Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Ai sẽ lên lãnh đạo Việt Nam vào năm 2021?

Ai sẽ lên lãnh đạo Việt Nam vào năm 2021?
GS Thayer - Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng nhiều khả năng sẽ trở thành người lãnh đạo cao nhất còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có thể sẽ không được ngoại lệ về tuổi tác để tiếp tục tại vị, một nhà quan sát tình hình Việt Nam nói với VOA nhân kết thúc Hội nghị Trung ương 12.Dàn lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ là những vị ủy viên trẻ trong Bộ Chính trị đương nhiệm
Dàn lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ là những vị
ủy viên trẻ trong Bộ Chính trị đương nhiệm
Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14/5 để bàn về tiêu chuẩn, cơ cấu và cách thức tuyển chọn nhân sự cho dàn lãnh đạo mới cho Đảng Cộng sản tại Đại hội thứ 13 của Đảng dự trù sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.
Như thường lệ, bản tin của Thông tấn xã Việt Nam không cho biết gì nhiều về những gì được các ủy viên trung ương bàn thảo sau cánh cửa khép kín ngoài nhắc lại những tiêu chuẩn thường nghe như ‘bản lĩnh chính trị vững vàng, không tham nhũng, không tham vọng quyền lực, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, có trí tuệ, tầm nhìn…’

Ai sẽ ở lại?


Tuy nhiên, nếu nhìn vào những nguyên tắc sắp xếp nhân sự của Đảng Cộng sản từ trước đến nay và thành phần của Bộ Chính trị đương nhiệm cũng như hoạt động của một số nhân vật nổi bật trong thời gian qua, các nhà quan sát có thể đưa ra những dự đoán sát với thực tế.

Trước hết, bốn vị trí cao nhất – Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội vốn thường được gọi là ‘tứ trụ’ – phải nằm trong số các ủy viên Bộ chính trị hiện thời mà vẫn còn trụ lại trong Bộ Chính trị mới.

Thứ hai, giới hạn tuổi tác không cho phép Ủy viên Bộ Chính trị ở lại một nhiệm kỳ nữa nếu đã quá 65 tuổi ngoại trừ trường hợp đặc biệt. Ngoại lệ này từng đã giúp cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm một nhiệm kỳ tại Đại hội 12 khi ông đã quá tuổi.

Ngoài ra, vấn đề sức khỏe hay có bị kỷ luật hay không cũng là những nhân tố quyết định một ủy viên Bộ Chính trị nào đó có trụ lại được hay không.

Trong số 19 ủy viên Bộ Chính trị sau 5 năm chỉ còn lại 15 người sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng ngồi tù, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh lâm bệnh và cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải bị kỷ luật (ông Hải vẫn chưa bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị).

Xét về tuổi tác thì các vị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Ngô Xuân Lịch, Tòng Thị Phóng, Trương Hòa Bình, Trần Quốc Vượng đều sẽ phải về hưu.

Như vậy chỉ còn 7 người đủ tiêu chuẩn để cạnh tranh các vị trí trong tứ trụ, bao gồm: Bộ trưởng Công an Tô Lâm (1957), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (1958), Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh (1959), Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (1958), Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ (1957), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (1961) và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (1970).

Ngoại lệ cho ai?


Tuy nhiên, theo tường thuật của báo chí trong nước thì Hội nghị trung ương vừa bế mạc cho biết ‘sẽ có ngoại lệ’ về tuổi tác dành cho trường hợp đặc biệt giống như trường hợp của ông Nguyễn Phú Trọng hồi năm 2016.

Trao đổi với VOA từ Úc, ông Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, người chuyên theo dõi tình hình Việt Nam trong nhiều năm, nhận định rằng ngoại lệ này sẽ được trao cho ông Trần Quốc Vượng, người đang được xem là ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí Tổng bí thư.

Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, đến năm 2021 sẽ được 68 tuổi, tức là quá tuổi quy định để ở lại Bộ Chính trị. Nếu ông có trở thành Tổng bí thư thì với tuổi tác đó nhiều khả năng ông Vượng cũng không thể làm hai nhiệm kỳ.

Về khả năng Thủ tướng Phúc và Chủ tịch Quốc hội Ngân được trao ngoại lệ như ông Vượng, nhất là khi cả hai vị này đều mới làm một nhiệm kỳ (các thủ tướng trước ông Phúc như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng đều làm hai nhiệm kỳ), GS Thayer cho rằng theo tiền lệ lâu nay của Đảng thì ngoại lệ ‘chỉ dành cho tổng bí thư mà thôi’.

“Tôi không thể nói là không thể có, nhưng chưa bao giờ có tiền lệ cho việc này,” ông nói nhưng cũng lưu ý rằng thẩm quyền để quyết định ngoại lệ cho ai ‘thuộc về Ban chấp hành Trung ương’.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu cả ông Phúc và bà Ngân cùng ở lại thì Bộ Chính trị cũ sẽ có đến 10 người ở lại. Khi đó số người mới được bầu vào (có thể từ 7-9 người) sẽ ít hơn con số ở lại. Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt lớn về thế hệ ở những khóa sau khi những người lớn tuổi về hưu hết. Do đó, GS Thayer cho rằng khả năng này ‘khó xảy ra’.

“Ông Phúc lúc đầu có loạng choạng về vụ thải độc của Formosa ở các tỉnh miền Trung, nhưng ông ấy khôi phục lại vị thế và làm rất tốt trong dịch Covid-19. Bà Ngân cũng làm rất tốt trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Bà ấy là một trong hai người được tín nhiệm nhiều nhất khi Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm,” GS Thayer phân tích.

“Họ không thể làm nhiều hơn hai nhiệm kỳ, nhưng có thêm nhiệm kỳ thứ hai không phải là chuyện đương nhiên. Yêu cầu tuổi tác có thể là bất lợi cho họ.”

Về khả năng ông Phúc và bà Ngân có được ngoại lệ hay không nếu như được xem là ứng cử viên cho vị trí tổng bí thư cùng với ông Vượng, ông Thayer cho rằng không có khả năng vì cả sự nghiệp chính trị của ông Phúc và bà Ngân đều đi lên từ bộ máy chính quyền chứ không phải bộ máy Đảng như ông Vượng.


Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng được ban lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng

“Ông Phúc cả đời làm trong bộ máy chính phủ từ lãnh đạo địa phương ở Quảng Nam được cất nhắc vào chính phủ trung ương nên ông ấy không có kinh nghiệm hay thành phần ủng hộ trong Đảng,” ông phân tích. “Bà Ngân cũng bị giới hạn. Bà ấy từng là thứ trưởng Bộ Tài Chính và thứ trưởng Bộ Thương mại trong Chính phủ. Bà ấy làm việc rất lâu trong Quốc hội nhưng bà ấy là phụ nữ lại là người miền Nam. Đã có lập luận cho rằng Tổng bí thư phải là người miền Bắc. Ngoài ra, Việt Nam đã chuẩn bị cho một phụ nữ làm lãnh đạo chưa?”

Về ông Trần Quốc Vượng, GS Carl Thayer đánh giá: “Ông ấy là người trong Đảng. Nền tảng của ông ấy là hệ thống Đảng. Ông ấy đã là cánh tay mặt của ông Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng và ông ấy có sự ủng hộ trong Đảng.”

Tam trụ còn lại


Như vậy, theo ông Thayer, ngoài ông Vượng khó ai cạnh tranh được trong vai trò Tổng bí thư, 'tam trụ' còn lại sẽ đến từ 7 ủy viên Bộ Chính trị sẽ tiếp tục tại vị trong khóa mới.

Về chức Thủ tướng Chính phủ, ông cho rằng ‘phải là người có nền tảng làm việc và hiểu biết về kinh tế vững vàng’. Do đó, các ông, bà như Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng, Phạm Bình Minh hay Trương Thị Mai đều không phải là ứng viên phù hợp.

Do đó, chỉ có hai người có thể cạnh tranh chức Thủ tướng là Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.

Ông Bình từng nằm trong Chính phủ với vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong khi ông Huệ từng là Bộ trưởng Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương rồi phó Thủ tướng. Ông Thayer lưu ý rằng do đã từng là phó Thủ tướng nên ông Huệ là người có khả năng nhất trở thành Thủ tướng mới của Việt Nam.

Về chức chủ tịch Quốc hội, ông Thayer cho rằng sẽ có người đang làm từ bên đảng chuyển qua làm Quốc hội, hoặc là Trưởng Ban Dân vận Trương Thị Mai, hoặc là Trưởng Ban Tổ chức Phạm Minh Chính.

Tuy nhiên, ông Thayer nghiêng về khả năng bà Mai được chọn hơn vì yếu tố về giới. “Nếu chúng ta nghe những gì Đảng bàn luận thì họ đang nói về ưu tiên cho phụ nữ, dân tộc thiểu số trong Ban chấp hành trung ương cũng như trong các vị trí lãnh đạo,” ông lưu ý.

Về chức chủ tịch nước, vốn đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thâu tóm sau khi ông Trần Đại Quang từ trần giữa chừng, vị giáo sư này cho rằng ‘khó đoán’ nhưng ông chỉ ra hai cái tên tiềm năng là Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Ông lưu ý rằng cố Chủ tịch Trần Đại Quang cũng từng đi lên từ Bộ trưởng Công an, trong khi ông Phạm Bình Minh ‘làm tốt vai trò Ngoại trưởng’ nhưng ‘toàn bộ sự nghiệp của ông ấy chỉ gói gọn trong lĩnh vực ngoại giao’.

“Chủ tịch nước sẽ là một vị trí hoàn toàn mới mẻ đối với ông Phạm Bình Minh,” ông nhận xét nhưng cũng lưu ý rằng đã có trường hợp như ông Trần Đức Lương, vốn chuyên môn là nhà địa chất, sau cũng trở thành Chủ tịch nước.

Bộ Chính trị

Bình luận về những ai có khả năng sẽ vào được Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo đầu não của Đảng Cộng sản Việt Nam, khóa 13, ông Thayer lưu ý rằng nếu giữ nguyên con số 19 thì sẽ phải bầu thêm 11 ủy viên Bộ Chính trị mới (trừ 7 người cũ ở lại và một trường hợp ngoại lệ là ông Trần Quốc Vượng).

Tuy nhiên, ông cho rằng theo quy tắc của Đảng Cộng sản lâu nay, thì các ủy viên Bộ Chính trị thường đến từ ‘cái nôi đào tạo’ là Ban bí thư. Do đó, ứng viên hàng đầu hiện nay là các Bí thư Trung ương Đảng.

Ngoài ra, ba vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Công an nếu bỏ trống do các vị đương nhiệm cất nhắc lên tứ trụ hoặc về hưu thì sẽ có các ủy viên bộ chính trị mới đến từ các bộ này để đảm nhiệm chức bộ trưởng. Hơn nữa, sẽ có thêm hai ủy viên bộ chính trị đảm nhiệm bí thư Thành ủy Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thay cho các ông Vương Đình Huệ (nhiều khả năng lên làm Thủ tướng) và Nguyễn Thiện Nhân (về hưu).

Do đó, GS Carlyle Thayer chỉ ra một số ứng viên tiềm năng cho Bộ Chính trị là: Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người mà ông đánh giá là ‘làm xuất sắc trong chống dịch Covid-19’, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Nguyễn Xuân Thắng và Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội.

Đại tướng Cường rất có khả năng lên làm Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp thay ông Ngô Xuân Lịch, ông Thayer nhận định, vì đã có tiền lệ là ông Lịch cũng từng đi lên từ vị trí chủ nhiệm tổng cục chính trị.

Ngoài ban bí thư, bên Chính phủ, Quốc hội và các ban của Đảng cũng sẽ có người vào Bộ Chính trị, ông nói thêm.

Khi được hỏi về tầm chi phối của ông Nguyễn Phú Trọng về vấn đề nhân sự tại Đại hội 13, ông Thayer nói ‘ông Trọng sẽ đóng vai trò rất lớn và tích cực’.

“Ông ấy có thể có quyền phủ quyết (đối với các lựa chọn nhân sự),” ông Thayer nói. “Tức là ông ấy có thể cho ai đó xuống nếu tìm được người khác thay thế.”

“Vào lúc này ông Trọng không thể chi phối hoàn toàn nhưng ông ấy là người cao hơn hết trong nhóm đồng đẳng (first among equals). Ông ấy đã có thể bồi dưỡng người kế nhiệm (Trần Quốc Vượng) mặc dù rõ ràng là mọi việc còn cần phải được Ban chấp hành trung ương phê chuẩn,” ông phân tích.

Nếu quy mô của Bộ Chính trị mới cần nhiều người thì ông Trọng có nhiều không gian hơn để vận động, còn nếu Bộ Chính trị mới nhỏ hơn thì ông Trọng sẽ phải có nhượng bộ. “Ông ấy có thể nhượng bộ về nhân sự Bộ Chính trị để đổi lại những người ông ấy lựa chọn có thể nắm giữ những vị trí chủ chốt,” ông nói thêm.

(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét