Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

9 ngày kinh hoàng nhục hình, bức cung của ông Chấn

9 ngày kinh hoàng nhục hình, bức cung
Chuyện tù oan Nguyễn Thanh Chấn mình đọc lâu rồi. Không hiểu sao mấy hôm nay báo chí nhà nước hăng hái đưa tin cho rằng nhà nước bồi thường 7,2 tỷ đồng cho hơn chục năm tù của ông Chấn là quá cao. Mình thì cho là quá thấp. Vì tiền bồi thường oan sai quá thấp và ko có quan chức liên đới nào bị tù vì gây hậu quả nghiêm trọng nên quan tòa tiếp tục xử sai và án oan sai cứ tồn tại mãi. Vụ Nguyễn Hòa Bình và đồng bọn xử Hồ Duy Hải hôm 8-5 vừa qua là ví dụ điển hình.
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản
Theo wikipadia, vụ án Nguyễn Thanh Chấn là một vụ án oan gây chấn động xã hội, theo đó ông Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961 tại Bắc Giang) đã bị kết án chung thân về tội giết người. Ông chỉ được trả tự do vào tháng 11.2013 sau khi hung thủ thực sự của vụ án tự ra đầu thú. Tính đến thời điểm đó ông đã phải ngồi tù hơn 10 năm. Đây là một trong những vụ án oan gây nhiều dư luận trong xã hội bởi nhiều người cho rằng cơ quan điều tra đã dùng nhục hình, bức cung để buộc nghi phạm nhận tội. Từ vụ án oan của ông Chấn, Ủy ban tư pháp Quốc hội đã yêu cầu phải rà soát kỹ những đơn thư kêu oan, nhất là các trường hợp có mức phạt tù 20 năm, chung thân, tử hình...
-------------------

9 ngày kinh hoàng nhục hình, bức cung.

Khi chúng tôi hỏi: “Vì sao không giết người mà ông lại viết lá đơn tự thú ngày 29/9 ấy?”, trái với lời lẽ nhát gừng, yếu ớt bình thường, giọng ông Chấn bỗng lưu loát hẳn lên. Chắc hẳn “đoạn phim” đau thương đó đã tua đi tua lại đậm nét trong trí nhớ ông suốt bao năm qua:

“Ngày 20/9 tôi lên huyện, công an lấy dấu chân dấu tay của tôi rất nhiều lần, rồi hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần. Tối họ cho về, ngày hôm sau lại lên, gặp cán bộ Nguyễn Hữu Tân, lại dấu chân dấu tay, rồi đánh tôi rất đau. Tôi kêu: Tôi có giết người đâu mà các anh bắt tôi nhận? Cán bộ Tân bảo: Cho mày uống thuốc lú cho mày cãi khỏe, mày không biết rồi mày khắc phải nhận. Từ đó các cán bộ Nguyễn Văn Dũng, Ngô Đình Dung, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành, Tuyến, Trần Nhật Luật thay nhau túc trực suốt 4 – 5 ngày đêm liền bức cung tôi".
"Trong phòng đi cung có một chiếc giường nhỏ nhưng tôi không hề được nằm một phút nào. Họ đá, họ đấm, họ dùng dép đánh vào hai bên tai tôi. Đầu óc tôi như nổ tung ra. Họ không cho tôi về, không cho tôi ngủ, dọa nạt bắt buộc ép tôi thế này ép tôi thế nọ. Như cán bộ Ngô Đình Dung bắt tôi phải chỉ giấu dao ở đâu? Dưới giếng à? Hay dưới ao? Tôi bảo tôi có giết người đâu mà giấu dao. Ông Luật bắt tôi vẽ dao, tôi bảo tôi biết dao nào mà vẽ? Ông Luật bảo tao cho mày một búa vào đầu mày chết bây giờ! Cán bộ Nguyễn Hữu Tân trên tay lúc nào cũng lăm lăm con dao trên tay hăm dọa tôi, ép buộc tôi phải nhận…”.

Cuối cùng, đến ngày 29/9. Suốt đời tôi không quên được giây phút đó. Nước mắt đầm đìa, tôi nghĩ đến những ngày tháng làm ăn lương thiện, đến mẹ, đến vợ, đến những đứa con thơ ở nhà. Tôi biết mình làm thế này là ký án tử hình cho chính mình, là có thể không bao giờ còn được gặp vợ con nữa. Nhưng tôi không còn cách nào khác! Tôi mệt quá, đau quá, sợ quá! Cứ hành hạ mãi thế này thì chết mất... chỉ mong sao kết thúc càng sớm càng tốt những giây phút kinh hoàng này. Thế là tôi nhận đã giết người, để dao trong tủ.

Người ta liền bắt tôi viết đơn tự thú. Lá đơn đó, chính cán bộ Ngô Đình Dung đọc cho tôi từng câu, từng chữ một. Rồi người ta bắt tôi đọc to cái đơn đó lên, ghi âm lại. Ngay chiều hôm đó, người ta cho tôi lên trại Kế. Có ngày chuyển 4 - 5 phòng giam.

Có lần người ta quẳng tôi vào cùng buồng giam với 4-5 “đầu gấu”, thằng nào cũng to béo, xăm trổ đầy mình. Có thằng tên là Hồng Hiển bắt tôi "phục vụ" nó. Và suốt cả tháng sau, họ bắt tôi diễn. Họ làm mẫu cho tôi diễn. Diễn đi diễn lại. Đâm như thế nào. Bế cô Hoan đập xuống đất thế nào. Đến ngày 30/10, tại trại Kế, họ dựng lại hiện trường, bắt tôi diễn lại từ đầu tới cuối, chụp ảnh, ghi hình...

Hai phiên tòa xét xử phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn diễn ra tại Bắc Giang ngày 26/3/2004 (sơ thẩm) và 27/7/2004 (phúc thẩm) thu hút rất đông người dân tham dự. Sau này lật lại hồ sơ vụ án, ai cũng có thể thấy là quá trình điều tra cũng như các bản cáo trạng luận tội đều bộc lộ hàng loạt sơ hở, thiếu sót.

Ví dụ như người ta chỉ căn cứ vào bản nhận tội của ông Chấn để kết tội ông (mặc dù luật nói rõ không thể chỉ căn cứ vào bản nhận tội để xét xử mà còn phải căn cứ vào các bằng chứng, chứng cứ khách quan khác); hay không tìm thấy chuôi con dao gây án; hay dấu chân của ông Chấn chỉ “gần đúng” với dấu chân nghi phạm để lại hiện trường; hay có nhiều nhân chứng đã làm chứng trước tòa về tình trạng ngoại phạm của ông Chấn.

Ví dụ ông Thực, một người cùng thôn, xác nhận đã đến quán ông Chấn nhờ ông Chấn bấm số điện thoại gọi cho số máy 566095 – bảng kê điện tử của bưu điện cho biết cuộc gọi kéo dài từ 19 giờ 5 phút đến 19 giờ 20 phút 31 giây, nghĩa là trùng với quãng thời gian chị Hoan bị giết); hay tòa nhận định ông Chấn không chứng minh được từng phút một trong quãng thời gian từ 19 giờ đến 19 giờ 30 ông đã đi đâu, làm gì (trong khi có một nguyên tắc quan trọng là tòa phải chứng minh công dân có tội chứ công dân không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội)…

Trước tòa, các luật sư bào chữa đều phân tích kỹ những thiếu sót, sơ hở này. Trước tòa, ông Chấn cũng một mực kêu oan, nói rõ trước đó mình nhận tội vì đã bị ép cung, nhục hình.

Nhưng bất chấp tất cả, cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều kết luận: Công dân Nguyễn Thanh Chấn đã phạm tội giết người, “với hành vi hung hãn, tàn bạo, độc ác, cố tình thực hiện đến cùng”, nhưng vì phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, là con liệt sĩ, “sau một thời gian gây án đã thành khẩn khai nhận tội lỗi, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng sớm kết thúc vụ án”, nên “chỉ” áp dụng hình phạt: Chung thân!

Lời tự sự của án oan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét