Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Tại sao VN lại nóng kinh khủng như hiện nay ?

Tại sao VN lại nóng kinh khủng như hiện nay ?
Từ hai năm nay mình bắt đầu trở lại luyện tập thể thao tại Trung tâm thể thao Ba Đình, đây là nơi luyện tập thể dục thể thao miễn phí cho cán bộ cấp cao. Có thể chơi hàng chục môn thể thao ở đây, nhưng mình chỉ chơi chủ yếu 6 môn là bơi, bóng bàn, thể dục dụng cụ, ten nis, bi da và cầu lông. Bể bơi ở đây rất rộng, theo tiêu chuẩn thi đấu quốc tế nên rất thích. Nhiều vận động viên nổi tiếng như Nguyễn Thị Ánh Viên thường đến bơi ở đây mỗi khi ở Hà Nội.
Bể bơi Ba Đình
Sáng nay 22/5, các bác đến tập cùng mình lại sôi nổi bàn tán chuyện nóng nực. Nhiều bác tuổi đời đã ngoài 80 tiếp tục than phiền không biết tại 
sao thời tiết bây giờ lại nóng khủng khiếp thế, chưa bao giờ thấy thời tiết nóng như vậy. Các bác đều đã đi nhiều nước trên thế giới, kể cả châu Phi, nên có kinh nghiệm; có bác còn nói có lẽ VN bây giờ nằm trong danh sách các nước nóng nhất thế giới (cũng như ô nhiễm nhất thế giới). Một số bác khác thì bảo nóng kinh khủng cũng chỉ mới xuất hiện trong mấy năm gần đây...

Dĩ nhiên, sẽ có những bác tìm hiểu, phân tích và chỉ ra các nguyên nhân của cái nóng. Điều làm mình buồn cười và viết lên đây là một bác đã đưa ra nhận xét rất hóm hỉnh: VN nóng nhất thế giới vì chỉ duy nhất VN mới có tới... hai mặt trời, và chỉ có ở VN mới có chuyện đốt lò thiêu xác giữa lúc nắng nóng.

Để chứng mình, bác đã dẫn ra 2 câu thơ của nhà thơ nổi tiếng Viễn Phương trong bài "Viếng lăng Bác" như sau:


"... Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ..."


Như thế không phải là VN có hai mặt trời thì là gì ?

Bác còn giải thích tại sao những năm gần đây, VN lại càng ngày càng nóng hừng hực như thế. Đó là vì lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có chiến dịch đốt lò quy mô lớn do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 nhằm chống tham nhũng. Chiến dịch này đã liên tục làm nóng bầu không khí đất nước trong suốt 4 năm qua. Gần đây nhất, ngày 18/5/2020, đô đốc (tương đương Thượng tướng) Nguyễn Văn Hiến, cựu tư lệnh Quân chủng hải quân, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã bị lò của bác Trọng tuyên phạt 4 năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". 


Ba sự kiện giao thoa: Trái đất biến đổi khí hậu, VN có tới hai mặt trời lại thêm lò thiêu cháy rừng rực như thế thì làm sao không khí chả nóng bức khủng khiếp ?
-------------

bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão tố mưa sa đứng thẳng hàng

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

Chiến dịch đốt lò dùng chỉ chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn do Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 trên cương vị Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến dịch ‘đốt lò’ này được các nhà quan sát cho là một nỗ lực của Đảng trong việc giành lại quyền lực và uy thế cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự dẫn dắt sáng suốt của Đảng.

Từ khi Nguyễn Phú Trọng đắc cử Tổng bí thư Đảng Cộng sản tại đại hội đại biểu toàn quốc lần XI năm 2011, ông đã nhiều lần thể hiện quyết tâm chống tham nhũng. Đáng chú ý, trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 6 tháng 10 năm 2014, ông khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hư hỏng trong nội bộ, tuy nhiên xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. "Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định".
[2]

Đặc biệt khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư tại đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng năm 2016, ông Trọng đã đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp, hiện thực hóa quyết tâm thành những hành động cụ thể. Trong các phát biểu của mình, Nguyễn Phú Trọng thường dùng hình tượng "củi và lò" để thể hiện công cuộc chống tham nhũng.

Lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng nhắc đến khái niệm "đốt lò" là ngày 31 tháng 7 năm 2017, tại Hà Nội, khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng. "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công." 

Ngày 26 tháng 7 năm 2019, Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu: "Việc này phải thành nếp, không làm không được. Lò cháy rồi không ai đứng ngoài cuộc được. Anh đi ngược là lộ ra ngay anh thế nào."

Tư tưởng chỉ đạo chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng được hệ thống hóa trong cuốn "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng" được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, tập hợp 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhất là từ Đại hội lần thứ XII trở đi.

Chiến dịch "đốt lò" thể hiện qua hàng loạt các vụ án lớn được phanh phui và đưa ra xét xử. Nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm, cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công - tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó.

  1. Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin
  2. Vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
  3. Vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc... ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương và xét xử nhiều quan chức cấp cao bộ công an như Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh
  4. Vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, TP Hồ Chí Minh (DAB), trong đó có Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm")
  5. Điều tra các sai phạm và đưa nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone liên quan đến 2 bộ trưởng bộ thông tin truyền thông Nguyễn Bắc SonTrương Minh Tuấn
  6. Khởi tố điều tra vụ án xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.
  7. Vụ Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - cựu tư lệnh Quân chủng Hải quân, đã vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến 10 khu đất quốc phòng.
  8. Vụ cổ phần hóa, thoái vốn tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh và kỷ luật nguyên phó thủ tướng Vũ Văn Ninh.
Tại phiên họp thứ 15 ngày của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng 21 tháng 1 năm 2019 tổng kết trong năm 2018 cấp ủy, UBKT các cấp thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên diện Trung ương quản lý. Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108.000 tỷ đồng, hơn 1.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 2080 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 101 vụ, 151 đối tượng. 

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến đầu năm 2019, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã đưa ra xét xử sơ thẩm 36 vụ/498 bị cáo. Riêng năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017); đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần số vụ so với năm 2017).

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tại phiên họp thứ 16 ngày 26 tháng 7 năm 2019, trong giai đoạn nửa đầu 2019, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018). Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến giữa năm 2019, trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Đã kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc; mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can; kết thúc điều tra 3 vụ án/19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án/27 bị can; xét xử sơ thẩm 9 vụ án/21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ án/149 bị cáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét