Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

Nên hay không nên tăng lương cơ sở từ 1-7 ?

Cá nhân tôi không quan tâm tới việc Chính phủ định tăng hay không tăng lương cơ sở từ 1-7 tới vì từ khi đi làm đến nay tôi không sống bằng tiền lương của Chính phủ. Tuy nhiên tôi không đồng tình với việc Chính phủ đề xuất chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020. Một là tăng lương lần này tôi cho rằng thực chất là bù giá vào lương vì trong mấy năm qua giá cả đã tăng quá nhanh, làm mức sống của người ăn lương giảm sút mạnh, cần phải tăng lương để bù đắp. Tôi không tin vào các con số lạm phát hàng năm của Tổng cục Thống kê công bố; đấy là những con số thấp xa so với sự thật. Do đó, tăng lương bù đắp là để nhà nước trả lại tiền cho dân sau khi đã lấy của họ thông qua thuế lạm phát. Hai là, đời sống của người dân đang thấp thảm hại; ra chợ hay siêu thị mà xem người dân mua sắm như thế nào. Mỗi người đi mua hàng chỉ mua toàn những đồ sinh hoạt tối thiểu với số lượng rất thấp so với những năm trước. Hiện nhiều người lương thấp đang rất mong chờ ngày được tăng lương. Nếu như Quốc hội nghe lời Chính phủ không tăng lương cơ sở cho họ thì họ sẽ vô cùng thất vọng. Lòng tin của họ vào Đảng và Nhà nước sẽ giảm sút vì họ cho rằng Đảng và Nhà nước không thực hiện đúng cam kết với dân. Một khi nhà nước đặt ra các quy tắc (cam kết) nhưng rồi nuối lời không thực hiện, thì sau này người dân sẽ không tin nữa. Ba là tôi không tin số tiền dự kiến tăng lương mà không tăng, sẽ được sử dụng có hiệu quả và đúng mục tiêu chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. Bốn là tôi đề nghị không nên xây dựng hệ thống tiền lương hưu như hiện nay, theo đó mỗi người về hưu sẽ được nhận số lương hưu tỷ lệ với số tiền đã đóng bảo hiểm hoặc với mức lương và phụ cấp. Với cơ chế này, người khi đi làm có tiền lương cao (ví dụ công an, quân đội...) sẽ có mức lương hưu quá cao, trong khi đã nghỉ hưu thì mọi đối tượng hưu trí đều không còn cống hiến nữa nên đã bình đẳng. Thay vào cơ chế lương hưu hiện nay, nên quy định cơ chế lương hưu mới, theo đó có mức lương hưu trung bình và các mức tối đa, tối thiểu không quá 1,5 lần mức lương hưu trung bình đó. Ví dụ mức lương hưu trung bình là 6 triệu, thì người có tiền lương hưu cao nhất chỉ là 9 triệu trong khi người có tiền lương hưu thấp nhất là 4 triệu. Như thế sẽ không có chuyện các tướng tá hay cán bộ doanh nghiệp nhà nước có mức lương hưu tới 15-20 triệu đồng và cao hơn nữa, trong khi mức lương hưu của người lao động sẽ được tăng lên đáng kể.
Chính phủ kiến nghị chưa tăng lương cơ sở từ 1-7
20/05/2020 TTO - Sáng 20-5, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020. 
Đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu về tăng mức lương cơ sở là một trong nhiều giải pháp trọng tâm của Chính phủ gửi tới Quốc hội nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái "bình thường mới" sau dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh VGP
Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau".

Theo đó, thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chống trục lợi chính sách, xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung giải quyết việc làm, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm quá tải bệnh viện và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh. Bảo đảm chương trình học phù hợp và an toàn cho học sinh, sinh viên.

Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.

Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, nhất là các chính sách đặc thù đối với vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.

https://tuoitre.vn/chinh-phu-kien-nghi-chua-tang-luong-co-so-tu-1-7-20200520121038611.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét