Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Bao nhiêu người sẽ chết để thức tỉnh lương tri nền tư pháp?

Đoạn này nói về án bỏ túi: "Án hình sự, các luật sư bào chữa khản cả cổ, tiếng kêu ai oán cả trời đất nhưng đến phần nghị án, họ lui vào ngồi lâu lâu chút cho có cái gọi là “nghị án” sau đó ra đọc bản án viết sẵn một cách vô cảm đến đáng sợ. Vậy dân đen chỉ còn cách rạch bụng, uống thuốc độc và nhảy lầu. Thức tỉnh được nền tư pháp không? Còn lâu…". Mình biết câu này từ hơn 40 năm rồi: “đến chết, tôi không bao giờ tin toà án Việt Nam”, thực ra là câu: “đến chết, tôi không bao giờ tin chính quyền Việt Nam”. Chính quyền này chưa bao giờ là của dân, do dân và vì dân, nhưng mỗi chúng ta được sinh ra trên mảnh đất này, là công dân của đất nước này và không muốn sống ở nước ngoài, thì phải chung sống với chính quyền đó dù căm ghét nó tột độ. Mỗi lần bức xúc mình lại nhớ tới chữ "NHẪN" của ông Võ Nguyên Giáp. Mình hoàn toàn không ưa ông Giáp và "NHẪN (nhục)" của ông, nhưng đôi lúc cũng phải chấp nhận "NHẪN (nhịn)" chịu đựng để chờ cho hết kiếp người.
Sẽ còn bao nhiêu người chết để thức tỉnh lương tri nền tư pháp?
LS Lê Ngọc Luân 30-5-2020 - Là người làm nghề luật sư, đã trải qua và chứng kiến nhiều số phận oan nghiệt, cay đắng nhưng thú thật, hình ảnh ông Phước nằm co ro, chết không nhắm mắt ở sân toà khiến tôi ám ảnh và đau đớn.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và văn bản
Ở toà án, đó là nơi mà bao con người chờ đợi, hi vọng một phán quyết công minh, tình người. Thế nhưng, ở nơi ấy, họ chọn cách lấy dao rạch bụng (Cần Thơ), uống thuốc độc chết (Ninh Thuận), nhảy từ lầu 2 (Bình Phước)… nhằm chứng minh cho sự oan ức và trong sạch của mình.

Cách đây hai ngày, một người Việt Kiều Mỹ đến gặp nhờ tư vấn tranh chấp chỉ 40 triệu đồng, đó là con số rất nhỏ và tình huống pháp lý đơn giản. Họ nói, bản thân tin ở toà và thấy việc không có gì phức tạp nên tự mình làm xem sao, không ngờ vụ án kéo dài hơn 3 năm và kết quả thua kiện khiến sự phẫn uất của họ lên đến cao trào mỗi lần nhắc về sự việc khi tâm sự với tôi. Tiền cũng mất, danh dự cũng bay.

Câu nói mà họ chia sẻ “đến chết, tôi không bao giờ tin toà án Việt Nam”. Nghe đau quá!

Những người làm nghề luật sư như chúng tôi đây, nắm luật nhưng còn bị hành cho ra bả, nhiều lúc phải nhịn nhục chỉ vì giúp Thân chủ. Nếu là án dân sự, cương quá, ít 3 năm, 5 năm, dài thì 15, 18 năm… có khi chết rồi đời con cháu vẫn chưa xong.

Án hình sự, các luật sư bào chữa khản cả cổ, tiếng kêu ai oán cả trời đất nhưng đến phần nghị án, họ lui vào ngồi lâu lâu chút cho có cái gọi là “nghị án” sau đó ra đọc bản án viết sẵn một cách vô cảm đến đáng sợ.

Vậy dân đen chỉ còn cách rạch bụng, uống thuốc độc và nhảy lầu. Thức tỉnh được nền tư pháp không?

Còn lâu…

Chỉ khi nào thẩm phán được độc lập thật sự, họ có quyền phán xét bằng sự chính trực và lương tâm không bị can thiệp thô bạo thì mới có nhen nhóm hi vọng.

Viết ra điều này, tôi tin những NGƯỜI THẨM PHÁN đúng nghĩa, thương dân sẽ đồng cảm và đau đớn khi chứng kiến hình ảnh đau thương của đồng loại. Chắc chắn họ sẽ không ngủ được và ám ảnh như chúng ta. Nhưng không biết được bao nhiêu người đang suy nghĩ?

Bài viết là nhén hương thơm mà tôi muốn gửi đến ông Lương Hữu Phước – người đàn ông bất hạnh và khổ đau ở cõi trần gian.

P/S: Đất Mẹ bao la ôm và sưởi ấm cho Ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét