Quẫn bách, Việt Nam kiên trì mục tiêu vắt kiệt sức dân
Bộ Tài Chính Việt Nam vừa giới thiệu kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, từ đầu năm 2019, VAT của tất cả các loại sản phẩm, dịch vụ sẽ tăng thêm từ 1% lên 2%. Theo truyền thông Việt Nam, Bộ Tài Chính Việt Nam dự trù sẽ tăng VAT theo hai hướng: Một, nâng tỉ lệ đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT từ 5% lên 6%, thu 12% đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT 10% từ 1 Tháng Giêng năm 2019. Hai, giống y như Một, chỉ khác là tới năm 2021 VAT sẽ tiếp tục được nâng lên thành… 14%!
Việt Nam đã nhiều lần tăng thuế đánh vào xăng dầu. (Hình: Getty Images)
VAT là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của sản phẩm, dịch vụ suốt quá trình từ sản xuất, phân phối đến sử dụng và người cuối cùng trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ là đối tượng gánh khoản thuế này. Cũng vì vậy, tăng tỉ lệ VAT đồng nghĩa với việc buộc tất cả mọi người phải trả nhiều tiền hơn cho ăn uống, học hành, chữa bệnh, sinh hoạt thường nhật (điện, nước, đi lại…).Ông Phạm Ðình Thi, vụ trưởng Vụ Chính Sách Thuế của Bộ Tài Chính Việt Nam biện bạch, lý do bộ này đề nghị tăng tỉ lệ VAT vì mức thuế suất mà Việt Nam đang áp dụng “tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.”
Tuy nhiên dự tính nâng tỉ lệ VAT của Bộ Tài Chính Việt Nam làm cả dân chúng lẫn các chuyên gia lo âu.
Trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ về dự tính của Bộ Tài Chính Việt Nam, nhiều phụ nữ ngụ tại Sài Gòn nhìn ra ngay viễn cảnh mọi người, mọi gia đình sẽ phải “thắt lưng, buộc bụng” chặt hơn vì cái gì cũng tăng, từ bó rau, con cá đến tiền điện, tiền nước phải thanh toán hàng tháng. Chi tiêu chung của mỗi gia đình sẽ thêm cả triệu đồng/tháng mà không biết tìm đâu ra để bù.
Ðồ họa của tờ Tuổi Trẻ mô tả dự tính tăng tỉ lệ thuế VAT của Bộ Tài Chính Việt Nam.
Ông Ðỗ Dzoan Hảo, một giảng viên của Ðại Học Tài Chính-Marketing, cảnh báo, việc tăng VAT sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho người nghèo. Tăng thuế sẽ gây ra những tác động rất lớn đến xã hội, kéo lùi tiêu dùng.
Cả dân chúng lẫn các chuyên gia cùng có chung một nhận xét là dự tính tăng thuế quá vội vã và dường như Bộ Tài Chính Việt Nam chưa nhìn vào mức sống của số đông dân chúng. Một luật sư tên là Trần Xoa nói thêm rằng, tăng thuế phải gắn với sự minh bạch về chi tiêu để dân chúng có thể giám sát.
Ông Ðỗ Thiên Anh Tuấn, một giảng viên của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, lưu ý, nguồn thu từ VAT của Việt Nam hiện nay đã chiếm 30% tổng thu từ thuế. So với nhiều quốc gia khác là quá cao (gấp ba mức phổ biến). Tăng tỉ lệ thu VAT chưa chắc đã giúp công khố có thêm tiền mà có thể còn làm phúc lợi xã hội tổn thất nhiều hơn.
Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng Khoa Tài Chính của Ðại Học Kinh Tế Sài Gòn, khẳng định với tờ Người Lao Ðộng rằng, dự tính tăng thuế VAT là “tín hiệu không tốt cho nền kinh tế” bởi điều đó cho cho thấy thâm hụt ngân sách đang tăng. Tăng thuế tất nhiên nhằm gia tăng nguồn tiền cho ngân sách nhưng đó cũng chính là nguyên nhân khiến lãi suất tăng, chi phí của doanh nghiệp tăng, chi tiêu của dân chúng tăng theo và tác động bất lợi cho tăng trưởng kinh tế. Chưa kể tăng thuế có thể tác động bất lợi cho chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Quốc Gia, nếu cơ quan này phải kềm đà tăng lãi suất bằng cách bơm thêm tiền vào thị trường thì lạm phát tăng… Ông Bảo nhấn mạnh, tăng thuế sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Ngay cả viên chức ngành thuế cũng cảm thấy dự tính tăng thuế VAT của Bộ Tài Chính Việt Nam không ổn. Trò chuyện với phóng viên tờ Người Lao Ðộng, một viên thanh tra của Cục Thuế Sài Gòn phân tích, nhiều quốc gia Ðông Nam Á đang duy trì VAT ở mức từ 5% đến 7% nhằm kích thích tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Nếu Việt Nam tăng VAT thêm 2%, tiêu dùng sẽ chậm lại ảnh hưởng tới tăng trưởng. Chưa kể giới đầu tư ngoại quốc thường chỉ đổ vốn vào các quốc gia có chỉ số tiêu dùng cao. Thành ra việc tăng tỉ lệ VAT có thể trở thành hàng rào, ngăn cản cả tăng trưởng kinh tế lẫn thu hút vốn đầu tư ngoại quốc.
Ở vị trí đại diện Bộ Tài Chính Việt Nam, ông Thi thừa nhận, việc tăng tỉ lệ VAT có thể vi phạm cam kết ưu đãi về thuế đối với giới đầu tư nhưng vẫn phải điều chỉnh để “phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.” Việt Nam đang chuyển sang khuynh hướng “thu hút đầu tư có chọn lọc.”
Trong vài năm gần đây, Việt Nam liên tục bội chi phải vay mượn nhiều hơn để chi tiêu và để trả các khoản nợ đã đến hạn thanh toán. Ðó cũng là lý do chính quyền Việt Nam tìm đủ lý do để tăng thuế.
Tháng trước, Bộ Tài Chính Việt Nam từng làm cả dân chúng, báo giới lẫn các chuyên gia nổi xung vì vẫn khăng khăng đề nghị thu thêm 8,000 đồng/lít xăng cho cái gọi là “thuế bảo vệ môi trường” dù điều đó sẽ làm vật giá đồng loạt gia tăng, cả hoạt động kinh tế lẫn sinh hoạt xã hội vốn đã hết sức khó khăn sẽ còn khó khăn nhiều hơn. Tháng này, cũng Bộ Tài Chính Việt Nam giới thiệu “sáng kiến” tăng tỉ lệ VAT. Người ta tin rằng, Bộ Tài Chính Việt Nam, chính xác hơn là chính phủ Việt Nam hiểu rất rõ các hậu quả tai hại của chuyện liên tục tăng mức thu của đủ loại thuế nhưng họ vẫn làm vì đang trong tình trạng hết sức quẫn bách.
(Người Việt)
Không tăng thu thì lấy gì mà chia nhau ,tài nguyên cạn kiệt,khai thác lỗ nợ như chúa chổm ,nguy cơ vỡ nợ đang rình rập,bây giờ không tăng thì nguy chỉ nhục dân cùng đinh chôn rế bản xác đã khó khổ nay khổ hơn .
Trả lờiXóa