Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Tháp nhu cầu của Maslow

Viết vội để đi dạy, lúc khác sẽ sửa.
Tháp nhu cầu của Maslow
Tháp nhu cầu của Maslow (Maslow's hierarchy of needs) được nhà tâm lý học Abraham Maslow đưa ra vào năm 1943 trong bài viết "A Theory of Human Motivation" và là một trong những lý thuyết quan trọng nhất của quản trị kinh doanh, đặc biệt là các ứng dụng cụ thể trong quản trị nhân sự và quản trị tiếp thị.Tháp nhu cầu của Maslow
Căn bản của lý thuyết
Theo Maslow, về căn bản, nhu cầu của con người được chia làm hai nhóm chính: nhu cầu cơ bản (basic needs) và nhu cầu bậc cao (meta needs). Nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố thể lý của con người như mong muốn có đủ thức ăn, nước uống, được nghỉ ngơi... Những nhu cầu cơ bản này đều là các nhu cầu không thể thiếu hụt vì nếu con người không được đáp ứng đủ những nhu cầu này, họ sẽ không tồn tại được nên họ sẽ đấu tranh để có được và tồn tại trong cuộc sống hàng ngày.



Các nhu cầu cao hơn nhu cầu cơ bản trên được gọi là nhu cầu bậc cao. Những nhu cầu này bao gồm nhiều nhân tố tinh thần như sự đòi hỏi công bằng, an tâm, an toàn, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, vinh danh với một cá nhân v.v.

Các nhu cầu cơ bản thường được ưu tiên chú ý trước so với những nhu cầu bậc cao này. Với một người bất kỳ, nếu thiếu ăn, thiếu uống... họ sẽ không quan tâm đến các nhu cầu về vẻ đẹp, sự tôn trọng... Tuy nhiên, tuỳ theo nhận thức, kiến thức, hoàn cảnh, thứ bậc các nhu cầu cơ bản có thể đảo lộn. Ví dụ như: người ta có thể hạn chế ăn, uống, ngủ nghỉ để phục vụ cho các sự nghiệp cao cả hơn.


Chi tiết nội dung tháp nhu cầu

Cấu trúc của Tháp nhu cầu có 5 tầng, trong đó, những nhu cầu con người được liệt kê theo một trật tự thứ bậc hình tháp kiểu kim tự tháp.

Những nhu cầu cơ bản ở phía đáy tháp phải được thoả mãn trước khi nghĩ đến các nhu cầu cao hơn. Các nhu cầu bậc cao sẽ nảy sinh và mong muốn được thoả mãn ngày càng mãnh liệt khi tất cả các nhu cầu cơ bản ở dưới (phía đáy tháp) đã được đáp ứng đầy đủ.

5 tầng trong Tháp nhu cầu của Maslow:
  1. Tầng thứ nhất: Các nhu cầu về căn bản nhất thuộc "thể lý" (physiological) - thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi.
  2. Tầng thứ hai: Nhu cầu an toàn (safety) - cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo.
  3. Tầng thứ ba: Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) - muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.
  4. Tầng thứ tư: Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) - cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng.
  5. Tầng thứ năm: Nhu cầu về tự thể hiện bản thân cường độ cao (self - actualization) - muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.
Mở rộng tháp

Sau Maslow, có nhiều người đã phát triển thêm tháp này như thêm các tầng khác nhau, thí dụ:
Tầng Cognitive: Nhu cầu về nhận thức, hiểu biết: - Học để hiểu biết, góp phần vào kiến thức chung.
Tầng Aesthetic: Nhu cầu về thẩm mỹ - có sự yên bình, ham muốn hiểu biết về những gì thuộc nội tại.
Tầng Self-transcendence: Nhu cầu về tự tôn bản ngã - một trạng thái siêu vị kỷ hướng đến trực giác siêu nhiên, lòng vị tha, hòa hợp bác ái.

Tuy nhiên, mô hình căn bản được chấp nhận rộng rãi vẫn chỉ có 5 tầng như ở trên.

Trường hợp Việt Nam

Người Việt Nam hiện tại đa số rất nghèo, thu nhập của đại đa số người dân chỉ đủ ăn, có nhiều nơi thiếu ăn. Nhà cửa xập xệ, ở nông thôn đa phần là nhà cấp 4; ở thành thị thì nhà ống chất lượng kém và thiếu văn minh, kém an toàn. Tương lai và sự nghiệp thường bấp bênh; không ai dám chắc tương lai và sự nghiệp của mình rồi sẽ về đâu.

Do đó, ao ước lớn nhất và dường như duy nhất của đa số người Việt là được ăn ngon, mặc đẹp và ở bên cạnh người thương.

Mặc dù điều 25 của Hiến pháp quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình", nhưng với người dân VN, dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, biểu tình, lập hội để giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, thuận lợi với nhau hoặc bày tỏ chính kiến... đều là những thứ xa vời.

Hiện nay đại đa số người Việt chỉ cần có việc làm, có thu nhập đủ ăn và nuôi con cái, có chỗ để ở, ngồi chơi với bạn bè, được tự do yêu đương. Vậy là đủ. Nếu khá hơn, họ dùng thu nhập dư thừa để đầu tư dài hạn và tích luỹ. Đây là tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện tại (không nhiều), không nghèo cũng không giàu.


Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người dân đã lên tới tầng thứ 3 của tháp Maslow, tức là có nhu cầu giao lưu tình cảm. Họ chủ yếu thuộc tầng lớp doanh nhân thành đạt hay một số người cùng chí hướng. Ngoài ra còn có thêm một số người quan tâm đến chính trị hay xã hội, muốn đất nước phải được lãnh đạo, quản lý tốt hơn, xã hội phải công bằng hơn... Họ thành lập hoặc gia nhập các câu lạc bộ, hội nhóm hay tổ chức để có cảm giác tập thể. Tuy nhiên, dù vì Hiến pháp quy định "Công dân có quyền hội họp, lập hội" nhưng trên thực tế Nhà nước ngăn cản người dân thực hiện quyền này, nên gần như không có các hội nhóm hay tổ chức tư nhân. Do vậy, số người thuộc tầng tháp này đang rất ít.


Ở tầng thứ 4, khi đã khá giả và rồi có nhiều giao lưu tình cảm rồi thì người dân sẽ thèm khát được người khác quý trọng và ngưỡng mộ. Điều này giải thích vì sao ở Phương Tây người ta làm giàu rồi mới chuyển sang làm chính trị. Còn ở Việt Nam thì khác hẳn. Ở VN có câu "giầu thì nó ghét, nghèo thì nó khinh, thông minh thì nó diệt". Thế nên chẳng mấy ai dám tỏ ra thông minh, tài giỏi để được người khác quý trọng và ngưỡng mộ cả. Người tài thì ẩn mình, dân thường thì nghĩ một đằng, nói một nẻo, tất cả đều nhịn nhục nhường sân diễn cho đám con ông cháu cha và đám doanh nhân ăn theo chúng. 

Loại người này thường bất tài, thiếu học nên thường xuất hiện trên tivi hay báo chính thống với những danh ngôn, tuyên bố gây sốc cho cả xã hội. Điển hình là một lô một lốc các bộ trưởng đương nhiệm như Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Nguyễn Mạnh Hùng... Thậm chí còn có những loại như Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, đã được dân ưu ái đặt cho cái tên chết là "Ngu quá Thể". Ngoài ra còn có một số ông nhà giàu mới nổi thích phát ngôn điên rồ gây tranh cãi để người khác nhớ đến mình, như Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên, nói "Ai uống Starbucks là sính ngoại, là không yêu nước", "Tôi muốn làm lãnh đạo cà phê thế giới", "Tôi đã được Thượng đế lựa chọn để cứu nhân loại", hay "Tiền để làm gì?"...

Cuối cùng phải viết thêm về những người có nhu cầu thể hiện bản thân ở cường độ cao, tức là ở tầng thứ 5 hay đỉnh cao nhất của tháp. Khi đã đáp ứng được mọi nhu cầu trong cuộc sống thì con người sẽ tìm kiếm lý tưởng. Có thể là trong chính trị, từ thiện hay hoạt động xã hội. Họ muốn tìm cái gì đó quý giá và cao thượng hơn đời thường. Chính lúc này, họ nghĩ đến những giá trị như dân chủ và tự do. Họ thèm được thể hiện và muốn góp phần trong sự điều hành của xã hội. Cho nên ở các quốc gia thịnh vượng, số người tham gia chính trị rất đông, không chỉ vì có tự do ngôn luận mà vì đó là nhu cầu của họ. Họ thường xuyên có ý kiến với các cấp chính quyền từ thôn xóm tới trung ương để làm sao cho đất nước phát triển tốt hơn, xã hội văn minh và nhân bản hơn... 

Dĩ nhiên, ở Việt Nam hiện tượng này còn quá ít. Cả nước gần 100 triệu dân nhưng có lẽ không đến 1 nghìn người có nhu cầu như thế. Nhưng chúng ta cũng không chê trách nững người khác, vì cơ bản họ không có nhu cầu và thật ra cũng muốn được an phận. Hàng vạn, hàng triệu người dân khi bức xúc lắm vì bị chèn ép, cướp bóc... chỉ có cách lên mạng chửi bới vài câu hoặc tham gia tranh luận, nhưng vừa chửi bới, vừa tranh luận thì cũng vừa run, vừa sợ chính quyền... phạt. Hơn nữa, từ chửi bới, vừa tranh luận đến khi hành động thì vô cùng khó và vô cùng xa. Chỉ có những người dũng cảm nhất, quyết tâm nhất mới leo được đến tột cùng của tháp Maslow này.


Chính vì điều đó nên dân chủ ở Việt Nam là một tương lai quá không gần. Chỉ khi người dân khá giả hơn, có dư thời gian và muốn thể hiện bản thân thì may ra mới bắt đầu tìm hiểu. Còn đa số hiện tại thì muốn mọi thứ ở yên tại chỗ. Vậy nên, có thể nói tháp Maslow miêu tả khá đúng xã hội và con người Việt Nam hiện tại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét