‘Giám đốc thẩm’ lạc đề, Nguyễn Hòa Bình đào hố chôn mình
Gió Bấc - Chưa bao giờ dư luận Việt Nam lại đồng thuận phản ứng mạnh mẽ với Tòa Án Tối Cao như phiên “giám đốc thẩm” vụ án Hồ Duy Hải. Từ báo chí, mạng xã hội, từ giới học thuật đến các chuyên gia, từ cử tri đến đại biểu Quốc Hội. Và ngay Quốc Hội cũng đáp ứng nhanh chóng hiếm thấy. Chỉ 10 ngày sau khi tuyên án, Quốc Hội đã lên tiếng giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ án. Diễn biên này xảy ra ngay trước Đại Hội 13 của đảng cầm quyền cho thấy Chánh Án Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao (TANDTC), đã tự đào hố chôn mình, cơ hội thăng tiến, trụ hạng xem như bịt kín. Nếu “cụ Tổng” thật sự xử nghiêm thì Bình còn có cơ may thành củi.Chánh Án Nguyễn Hòa Bình (thứ hai, trái) trong phiên “giám đốc thẩm” hôm 6 Tháng Năm. (Hình: An Vũ/Thanh Niên)
Diễn biến mới nhất về hậu “giám đốc thẩm” Hồ Duy Hải là phản ứng dư luận đã vang đến cơ quan quyền lực cao nhất (về lý thuyết) là Quốc Hội. Ngay sau phiên xử đã có ba đại biểu Quốc Hội: Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và Trương Trọng Nghĩa lên tiếng trước công luận đồng thời có văn bản gởi đến Quốc Hội đề nghị thực hiện quyền giám sát tối cao với phiên tòa “giám đốc thẩm.”
Vì sao Quốc Hội kịp thời nhận trọng trách?
Trong đợt đại biểu Quốc Hội tiếp xúc cử tri đang diễn ra thì tại Sài Gòn, có ít nhất hai lần vào ngày 13 và 18 Tháng Năm, cử tri đã kiến nghị Quốc Hội phải xem xét các vi phạm pháp luật của các cơ quan tố tụng và nhất là sự phạm trong phiên “giám đốc thẩm.”
Đại biểu Quốc Hội đồng thời là viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao (VKSNDTC) đã khẳng định với cử tri “Chắc chắn viện trưởng kháng nghị không sai luật và đúng thẩm quyền. Viện trưởng cũng có báo cáo với các cấp có thẩm quyền để xem xét và đúng pháp luật. Đây là trách nhiệm thực thi pháp luật, đến giờ phút này viện trưởng tin là mình đang làm đúng trách nhiệm của mình,” ông Lê Minh Trí nói. (1)
Chiều cùng ngày 18 Tháng Năm, tại cuôc họp báo quốc tế, về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc Hội Khóa IV, Tổng Thư Ký Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận vừa rồi một số đại biểu Quốc Hội có ý kiến gửi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội để nêu ý kiến, kiến nghị về vụ án. “Ở nhiệm kỳ trước, Quốc Hội đã thành lập đoàn giám sát liên quan đến vấn đề này do Phó Chủ Tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Lê Thị Nga làm phó trưởng đoàn. Sau đó, Ủy Ban Tư Pháp đã có kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải,” ông Phúc cho hay.
Ông nói: “Quá trình cũng cho thấy gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm. Hiện nay, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật.” (2)
Đây là sự đáp ứng khẩn trương hiếm có của Quốc Hội trước những sự kiện bất bình của đất nước. Hồ Duy Hải chỉ là một trường hợp kêu oan trong hàng trăm hàng ngàn trường hợp kêu oan khác, vì sao vụ án được quan tâm như vậy?
Xuyên suốt từ nội dung kháng nghị của VKSNDTC đến ý kiến các chuyên gia phản biện với án “giám đốc thẩm,” là hồ sơ vụ án ở hai cấp sơ phúc thẩm có nhiều sai phạm nghiêm trọng về tố tụng có thể dẫn tới kết tội oan sai và triệt tiêu công lý.
Thế nhưng đến lượt phiên “giám đốc thẩm” lại càng vi phạm cao hơn về cả tố tụng lẫn nội dung phán quyết. Theo Đại Biểu Lưu Bình Nhưỡng và nhiều chuyên gia pháp luật, việc Chánh Án Nguyễn Hòa Binh trước đây trong vai trò viện trưởng VKSNDTC từng ký quyết định bác kháng nghị “giám đốc thẩm” nay lại ngồi chủ tọa phiên tòa là vi phạm Điều 53. Việc biểu quyết bằng hình thức đưa tay khi các thành viên Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC đều là cấp dưới của ông Bình cho thấy phiên tòa thiếu khách quan,
Không chỉ sai về tố tụng, phiên “giám đốc thẩm” còn ra những phán quyết sai pháp luật khi biểu quyết cho rằng kháng nghị của VKSNDTC là không có căn cứ hay biểu quyết cho rằng vụ án có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất. Đại Biểu Lê Thanh Vân cho rằng quyết định của Hội Đồng Thẩm Phán sẽ dễ tạo ra tiền lệ không tốt về sau với nhận định “có sai phạm trong tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.” Từ đó có thể dẫn tới chủ quan, xem thường quy trình tố tụng hình sự.
Tiến Sĩ Vũ Thị Phương Lan (Đại Học Luật Hà Nội) cho rằng “Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC đã đi lạc đề, vì nó không phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của xét xử ‘giám đốc thẩm.’ Nhiệm vụ của xét xử ‘giám đốc thẩm’ không phải là xem xét người bị buộc tội thực sự có tội hay không, đó là nhiệm vụ của tòa án sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Nhiệm vụ của xét xử ‘giám đốc thẩm’ là xem xét bản án cấp dưới có sai không và nếu sai thì có bị hủy không. Cái sai ở đây có thể về thủ tục tố tụng trong quá trình từ điều tra, truy tố đến xét xử hoặc sai về áp dụng pháp luật.”
Nhà đỏ cũng bùng dư luận
Trong một không gian quyền lực sâu kín ở tầm cao hơn và là trung tâm quyền lực thực sư quyết định hơn diễn đàn Quốc Hội, tiếng vang của vụ án cũng nổ ra theo hướng bất lợi cho ủy viên Trung Ương Đảng, thành viên Ban Bí Thư Nguyễn Hòa Bình. Thời Báo của cộng đồng người Việt tại Đức (thoibao.de) đã đưa tin “Trong phiên họp hôm nay 14 Tháng Năm, 2020, tại Hội Nghị Trung Ương 12, Phó Chủ Tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã phê phán gay gắt Chánh Án TANDTC Nguyễn Hòa Bình về các sai sót trong vụ xét xử tử tù Hồ Duy Hải.
Tiếp theo, ông Lê Minh Trí, viện trưởng VKSNDTC, cũng thẳng thừng phê phán ông Bình và đội ngũ thẩm phán 17 người tại hội đồng.
Nhiều Ủy Viên Trung Ương cho rằng, lịch sử chưa bao giờ có phê phán nặng như vậy!” (3)
Hội Nghị 12 của Ban Chấp Hành Trung Ương bàn về quy hoạch Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đồng thời lấy phiếu tín nhiệm một số Ủy Viên Trung Ương dự kiến vào các chức danh quan trọng này. Theo thông tin từ thoibao. de cũng như bình luận của chuyên gia Carlyle Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, về hội nghị này thì không thấy có tên Nguyễn Hòa Bình trong top cao để được tín nhiệm vào Bộ Chính Trị.
Măt khác, kết quả xem xét, giám sát của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về vụ án Hồ Duy Hải sẽ ảnh hưởng rất lớn đến số phận của Nguyễn Hòa Bình.
Điều nguy hiểm là chính trong thời điểm nóng bỏng về nhân sự trung ương, ghế ít đít nhiều, dư luân trong nước và cả tờ thoibao.de đã đăng lại nhiều thông tin bất lợi cho Nguyện Hòa Bình vê khối tài sản khổng lồ. Riêng về bất động sản tại Hà Nội gồm tám biệt thự, căn hộ loại sang giá trị trên 200 tỷ đồng ($8.6 triệu). Thông tin về khối tài sản này có kèm theo hình ảnh, giấy tờ nhà đất đứng do Nguyễn Hòa Bình đứng tên chủ sở hữu.
Ngoài ra, Bình để cho con đứng tên làm chủ những dự án bất động sản ở Quảng Ngải lên đến 1,500 tỷ đồng ($64.6 triệu).
Qua đối chiếu năm sinh theo công bố trong lý lịch và năm sinh trên giấy tờ nhà đất có sự khác biệt đến năm năm. Nguyễn Hòa Bình chánh án sinh năm 1958 và Nguyễn Hòa Bình chủ đất sinh 1953. Theo thông tin báo chí Nguyễn Hòa Bình là học sinh miền Nam diện tập kết theo cha mẹ năm 1954 thì việc sinh năm 1958 hoàn toàn vô lý. Việc này muốn xác minh hoàn toàn thuận lợi, hồ sơ lưu trữ về Học Sinh Miền Nam vẫn còn đầy đủ, nhân chứng sống là học sinh miền Nam vẫn họp mặt hằng năm. Như vậy, chỉ riêng về tuổi, nếu xác minh nghiêm túc, Nguyễn Hòa Bình không đủ tiêu chuẩn trụ lại Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa 13. (4)
Càng đối phó, càng sinh bất lợi
Đối phó với dư luận sau phiên tòa, báo Công Lý của TANDTC và Phó Chánh Án Nguyễn Trí Tuệ đã đưa ra nhiều thông tin phản ứng và gây tác dụng ngược. Ông Trí Tuệ và báo Công Lý đổ lỗi cho Việt Tân, cho “truyền thông bẩn” đưa tin xuyên tạc vụ án, ông lại quá lời khi cho rằng đại biểu Quốc Hội phát ngôn “nguy hiểm” và đã bị ba đại biểu Quốc Hội phản ứng mạnh mẽ. (5)
Báo Công Lý cũng cho đăng hình ảnh thực nghiệm hiện trường vụ án trước đây chưa từng công bố cho thấy sau khi giết Hồng, Hải rửa dao, dắt dao vào bụng và tiếp tục vật ngả, giết chết Vân. Nhóm Báo Sạch đã tự làm thực nghiệm hiện trường ở cả ba miền Bắc Trung Nam đều cho thấy nếu làm theo đúng diễn biến này Hải sẽ bị thương vì dao đâm vào bụng.
Ngoài ra, từ sự quan tâm của dư luận, vụ án lại phát sinh thêm nhiều tình tiết mới.
Có ai đó bí mật chuyển cho nhà báo Trương Châu Hữu Danh bản ảnh tấm thớt tại hiện trường có vết máu nằm sát thi thể cô Vân. Bản ảnh này từ trước đến nay chưa hề đưa vào hồ sơ vụ án. Điều này cho thấy, khi khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra đã phát hiện, ghi nhận tấm thớt nhưng vì lý do nào đó đã hủy đi và thay bằng thớt mua ở chợ.
Luật Sư Trần Hồng Phong cũng đã trình các cơ quan tố tụng một chứng cứ ngoại phạm của Hải là Hải thuận tay phải nhưng vết thương của nạn nhân do người thuận tay trái gây ra
Theo hồ sơ vụ án và theo bản án “giám đốc thẩm” nhân vật Nguyễn Văn Nghị ở Tiền Giang là người yêu của Hồng. Luật Sư Trần Hồng Phong đã có đơn tố cáo Nguyễn Văn Nghị là hung thủ nhưng đến nay, công an Long An lại cho rằng không có Nguyễn Văn Nghị ở Tiền Giang mà chỉ có Nguyễn Hữu Nghị ở Long An. Đây là mâu thuẫn vô cùng khó hiểu Công An Long An sai hay TANDTC sai? Nghị nào là đúng? (6)
Tại phiên tòa “giám đốc thẩm,” Luật Sư Trần Hồng Phong đã lưu ý Hội Đồng Thẩm Phán là ông đã nộp ba loại đơn: Kêu oan cho Hồ Duy Hải, tố cáo Nguyễn Văn Nghị và đơn tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Trong tình huống hiện nay, song song với việc giám sát của Quốc Hội, VKSNDTC có quyền độc lập khởi tố điều tra theo yêu cầu của Luật Sư Phong.
Căn cứ Điều 20 Luật Tổ Chức Viện Kiểm Sát Nhân Dân năm 2014. Điều 163 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2015 và Điều 30 Luật Tổ Chức Cơ Quan Điều Tra Hình Sự năm 2015, Cơ Quan Điều Tra VKSNDTC có thẩm quyền tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.
Nếu ông Trí mạnh dạn ra tay thì sự thật sẽ sóm sáng tỏ!
Không rõ vô tình hay hữu ý, trên trang web của Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, song song với thông tin về việc Quốc Hội xem xét vụ án lại có bài “Thẩm phán, hội thẩm ra bản án trái pháp luật có thể bị phạt tù đến 15 năm” trong đó nhấn mạnh “Chủ thể của tội phạm ra bản án trái pháp luật chỉ có thể là thẩm phán, hội thẩm của tòa án nhân dân, tòa án quân sự các cấp. Tội ra bản án trái pháp luật có khách thể xâm phạm tính đúng đắn của hoạt động tố tụng; đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan xét xử) và xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.” (7)
Khởi tố chánh án TANDTC là điều ít ai dám nghĩ tới nhưng với những sai phạm, thách thức pháp luật của Nguyễn Hòa Bình điều gì cũng có thể xảy ra.
Gió Bấc
Chú thích:
(1) https://tuoitre.vn/vien-truong-vien-ksnd-toi-cao-khang-nghi-vu-ho-duy-hai-la-dung-phap-luat-20200518090404772.htm
(2) https://tuoitre.vn/co-quan-cua-quoc-hoi-dang-xem-xet-vu-ho-duy-hai-20200518152515787.htm
(3) https://thoibao.de/blog/2020/05/15/vu-duc-dam-nguyen-duc-chung-nguyen-thanh-phong-deu-duoc-gioi-thieu-quy-hoach-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-khoa-xiii-tin-noi-chinh-ket-qua-hoi-nghi-trung-uong-12/
(4) https://thoibao.de/blog/2020/05/08/kiem-ke-tai-san-noi-cua-nguyen-hoa-binh-chanh-an-tand-toi-cao-tdkc/
(5) https://www.baogiaothong.vn/ba-dai-bieu-quoc-hoi-len-tieng-ve-phat-ngon-nguy-hiem-vu-an-ho-duy-hai-d465049.html
(6) https://danviet.vn/nguyen-van-nghi-hay-nguyen-huu-nghi-co-lam-thay-doi-ban-chat-vu-an-ho-duy-hai-20200517124016285.htm
(7) https://lsvn.vn/tham-phan-hoi-tham-ra-ban-an-trai-phap-luat-co-the-bi-phat-tu-den-15-nam.html
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét