dạy nhận về để nhờ hoặc để quản, nên triết gia phải tạm trú dưới cái gầm cầu thang của nhà tang lễ thành phố 125 đường Phùng Hưng, Hà Nội.

Được biết tin này tôi tìm đến thắp hương và lễ triết gia với lòng ngưỡng mộ sâu sa đối với một nhân tài của đất nước.

Gầm cầu thang nhà tang lễ thành phố từa tựa cái hang và được ngăn thành ba hốc, mỗi cái hốc là một phòng dành cho cả các bình tro hài cốt tạm trú trước khi có người đến nhận. Ba phòng trú phần thiết kế và trang trí nội thất đều giống nhau. Mỗi phòng rộng chừng bảy, tám thước vuông. Trần phòng thấp, đổ dốc về phía trong theo độ dốc cửa cầu thang. Một cái bệ xi măng, quét vôi vàng và giữa trần là một quầng đen ám khói hương. Bên trên trần là những bậc cầu thang lên tầng hai của ngôi nhà. Tiếng giày, tiếng guốc lên xuống, lên xuống rậm rịch…

Triết gia tạm trú ở phòng số ba, kể từ ngoài cửa vào. Tuy các phòng không đề số phòng, nhưng không có cửa nên cũng dễ tìm. Bình tro đặt trong cái hộp các-tông xung quanh phết giấy điều. Trước bình tro là bát hương, sau bình tro, trên tường dán tấm giấy điều với mấy chữ nho nguệch ngoạc. Lúc tôi đến thì hai phòng một, hai đều bỏ trống, và hình như đã lâu không có ai thuê, vì cả hai bát hương đều gầy guộc chân hương.

Nhìn cái bệ xi măng, bát hương, hộp các-tông đựng bình tro, tấm giấy điều dán trên tường với mấy chữ nho nguệch ngoạc, nghe tiếng giày guốc rậm rịch, sát ngay trên đỉnh đầu, tôi bỗng chợt nhớ câu thơ của Oantơ Uýtman trong tập "Lá Cỏ" thiên tài của ông: Nếu chết, tôi xin phó thân cho bùn đất để tái sinh làm ngọn cỏ tôi yêu, hãy tìm dưới đế giày của các bạn. Tôi được biết, triết gia là người chiếm kỷ lục thời gian tạm trú ở đây. Năm mươi ngày đêm. Và mỗi ngày đêm tiền thuê phòng là 5 ngàn đồng. Tôi nói vui với một cán bộ của công ty: "Thế này thì giá tiền phòng đắt bằng khách sạn ba sao rồi còn gì, Anh ta cãi: "Đắt sao bằng. Tiền phòng khách sạn ba sao mỗi ngày đêm ít nhất là một trăm năm chục ngàn. Nếu khách quốc tế thuê, trả bằng đô thì giá còn cao hơn…". Tôi nói: "Nhưng diện tích phòng các anh là diện tích tranh thủ, chưa đầy mét vuông, không gian chỉ hơn nứa thước khối. Khách thuê phòng không phải dùng đến giường, đệm, chăn màn, ti vi, tủ lạnh, điện thoại riêng, máy điều hòa nhiệt độ, toa-lét, nhân viên phục vụ… tính chi li, theo tôi còn đắt hơn cả khách sạn 5 sao".

Triết gia phải tạm trú lâu như vậy là để chờ quyết định trên, có được đưa vào Mai Dịch hay về Văn Điển. Tôi tính rằng nếu tro trong bình kia biết nói thì tro sẽ nói: "Người cách mạng không nên đòi hỏi hường thụ quá những tiêu chuẩn mà cách mạng đã quy định. Tôi mới đủ tiêu chuẩn Văn Điển sao lại cứ đòi hưởng vượt tiêu chuẩn Mai Dịch? Thói đặc quyền đặc lợi đã làm hư hỏng biết bao nhiêu con người tốt! Nên đưa tôi đi sớm ngày nào hay ngày ấy để đỡ tốn kém tiền của nhân dân!"

Sau năm mươi ngày chờ đợi, tốn mất hai trăm năm chục ngàn tiền phòng, triết gia đã được trên quyết định đưa về mai táng tại khu A Văn Điển, khu vĩnh viễn, hưởng thụ đúng tiêu chuẩn quy định. Sáng ngày 20-6-1993, tôi may mắn được cùng với bà con thân thích, mấy người học trò xưa, người vợ cũ từng tốt nghiệp đại học Sorbonne của triết gia, và một số cán bộ lãnh đạo của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, đưa tiễn triết gia đoạn hành trình cuối cùng của đời ông.

Khu A nghĩa trang Văn Điển có hàng nghìn ngôi mộ xếp thành hàng thẳng tăm tắp, được xây giống nhau, giống hệt những căn hộ khép kín của các khu nhà lắp ghép.

Các hàng mộ cũ đều đã kín chỗ, nên mộ của triết gia "được đánh giá là một trong những nhà triết học hàng đầu của thế kỷ" "Tuần báo Văn Nghệ tháng 5- 1993), tác giả phương pháp hiện tượng học của Hussen, hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức triết học đã đi đến đâu là ngôi mộ mở đầu cho một hàng mới.

Nhìn ngôi mộ đơn độc đang xây trát dở dang, tôi thầm nghĩ "Triết gia nằm ngay ở đầu hàng lại hóa hay, giống như ở tầng trệt của khu nhà tập thể cao tầng. Ông sẽ tránh được cái nạn và.o nhầm mộ người khác, như ngày còn ở khu tập thể Kim Liên, ông ở tầng ba nên ông thường xuyên vào nhầm phòng ở các tầng dưới".

Mộ của ông khá đặc biệt. Bình tro được đặt trong tiểu sành, tiểu sành được đặt dưới khuôn huyệt bên trên có nắp bê tông đậy kín. Như vậy là ông được mai táng theo cách các nhà giàu có xưa: trong quan ngoài quách. Đây có lẽ là sự xa xỉ độc nhất trong cuộc đời triết gia quá ư thanh bạch của ông, mà nếu biết được, tôi tin chắc ông sẽ kịch liệt phản đối.

Lúc bình tro hạ huyệt, tôi châm nén hương lễ ông, và khấn thầm: "Anh Thảo ơi, xin anh đừng quá nghiệt ngã với bản thân đến thế… Với tất cả công tích, tài năng, trí tuệ trác việt và những tác phẩm triết học mà anh đã trọn đời dâng hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho sự toàn vẹn vô song của chủ nghĩa Mác, thì anh cũng có quyền được hưởng một chút xíu xa xỉ như vậy…".

6. Sau khi Giáo sư Trần Đức Thảo yên nghỉ tại Nghĩa trang Văn Điển, ngoài người quản trang thắp hương cho ông vào dịp Lễ Tết, ngôi mộ của ông đúng như những gì Nguyễn Du từng mô tả trong Truyện Kiều: "Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm". Đến năm 2013, tưởng niệm 20 năm ngày mất của GS. Trần Đức Thảo, GS. Nguyễn Đình Chú, học trò cũ của Giáo sư Trần Đức Thảo, đại diện cho một số học trò cũ của GS Trần Đức Thảo, đã gửi thư cho Tỉnh ủy Bắc Ninh, nhắc lại di nguyện lúc sinh thời của GS Trần Đức Thảo mong muốn được yên nghỉ tại quê nhà Bắc Ninh, và mong muốn được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và huyện Châu Khê đồng ý, nhưng mong muốn của GS. Chú đã bị chính quyền địa phương từ chối, với lý do họ "còn đang bận lo cho người đang sống".

Sau đó, trước dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Trần Đức Thảo (2017), Giáo sư Nguyễn Đình Chú cùng các học trò cũ và các cán bộ, giảng viên tại Đại học Sư phạm Hà Nội và đại diện gia tộc họ Trần Đức tại Từ Sơn (Bắc Ninh) đã phát tâm đứng ra quyên góp và tôn tạo phần mộ của Triết gia Trần Đức Thảo khang trang, đẹp đẽ như bây giờ. (Ảnh 12-16, từ FB TS Nguyễn Xuân Diện).

Trân trọng.
Nguyen Trung Kien





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét