Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Trường có yếu tố Tây: Được và chưa được gì ?

Khiếp thật, cho con đi học với mức học phí 55-60 triệu đồng 1 tháng thì không hiểu thu nhập của bố mẹ cao đến mức nào. Mức phí này không kém gì tại Thụy Sĩ, ví dụ so với trường florimont nơi cậu út mình học trong suốt 12 năm giáo dục phổ thông (xem bảng học phí ở đây).
TRƯỜNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI Ở TP.HCM: Được và chưa được gì ?
HOÀNG HƯƠNG, 11.07.2017, TTCT - Với những bất cập ở các trường phổ thông công lập cùng với mức sống của người dân TP.HCM tăng lên, nhiều phụ huynh người VN đã tìm đến mô hình trường có yếu tố nước ngoài. Theo tìm hiểu của TTCT, mức học phí của các trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP.HCM dao động từ 22-55 triệu đồng/tháng đối với HS tiểu học (tùy theo khối lớp); 28-58 triệu đồng/tháng đối với HS THCS; 33-60 triệu đồng/tháng đối với HS THPTNhìn lại làn sóng trường quốc tế

Một tiết học tiếng Việt của học sinh Trường 
song ngữ quốc tế Horizon, TP.HCM-H.HG.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở GD-ĐT TP.HCM, TP hiện có 20 trường có yếu tố nước ngoài với hơn 10.000 học sinh (HS), trong đó số HS người VN khoảng 5.000 em.
Tốt, nhưng...

Trường có yếu tố nước ngoài ra đời đầu tiên là Trường quốc tế TP.HCM (International School Ho Chi Minh City), Q.2. Trường thành lập cách đây khoảng 20 năm nhằm đáp ứng nhu cầu học hành của con em cán bộ ngành ngoại giao, doanh nghiệp của các nước đến TP công tác dài hạn.
Sau đó, trường mở thêm một cơ sở cũng ở Q.2 để tiếp nhận HS người VN với mức học phí “mềm” hơn cơ sở chính.
Đa số trường có yếu tố nước ngoài đều đầu tư rất tốt cho cơ sở vật chất: phòng ốc khang trang, tiện nghi, đồ dùng dạy học hiện đại, đầy đủ các phòng chức năng nhằm đào tạo nên những HS năng động...
Như ở Q.7 có trường xây dựng ba khuôn viên biệt lập cho ba cấp học tiểu học, THCS và THPT. Cả ba khuôn viên được trang bị thư viện, sân chơi, hồ bơi, nhà hát, phòng đa năng... phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi HS từng cấp học.
Ở Q.2 có trường xây dựng theo mô hình ngôi làng giáo dục với hơn 10 villa, tạo mảng xanh, sự gần gũi, thân thiện giữa giáo viên và HS, giữa HS với nhau... Nhưng không phải trường có yếu tố nước ngoài là tuyệt vời, vẫn còn trường thiếu sân chơi, bãi tập...
Về chương trình giảng dạy, phần lớn các trường có yếu tố nước ngoài ở TP.HCM lựa chọn giảng dạy: chương trình phổ thông quốc tế Cambridge (CIE) và chương trình tú tài quốc tế (IB). Một số trường đăng ký giảng dạy chương trình tiểu bang của Úc, Mỹ, Canada...
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, với những trường sử dụng chương trình nước ngoài giảng dạy các môn khoa học tự nhiên: toán, lý, hóa, sinh; các môn khoa học xã hội: văn, sử, địa, tiếng Việt phải dạy theo chương trình Bộ GD-ĐT VN cho HS người Việt.
Thế nhưng trong lần kiểm tra, thanh tra gần đây nhất của Sở GD-ĐT TP, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số trường sử dụng chương trình nước ngoài, sách giáo khoa lịch sử, địa lý nước ngoài giảng dạy cho HS VN.
Có trường giảng dạy chương trình của Bộ GD-ĐT VN nhưng không đảm bảo đúng số tiết theo yêu cầu. Thậm chí có trường chỉ dạy các môn văn, sử, địa, tiếng Việt vào thứ bảy, mang tính chất dạy thêm, ngoại khóa.
Về mặt văn bằng chứng chỉ: Từ bậc tiểu học đến bậc THCS: đa số các trường có yếu tố nước ngoài ở TP.HCM tiến hành đánh giá nội bộ: văn bằng, chứng chỉ hoàn thành tiểu học, THCS do trường cấp.
Đến bậc THPT: các trường được các tổ chức khảo thí quốc tế cho phép sử dụng văn bằng như IGCSE (chương trình phổ thông quốc tế Cambridge); IB (tú tài quốc tế). Chỉ một số ít trường được các tổ chức khảo thí quốc tế cho phép sử dụng văn bằng cho cả ba cấp: tiểu học, THCS và THPT.
Về kiểm định quốc tế, Sở GD-ĐT TP cho biết trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP thường tham gia các tổ chức kiểm định thế giới như Hiệp hội Các trường quốc tế (CIS), Hiệp hội Kiểm định các trường phổ thông và đại học phía Đông, Hoa Kỳ (WACS), Hiệp hội Kiểm định các trường phổ thông và đại học New England (NEASC)...
Nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng mẹ đẻ?
“Khi chúng tôi hỏi HS người VN đang học tại các trường có yếu tố nước ngoài: bạn cảm thấy thoải mái khi sử dụng ngôn ngữ nào? Tiếng Anh hay tiếng Việt? Rất nhiều em đã trả lời là tiếng Anh” - một thành viên đoàn kiểm tra các trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP.HCM đã kể với TTCT như thế. Theo thành viên trên, việc HS người Việt sử dụng tiếng mẹ đẻ không thuần thục sẽ tạo bất ổn về tâm lý khi HS VN không thể giao tiếp với chính gia đình của mình.
Nhắm đến học sinh VN
Theo một chuyên gia giáo dục, hiện nay và xu hướng sắp tới là các trường có yếu tố nước ngoài đang nâng cấp, mở rộng để trở thành hệ thống nhắm đến HS VN.
Như Trường BIS nay có thêm BVIS (đào tạo song ngữ cho HS VN); Trường quốc tế TP.HCM đang mở thêm Trường American Academy dành cho HS VN; Trường quốc tế Canada nay có thêm chương trình song ngữ dành cho HS VN...
Xu hướng trên ngày càng được khẳng định bởi nhu cầu cho con em học trường có yếu tố nước ngoài ở TP.HCM ngày càng tăng cao, dù học phí cùng các khoản phí khác cao gấp chục lần so với trường công lập hoặc trường tư thục.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, phụ huynh cần hỏi rõ và đề nghị nhà trường trưng ra cơ sở pháp lý của văn bằng, chứng chỉ và kiểm định quốc tế trước khi quyết định đăng ký cho con em mình học ở một trường có yếu tố nước ngoài nào đó. Bởi trên thực tế đã có trường “treo đầu dê, bán thịt chó”.■
Trường “nhà giàu” ở Đà Nẵng
Tại Đà Nẵng, các trường quốc tế không “nở” rầm rộ như ở các TP lớn khác là Hà Nội hay TP.HCM. Trường quốc tế đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng là hệ thống giáo dục của Tập đoàn giáo dục KinderWorld, Singapore.
Đại diện tập đoàn này cho biết năm 2000, tập đoàn quyết định giới thiệu chương trình giáo dục Singapore ra nước ngoài và đã xây dựng 15 học xá tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng..., dạy từ mẫu giáo đến sau phổ thông.
“VN là quốc gia với hơn 90 triệu dân, tăng trưởng GDP trung bình đạt từ 6,13% từ năm 2000. KinderWorld nhận ra cơ hội đầu tư và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại VN khi số lượng phụ huynh tầng lớp trung lưu liên tục tăng trưởng. Họ sẵn sàng đầu tư để con em mình có cơ hội tiếp nhận được nền giáo dục tiên tiến” - đại diện tập đoàn này nói.
Tháng 11-2011, tại khu đô thị Phú Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, Công ty CP Trường CĐ quốc tế Pegasus thuộc KinderWorld, Singapore đã khởi công xây dựng dự án phức hợp giáo dục với diện tích 5,1ha, tổng vốn đầu tư 12 triệu USD.
Dự án bao gồm Trường quốc tế Singapore (SIS) và Trường CĐ quốc tế Pegasus (PIU). Trong đó SIS phục vụ 1.500 HS, liên thông từ mẫu giáo đến THPT.
Trường hoạt động từ tháng 8-2013 và thu hút hơn 600 HS VN và quốc tế đến từ 28 quốc gia. Riêng PIU hoạt động từ tháng 11-2013. Theo bà Trịnh Thị Thu - hiệu trưởng PIU, đến nay tổng số HS tại trường là 2.500, phần lớn đến từ các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Gia Lai...
Anh N.Q.V., phụ huynh có con học tại SIS Đà Nẵng, cho biết con trai anh đã theo học tại đây từ mẫu giáo đến THCS. Chương trình mẫu giáo song ngữ học cả ngày học phí trên 109 triệu đồng/năm; lớp dự bị tiểu học học phí học cả ngày hơn 163 triệu đồng/năm.
Còn chương trình song ngữ từ lớp 1 đến lớp 5 học phí lên đến hơn 185 triệu đồng/năm, lớp 6 đến lớp 9 học phí hơn 206 triệu đồng/năm!
Tháng 8-2016, Trường ĐH quốc tế Mỹ - Thái Bình Dương (APU) khánh thành Trường ĐH Mỹ tại VN (AUV) và khai giảng năm học mới 2016-2017 tại Đà Nẵng. Trước đó, APU cũng mở Trường quốc tế Hoa Kỳ APU - dạy từ mẫu giáo đến lớp 12.
Mức học phí bậc tiểu học của trường này gần 200 triệu đồng/năm, hệ THCS-THPT học phí 260-320 triệu đồng/năm. Riêng Trường ĐH Mỹ tại VN với 100% vốn đầu tư nước ngoài có tổng kinh phí gần 3.200 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích hơn 32ha và hiện AUV đã đầu tư hơn 800 tỉ đồng.
Trường đã tuyển sinh hệ giáo dục phổ thông với 200 HS và hệ ĐH với 50 sinh viên. Theo tìm hiểu, mức học phí của AUV thuộc dạng khá cao, như ngành cử nhân truyền thông học phí trên 300 triệu đồng/năm. Do mức học phí tại các trường quốc tế trên tương đối cao, nên thường chủ yếu phục vụ đối tượng là con nhà có điều kiện.
Theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, đang có một tập đoàn của Canada xúc tiến việc mở trường phổ thông quốc tế theo mô hình Canada tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn Đình Vĩnh, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết bên cạnh các trường công lập, việc mở các trường quốc tế trên địa bàn làm đa dạng các loại hình giáo dục. Các trường nỗ lực xây dựng chương trình học tiên tiến, phù hợp với đối tượng HS, tạo cơ hội để phụ huynh HS tham khảo, lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp cho con em mình.
ĐOÀN CƯỜNG
4 nhóm trường có yếu tố nước ngoài
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, dựa trên cơ sở pháp lý, trường có yếu tố nước ngoài ở TP.HCM chia thành 4 nhóm:
Nhóm 1: trường có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài cho HS nước ngoài và thí điểm một bộ phận HS VN có nhu cầu (nhà trường giới hạn số lượng HS VN: ở bậc tiểu học và THCS không được quá 10% và bậc THPT không được quá 20% tổng số HS của trường). Nhóm này là Trường quốc tế Nam Sài Gòn, Trường quốc tế TP.HCM, Trường quốc tế Singapore...
Nhóm 2: trường có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT VN, được phép dạy chương trình nước ngoài hoặc song ngữ cho HS VN, không giới hạn số lượng: Trường song ngữ quốc tế Horizon, Trường quốc tế Anh Việt, Trường quốc tế Úc, Trường tiểu học-THCS-THPT quốc tế Sài Gòn Pearl...
Nhóm 3: trường có vốn đầu tư trong nước, dạy chương trình của Bộ GD-ĐT VN cho HS VN, được thí điểm dạy chương trình nước ngoài cho một bộ phận HS VN có nhu cầu, đồng thời được nhận HS nước ngoài và dạy chương trình nước ngoài: Trường quốc tế Canada, Trường quốc tế Mỹ, Trường tiểu học-THCS-THPT quốc tế Khai Sáng...
Nhóm 4: trường có vốn đầu tư trong nước, được phép giảng dạy chương trình nước ngoài cho các môn khoa học tự nhiên: toán, lý, hóa, khoa học bằng tiếng Anh; đối với các môn khoa học xã hội: văn, sử, địa phải học theo chương trình của Bộ GD-ĐT VN như Trường quốc tế APU.
Theo tìm hiểu của TTCT, mức học phí của các trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TP.HCM dao động từ 22-55 triệu đồng/tháng đối với HS tiểu học (tùy theo khối lớp); 28-58 triệu đồng/tháng đối với HS THCS; 33-60 triệu đồng/tháng đối với HS THPT.

http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-de-su-kien/chuyen-de/20170711/duoc-va-chua-duoc-gi/1343941.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét