Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

Kỷ nguyên tân tự do đang kết thúc Tiếp theo là gì ?

Bài viết này quá xuất sắc và hiếm thấy. Chỉ trong vài trang giấy, Rutger Bregman đã tổng kết được hàng chục tư tưởng kinh tế vĩ đại lần lượt xuất hiện và gây ảnh hưởng toàn cầu trong suốt 7 thập kỷ qua. Tôi thích đoạn Lewis cho rằng đối với bất cứ ai đang khao khát tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, cần phải vượt qua ba ‘khó khăn’: "1. Thay đổi thế giới là KHÓ KHĂN. Bạn phải hy sinh. 2. Nhiều cuộc cách mạng LÀ khó khăn. Tiến bộ có xu hướng bắt đầu với những người cố chấp, đáng ghét, và cố tình lật thuyền. 3. Làm tốt không có nghĩa là bạn hoàn hảo. Những anh hùng trong lịch sử hiếm khi sạch sẽ như sau này họ vẫn tự đánh bóng". Áp dụng vào VN, nếu bạn muốn thay đổi, bạn cũng phải vượt qua ba ‘khó khăn’ đó. Tôi là tín đồ của Friedman (nhưng tôi cũng tin là trật tự tân tự do đang kết thúc vì Mỹ và nhiều nước lớn đang rời bỏ và đảo ngược xu hướng “toàn cầu hóa”, nền tảng của học thuyết này) nên cũng thích câu sau của ông: “Chỉ có một cuộc khủng hoảng – trên thực tế hoặc trong nhận thức – mới tạo ra sự thay đổi thực sự. Khi cuộc khủng hoảng đó xảy ra, những hành động được thực hiện phụ thuộc vào những tư tưởng đang ở xung quanh”. Nó lý giải, muốn cải tổ đất nước thì những người chủ xướng và dẫn dắt cần trang bị đủ tư duy và nhận thức khoa học rất rộng, và để bắt đầu, cần phải tạo ra một cuộc khủng hoảng qua đó phá vỡ được trật tự cũ, từ đó từng bước thiết lập trật tự mới.
Kỷ nguyên tân tự do đang kết thúc. Kỷ nguyên tiếp theo sẽ là gì ?
Rutger Bregman, The Correspondent, 14/5/2020
Nguyễn Trung Kiên lược dịch
Hệ tư tưởng thống trị trong 40 năm qua đang chết dần. Điều gì sẽ thay thế nó? Không ai biết chắc chắn. Không khó để tưởng tượng cuộc khủng hoảng này có thể dẫn chúng ta tới con đường thậm chí còn tăm tối hơn. Những kẻ thống trị đó sẽ sử dụng nó để giành lấy nhiều quyền lực hơn, hạn chế quyền tự do của nhân dân họ, và khơi dậy ngọn lửa của sự phân biệt chủng tộc và lòng thù hận. Nhưng mọi thứ vẫn có thể khác đi. Nhờ sự miệt mài của vô số nhà hoạt động chính trị và học giả, những người xây dựng mạng lưới xã hội và những kẻ phản kháng, chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra một cách khác. Đại dịch này CÓ THẾ sẽ dẫn chúng ta đi tới một con đường của những giá trị mới.

Trong cuộc khủng hoảng [do đại dịch COVID-19], những gì đã từng không thể tưởng tượng được có thể đột nhiên trở thành không thể tránh khỏi. Chúng ta đang ở tâm điểm của một cuộc cải tổ xã hội lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Và chủ nghĩa tân tự do đang đến hồi cáo chung. Vì vậy, từ việc đánh thuế cao hơn đối với người giàu cho đến một chính phủ mạnh hơn, những ý tưởng vốn dường như bất khả thi mới chỉ vài tháng trước, thì nay đã dần được hiện thực hóa.

Có người nói không nên chính trị hóa đại dịch này. Rằng làm như vậy là quá tự cao tự đại. Giống như tín đồ cuồng tín đang kêu gào rằng đó là sự phẫn nộ của Thượng đế, hay những kẻ phao tin đồn đầy tính dân túy về “virus Trung Quốc", hoặc như những người theo dõi thời cuộc dự báo rằng cuối cùng chúng ta cũng đang tiến tới một kỷ nguyên mới của tình yêu thương, sự tỉnh thức, và tiền bạc vô tận cho tất cả mọi người

Cũng có những người nói rằng bây giờ chính xác là thời điểm để phát ngôn. Rằng các quyết định được đưa ra tại thời điểm này sẽ tạo ra những phân hóa cao độ trong tương lai. Hoặc như Chánh Văn phòng của nội các Obama đã nói sau khi tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008: “Bạn sẽ không bao giờ muốn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trở nên bị lãng phí”.

Trong vài tuần đầu tiên [của đại dịch], tôi có xu hướng ủng hộ những người không tán thành [các tuyên bố này]. Tôi từng viết trước đây về các cơ hội trong khủng hoảng, nhưng bây giờ nó dường như vô nghĩa, thậm chí gây khó chịu. Rồi nhiều ngày trôi qua. Dần dần, chúng ta nhận thấy rằng cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài vài tháng, một năm, thậm chí lâu hơn. Và các biện pháp chống khủng hoảng tạm thời áp đặt vào thời điểm này cũng có thể trở thành biện pháp vĩnh viễn.

Lần này, không ai biết những gì đang đến với chúng ta. Nhưng chính xác BỞI chúng ta không biết, DO tương lai là bất định, nên chúng ta cần thảo luận về nó.

1. Thủy triều đang đổi hướng

Vào ngày 4 tháng Tư năm 2020, tờ ‘Financial Times’ có trụ sở tại Anh đã đăng một bài xã luận có khả năng được các nhà sử học trích dẫn trong nhiều năm tới [“Virus lays bare the frailty of the social contract” [[Visus lột trần tính mong manh của khế ước xã hội] (ND)].

Financial Times là tờ thời báo kinh doanh hàng đầu thế giới và, cần nói một cách trung thực ở đây rằng, nó không thật sự là một tờ báo tiến bộ. Tờ báo này có độc giả là những kẻ giàu nhất và có quyền lực nhất trong nền chính trị và nền tài chính toàn cầu. Hàng tháng, nó xuất bản một phụ san với tiêu đề không chút xấu hổ, có tên là “Tiêu tiền thế nào”, viết về các du thuyền và biệt thự, đồng hồ và ô-tô.

Nhưng vào sáng thứ Bảy đáng nhớ trong tháng Tư vừa rồi, tờ báo đó đã đăng bài xã luận kia, trong đó có một đoạn như thế này:

“Các cuộc cải cách cấp tiến - mà sẽ làm đảo ngược định hướng chính sách vốn đang thịnh hành suốt bốn thập kỷ qua - sẽ cần phải được bàn thảo lại. Chính phủ sẽ phải chấp nhận một vai trò tích cực hơn trong nền kinh tế. Họ phải xem các dịch vụ công là một khoản đầu tư, thay vì là một khoản nợ phải trả, và tìm cách để làm cho các thị trường lao động bớt bấp bênh. Vấn đề tái phân phối sẽ lại được đưa ra trong chương trình nghị sự; các đặc quyền của người già và người giàu có sẽ phải được xem lại. Các chính sách mà cho đến gần đây vẫn bị coi là kỳ cục, chẳng hạn như thuế thu nhập cơ bản và thuế tài sản, sẽ phải được mổ xẻ”.

Điều gì đang xảy ra vậy? Làm thế nào mà những kẻ mị dân của chủ nghĩa tư bản đột nhiên lại ủng hộ việc tái phân phối nhiều hơn, [vai trò của] chính phủ lớn hơn, và thậm chí là vấn đề thu nhập cơ bản?

Trong nhiều thập kỷ, thể chế [tân tự do] này đã đứng vững đằng sau mô hình tư bản chủ nghĩa ủng hộ [sự can thiệp của] chính phủ ở mức thấp, các mức thuế thấp, an sinh xã hội hạn chế - hoặc sự tổng hợp của tất cả các yếu tố này. Một nhà báo từng làm cho ‘Financial Times’ từ năm 1986 đã phản hồi: “Trong suốt những năm tháng tôi từng làm việc ở đó, ‘Financial Times’ đã cổ vũ cho một chủ nghĩa tư bản thị trường tự do mang gương mặt người. Định hướng này từ ban biên tập đã thúc đẩy chúng tôi đi theo một hướng đầy táo bạo”.

Các tư tưởng đó trong ban biên tập [của 'Financial Times' (ND)] đã không chỉ xuất hiện như một biểu hiện ủng hộ cánh tả: họ đã trải qua một hành trình rất dài, từ chỗ là kẻ bên lề đến khi hợp lưu vào dòng chính. Từ các căn lều của những kẻ ủng hộ chủ nghĩa ‘không chính phủ’ trong các đô thị, tới các chương trình đối thoại trên truyền hình trong khung giờ vàng; từ các blog vô danh đến tờ ‘Financial Times’.

Và bây giờ, giữa cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, những ý tưởng đó có thể sẽ thay đổi thế giới.

*

Để hiểu được việc đến đây bằng cách nào, chúng ta cần lùi lại và nhìn lại lịch sử. Có thể là điều khó tưởng tượng trong thời điểm hiện nay, nhưng vào 70 năm trước, chính những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do lại là những người cấp tiến.

Năm 1947, một tổ chức nghiên cứu độc lập nhỏ được thành lập tại làng Mont Pèlerin của Thụy Sĩ. Hội Mont Pèlerin được sáng lập từ những người tự xưng là “những người theo chủ nghĩa tân tự do”, những người như nhà triết học Friedrich Hayek và nhà kinh tế học Milton Friedman.

Vào thời đó, ngay sau chiến tranh, hầu hết các chính trị gia và các nhà kinh tế đều tán thành tư tưởng của John Maynard Keynes, nhà kinh tế người Anh và là người ủng hộ mạnh mẽ cho một nhà nước mạnh, đánh thuế cao và mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ. Ngược lại, những người theo phái tân tự do sợ rằng các nhà nước đang mạnh lên sẽ dần trở thành các chế độ chuyên chế mới. Thế là họ nổi loạn.

Các thành viên của Hội Mont Pèlerin biết rằng họ còn phải đi một chặng đường dài. Hayek đã lưu ý: “Thời gian để các ý tưởng mới chiếm ưu thế thường là một thế hệ hoặc thậm chí lâu hơn, và đó là một lý do khiến cho vì sao… suy nghĩ trong hiện tại của chúng ta dường như quá yếu ớt để ảnh hưởng đến các sự kiện”.

Friedman cũng có cùng suy nghĩ: “Người dân mà nay đang vận hành đất nước đã phản ánh bầu không khí trí tuệ của khoảng hai thập kỷ trước, khi họ còn đang học đại học”. Ông tin rằng, hầu hết mọi người đều phát triển những tư tưởng cơ bản mà họ đã có ở tuổi thanh niên. Điều này giải thích tại sao các “lý thuyết cũ vẫn còn thống trị những gì đang xảy ra trong nền chính trị”.

Friedman là một nhà truyền giáo của các nguyên tắc thị trường tự do. Ông tin vào tính ưu việt của sự ích kỷ. Dù vấn đề là gì, giải pháp của ông rất đơn giản: loại bỏ chính phủ; kinh doanh sống mãi. Hay đúng hơn, chính phủ nên biến mọi lĩnh vực thành một thị trường, từ chăm sóc sức khỏe đến giáo dục. Bằng vũ lực, nếu cần thiết. Ngay cả trong một thảm họa tự nhiên, các công ty đang cạnh tranh nhau cũng nên là những người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động cứu trợ.

Friedman biết ông là một người cấp tiến. Ông biết mình đang đứng cách xa dòng chủ lưu. Nhưng điều đó chỉ tiếp thêm sinh lực cho ông. Vào năm 1969, tạp chí Time đã mô tả nhà kinh tế học người Mỹ này là “một nhà thiết kế thời trang Paris, mà các sản phẩm thời trang cao cấp của ông chỉ dành cho ít người, nhưng dù sao cũng ảnh hưởng đến các mốt thời trang của công chúng”.

Bây giờ, thật khó tưởng tượng được rằng, đã có thời mà những người bảo vệ thị trường tự do lại là người cấp tiến.

Các cuộc khủng hoảng luôn đóng vai trò trung tâm trong tư duy của Friedman. Trong lời nói đầu của cuốn sách “Capitalism and Freedom” [Chủ nghĩa tư bản và Tự do] (1982), ông đã viết những lời nổi tiếng:

“Chỉ có một cuộc khủng hoảng – trên thực tế hoặc trong nhận thức – mới tạo ra sự thay đổi thực sự. Khi cuộc khủng hoảng đó xảy ra, những hành động được thực hiện phụ thuộc vào những tư tưởng đang ở xung quanh”.

NHỮNG TƯ TƯỞNG ĐANG Ở XUNG QUANH. Theo Friedman, tất cả những gì xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng đều phụ thuộc vào nền tảng mà nó đang trụ lại. Sau đó, những tư tưởng từng bị loại bỏ do được cho là không thực tế hoặc không khả thi, thì lại có thể trở nên không thể tránh khỏi.

Và đó chính xác là những gì đã xảy ra. Trong các cuộc khủng hoảng của thập niên 1970 (kinh tế đình đốn, lạm phát, và cấm vận dầu mỏ của khối OPEC), những người thuộc phái tân tự do đã sẵn sàng và chờ đợi thời cơ đến. 


Nhà sử học Angus Burgin đã tóm tắt: “Cùng với nhau, họ đã giúp thúc đẩy một sự chuyển đổi chính sách trên toàn cầu”. Các nhà lãnh đạo thuộc phái bảo thủ như tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã áp dụng các tư tưởng cấp tiến của Hayek và Friedman, và về sau, các đối thủ chính trị của họ, như Bill Clinton và Tony Blair cũng đã làm như vậy.

Dần dần, các doanh nghiệp nhà nước trên toàn thế giới đã được tư nhân hóa. Các công đoàn đã bị giới hạn, và các lợi ích xã hội đã bị cắt giảm. Reagan tuyên bố chín từ đáng sợ nhất trong ngôn ngữ tiếng Anh là: “I’m from the government, and I’m here to help” [Tôi từ chính phủ tới, và tôi ở đây để giúp đỡ]. Và sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ vào năm 1989, ngay cả những người dân chủ xã hội dường như đã mất niềm tin vào chính phủ. Trong Thông điệp Liên bang vào năm 1996, Clinton, tổng thống [vừa tái đắc cử] vào thời điểm đó, đã tuyên bố là “kỷ nguyên của chính phủ quy mô lớn đã qua đi”.

Chủ nghĩa tân tự do đã lây nhiễm từ các tổ chức nghiên cứu độc lập tới báo chí, và báo chí tiếp tục lây nhiễm cho các chính trị gia, rồi [từ các chính trị gia] tiếp tục lây nhiễm cho công chúng, hệt như một con virus. Trong một bữa vào tối năm 2002, Thatcher đã được hỏi rằng bà thấy thành tựu tuyệt vời của mình là những gì. Câu trả lời của bà? “Tony Blair và [thời kỳ mới của] Công đảng Anh. Chúng tôi buộc các đối thủ của mình phải thay đổi suy nghĩ”.

*

Và sau đó đến năm 2008.

Vào ngày 15 tháng 9, ngân hàng Mỹ Lehman Brothers đã mở đầu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng. Khi các gói cứu trợ lớn của chính phủ trở nên cần thiết để cứu lấy cái gọi là thị trường “tự do”, nó dường như đã báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa tân tự do.

Tuy nhiên, năm 2008 đã không trở thành một bước ngoặt lịch sử. Một loạt quốc gia đã bỏ phiếu để loại bỏ các chính trị gia cánh tả của mình. Cắt giảm chi tiêu quy mô lớn cho giáo dục, y tế và an sinh xã hội đã được thực hiện, ngay cả khi khoảng cách về bình đẳng tăng lên và lợi nhuận từ Phố Wall tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Tại ‘Financial Times’, một tạp chí phục vụ lối sống xa xỉ, ‘How to Spend It’ [Tiêu tiền thế nào], đã được ra mắt một năm sau vụ khủng hoảng.

Tại thời điểm mà những người theo phái tân tự do đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng của thập niên 1970, thì những kẻ thách thức của họ giờ đây lại trắng tay. Giờ đây, chủ yếu những kẻ thách thức này chỉ biết những gì họ đã CHỐNG LẠI. Chống lại sự cắt giảm [ngân sách cho an sinh xã hội (ND)]. Chống lại việc thành lập [các chính phủ cánh hữu (ND)]. Nhưng còn chương trình nghị sự của họ? Chưa thật rõ ràng về những gì họ ỦNG HỘ.

Bây giờ, 12 năm sau, một cuộc khủng hoảng nữa lại xảy ra. Một cuộc khủng hoảng tàn khốc hơn, gây sốc hơn và nguy hiểm hơn. Theo ngân hàng trung ương Anh, Vương quốc Anh đang đứng trước cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất kể từ mùa Đông năm 1970. Chỉ trong ba tuần, gần 17 triệu người ở Hoa Kỳ đã nộp đơn xin trợ cấp kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, phải mất hai năm để đất nước này đạt tới một nửa con số đó.

Không giống như vụ khủng hoảng năm 2008, cuộc khủng hoảng virus corona có nguyên nhân rõ ràng. Khi hầu hết chúng ta không biết "nghĩa vụ nợ được thế chấp" hay "hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng" là gì, thì chúng ta đều biết virus là gì. Và trong khi, sau năm 2008, các nhân viên ngân hàng liều lĩnh có xu hướng đổ lỗi cho con nợ, thì mánh khóe đó sẽ không còn tác dụng vào thời điểm này.

Nhưng sự khác biệt quan trọng nhất giữa năm 2008 và bây giờ là gì? Đó là: nền tảng trí tuệ. NHỮNG Ý TƯỞNG XUNG QUANH. Nếu Friedman đã đúng và một cuộc khủng hoảng khiến điều không thể tưởng tượng được lại trở thành điều không thể tránh khỏi, thì lần này lịch sử có thể sẽ có một bước ngoặt rất khác.

*

2. Ba nhà kinh tế học Pháp đầy lợi hại
“Ba nhà kinh tế học cực tả đang ảnh hưởng đến cách giới trẻ nhìn nhận nền kinh tế và chủ nghĩa tư bản” là tiêu đề một bài viết trên một trang web cực hữu vào tháng 10 năm 2019. Đây là một trong những blog rẻ tiền chuyên truyền bá tin giả, nhưng tiêu đề này về tác động của bộ ba nhà kinh tế học Pháp đã đưa ra được câu trả lời một cách chính xác

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi bắt gặp tên của một trong ba người đó: Thomas Piketty. Đó là mùa Thu năm 2013, và tôi đang lướt qua blog của nhà kinh tế học Branko Milanović, như tôi thường làm, bởi những lời phê phán gay gắt của ông dành cho các đồng nghiệp của mình rất thú vị. Nhưng trong bài đăng đặc biệt này [My take on the Acemoglu-Robinson critique of Piketty [[Phản ứng của tôi về phê phán của Acemoglu-Robison dành cho Piketty]] (ND)], Milanović đột nhiên có một giọng điệu rất khác. Ông vừa hoàn thành một cuốn sách dày 970 trang bằng tiếng Pháp và đang ca ngợi nó. Tôi đã đọc thấy rằng, cuốn sách đó là “một bước ngoặt trong tư duy kinh tế”.

Milanović từ lâu đã là một trong số ít các nhà kinh tế học chỉ quan tâm đến việc nghiên cứu hiện tượng bất bình đẳng. Hầu hết các đồng nghiệp của ông không nghiên cứu vấn đề này. Vào năm 2003, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Robert Lucas thậm chí đã khẳng định rằng nghiên cứu về các vấn đề như phân phối [thu nhập] là một loại [nghiên cứu] “độc hại nhất” đối với “kinh tế học lành mạnh”.

Vào thời điểm đó, Piketty đã bắt đầu công việc đột phá của mình. Năm 2001, ông đã xuất bản một cuốn sách khó hiểu với những biểu đồ lần đầu tiên xuất hiện để trình bày thu nhập của 1% người giàu nhất [ở Hoa Kỳ]. Sau đó, cùng với nhà kinh tế học Emmanuel Saez – nhà kinh tế học thứ hai trong bộ ba các nhà kinh tế học Pháp - ông đã chứng minh rằng sự bất bình đẳng ở Hoa Kỳ bây giờ cũng cao hệt như tại thập niên 1920 đầy hỗn mang. Chính tác phẩm học thuật này sẽ truyền cảm hứng cho lời kêu gọi tập hợp lực lượng, “Chúng tôi thuộc 99% còn lại”, trong phong trào ‘Occupy Wall Street’ [Hãy chiếm lấy phố Wall].

Năm 2014, Guletty đã gây sốc trên toàn thế giới. Vị giáo sư này đã trở thành một “nhà kinh tế học thời thượng” - với sự thất vọng của nhiều người (trong đó tờ ‘Financial Times’ đã tấn công ông một cách trực diện). Ông đi khắp thế giới để chia sẻ công thức của mình với các nhà báo và chính trị gia. Yếu tố chính? Các loại thuế.

Điều đó đưa chúng ta đến với sự đặc biệt của nhà kinh tế học thứ ba trong bộ các nhà kinh tế học Pháp, nhà kinh tế học trẻ tuổi Gabriel Zucman. Vào đúng ngày Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008, chàng sinh viên kinh tế 21 tuổi này đã bắt đầu một khóa thực tập tại một công ty môi giới chứng khoán của Pháp. Trong những tháng tiếp theo, Zucman đã là người quan sát cận cảnh nhất đối với sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu. Thậm chí sau đó, anh còn dò ra được các khoản tiền đầy biến báo chảy vào các quốc gia nhỏ như Luxembourg và Bermuda – các thiên đường trốn thuế, nơi giới siêu giàu trên thế giới che giấu sự giàu có của họ.

Vài năm sau, Zucman đã trở thành một trong những chuyên gia về thuế hàng đầu thế giới. Trong cuốn sách ‘The Hidden Wealth of Nations’ [Sự thịnh vượng ẩn của các quốc gia] (2015), anh đã tìm ra rằng khối tài sản trị giá 7.600 tỷ đô-la trên thế giới đang được giấu trong các thiên đường trốn thuế. Và trong một cuốn sách đồng tác giả với Emmanuel Saez, Zucman đã tính toán rằng 400 người Mỹ giàu nhất phải trả mức thuế thấp hơn so với mọi nhóm thu nhập khác, từ thợ ống nước đến nhân viên vệ sinh, từ y tá đến người hưu trí.

Nhà kinh tế học trẻ này không cần nhiều ngôn từ để đưa ra quan điểm của mình. Người thầy của anh, Piketty, đã xuất bản một cuốn sách quan trọng khác vào năm 2020 (dày 1.088 trang) [‘Capital and Ideology’ [[Tư bản và Ý thức hệ]] (ND)], nhưng cuốn sách của Zucman và Saez thuộc loại dễ đọc. Phụ đề chính xác là “How the Rich Dodge Taxes and How to Make Them Pay” [Người giàu né thuế như thế nào và làm sao để họ phải nộp thuế], cuốn sách giống như một danh sách việc cần làm dành cho vị tổng thống Mỹ tiếp theo.

Bước quan trọng nhất? Đánh thuế tài sản lũy tiến hàng năm đối với tất cả các triệu phú. Hóa ra, mức thuế cao không nhất thiết để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế. Ngược lại, mức thuế cao có thể làm cho chủ nghĩa tư bản hoạt động tốt hơn. (Năm 1952, khung thuế thu nhập cao nhất ở Hoa Kỳ là 92% và nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn bao giờ hết.)

Năm năm trước, những loại ý tưởng này vẫn được coi là quá cấp tiến để thực thi. Các cố vấn tài chính của cựu tổng thống Obama khẳng định với ông rằng thuế tài sản sẽ không bao giờ có hiệu quả, và người giàu (cùng với đội quân kế toán và luật sư của họ) sẽ luôn tìm cách che giấu tiền của họ. Ngay cả nhóm của Bernie Sanders [hạ nghị sĩ thời Obama, ứng cử viên tổng thống năm 2016, ủng hộ các chính sách cấp tiến theo hướng dân chủ xã hội (ND)] cũng đã từ chối các đề nghị của bộ ba nhà kinh tế học Pháp để giúp ông thiết kế [các tầm nhìn chính sách về] thuế tài sản cho cuộc chạy đua vào vị trí ứng cử viên tổng thống [trong đảng Dân chủ] của ông.

Nhưng năm 2016 là một ý thức hệ bất diệt vốn đang cách xa nơi chúng ta đang đứng. Vào năm 2020, Joe Biden, đối thủ đáng gờm của Sanders, đã đề xuất tăng thuế gấp đôi so với những gì Hillary Clinton đã lên kế hoạch từ bốn năm trước. Những ngày này, đa số cử tri Mỹ (bao gồm cả những người theo đảng Cộng hòa) đều ủng hộ các mức thuế cao hơn đáng kể đánh vào giới siêu giàu. Trong khi đó, ở bên kia chiến lũy, ngay cả tờ ‘Financial Times’ cũng kết luận rằng thuế tài sản có thể không phải là một ý tưởng tồi.

3. Vượt lên “chủ nghĩa xã hội của giới thượng lưu”

Thatcher từng châm biếm: “Vấn đề của chủ nghĩa xã hội là cuối cùng rồi bạn sẽ tiêu hết tiền của những người khác”.

Thatcher đã chạm vào một nỗi đau. Các chính trị gia cánh tả thích thảo luận về thuế và bất bình đẳng, nhưng vấn đề là tất cả số tiền giả định này đến từ đâu? Giả định đang được đặt ra - ở cả cánh tả lẫn cánh hữu - là phần lớn sự giàu có là “đạt được” bởi các doanh nhân có tầm nhìn, bởi những người như Jeff Bezos và Elon Musk. Điều này đến lượt nó lại trở thành một câu hỏi về ý thức luân lý: vậy phải chăng những [tỷ phú] khổng lồ trên Trái đất không nên chia sẻ một phần sự giàu có của họ?

Nếu đó là nhận thức của bạn, thì tôi cũng muốn giới thiệu với bạn về Mariana Mazzucato, một trong những nhà kinh tế có tư duy tiến bộ nhất trong thời đại chúng ta. Mazzucato thuộc về một thế hệ các nhà kinh tế, chủ yếu là phụ nữ, những người tin rằng chỉ nói về thuế là không đủ. Mazzucato giải thích: “Lý do để những người cấp tiến thường thất bại trong lập luận là vì họ tập trung quá nhiều vào việc phân phối lại sự thịnh vượng mà không tập trung đủ mức vào vấn đề kiến tạo nên sự thịnh vượng”.

Trong những tuần gần đây, các danh sách về những người mà chúng ta gọi là “những người lao động thiết yếu” đã được công bố trên toàn thế giới. Và thật bất ngờ: những công việc như “nhà quản lý quỹ phòng hộ rủi ro” và “nhà tư vấn thuế đa quốc gia" lại không xuất hiện trong danh sách đó. Thật bất ngờ, danh sách này bao gồm những người đang thực hiện công việc thực sự quan trọng như điều dưỡng viên và giáo viên, những người trong ngành giao thông công cộng và nhân viên trong các cửa hàng tạp hóa.

Năm 2018, hai nhà kinh tế học người Hà Lan đã làm một nghiên cứu giúp họ đưa ra kết luận rằng một phần tư số người lao động trên thế giới nghĩ rằng công việc của họ là vô nghĩa. Điều thú vị hơn nữa là có số người lao động nghĩ rằng công việc của họ là “vô nghĩa về mặt xã hội” ở trong khu vực kinh doanh nhiều hơn gấp bốn lần số người lao động cũng nghĩ như vậy ở trong khu vực công. Số lượng lớn nhất trong số những người lao động tự cho rằng công việc của mình là "nhảm nhí" lại nằm trong ngành tài chính và marketing.

Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi: sự thịnh vượng thực sự được tạo ra ở đâu? Các phương tiện truyền thông như ‘Financial Times’ thường tuyên bố - giống như các ông tổ theo phái tân tự do của họ, Friedman và Hayek - rằng sự giàu có được tạo ra bởi các doanh nhân, không phải bởi nhà nước. Chính phủ hầu hết là người điều tiết. Vai trò của nhà nước là cung cấp cơ sở hạ tầng tốt và giảm thuế đủ hấp dẫn - và sau đó tránh xa [thị trường].

Nhưng vào năm 2011, sau khi rất nhiều lần nghe thấy sự chế nhạo những người lao động trong khu vực công [của chính phủ] là “kẻ thù của doanh nghiệp”, thì có điều gì đó đã xuất hiện trong đầu Mazzucato. Bà quyết định thực hiện một số nghiên cứu. Hai năm sau, bà đã viết một cuốn sách gây sốc cho giới hoạch định chính sách. Nhan đề: The Entrepreneurial State [Nhà nước mang tinh thần khởi nghiệp] .

Trong cuốn sách của mình, Mazzucato chứng minh rằng không chỉ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thu gom rác, và bưu tá là công việc của nhà nước, mà nhà nước còn tham gia vào các quá trình đổi mới công nghệ thực sự và có thể thương mại hóa. Mọi công nghệ biến iPhone thành điện thoại thông minh, thay vì thành ‘điện thoại ngu ngốc’ (như Internet, định vị di động (GPS), màn hình cảm ứng, pin, ổ đĩa cứng, nhận dạng giọng nói) đều đã được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu trong các cơ quan trực thuộc chính phủ.

Và những gì đúng với Apple thì cũng vẫn đúng cho những gã khổng lồ công nghệ khác. Google? Tập đoàn này đã nhận được một khoản trợ cấp rất hời của chính phủ để phát triển công cụ tìm kiếm. Tesla? Tập đoàn này đã giành giật các nhà đầu tư cho đến khi được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ rót cho 465 triệu đô-la. (Elon Musk đã là một kẻ tham lam vô độ ngay từ đầu, với ba công ty của ông - Tesla, SpaceX và SolarCity - đã nhận được tổng cộng gần 5 tỷ đô-la từ tiền của người nộp thuế [do chính phủ chi trả (ND)].)

Mazzucato trả lời phỏng vấn trên tạp chí công nghệ ‘Wired’ vào năm ngoái: “Càng quan sát , tôi càng nhận ra: đầu tư của nhà nước hiện diện khắp mọi nơi”.

Đúng như vậy, đôi khi chính phủ đầu tư vào các dự án [mà người dân] không phải trả tiền. Bạn bị sốc ư? Không: đó là bản chất của những khoản đầu tư [từ chính phủ]. Doanh nghiệp luôn luôn cân nhắc về rủi ro. Và, như Mazzucato chỉ ra, vấn đề với hầu hết các nhà tư bản “đầu tư mạo hiểm” TƯ NHÂN, là họ không sẵn sàng mạo hiểm nhiều như vậy. Sau khi đại dịch SARS bùng phát vào năm 2003, các nhà đầu tư tư nhân đã nhanh chóng rút khỏi các nghiên cứu về virus SARS. Vấn đề chỉ đơn giản là do tiềm năng sinh lợi thấp. Trong khi đó, nghiên cứu được tài trợ công khai vẫn tiếp tục, khi mà chính phủ Hoa Kỳ đã chi trả 700 triệu đô la. (Nếu, và khi vắc-xin được điều chế ra, bạn phải cảm ơn chính phủ vì điều đó.)

Nhưng có lẽ ví dụ điển hình nhất mà Mazzucato đưa ra là trong ngành dược phẩm. Hầu như mọi đột phá về y khoa đều được bắt đầu trong các phòng thí nghiệm được tài trợ bởi ngân sách nhà nước. Các đại gia dược phẩm như Roche và Pfizer hầu hết chỉ mua bằng sáng chế và bán thuốc cũ dưới nhãn hiệu mới, sau đó sử dụng lợi nhuận để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu (một cách tuyệt vời để thổi giá cổ phiếu của họ). Tất cả những điều này đã cho phép các khoản chia cổ tức hàng năm cho các cổ đông của 27 công ty dược phẩm lớn nhất Hoa Kỳ đã tăng lên gấp bốn lần kể từ năm 2000).

Nếu bạn hỏi Mazzucato, bà sẽ nói rằng điều này cần thay đổi. Khi chính phủ trợ cấp cho một hướng đổi mới công nghệ chính, bà nói rằng ngành công nghiệp sẽ hoan nghênh. Nhưng sau đó, chính phủ nên lấy lại khoản tiền trợ cấp ban đầu - kèm theo tiền lãi. Thật điên khùng là ngay bây giờ những tập đoàn nhận được nhiều tài trợ cho đổi mới công nghệ nhất từ chính phủ lại là những kẻ trốn thuế nhiều nhất. Các tập đoàn như Apple, Google và Pfizer [là những tập đoàn] đang cùng nhau chén đẫy hàng chục tỷ đô-la trong các thiên đường trốn thuế trên toàn thế giới.

Không ai đặt ra vấn đề là các công ty này nên nộp thuế một cách công bằng. Nhưng theo Mazzucato, điều thậm chí còn quan trọng hơn là cuối cùng chính phủ đã tuyên bố những thành tựu [trong đổi mới công nghệ] này là của mình. Một trong những ví dụ yêu thích của bà là Cuộc chạy đua Không gian trong thập niên 1960. Trong một bài phát biểu năm 1962, cựu tổng thống Kennedy đã tuyên bố: “Chúng ta chọn việc đi lên Mặt Trăng và những việc khác, ngay trong thập kỷ này, không phải vì chúng dễ, mà vì chúng khó”.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn đòi hỏi một sức mạnh vô song về đổi mới công nghệ từ nhà nước mang tinh thần khởi nghiệp. Đối với những nhà nước mới bắt đầu [tham gia vào quá trình đổi mới công nghệ], thì một trong những vấn đề cấp bách nhất là vấn đề mà loài người đang phải đối măt: biến đổi khí hậu. Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta cần có một tinh thần vốn đã được tôn vinh trong bài phát biểu của Kennedy, để đạt được sự chuyển biến cần thiết đối với hiện tượng biến đổi khí hậu. Không phải ngẫu nhiên mà về sau, Mazzucato cùng với nhà kinh tế người Anh gốc Venezuela Carlota Perez, lại người đỡ đầu về tri thức của Thỏa Thuận Xanh Mới – một kế hoạch tham vọng nhất của thế giới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một trong những người bạn khác của Mazzucato, nhà kinh tế Hoa Kỳ Stephanie Kelton, nói thêm rằng các chính phủ có thể in thêm tiền, nếu cần, để tài trợ cho tham vọng [đổi mới công nghệ] của họ - và không phải lo lắng về nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách. (Các nhà kinh tế như Mazzucato và Kelton donith không kiên nhẫn lắm với các chính trị gia, các nhà kinh tế và các nhà báo thuộc trường phái cũ - những người ví chính phủ với các hộ gia đình. Thật vậy, các hộ gia đình không thể thu thuế hoặc cấp tín dụng bằng tiền riêng của mình.)

Những gì chúng tôi nói về vấn đề này ở đây không gì khác hơn là một cuộc cách mạng về tư duy kinh tế. Khi cuộc khủng hoảng năm 2008 kéo theo sự khắc khổ đầy khắc nghiệt, chúng ta hiện đang sống tại thời điểm mà một người như Kelton (tác giả của một cuốn sách có tựa đề là ‘The Deficit Myth’ [Huyền thoại về thâm hụt [ngân sách] (ND)], [mà tác giả của nó] sẽ được hoan nghênh, bởi chính tờ ‘Financial Times’, như là Milton Friedman của thời hiện đại. Và khi cùng một bài báo được viết vào đầu tháng 4 rằng chính phủ “phải xem các dịch vụ công là một khoản đầu tư chứ không phải là một khoản nợ”, nó đã lặp lại chính xác những gì Kelton và Mazzucato đã đấu tranh trong nhiều năm.

Nhưng có lẽ điều thú vị nhất về những người phụ nữ này là họ không hài lòng với những cuộc thảo luận đơn thuần. Họ muốn kết quả. Kelton là điển hình của một nhà nhà cố vấn chính trị đầy ảnh hưởng, Perez đã từng là nhà tư vấn cho vô số công ty và tổ chức, và Mazzucato nhà gây dựng mạng lưới xã hội bẩm sinh, người rất thông thuộc đường đi lối lại tới các tổ chức trên thế giới.

Không chỉ là khách mời thường xuyên tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (nơi hội họp thường niên của người giàu có và đầy quyền lực của thế giới), nhà kinh tế học người Ý còn đưa ra lời khuyên cho những người như thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez tại Hoa Kỳ và nữ Thủ tướng Scotland đầu tiên Nicola Sturgeon. Và khi Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua một chương trình đổi mới công nghệ đầy tham vọng vào năm ngoái, thì chương trình này cũng đã được chính Mazzucato soạn thảo.

Nhà kinh tế học này đã nhận xét thẳng thừng: “Tôi muốn công việc này có tác động. Nếu không thì nó chỉ là ‘chủ nghĩa xã hội của giới thượng lưu’: bạn đi vào, nói chuyện huyên thuyên, và không có gì xảy ra”.

4. Những tư tưởng chinh phục thế giới như thế nào

Bạn thay đổi thế giới bằng cách nào?

Hỏi một nhóm những người cấp tiến câu hỏi này và bạn sẽ nhanh chóng nghe thấy ai đó trong số họ nhắc đến cái tên Joseph Overton. Overton là người chịu ảnh hưởng bởi Milton Friedman. Ông làm việc cho tổ chức nghiên cứu độc lập theo chủ nghĩa tân tự do và đã dành nhiều năm để vận động cho các mức thuế thấp hơn và chính phủ ít can thiệp hơn. Và ông quan tâm đến câu hỏi làm thế nào những thứ không thể tưởng tượng được, theo thời gian, sẽ trở thành điều không thể tránh khỏi.

Overton nói, hãy tưởng tượng một cái cửa sổ. Những ý tưởng rơi vào bên trong cửa sổ này là những gì có thể coi là “có thể chấp nhận được”, hay thậm chí “phổ biến” tại bất kỳ thời điểm nào. Nếu bạn là một chính trị gia và muốn được bầu lại, bạn nên ở lại trong cửa sổ này. Nhưng nếu bạn muốn thay đổi thế giới, bạn cần phải dịch chuyển cái cửa sổ đó. Bằng cách nào? Bằng cách đẩy cách cạnh của cửa sổ. Bởi những điều không hợp lý, không thể hiểu được và không thực tế.

Trong những năm gần đây, Cửa sổ Overton đã thay đổi một cách không thể phủ nhận. Những gì đã từng là phụ lưu thì giờ đã là thành chủ lưu. Một đồ thị tối nghĩa của nhà kinh tế học người Pháp đã trở thành khẩu hiệu của phong trào ‘Chiếm lấy phố Wall’ (‘Chúng tôi thuộc 99% còn lại’); phong trào ‘Chiếm lấy Phố Wall’ đã mở đường cho ứng cử viên tổng thống đầy tinh thần cách mạng, và Bernie Sanders đã kéo các chính trị gia khác như Biden về hướng của mình.

*

Ngày nay, nhiều người Mỹ trẻ tuổi có quan điểm xã hội thiện cảm hơn đối chủ nghĩa tư bản - một điều không thể tưởng tượng được vào 30 năm trước. (Vào đầu những năm 1980, các cử tri trẻ tuổi là nền tảng hỗ trợ lớn nhất cho Ronald Reagan theo chủ nghĩa tân tự do).

Thatcher đã không đùa cợt khi bà gọi “[thời kỳ mới của] Công đảng Anh và Tony Blaire” là thành tựu lớn nhất của bà. Khi đảng của bà bị đánh bại vào năm 1997, thì nó bị đánh bại bởi một kẻ đối lập với những tư tưởng CỦA BÀ.

Thay đổi thế giới là một sứ mệnh đầy tính bạc bẽo. Sẽ không có khoảnh khắc chiến thắng, khi đối thủ của bạn khiêm tốn thừa nhận bạn rằng đã đúng. Trong chính trị, điều tốt nhất bạn có thể hy vọng là đạo văn. Friedman đã nắm bắt được điều này vào năm 1970, khi ông mô tả với một nhà báo về việc tư tưởng của ông sẽ chinh phục thế giới như thế nào. Nó sẽ diễn ra trong bốn màn:

“Màn I: Các quan điểm của những kẻ lập dị như tôi sẽ bị tránh xa.

Màn II: Những người bảo vệ tín điều chính thống trở nên khó chịu vì những tư tưởng [của tôi] dường như có yếu tố của chân lý.

Màn III: Mọi người nói: “Tất cả chúng ta đều biết rằng đây là một quan điểm không thực tế và cực đoan về mặt lý thuyết - nhưng tất nhiên chúng ta phải xem xét các cách trung dung hơn để dịch chuyển theo hướng này".

Màn IV: Những kẻ chống đối chuyển đổi ý tưởng của tôi thành những bức tranh biếm họa không thể kiểm soát được để họ có thể di chuyển và chiếm giữ cứ địa mà tôi vừa giữ trước đây”.

*

Tuy nhiên, nếu những tư tưởng lớn bắt đầu với những người có suy nghĩ lập dị, điều đó không có nghĩa là tất cả người có suy nghĩ lập dị đều có những tư tưởng lớn. Và mặc dù các quan điểm cấp tiến đôi khi trở nên phổ biến, nhưng chiến thắng trong cuộc bầu cử một lần cũng sẽ rất tốt. Quá thường xuyên, Cửa sổ Overton được sử dụng như một cái cớ cho những thất bại của phái tả. Giống như trong tuyên bố: “Ít nhất chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến tư tưởng”.

Nhiều người tự xưng là “người cấp tiến” chỉ có một nửa kế hoạch để giành quyền lực, nếu họ thực sự có bất kỳ kế hoạch nào đó. Nhưng nếu chỉ trích điều này thì bạn sẽ bị xem là kẻ phản bội. Trên thực tế, cánh tả có một lịch sử hay đổ lỗi cho người khác - lên báo chí, lên tổ chức chính trị của họ, lên những người hoài nghi trong hàng ngũ của chính họ - nhưng nó hiếm khi tự đứng ra nhận trách nhiệm.

Vấn đề thay đổi thế giới KHÓ KHĂN đến nhường nào đã trở lại trong tôi trong quá trình tôi đọc cuốn sách ‘Difficult Women’ suốt thời gian giãn cách xã hội vừa qua. Được viết bởi nhà báo Anh Helen Lewis, đây là cuốn sách về lịch sử của phong trào nữ quyền tại Liên hiệp Anh, và là cuốn sách ‘tất đọc’ cho bất cứ ai khao khát tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Về sự ‘khó khăn’, Lewis hàm ý ba điều:

1. Thay đổi thế giới là KHÓ KHĂN. Bạn phải hy sinh.

2. Nhiều cuộc cách mạng LÀ khó khăn. Tiến bộ có xu hướng bắt đầu với những người cố chấp, đáng ghét, và cố tình lật thuyền.

3. Làm tốt không có nghĩa là bạn hoàn hảo. Những anh hùng trong lịch sử hiếm khi sạch sẽ như sau này họ vẫn tự đánh bóng.

Lewis chỉ trích rằng nhiều nhà hành động dường như bỏ qua sự phức tạp này, và điều đó làm cho họ kém hiệu quả một cách rõ rệt. Hãy nhìn vào Twitter, nơi đầy rẫy những người có vẻ quan tâm hơn đến việc đánh giá các tweet khác. Người hùng của ngày hôm qua bị lật đổ vào ngày mai bởi một lời nhận xét vụng về hay sự vi phạm điều cấm kỵ trong tranh luận.

Lewis cho thấy có rất nhiều vai trò khác nhau xuất hiện trong bất kỳ phong trào nào, thường đòi hỏi phải liên minh và thỏa hiệp vốn không dễ dàng. Giống như phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ tại Liên hiệp Anh, nơi tập hợp một loạt các “Phụ nữ Khó khăn”, từ những phụ nữ đánh cá đến các phụ nữ thuộc giới quý tộc, từ các nữ công nhân trong nhà máy cho đến các công chúa của Ấn Độ”. Một liên minh đầy phức tạp đó tồn tại chỉ đủ lâu để giành được thắng lợi vào năm 1918, trao cho phụ nữ có sở hữu tài sản trên 30 tuổi quyền bầu cử.

(Đúng vậy, ban đầu chỉ có phụ nữ đặc quyền mới có quyền bỏ phiếu. Nó đã chứng minh một sự thỏa hiệp hợp lý, bởi vì bước đầu tiên đó đã dẫn đến sự không thể tránh khỏi tiếp theo: quyền bầu cử phổ quát cho phụ nữ vào năm 1928.)

Và không, ngay cả thành công của họ cũng không thể biến tất cả những nhà nữ quyền đó thành bạn bè. Theo Lewis, “Ngay cả những phụ nữ đấu tranh bạo lực để giành quyền bầu cử cũng tìm thấy ký ức về chiến thắng vĩ đại của họ đã xáo trộn bởi những cuộc đụng độ giữa các cá tính khác nhau”.

Tiến bộ, hóa ra, thật phức tạp.

Cách chúng ta quan niệm về đấu tranh chính trị có xu hướng quên đi thực tế là chúng ta cần tất cả những vai trò khác nhau đó. Xu hướng của chúng ta - trong các chương trình đối thoại trên truyền hình và xung quanh bàn ăn tối - là chọn loại hoạt động yêu thích của chúng ta: chúng ta ngưỡng mộ những người biểu tình trong phong trào ‘Đánh chiếm phố Wall’ nhưng khinh miệt những kẻ vận động hành lang đã lên đường tới [Diễn đàn kinh tế thế giới tại] Davos.

Đó không phải là vấn đề sự thay đổi sẽ diễn ra như thế nào. Tất cả những người này đều có vai trò của mình. Cả các giáo sư lẫn người ủng hộ xu hướng ‘không chính phủ’. Những người gây dựng mạng lưới xã hội lẫn kẻ nổi loạn. Kẻ khiêu khích và người hòa giải. Những người viết bằng thuật ngữ hàn lâm và những người diễn dịch nó cho các độc giả rộng rãi. Những người vận động hành lang phía sau hậu trường và những người bị cảnh sát chống bạo động kéo đi.

Một điều chắc chắn. Sẽ tới một điểm mà chỉ với việc đẩy vào các cạnh của Cửa sổ Overton sẽ là không đủ. Sẽ đến lúc cần phải tràn vào các tổ chức và đưa các tư tưởng vốn được xem làm cấp tiến đến với các trung tâm của quyền lực.

Tôi nghĩ rằng bây giờ đã đến lúc.

*

Hệ tư tưởng thống trị trong 40 năm qua đang chết dần. Điều gì sẽ thay thế nó? Không ai biết chắc chắn. Không khó để tưởng tượng cuộc khủng hoảng này có thể dẫn chúng ta tới con đường thậm chí còn tăm tối hơn. Những kẻ thống trị đó sẽ sử dụng nó để giành lấy nhiều quyền lực hơn, hạn chế quyền tự do của nhân dân họ, và khơi dậy ngọn lửa của sự phân biệt chủng tộc và lòng thù hận.

Nhưng mọi thứ vẫn có thể khác đi. Nhờ sự miệt mài của vô số nhà hoạt động chính trị và học giả, những người xây dựng mạng lưới xã hội và những kẻ phản kháng, chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra một cách khác. Đại dịch này CÓ THẾ sẽ dẫn chúng ta đi tới một con đường của những giá trị mới.

Nếu có một tín điều xác định chủ nghĩa tân tự do, thì đó là: hầu hết mọi người đều ích kỷ. Và từ đó hình thành nên quan điểm yếm thế về bản chất con người mà tất cả những người còn lại đều tự nguyện đi theo - tư nhân hóa, bất bình đẳng ngày càng tăng, và sự xói mòn của không gian công.

Bây giờ, một không gian mới đã mở ra cho một cái nhìn khác, thực tế hơn về bản chất con người: rằng loài người đã tiến hóa để cùng hợp tác. Từ niềm tin đó, rằng tất cả những người còn lại có thể làm theo - một chính phủ dựa trên niềm tin, một hệ thống thuế bắt nguồn từ sự đoàn kết xã hội, và các khoản đầu tư bền vững cần thiết để đảm bảo cho tương lai của chúng ta. Và tất cả điều này chỉ là quãng thời gian chuẩn bị cho thử nghiệm lớn nhất của thế kỷ này, một đại dịch khác, đang đến từ từ, của tất cả chúng ta: biến đổi khí hậu.

Không ai biết cuộc khủng hoảng [biến đổi khí hậu] này sẽ dẫn chúng ta đến đâu. Nhưng so với lần trước, ít nhất chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn./.

*

Rutger C. Bregman (sinh năm 1988) là nhà sử học và tác giả nổi tiếng người Hà Lan. Ông đã xuất bản bốn cuốn sách về lịch sử, triết học và kinh tế, trong đó cuốn ‘Utopia for Realists: How We Can Build the Ideal World’ [Xứ không tưởng cho những người theo chủ nghĩa hiện thực: Chúng ta có thể xây dựng thế giới lý tưởng như thế nào] đã được dịch sang 32 ngôn ngữ. Tác phẩm của ông đã được đăng trên các tờ Washington Post, The Guardian và BBC. Ông đã được The Guardian mô tả là "người sáng tạo ra những ý tưởng mới của Hà Lan" và được chương trình TED Talks ca ngợi là "một trong những nhà tư tưởng trẻ nổi bật nhất châu Âu". Lúc đầu, Bregman định trở thành một nhà sử học hàn lâm, nhưng sau đó, ông quyết định trở thành nhà báo. Ông viết thường xuyên cho tạp chí trực tuyến ‘De Correspondent’, và được hai lần đề cử Giải thưởng báo chí châu Âu cho công việc của mình ở đó. Năm 2013, ông đã nhận được giải thưởng sách hàng năm từ tổ chức nghiên cứu độc lập Liberales cho cuốn sách phi hư cấu tiếng Hà Lan đáng chú ý nhất, ‘The History of Progress’ [Lịch sử của sự tiến bộ].

* Bài viết này được Elizabeth Manton dịch từ tiếng Hà Lan sang tiếng Anh.

(Nguồn: https://thecorrespondent.com/…/the-neo…/61655148676-a00ee89a)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét