Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Thuật ngữ la-tinh "persona non grata"

Thuật ngữ la-tinh "persona non grata"
Lê Công Định - Sử dụng thuật ngữ la-tinh "persona non grata" là cách biểu hiện phản ứng mạnh mẽ trong ngoại giao quốc tế. Nó có nghĩa là "người không được chào đón", một quy chế do ngành hành pháp của nước chủ nhà áp dụng khi trục xuất một viên chức ngoại giao của nước khác.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Bộ trưởng 
NG Đức Frank-Walter Steinmeier. (Ảnh: Quang Hòa)
Điều 9, Mục 1 của Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao quy định: "Quốc gia tiếp nhận [viên chức ngoại giao] có thể vào bất kỳ lúc nào và không cần giải thích quyết định của mình, thông báo cho quốc gia gửi [viên chức ngoại giao] rằng người đứng đầu hoặc bất kỳ viên chức nào thuộc ngoại giao đoàn là persona non grata, hoặc rằng bất kỳ viên chức nào thuộc ngoại giao đoàn là không thể chấp nhận được."

Tuyên bố persona non grata được đưa ra khi có bằng chứng viên chức ngoại giao đó vi phạm luật pháp nước sở tại và/hoặc luật pháp quốc tế.

Cuối năm ngoái Chính phủ Mỹ đã trục xuất 35 viên chức ngoại giao Nga do tình nghi liên quan đến sự việc Nga bị cáo buộc can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc trục xuất đó cũng dựa trên sự áp dụng quy chế persona non grata.

Chính phủ Đức vừa ra tuyên bố đặt viên tình báo tại Toà đại sứ Việt Nam ở Đức trong tình trạng persona non grata và ra lệnh trục xuất người này khỏi lãnh thổ Đức trong vòng 48 giờ.

Thông thường quốc gia có viên chức ngoại giao bị trục xuất sẽ trả đũa bằng cách trục xuất lại một viên chức ngoại giao nước kia. Không biết trong trường hợp hiện tại nhà cầm quyền Việt Nam sẽ trả đũa ngoại giao ra sao đối với Đức?

Lê Công Định
(FB Lê Công Định)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét