Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

‘Đa nguyên, đa đảng’ là một nhu cầu trong nội bộ Đảng!

Đảng thừa nhận ‘đa nguyên, đa đảng’ là một nhu cầu trong nội bộ!
“Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có biểu hiện “đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”” đã làm lộ ra một sự thật mà đảng chẳng bao giờ muốn công bố: “đa nguyên, đa đảng” đã trở thành một nhu cầu không chỉ bén rễ mà còn ăn sâu trong nội bộ!
Quân Đội Nhân Dân từ nhiều năm qua đã trở thành một trong những mũi nhọn xung kích của đảng trên mặt trận “Phòng, chống diễn biến hòa bình”.
Từ sau Hội nghị trung ương 4 của đảng và TBT Trọng về “ngăn chặn tự diễn biến, tự chuyển hóa”, Quân Đội Nhân Dân đã mở hẳn cả một chuyên mục về chủ đề này. Rõ ràng từ sau vụ Trịnh Xuân Thanh “tự diễn biến” và vụ quan chức bắn nhau ở Yên Bái, TBT Trọng và trường phái bảo thủ trong đảng đã thật sự lo lắng, nếu không muốn nói là lo sợ, về một thứ núi lửa đang vừa rạo rực vừa bắt đầu tóe sáng trong lòng đảng. Nghị quyết trung ương “ngăn chặn tự diễn biến, tự chuyển hóa” được gấp gáp cho ra đời cũng vì lẽ đó.

Nhưng hiện thời lại khác hẳn với dĩ vãng, không phải đảng cứ muốn là được.

Những bài báo đầy lên gân kiên định và chuyên chính trên Quân Đội Nhân Dân rất nhiều khả năng đã chẳng có tác dụng nào đáng kể bởi tầm lan tỏa quá hạn hẹp của báo đảng trên mạng xã hội, cũng bởi lối viết một chiều theo cách nói lấy được và căn bệnh quy chụp của các báo đảng mà từ mấy chục năm qua vẫn không thuyên giảm.

Ngày 13/6/2017, Quân Đội Nhân Dân đăng bài “Ngăn chặn và đẩy lùi biểu hiện đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng””.

Mục đích bài này là “ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa””, để chốt lại “Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới đảm bảo cho xã hội Việt Nam phát triển tiến bộ”.

Tuy nhiên, đoạn dẫn trên đầu đề của bài viết này “Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có biểu hiện “đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”” đã làm lộ ra một sự thật mà đảng chẳng bao giờ muốn công bố: “đa nguyên, đa đảng” đã trở thành một nhu cầu không chỉ bén rễ mà còn ăn sâu trong nội bộ!

Vậy nhu cầu đó đã có những dấu hiệu và biểu hiện nào?

Trong bối cảnh vừa âm ỉ, vừa râm ran dư luận về khả năng có thể hình thành thể chế “đảng trong đảng” ở Việt Nam, từ năm 2016 đã xuất hiện những cuộc trao đổi trong giới quan chức cao cấp hưu trí và giới trí thức “phản biện trung thành” về khả năng đổi tên đảng Cộng Sản trở về tên đảng Lao Động như trong quá khứ xa. Hoặc có thể “tách đảng” thành hai - vừa đảng Cộng Sản vừa đảng Lao Động trong tương lai gần.

Từ trước Tết nguyên đán 2017, lại râm ran dư luận trong giới “phản biện trung thành” về khả năng có thể đề nghị hình thành thể chế “đảng trong đảng”, nhưng với một cái tên mới hoàn toàn cho đảng cầm quyền.

Chưa bao giờ, kể từ thời Liên Xô sụp đổ vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, không khí và nhu cầu về đa nguyên và đa đảng lại cấp thiết như lúc này ở Việt Nam.

Ngày 17/5/2017, Tạp chí Tia Sáng (thuộc Bộ Khoa Học Công nghệ) - một tờ báo nhà nước được xếp vào số ít ỏi cơ quan báo chí mang quan điểm phản biện và có hơi hướng cấp tiến, đã chính thức đăng bài viết “Nhất thể hóa: Phân tích để lựa chọn mô hình” của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng - cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề cập đến một vấn đề được xem là “rất nhạy cảm” đối với thể chế độc đảng ở Việt Nam: chọn mô hình đại nghị hay mô hình Tổng thống lưỡng tính?

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên xuất hiện một bài viết trên báo nhà nước mang tính hàm ý rõ ràng đến thế.

Ngay cả một cựu thứ trưởng bộ công an là ông Võ Viết Thanh cũng đã công khai bộc lộ quan điểm “phải có đối lập xây dựng” trong đảng.

Trên Tạp chí Tuyên giáo tháng 6/2017, ông Vũ Ngọc Hoàng - một người từng được xem là thân tín và kế cận quan điểm ý thức hệ cộng sản của TBT Trọng - đã gián tiếp phản bác ông Trọng khi ông Hoàng hàm ý rằng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không chỉ có tiêu cực mà còn có mặt tốt…

Được biết, số lượng trí thức, cựu quan chức và cả quan chức đang ngả theo hướng “đa nguyên” và “đối lập xây dựng” - mà về thực chất là chấp nhận đa đảng, đang “tự diễn biến” theo cấp số nhân. Làm thế nào trường phái bảo thủ của TBT Trọng và hệ thống tuyên giáo “bảo hoàng” có thể ngăn chặn được làn sóng “nhiều hơn một đảng” ấy?

Thiền Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét