Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

“KIỆN” FACEBOOK THẾ NÀO

Hoan hô Ủy ban Giám sát (Oversight Board). Dù ủy ban này do FB lập ra dưới sức ép của chính quyền Mỹ song nó là một cơ quan độc lập có quyền đưa ra những phán quyết mang tính quyết định về mọi chính sách của Facebook và Facebook phải tuân theo, bất chấp ban lãnh đạo FB có ý kiến phản đối. Kể từ nay, các nhà hoạt động trên toàn cầu đã có thể bắt đầu tính tới việc “kiện” Facebook cho từng vi phạm cụ thể lên Ủy ban Giám sát. Tôi đã mất tới 6 trang FB chỉ trong vòng 1 năm vừa qua vì chính sách kiểm duyệt những nội dung "không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng" của FB.
“KIỆN” FACEBOOK THẾ NÀO
May 12, 2020 - Khi Facebook bắt đầu có những động thái thỏa hiệp rõ ràng với các chính quyền độc tài, bao gồm Việt Nam [1], thì một cơ chế mới đã ra đời hòng giúp người dùng Facebook gìn giữ và bảo vệ không gian tự do của họ trên Internet.

CEO Facebook tại một phiên điều trần 
trước Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ 
Cách đây vài hôm, Ủy ban Giám sát (Oversight Board) đã ra mắt công chúng, nhằm giám sát và đòi hỏi cả Facebook lẫn Instagram phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận. [2] Ủy ban này được thành lập sau hàng loạt hội thảo chuyên sâu dưới sự cố vấn của hơn 2000 chuyên gia đến từ 88 quốc gia.

Theo các thành viên chủ tịch của Ủy ban này, Facebook tự nó không nên đưa ra quá nhiều quyết định về ngôn luận. [3] Từ năm nay trở đi, Ủy ban sẽ tiến hành xem xét những khiếu nại liên quan tới việc Facebook gỡ bài, xóa bài. Họ cũng phân tích và đưa ra những khuyến nghị đòi hỏi Facebook phải điều chỉnh những chính sách đang đi ngược lại quyền tự do ngôn luận, sự an toàn của người dùng, và quyền riêng tư.

Chính Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Facebook, đã đích thân ký tên vào bản cam kết rằng Facebook sẽ hoàn toàn tuân thủ các quyết định của Ủy ban, trừ phi các quyết định này vi phạm luật.

Điều đặc biệt là, Ủy ban Giám sát sẽ chỉ tập trung xem xét một số trường hợp quan trọng, từ đó xác định xem các quyết định gỡ bài, xóa bài của Facebook có vi phạm các giá trị mà công ty này đã tuyên bố hay chăng. Có thể hiểu rằng, điều này đồng nghĩa với việc Ủy ban Giám sát sẽ xem xét các hồ sơ tiêu biểu thay vì đi xử lý từng trường hợp đơn lẻ. Trong những tháng tới đây, Ủy ban này sẽ trình làng những trường hợp như thế nào thì được ưu tiên xem xét.

Vấn đề xoay quanh quyền tự do ngôn luận của Facebook đã là câu chuyện làm đau đầu các nhà hoạt động xã hội trên khắp thế giới, từ Myanmar tới Saudi Arabia, hay Việt Nam. Tại Myanmar, hàng ngàn bài đăng trên Facebook đã được sử dụng để tấn công người Rohingya và kêu gọi giết chóc, trong khi có thời điểm Facebook chỉ có vỏn vẹn hai nhân viên xem xét lọc nội dung. [4] Trong khi đó, tại Việt Nam, những bài viết bị chính quyền liệt vào dạng “chống đối nhà nước” có thể bị gỡ mà không cần tính tới vấn đề tự do ngôn luận. [5]

Kể từ nay, các nhà hoạt động trên toàn cầu đã có thể bắt đầu tính tới việc “kiện” Facebook cho từng vi phạm cụ thể lên Ủy ban Giám sát.

Tuy sáng kiến này do Facebook khởi xướng từ tháng 11 năm 2018, song Ủy ban Giám sát không lệ thuộc vào Facebook. Họ vận hành độc lập nhờ khoản tài trợ 130 triệu đô-la Mỹ của một quỹ tín thác tách biệt khỏi Facebook. Điều đó cũng có nghĩa là Facebook không thể can thiệp vào các hoạt động của Ủy ban, ngoại trừ việc bổ nhiệm các thành viên chủ tịch đầu tiên – mà trong số đó có những người đã công khai chỉ trích Facebook kịch liệt vì vi phạm tự do ngôn luận. Trong số các thành viên Ủy ban, có thể kể tới một vài cái tên nổi trội như cựu thẩm phán của Tòa án Nhân quyền Âu châu (Andras Sajo), cựu tổng biên tập của tờ The Guardian (Alan Rusbridger), và lãnh đạo tổ chức Internet Không biên giới Phi châu (Julie Owono). Dự kiến, Ủy ban này sẽ bao gồm 40 thành viên, và tất cả các thành viên đều cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong khuôn khổ các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền.

Còn nhớ mới tháng Mười năm 2019, ông chủ Facebook đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ suốt hơn năm tiếng đồng hồ với hàng trăm câu hỏi từ các ông bà nghị sỹ, mà khá nhiều câu chất vấn xoay quanh vấn đề quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư. [6] Song có lẽ khi Ủy ban Giám sát đi vào vận hành, Facebook vừa có thể “đùn đẩy” bớt trách nhiệm “quan tòa phán xử” cho Ủy ban, vừa thúc đẩy được các giá trị tự do mà Facebook đã cam kết trước nay.

Đây cũng là một cơ hội tốt mà các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam có thể bắt lấy để bảo vệ không gian tự do ngôn luận hiếm hoi mà họ có được, trong bối cảnh chính quyền ngày càng siết chặt các không gian bên ngoài.


Chú thích:

[1] Facebook đồng ý kiểm duyệt những nội dung “chống đối nhà nước” Việt Nam: https://www.facebook.com/ViYen.Cr/posts/3223850377840502

[2] Thông cáo ra mắt của Ủy ban Giám sát trên New York Times: https://www.nytimes.com/2020/05/06/opinion/facebook-oversight-board.html

[3] Xem trang chủ của Ủy ban Giám sát: https://www.oversightboard.com/

[4] Câu chuyện Facebook ở Burma: https://www.reuters.com/investigates/special-report/myanmar-facebook-hate

[5] https://www.reuters.com/article/us-vietnam-facebook-exclusive/exclusive-facebook-agreed-to-censor-posts-after-vietnam-slowed-traffic-sources-idUSKCN2232JX

[6] Đọc tóm tắt cuộc điều trần của Mark trước Quốc hội Mỹ: https://www.businessinsider.com/facebook-ceo-mark-zuckerberg-testifies-congress-libra-cryptocurrency-2019-10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét