Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Xót xa chim lạc, trống đồng bị búa liềm gim xuống bùn

Đọc những tin này buồn quá. Nơi thành lập Đảng bộ tỉnh thì có gì lớn mà phải làm di tích. Nhìn búa liềm cộng sản đè nén, gim chặt chim lạc, trống đồng của tổ tiên xuống bùn (mưa thì đất đó thành bùn) thấy xót xa và vô văn hóa quá. Liệu sau này có ai đến đó xem và học được gì từ mấy ông quan cộng sản cấp tỉnh như vậy. Đến như Bảo tàng Hà Nội vô cùng hiện đại mở cửa đã hàng chục năm mà cũng có ma nào vào xem đâu, trừ mấy người vào tránh nắng. Thanh Hóa là tỉnh nghèo mà chi tiền vô tội vạ. Lại thêm công trình Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa ở xã Thiệu Viên có tổng mức đầu tư xấp xỉ 30 tỷ đồng. Đau xót là để phục vụ dự án, toàn bộ công sở xã Thiệu Viên, mới được đầu tư xây dựng năm 2008 còn khá khang trang sẽ bị “san phẳng” và xây mới tại vị trí khác.

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Gần 50 tỷ đồng tôn tạo nơi thành lập Đảng bộ tỉnh
28/05/2020 (CLO) Ngoài việc phê duyệt 29,8 tỷ đồng cho việc san phẳng công sở xã để trùng tu di tích trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, hiện tại UBND tỉnh Thanh Hóa đang đầu tư 34,965 tỷ đồng và xem xét đề nghị thêm 14,791 tỷ đồng để tôn tạo nơi thành lập Đảng bộ tỉnh.
Biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường được lựa chọn sau một cuộc thi do Sở VH-TT&DL Thanh Hóa tổ chức. Ảnh: Quang Duy


Di tích Yên Trường, nằm trên địa bàn xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Đây là một trong 3 nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh và cũng là nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930).

Dự án trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền ký phê duyệt tại Quyết định số 2453/QĐ-UBND ngày 11/7/2017.

Theo đó, đây là công trình dân dụng cấp III, do UBND huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là nhằm lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.



Nếu được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua tại kỳ họp vào tháng 6/2020, dự án sẽ có tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng. Ảnh: Quang Duy

Công trình có tổng mức đầu tư ban đầu là 34.965.000.000 (ba mươi tư tỷ chín trăm sáu lăm triệu đồng) từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Theo quan sát của phóng viên, hiện tại một số hạng mục chính như: nhà truyền thống (hơn 8 tỷ đồng), nhà di tích (gần 1,5 tỷ đồng), biểu tượng di tích… đã cơ bản hoàn thành. Còn lại các hạng mục khác như nhà bếp, cổng, sân nền, cây xanh, ao vẫn đang còn dang dở. Nhìn tổng thể công trình vẫn đang ngổn ngang.

Theo Quyết định phê duyệt dự án, chậm nhất cuối năm 2019 công trình phải hoàn thành. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, chủ đầu tư và nhà thầu thi công đang nỗ lực để dự án hoàn thành vào ngày 25/7/2020, trước thời điểm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 04 ngày (29/7).

Ông Lê Chí Thế, Phó trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Thọ Xuân cho biết: Hiện dự án đang được UBND huyện Thọ Xuân báo cáo trình thẩm định điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 14 tỷ đồng. “Chủ yếu là tăng thêm phần nội thất, đồ thờ. Nhưng tinh thần điều chỉnh tổng mức đầu tư không quá 50 tỷ đồng.” – Ông Thế nói.

Cũng theo ông Lê Chí Thế, về quy trình báo cáo chủ trương điều chỉnh dự án của UBND huyện, sẽ được các sở, ngành của tỉnh tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND xem xét quyết định.

Như vậy, tại kỳ họp tới đây (dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6/2020) nếu HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án sẽ “đội vốn” thêm gần 15 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư của một di tích xếp hạng cấp tỉnh ở Thanh Hóa lên mức gần 50 tỷ đồng.


Chưa tính nội thất, đồ thờ sau khi điều chỉnh vốn đầu tư, ngôi nhà truyền thống này đã ..."ngốn" hơn 8,3 tỷ đồng. Ảnh: Quang Duy

Theo nguồn tin riêng của PV, mặc dù là dự án trùng tu tôn tạo di tích lịch sử mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, sử dụng 100% vốn ngân sách, được thẩm định, phê duyệt về đầu tư, xây dựng, kiến trúc, văn hóa khá chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, công trình đã phải chỉnh sửa nhiều lần như: thiết kế xây dựng lại nhà bếp, thiết kế bố trí lại hệ thống chiếu sáng nhà di tích, chỉnh sửa hoa văn, họa tiết trên nóc nhà truyền thống, thiết kế lại hàng rào, thiết kế lại hệ thống cây xanh, điều chỉnh lại ao nước...

Tại Hội nghị ngày 04/9/2019, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa kết luận: Đây là dự án phải chỉnh sửa nhiều lần do chất lượng chưa đạt yêu cầu, chủ yếu do nguyên nhân chủ quan.

Chưa dừng lại ở đó, theo báo cáo tiến độ thực hiện dự án tính đến ngày 15/5/2020, UBND huyện Thọ Xuân lại tiếp tục đề nghị điều chỉnh một số chi tiết so với thiết kế tại các hạng mục nhà truyền thống và nhà bếp.


Ngôi nhà di tích phục dựng bằng tường gạch, gỗ xoan, diện tích xây dựng 74,3 m2 tiêu tốn ngân sách gần 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Quang Duy

Trước đó, Báo Nhà báo & Công luận đã thông tin, ngày 17/4/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền đã ký Quyết định Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973), xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư (làm tròn) là 29.800.000.000 đồng (Hai mươi chín tỷ tám trăm triệu đồng) do UBND huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư. Đặc biệt, để phục vụ dự án, toàn bộ công sở xã Thiệu Viên, được đầu tư xây dựng năm 2008 còn khá khang trang sẽ bị “san phẳng” và xây mới tại vị trí khác.

Quang Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét