Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Tự do ngôn luận: một quyền thiêng liêng!

Tự do ngôn luận: một quyền thiêng liêng!
29/04/2020 Phạm Phú Khải -  Tự do căn bản nhất của nền dân chủ là tự do phát biểu và bày tỏ. Đã là con người, ai cũng muốn có tiếng nói, và ai cũng mong tiếng nói mình được tôn trọng. Bản chất con người đều như thế ở mọi nơi. Nhưng có những người và những nơi mà một số, hay nhiều thành phần không có quyền được nói. Quyền nói và bày tỏ của họ đã bị chèn ép, khống chế, hay tước đoạt ngay từ lúc còn bé, một cách ý thức hay vô thức. Qua thời gian, những người dân này quên mất rằng các quyền thiêng liêng căn bản này phải thuộc về mình. Nói cách khác, vì bị đánh cắp ngay từ nhỏ nên nhiều người trên thế giới không biết rằng quyền tự do phát biểu và bày tỏ là quyền bất khả xâm phạm, là quyền thiêng liêng của mọi con người trên thế giới.
Tựa phim tài liệu Through Our Eyes 
- The Vietnam War. USAVN.org
Hôm nay đánh dấu 45 năm tưởng niệm biến cố 30 tháng Tư, ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, ngày chế độ độc tài cộng sản toàn trị bắt đầu các chính sách tàn ác, thô bạo, phân biệt đối xử, với mọi quân cán chính, tôn giáo, trí thức, và bao nhiêu người khác tại miền Nam.

(cắt bỏ một đoạn dài)
Các cuộc cách mạng thiết lập dân chủ trong lịch sử nhân loại cho thấy dân chủ là cả một tiến trình đấu tranh không ngừng và không có đích cuối cùng. Sẽ có lúc tiến và có lúc thoái. Như đã thấy trong những năm gần đây ngay tại cái nôi dân chủ và các nền dân chủ tiên tiến nhất.

Cũng cần nhắc lại rằng một trong các mục đích quan yếu của thể chế dân chủ là làm sao để mọi công dân có quyền được nói, được bày tỏ tư tưởng của mình như tất cả mọi người khác, được liệt kê trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Khi nhìn thấy viễn ảnh Thế Chiến II rồi cũng sẽ đến Hoa Kỳ, cố Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt tìm cách thuyết phục cả quốc hội Hoa Kỳ cần phải chủ động tình thế để bảo vệ một nền dân chủ lâu đời và lớn mạnh nhất. Ông nói: “Không có điều gì bí ẩn về nền tảng của một nền dân chủ lành mạnh. Những điều cơ bản mà người dân mong đợi cho hệ thống chính trị và kinh tế của họ rất đơn giản. Đó là: bình đẳng về cơ hội cho người trẻ và mọi người khác; việc làm cho những người có thể làm việc; an ninh cho những người cần nó; sự kết thúc đặc quyền dành cho thiểu số; việc duy trì quyền tự do dân sự cho mọi người; sự hưởng thụ thành quả của tiến bộ khoa học trong mức sống cao hơn và không ngừng tăng trưởng.” 

Cũng trong bài phát biểu ngày 6 tháng Giêng năm 1941 này, ông FDR nhấn mạnh rằng người dân ở mọi quốc gia trên thế giới chia sẻ bốn quyền tự do mà người dân Mỹ được hưởng: tự do phát biểu và bày tỏ; tự do thờ phượng Thượng Đế theo cách riêng của mình; tự do từ sự ham muốn; và tự do từ sự sợ hãi.

Nghĩa là, tự do căn bản nhất của nền dân chủ là tự do phát biểu và bày tỏ.

Đã là con người, ai cũng muốn có tiếng nói, và ai cũng mong tiếng nói mình được tôn trọng. Bản chất con người đều như thế ở mọi nơi. Trong mọi gia đình, nhà trường, xã hội, công sở, cộng đồng, quốc gia cũng như quốc tế. Với mọi tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa.

Nhưng có những người và những nơi mà một số, hay nhiều thành phần không có quyền được nói. Quyền nói và bày tỏ của họ đã bị chèn ép, khống chế, hay tước đoạt ngay từ lúc còn bé, một cách ý thức hay vô thức. Qua thời gian, những người dân này quên mất rằng các quyền thiêng liêng căn bản này phải thuộc về mình. Cha mẹ họ cũng không có quyền gì để tước đoạt nó. Thầy cô giáo , các cấp trên hay lãnh đạo của họ tại công sở cũng không có quyền đó. Kể cả các lãnh đạo tôn giáo, xã hội, kinh tế, văn hóa hay chính trị cũng vậy.

Nói cách khác, vì bị đánh cắp ngay từ nhỏ nên nhiều người trên thế giới không biết rằng quyền tự do phát biểu và bày tỏ là quyền bất khả xâm phạm, là quyền thiêng liêng của mọi con người trên thế giới. Tạo hóa cho ta cặp mắt, lỗ tai, cái miệng và hai bàn tay để truyền thông, để diễn đạt suy nghĩ của mình, ngay cả khi người đó không thể nói được bằng lời.

Một người khi ý thức được điều này sẽ dần dần tìm cách khắc phục chính mình, vượt qua lo ngại hay sợ hãi, để bày tỏ tiếng nói và quan điểm của mình. Ngược lại, một người bị kiềm hãm, nghiêm cấm lâu dài, tiếng nói không những không được tôn trọng mà còn bị xem là vi phạm quy định hay pháp luật, thì nó sẽ trở thành mãn tính, để rồi chấp nhận rằng mình chẳng có quyền gì cả, kể cả quyền được nói và bày tỏ.

Người dân Việt Nam cũng như người dân sống trong các chế độ độc tài và cộng sản toàn trị có thể làm gì để có tiếng nói của mình?

Thứ nhất là tập nói. Nói thì ai cũng nói được, nhưng lưu loát, gãy gọn, chính xác, hợp lý, rõ ràng và dễ hiểu mới là điều khó. Nói bừa nói ẩu thì càng dễ hơn. Chưa kể, lối nói phải khéo léo, tế nhị để tránh sự hiểu lầm, ngộ nhận, tự ái. Cho nên cần phải tập nói làm sao để người khác hiểu mình, và nhất là hiểu cả những hàm ý gì mình tuy không nói ra. Đây là cả một tiến trình dài nhưng cần thiết. Truyền thông hiệu quả nằm ở đây. Đó là một kỹ năng mà ai trong chúng ta cũng cần phải ý thức tập luyện, dù có tài giỏi hùng biện đến mấy.

Thứ hai là tập tôn trọng ý kiến của người khác và chấp nhận phê bình. Trong các nền dân chủ cấp tiến (liberal democracy), bất cứ người dân thường nào cũng đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình và thẳng thắn phê bình các lãnh đạo chính trị một cách trực tiếp hay gián tiếp. Giới lãnh đạo chính trị quốc gia hiểu rõ quyền bất khả xâm phạm này của người dân, và họ luôn dùng lời lẽ ôn tồn, lý luận thuyết phục, để hồi đáp mặc dầu trong lòng họ có ấm ức hay bực dọc cách mấy. Nhưng quyền tự do phát biểu không có nghĩa là có quyền lên án, vu khống, chụp mũ người khác một cách vô cớ. Là công dân trong một đất nước tự do, dân chủ, một xã hội văn minh, nhân bản, chúng ta cần sử dụng các quyền này một cách có trách nhiệm với chính mình và mọi người chung quanh.

Thứ ba là tập khẳng định các quyền này cho con em ngay từ khi còn bé. Quyền tự do phát biểu và bày tỏ phải được cha mẹ, anh chị em, thầy cô giáo, những người lớn và nói chung là thành viên của xã hội chung quanh khuyến khích và tôn trọng, nhất là đối với trẻ em. Truyền thống giáo dục Việt Nam trong gia đình thường bắt chúng nghe theo mình, không có ý kiến và không cãi lại. Nhưng đây lại là cách phản tác dụng nhất. Cách này sẽ khiến cho con em mình tưởng chúng không được quyền nói lên tiếng nói của mình. Nó sẽ ăn sâu vào tiềm thức của chúng. Đây là phương thức gần như phổ quát đối với đa số các gia đình Việt Nam.

Nhưng nếu một đứa bé nghĩ và nói sai thì cách hiệu quả nhất là hướng dẫn nó biết suy nghĩ, lý luận, dựa trên các dữ kiện và thông tin khả tín. Thay vì cấm đoán hay mắng chửi đứa bé.

Tự do ngôn luận trong mọi tầng lớp xã hội và mọi địa hạt của con người là điều kiện quan yếu để xây dựng một nền dân chủ cấp tiến. Không có nó thì mọi sự thật sẽ dễ dàng bị chôn vùi hay bị che đậy để lừa gạt người khác. Nhưng muốn có nó thì phải xây dựng nền tảng và phải bắt đầu ngay từ khi còn bé.

Ngày 30 tháng Tư mỗi năm nhắc nhở chúng ta một cơ hội quý báu cho toàn dân tộc bị cướp đoạt. Đó là một miền Nam Việt Nam, tuy chưa tự do và dân chủ như một mô hình lý tưởng, nhưng đã có những nền tảng căn bản. Ngày này cũng nhắc nhở chúng ta những gì căn bản nhất mà cần nỗ lực xây dựng vì nó nằm trong khả năng của mỗi chúng ta.

https://www.voatiengviet.com/a/tu-do-ngon-luan-quyen-thieng-lieng/5397224.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét