Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Việt Nam tụt hậu bao xa so với láng giềng

Việt Nam tụt hậu bao xa so với láng giềng
"Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?" là câu hỏi của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại "ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" diễn ra sáng 13-11-2016 ở thôn Phật Tích thuộc xã Phật Tích - huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh. Thực tế, xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines 5-7 năm.
Lao động của Việt Nam vẫn dựa vào sức là chủ yếu. Ảnh TL
Tư Hoàng (TBKTSG Online) - Một báo cáo tổng hợp của Tổng cục Thống kê đã phác thảo tình trạng lạc hậu, tụt hậu của Việt Nam so với hàng loạt các quốc gia trong khu vực.

Theo đó, từ năm 2008 Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ bị nới rộng.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đạt 2.052 đô-la Mỹ, gấp 21 lần năm 1990, nhưng chỉ tương đương mức GDP bình quân của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010, và Hàn Quốc năm 1982.

GDP bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.

Xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia 25 năm, Thái Lan 20 năm, sau Indonesia và Philippines 5-7 năm.

Trong khi đó, về cân đối tài khóa, tình trạng bội chi ngân sách và nợ công đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Tỷ lệ nợ Chính phủ so với GDP xếp thứ 9 trong khu vực ASEAN (năm 2001) đã tăng lên thứ 5 (năm 2013).

Thị trường tài chính của Việt Nam phát triển tương đối thấp và còn nhiều bất ổn so với một số nước trong khu vực. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu của Việt Nam năm 2012 là 32,9 tỉ đô-la Mỹ (Malaysia là 476,3 tỉ đô-la Mỹ, Singapore 414,1 tỉ đô-la Mỹ, Indonesia 396,8 tỉ đô-la Mỹ, Thái Lan 383 tỉ đô-la Mỹ, Philippines 264,1 tỉ đô-la Mỹ).

Việt Nam đã huy động được nguồn vốn lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng hiệu quả đầu tư còn thấp.

Hệ số ICOR của Việt Nam 2011-2013 là 6,99, cao hơn của Indonesia (4,64), Lào (2,59), Malaysia (5,40), Philippines (4,10), Trung Quốc (6,40), nghĩa là đầu tư của Việt Nam kém hiệu quả nhất so với các nước này.

Về xếp hạng môi trường kinh doanh 2015 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện ở vị trí thứ 78/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với các nước ASEAN, Việt Nam đứng sau Singapore (vị trí số 1), Malaysia (18) và Thái Lan (26); Việt Nam xếp trên Philippines (95), Bruney (101), Indonesia (114), Campuchia (135), Lào (148) và Myanmar (177).

Việt Nam có lực lực lượng lao động dồi dào nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất nông nghiệp, chiếm 46,3%, tương đương với tỷ lệ của Thái Lan vào năm 1995, Philippines và Indonesia đầu thập kỷ 90, gấp 2,4 lần Malaysia và 4 lần Hàn Quốc năm 1995. Tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp năm 2012 của Malaysia là 12,6%, Philippines 32,2%, Indonesia 35,1%, và Thái Lan 36,9%.

Theo vị thế việc làm, lao động Việt Nam chủ yếu làm các công việc gia đình hoặc tự làm (có thu nhập thấp, bấp bênh, không ổn định), chiếm tới 62,7% tổng việc làm 2013.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng lao động qua đào tạo chưa cao. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2014 của Việt Nam là 18,2%.

Tỷ lệ biết chữ của Việt Nam đứng sau Philippines, Thái Lan. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 95%, thấp hơn Thái Lan và Indonesia (98%).

Theo đánh giá của WB về kinh tế tri thức: Chỉ số giáo dục của Việt Nam năm 2012 là 2,99 (thấp hơn bình quân thế giới là 4,35, bình quân của khu vực 5,26), xếp thứ 113, thấp hơn so với Hàn Quốc thứ 4, Malaysia thứ 75, Philippines thứ 85, Thái Lan thứ 93 và Indonesia thứ 102.

http://www.thesaigontimes.vn/135050/Vie%CC%A3t-Nam-tu%CC%A3t-ha%CC%A3u-bao-xa-so-vo%CC%81i-la%CC%81ng-gie%CC%80ng.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét