Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Người TQ cho rằng, Liu Hiểu Ba đáng gặp quả báo

Người Trung Quốc cho rằng, Liu Xiaobo đáng gặp quả báo
Đổ lỗi cho nạn nhân (blaming the victim) là điều mà người ta sẵn sàng làm để mong có được một giấc ngủ bình an ở xứ sở này, nơi mà chính quyền sẵn sàng nghiền nát bạn bất cứ lúc nào.

Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), người đoạt giải Nobel Hòa Bình và là nhà văn bất đồng chính kiến Trung Quốc, đang trong những ngày cuối đời vì căn bệnh ung thư gan. Ông Liu đã ở tù từ năm 2009, và “tội” của ông là đã công bố một bản Hiến chương kêu gọi cải cách chính trị.

Thế nhưng, ở Trung Quốc, chả ai coi ông là “người hùng’ cả. Đa số người dân tại đây chỉ nghe loáng thoáng về ông nếu như họ có một chút quan tâm đến cái tên Liu Xiaobo. Những người đã biết về ông ấy, theo kinh nghiệm cá nhân tôi, đều nói về ông với một giọng điệu khinh miệt. “Ông ta nên cảm tạ chính phủ đã chữa trị miễn phí cho bệnh của mình!” – một người quen của tôi đã viết câu đó trên mạng xã hội.

Tôi đã từng rất choáng trước thái độ coi thường những người bất đồng chính kiến của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc – ngay cả ở những người mang tư tưởng khá cởi mở. Phản ứng đầu tiên của những người này là luôn luôn tìm cách đổ lỗi cho những người đối kháng. Tất cả mọi tội lỗi đều bị gán ghép lên những nạn nhân, chứ không phải là những kẻ đã bắt giam, tra tấn, và bỏ tù họ. Chế độ là chế độ, thế thôi.

Nhưng theo thời gian, tôi nhận ra được, đó là một hiện trạng tâm lý: đổ lỗi cho nạn nhân là một cách mà một số người dùng để tự cứu rỗi. Phiên bản mà tôi thấy ở xã hội toàn trị Trung Quốc thực ra đại diện cho một hiện trạng đang xảy ra ở khắp nơi. Trong tâm lý học, nó được gọi là giả thuyết thế giới công bình (just world).

Đó là một niềm tin, có ý thức hoặc không, là khi những đìều bất hạnh xảy ra cho một số người, thì nhất định phải có một nguyên nhân hợp lý để giải thích cho nó. Ví dụ như: ông này bị ung thư vì ông ta không tin vào Chúa và không cầu nguyện đủ. Cô kia bị hãm hiếp vì cô ấy đã lang thang vào một khu phố phức tạp không nên đến. Nếu anh chàng đó tỏ ra tôn trọng người cảnh sát kia một chút thì đâu đến nỗi, v.v.

Con người buộc phải tin vào một thế giới công bình như là một cơ chế tự bảo vệ bản thân về mặt tâm lý trước những điều bất công khủng khiếp mà họ phải đối mặt hằng ngày trong cuộc sống. Vì thực tế là, không có ai trong chúng ta dám nhận mình là đứa trẻ mà Thuợng đế nâng niu nhất.

Và vì vậy, chúng ta biết rằng, bất cứ lúc nào, bệnh tật, tai nạn, hoặc thiên tai đều có thể ngay lập tức lấy đi tất cả những gì mà chúng ta yêu thương nhất. Thế nhưng chúng ta lại tự huyễn hoặc bản thân, rằng mình không phải cọng tơ nhện vất vơ trước lò lửa nóng, rồi tìm mọi cách để lý giải sự khổ nạn của những kẻ khác để có thể tiếp tục ngô nghê mà an ủi, chúng ta vẫn ổn đấy thôi.

Trung Quốc không chỉ là một thế giới bất công mà con người cần phải tự biện giải, mà nó còn dung túng cả một chế độ bất công. Điều này dẫn đến một luận điểm của không ít người trong giới trí thức Trung Quốc – rằng Trung Quốc cần phải đặt việc ổn định đất nước và trật tự xã hội lên trên công lý và tự do. (Mà thường là, họ sẽ dùng những cách diễn đạt trừu tượng hơn, chứ không phải là thực tế trần trụi như đánh gãy tay và bỏ tù nhà báo.)

Đừng nói! Ảnh: SCMP.

Đó là sự cố gắng để xoay chuyển một sự việc không ai muốn chấp nhận trở thành một diễn ngôn mà tâm lý chúng ta có thể tạm dung nạp – họ không phải chối bỏ là xã hội bất công, nhưng họ sẽ nhún vai cho rằng, trong vụ này, lỗi là ở nạn nhân.

Bằng cách đó, nhà nước đã trở thành một hiện tượng tự nhiên chứ không còn mang vai trò đạo đức nữa: nếu một người ngu ngốc tới mức muốn dùng cái ô nhỏ bé của anh ta chống chọi lại cơn bão cấp 8, mà còn nghĩ là có thể che chắn cho người khác, thì lỗi là ở gã khờ kia chứ có phải của cơn bão đâu?

Rất nhiều người Trung Quốc, cũng như người dân ở các xã hội toàn trị khác, không muốn trực tiếp đối kháng với những điều khủng khiếp mà chế độ sẵn sàng ra tay với họ. Và vì thế, khi thấy nhà nước muốn đè chết một công dân khác, thì họ thà cho rằng lỗi chắc chắn nằm ở người dân đó. Những người như thế phải biết trước hậu quả gì sẽ xảy ra khi làm những điều đó chứ. Họ không nên quá hợm hĩnh như vậy, họ phải biết là mình đang chống đối với ai, với loại chính quyền nào chứ.

Và đó là lý do vì sao mà chính quyền Trung Quốc luôn cảm thấy thoải mái khi nói về Liu Xiaobo và những người dám chống đối chế độ trực diện. Chúng ta thấy rất rõ điều này khi Liu được trao giải Nobel Hòa Bình. Cả một dàn đồng ca của truyền thông nhà nước ồ ạt lên tiếng sau một tuần ngậm tăm vì Ban Tuyên giáo chưa đưa ra chỉ thị để xử lý thông tin. Những người như ông Liu là những ví dụ cho bài học răn đe từ chính quyền: dám vượt qua giới hạn thì sẽ bị tiêu diệt – và tất cả mọi tội lỗi sẽ bị cả xã hội đổ lên mình.

Chính quyền tỏ vẻ như – và cả đám đông công chúng thì hầu như cũng tin rằng, những giới hạn trong xã hội đã được họ vạch ra rất rõ ràng. Nhưng vấn đề là ở đây, những giới hạn đó vốn là vô hình cho đến khi một người vô tình bước qua chúng.

Ông chú của Jimmy, bạn tôi, không thể nào biết được công ty xây dựng của ông đang tham gia đấu thầu một dự án, mà đối thủ chính là một băng đảng xã hội đen bao gồm quan chức địa phương và giang hồ thật. Khi ông biết được thì họ đã bắt cóc ông đến sân thượng của một toà cao ốc đang xây, chặt đứt hai chân và bỏ mặc ông ở đó cho đến chết trong khi công an địa phương vu cáo và bắt giam em trai ông với một số tội họ tùy nghi đặt cho.

Những sai trái khủng khiếp nhất mà chính quyền làm ra thường là đối với những người dân chẳng phạm phải tội lỗi gì, ngoại trừ việc họ đã có mặt sai địa điểm và không đúng lúc. Đó chính là những bản án oan có khả năng gây nguy hiểm một cách lớn nhất đến chế độ trong cách đánh giá của chính quyền.


Bà Zhang Huanzhi, mẹ của Nie Shubin, một người bị xử tử hình oan vào năm 1996 về tội hiếp dâm và giết người và được minh oan… 18 năm sau. Ảnh: China Daily.

Nếu điều gì có thể khuấy động được sự vô cảm của công chúng, thì đó sẽ là những vụ án oan mà nạn nhân là những người dân bình thường, chứ không phải là những nhà bất đồng chính kiến. Và vì thế, khi những cuộc đụng độ tầm thường giữa chính quyền và người dân trở thành bi kịch của xã hội, chúng ta sẽ thấy truyền thông nhà nước chỉ nói qua quýt về chúng; một chút giới thiệu mở đầu và ngay sau đó sẽ tìm cách đóng lại bất cứ cuộc thảo luận nào về vấn đề đó.

Nhưng đàn áp chính trị thì lại không như thế, nó luôn được tuyên xưng ở các phương tiện công cộng. Khi nhà nước muốn đè bẹp những cuộc thảo luận vừa được nhen nhúm trên thế giới mạng ở Trung Quốc năm 2003, blogger nổi tiếng Charles Xue đã bị ép nhận tội trên truyền hình trực tiếp cho cả nước xem vì “tội” dùng mạng Weibo để viết bài . Khi đó, tôi đã nói chuyện với một người đồng nghiệp thông minh và cởi mở người Trung Quốc, và cô ta hoàn toàn cảm thấy việc làm thô bỉ mang đầy mùi Cách mạng Văn hóa của nhà nước không ảnh hưởng gì đến mình. “Ông ta (Charles Xue) chắc chắn đã được (nhà nước) cảnh cáo rồi.”

Hoặc hãy nhìn vào sự kiện Falun Gong (Pháp Luân Công). Khi nhà nước bắt đầu đàn áp giáo đồ, đã có rất nhiều người tỏ ra đồng cảm với họ. Vì sao công an lại sách nhiễu bà kia nhỉ, bà ta chỉ tập Thái cực quyền trong công viên thôi mà? Thế nhưng, khi những người lãnh đạo của Falun Gong bắt đầu đưa ra những vấn đề mang tính đối kháng với chính quyền như biểu tình và tự thiêu xung quanh khu vực Trung Nam Hải (là khu hành chính trung ương của chính quyền và nơi mà trụ sở đảng Cộng sản Trung Quốc tọa lạc), thì sự đồng cảm của xã hội cũng bốc hơi theo đó.


Falun Gong tụ tập tại Beijing năm 1999 trước khi chiến dịch đàn áp của chính quyền bắt đầu. Ảnh: epochtimes

Ta không thể nào không muốn tò mò hơn một chút về dấu ấn văn hóa trong cách phản ứng của người dân. Thuyết nhân quả có một truyền thống lâu đời tại Trung Quốc. Đó là một quan niệm cho rằng số mệnh của một người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những căn cơ, tội lỗi của tiền kiếp và cả những nghiệp chướng của kiếp này.

Người Tây phương sống ở Trung Quốc cũng không hẳn là miễn nhiễm với nó. Tôi nhớ đến các cuộc trò chuyện với những người nước ngoài sống tại đây khi Peter Dahlin, một nhà hoạt động nhân quyền người Thuỵ Điển bị bắt, bị từ chối cung cấp thuốc men, và bị ép nhận tội trên truyền hình trực tiếp.

Những lời mà tôi nghe được là: “Ông ta hành xử quá không đúng mực. Ông ta đã vượt qua giới hạn mà đáng lý ông ấy phải biết rồi chứ. Chắc rồi, những việc như thế làm sao mà xảy ra với chúng tôi được, chúng tôi là những người tuân thủ quy tắc của trò chơi và đương nhiên là sẽ được tôn trọng”. (Công bằng hơn mà nói, Dahlin bị phán là đã chơi nhạc Bob Dylan quá lớn khi trời vừa sáng, và trong một thế giới công bình thì anh ta chắc là phải bị trừng phạt cho thật nặng vào.)

Trở lại vụ án của Liu Xiaobo, tất cả những gì mà ông từng viết đều bị lôi ra để đấu tố ông. Ông bị cáo buộc là đã từng viết phải cần thêm “300 năm thuộc địa” thì Trung Quốc mới có thể trở nên văn minh như Hong Kong, là một người ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, và đôi khi là một người quá mù quáng nên không nhìn thấy sự suy tàn của nền văn minh Tây phương. Tất cả những thứ ấy đều bị các nhà trí thức Trung Quốc và cả một số người Tây phương theo chủ nghĩa biện giải (apologists) lôi ra làm lý do để phản bác Liu.

Những người ấy sẽ không bao giờ thèm giải thích là tại sao những bài luận không chừng mực, hoặc một niềm tin ngây thơ về một chủ nghĩa nào đó lại có thể là lý do và bằng chứng để bắt một người phải chịu cảnh áp bức và tù đày hằng chục năm. Đối với họ, chỉ cần nhích ngón tay một chút, kiếm bất cứ lời biện bạch nào là đủ để có thể quay về kê cao gối ngủ.

Một trong những cách kỳ quái nhất mà người ta đàm tiếu về Liu Xiaobo và những người bất đồng chính kiến khác như nghệ sĩ sôi nổi, Ai Weiwei (Ngải Vị Vị), mà tôi từng nghe qua, là ý kiến cho rằng những người này đang chuẩn bị cho một sự nghiệp vĩ đại nào đó và sẽ kiếm được bộn tiền từ phương Tây.

Những bài xã luận của Global Times (Hoàn cầu Thời báo) đã diễn tả những người đấu tranh cho dân chủ là “những kẻ đặt cược nhầm sòng.” Có lẽ, quan niệm này tồn tại là vì bộ máy tuyên truyền của chính phủ luôn tìm mọi cách đến gắn mác có liên quan đến cái gọi là “thế lực thù địch” lên tất cả những người bất đồng chính kiến trong nước.

Thế nhưng, đó cũng là một cách để tối giản mọi thứ rồi nhét vào cái vòng đa nghi luẩn quẩn mà cả xã hội Trung Quốc đang vận hành trong đó. Cứ tin rằng những ai dám chống lại chế độ là đều vì tiền của bọn Tây, chứ chẳng phải là nguyên tắc hay lý tưởng quái gì cả, và bạn sẽ biện minh được tất cả những trò tham nhũng và ngã giá mà bạn là một mắc xích của chúng.

Hiện tượng này có vẻ phổ biến nhất ở những người đã từng rất trẻ và rất có lý tưởng ở những năm 1980. Họ đã thỏa hiệp (với chính quyền), vậy tại sao những kẻ cứng đầu cứng cổ kia lại không thể? Tất cả mọi người – hoặc ít ra là những người trong cùng giai cấp xã hội với họ: dân thành thị, học cao, trí thức – đã có được một cuộc sống thành đạt trong những năm qua rồi kia mà.

Một ngày nào đó, tôi hy vọng là Liu Xiaobo sẽ được tưởng niệm trong những thời đại về sau như là một người đã chết vì niềm tin vào tự do dân chủ của mình cho một Trung Quốc tốt đẹp, công bình, và tử tế hơn. Nhưng đó sẽ là một con đường còn rất dài ở phía trước.

Còn ngay lúc này, ông đang hấp hối mà rất nhiều đồng bào của ông chỉ nhún vai cho qua. Đến cuối cùng, Liu Xiaobo ơi, ông thật đã mong đợi điều gì sẽ đến?

James Palmer
Luật Khoa tạp chí lược dịch từ The Chinese Think Liu Xiaobo Was Asking For It của tác giả James Palmer, được đăng trên báo Foreign Policy ngày 12/7/2017
(Luật Khoa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét