‘Không phải Nga. Đó là Trung Quốc, đồ ngốc ạ!’
Thủy Tiên • 22/09/20 Nga không phải là mối đe dọa lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt lúc này. Không một chút nào. Đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một báo cáo mới của Lầu Năm Góc đã vẽ nên một bức chân dung rùng rợn về thách thức mà ĐCSTQ đặt ra cho Hoa Kỳ và thế giới. Báo cáo hàng năm trước Quốc hội: “Sự phát triển quân sự và an ninh liên quan đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” nêu chi tiết về nỗ lực toàn diện mà Trung Quốc đã thực hiện để đạt được ưu thế kinh tế và quân sự toàn cầu."Quên nước Nga đi... Đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồ ngốc ạ!" (Ảnh: Damir Sagolj-Pool/Getty Images)
Bản báo cáo 200 trang cho chúng ta biết ĐCSTQ đang tìm kiếm “sự trẻ hóa tuyệt vời cho đất nước Trung Quốc”, điều đó có nghĩa là sửa đổi trật tự quốc tế và “đưa” Trung Quốc trở lại vị trí ưu việt toàn cầu.
Chính sách hợp nhất quân sự-dân sự (MCF) của Bắc Kinh
Về mặt quân sự, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trong lĩnh vực đóng tàu với đội tàu, tên lửa hành trình và tên lửa đất đối đất cũng như các hệ thống phòng không tích hợp lớn nhất thế giới.
“Trung Quốc là quốc gia sản xuất tàu hàng đầu trên thế giới tính theo trọng tải và đang tăng cường năng lực và khả năng đóng tàu cho tất cả các lớp tàu hải quân”, báo cáo cho biết.
Chính quyền ĐCSTQ hiểu một điều rằng: Sức mạnh quân sự chảy từ sức mạnh kinh tế. Trong khi Washington khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp của Mỹ, Bắc Kinh biết rằng quân đội của họ phụ thuộc vào một nền tảng công nghệ và công nghiệp đang phát triển.
Sự kết hợp của các ngành công nghiệp dân sự và các mục tiêu quân sự là bao trùm. Chính sách được gọi là hợp nhất quân sự-dân sự (MCF):
MCF bao gồm sáu nỗ lực có liên quan với nhau:
(1) Hợp nhất cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc với công nghệ dân sự và cơ sở công nghiệp của đất nước này;
(2) Tích hợp và tận dụng các đổi mới khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực quân sự và dân sự;
(3) Trau dồi tài năng và kết hợp giữa chuyên môn, kiến thức quân sự và dân sự;
(4) Xây dựng các yêu cầu quân sự thành cơ sở hạ tầng dân sự và tận dụng việc xây dựng dân sự cho các mục đích quân sự;
(5) Tận dụng dịch vụ dân sự và khả năng hậu cần cho các mục đích quân sự;
(6) Mở rộng và đào sâu hệ thống huy động quốc phòng của Trung Quốc bao gồm tất cả các khía cạnh liên quan đến xã hội và kinh tế của nước này để sử dụng trong cạnh tranh và chiến tranh.
Trong khi MCF có những mục đích rộng hơn là mua công nghệ nước ngoài, trên thực tế, MCF có nghĩa là không có ranh giới rõ ràng giữa nền kinh tế dân sự và quân sự của Trung Quốc.
Điểm cuối cùng này rất đáng lưu ý: Mỗi đô-la Mỹ đầu tư vào Trung Quốc đều là đang hỗ trợ cho các mục tiêu quân sự và chế độ chính trị toàn trị của đất nước này.
Không chỉ 'rước Sói vào nhà', phố Wall biến Mỹ trở thành 'con tin tài chính' của ĐCSTQ
Ngay bây giờ, các nhà tài chính lớn của Phố Wall như MSCI và FTSE Russell, các quỹ hưu trí, quỹ tài trợ các trường đại học và các nhà đầu tư thể chế lớn khác đang rót hàng tỷ USD vào Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) - một doanh nghiệp nhà nước bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ trừng phạt vì vai trò của mình trong việc giành lấy lãnh thổ ở Biển Đông, vốn vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, một số tên tuổi lớn nhất ở Phố Wall - Citibank, JP Morgan và BlackRock - đã công bố kế hoạch mở rộng tại Trung Quốc. Chúng ta có thể mong đợi hiệu ứng LeBron James khi vận may của các công ty này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cầm quyền của Bắc Kinh.
Thời báo Phố Wall đã cay đắng thốt lên “Mỹ đã trở thành con tin tài chính của Trung Quốc”.
Kiểm soát thông tin, chiến tranh tâm lý và hoạt động gây ảnh hưởng là một phần quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh. Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược Quân đội Giải phóng Nhân dân (SSF) “chịu trách nhiệm về chiến tranh mạng, trinh sát kỹ thuật, chiến tranh điện tử và chiến tranh tâm lý. Mục tiêu chính hiện tại của lực lượng này là Hoa Kỳ”, báo cáo cho biết.
Các hoạt động gây ảnh hưởng của nó nhắm mục tiêu đến “các tổ chức văn hóa, tổ chức truyền thông, các cộng đồng kinh doanh, học thuật và cảnh sát ở Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế”. Bắc Kinh gây áp lực buộc các mục tiêu này phải chấp nhận những luận điệu của chính quyền này.
Công nghệ thông tin, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, là trọng tâm trong mục tiêu thống trị quân sự của Trung Quốc. Quân đội Giải phóng Nhân dân coi các công nghệ mới là cách “thông tin hóa” chiến tranh ngày nay, thông qua "việc vận hành trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ hỗ trợ của nó, chẳng hạn như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, thông tin lượng tử và các hệ thống không người lái dành cho các ứng dụng quân sự”.
Chiến lược MCF của ĐCSTQ và các chương trình nghiên cứu và phát triển đã thúc đẩy sự chuyển đổi sang chiến tranh “thông minh hóa”. Nó tìm cách phát triển các công nghệ sử dụng kép và đánh cắp những gì mà nó không thể tự phát triển.
Ưu tiên về Trí tuệ Nhân tạo (AI) của Bắc Kinh là động cơ cho những hạn chế của chính quyền Trump đối với sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ. Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa (PLA) có quan hệ trực tiếp và gián tiếp với nhiều trường đại học, và MCF yêu cầu tất cả các trường đại học ở Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của chính quyền.
Báo cáo đã chấm dứt quan điểm đã có từ 40 năm trước rằng sự tham gia, đối thoại và đầu tư sẽ cải cách các nhà cầm quyền ĐCSTQ.
Người ta không cần phải đọc hết 200 trang để hiểu rằng giờ đây, không có lý do gì để bất kỳ ai từ Washington, Wilmington, hoặc Phố Wall nghi ngờ rằng ĐCSTQ đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước Mỹ và những giá trị mà chúng ta yêu quý.
Quên nước Nga đi. Và như chiến lược gia James Carville chỉ thẳng rằng: "Đó là ĐCSTQ, đồ ngốc ạ".
Tác giả: Curtis Ellis là giám đốc chính sách của America First Policies. Ông cũng là cố vấn chính sách cấp cao cho chiến dịch tranh cử tổng thống Donald J. Trump vào năm 2016.
Thủy Tiên
https://www.ntdvn.com/kinh-te/khong-phai-nga-do-la-trung-quoc-do-ngoc-a-73772.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét