Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Nghịch lý của chính quyền Việt Nam đương thời

Nghịch lý của chính quyền Việt Nam đương thời
Lời tác giả: Bài viết này tôi viết ra không phải mục đích đòi đa Đảng hay chống phá những điều tốt đẹp mà những cá nhân tiên tiến trong Đảng, trong chính quyền hiện tại đang làm được cho đất nước. Đây là bài viết nhằm phanh phui trò chơi chính trị đang áp đặt dần nặng nề lên nhân dân nhằm duy trì độc tôn quyền lực. Mục đích của tôi là muốn từng công dân nhận thức được quyền hạn của mình và hiểu rõ bản chất chính trị chính quyền đương thời, bởi vì“ đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Xã hội Việt Nam hiện đang tồn tại rất nhiều điều nghịch lý. Và đúng là nghịch lý nốt khi mà cả xã hội chạy theo chúng, sống chung với chúng và tuân theo chúng.

Tôi sinh ra tại đất cách mạng, bố mẹ cha ông là người cách mạng, thậm chí có người hi sinh cho cách mạng và tôi thừa hưởng tính cách“rất cách mạng”. Cái cuộc cách mạng mà tôi nhắc tới đây là cuộc các mạng cộng sản, cuộc cách mạng XHCN, cuộc cách mạng mà theo một phần nào đấy (tôi dám chắc của đa số người Việt) cho là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Chính quyền cũ đã không còn nên tôi không bàn đến ai đúng ai sai, bởi vì nó là quá khứ và cũng bởi vì đó là chiến tranh. Nhưng cái tôi nói đến ở bài viết này là cái sai của chính quyền hiện tại và cái trò chơi chính trị mà họ đặt ra luật chơi.

Tâm lý ban ơn

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng Xã hội chủ nghĩa là tốt đẹp. Chắc hẳn nhiều người mới nghe qua sẽ không đồng ý với ý kiến này với nhiều lý do phản biện mà họ có. Nhưng có phản biện gì đi nữa thì sự thật vẫn là một xã hội tốt đẹp nhất trong quá trình phát triển hình thái xã hội loài người. Còn có thực hiện được hay không và thực hiện như thế nào thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi hiểu, tôi được học thậm chí là có thể gọi là nhồi sọ về đường lối xã hội chủ nghĩa trong quá trình giáo dục tại Việt Nam ở tất cả các cấp học. Song song với nó tôi may mắn lại có quá trình tự nhận thức về bản chất xã hội con người. Với tôi xã hội chủ nghĩa là một đích đến cuối cùng của hình thái xã hội loài người, khi mà ở đó chỉ có sự công bằng, không giai cấp, không bóc lột...(Để chứng minh về quan điểm này tôi sẽ nói thêm về vấn đề XHCN ở một bài viết khác).Chứ không phải là cái khiên cưỡng uống nắn mà chính quyền nhồi vào tôi rằng phải như thế này, như thế kia trong khi chính họ còn mò mẫm, hoài nghi về con đường mình đã chọn.

Quay về với chủ đề chính, sau khi kết thúc chiến tranh, ngày 30/4 mà thế hệ cha anh của tôi gọi nó là ngày chiến thắng, ngày thống nhất, chính quyền cách mạng đã kiểm soát toàn Việt Nam. Bắt đầu có sự chuyển giao và thay đổi hệ thống chính trị nhằm quản lý xã hội, đó là quy luật dường như tất yếu của mọi cuộc chiến tranh. Và để giữ vững nền chính trị đó, những người đứng đầu sử dụng rất nhiều công cụ trong đó công cụ truyền thông. Chính quyền từ thời đó cho đến nay, dùng truyền thông, báo chí để tuyên truyền về mọi thứ: về công lao họ tạo ra, về đường lối tương lai của đất nước, hay là phản biện những mặt trái xã hội, tất nhiên đều là trong tầm quản lý của mình. Điều đó hẳn sẽ làm mất đi sự khách quan tuyệt đối của báo chí... Nhưng đổi lại là đất nước sẽ yên ổn hơn về nhiều mặt. Nhưng bao năm qua họ đã lạm dụng nó để tung hô cái chiến thắng họ đạt được, cái lý lẽ về sự đúng đắn họ đi theo để nhồi vào tầng tầng, lớp lớp con người đi sau.

Mỗi khi làm được một việc gì tốt cho dân, chính quyền lại mượn truyền thông để truyền đi một thông điệp được biên tập: “ Nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Chính quyền...” Có thể lời cám ơn đó xuất phát từ tận đáy lòng của một người dân nào đấy, nhưng vô hình trung là chính người dân đó đã nhận thức sai, biến một việc mà người cán bộ, người Đảng viên phải có nhiệm vụ thực hiện thành một việc mà họ đang nhận được sự ban ơn. Sự ban ơn ăn sâu vào suy nghĩ của từng cán bộ nhà nước mà đa phần họ là Đảng viên. Người lên làm thủ tục hành chính, không thích thì họ vẽ ra đủ lý do để hành, cuối cùng thì họ đóng cho “1 cái dấu” như đang ban ơn, và người nhận nó sau bao vất vả cũng nhận được như là một cái ơn. Từng điều chính quyền làm được cho dân đều muốn người dân mang ơn họ, mà họ quên đi rằng đó là trách nhiệm của bản thân họ khi theo con đường mà họ là người “khổ trước cái khổ của dân..., là nô bọc của dân”. Rồi từ cấp thấp lên cao, từ đại biểu quốc hội đến các lãnh đạo cao cấp nhất: bộ trưởng, chủ tịch, thủ tướng... những lời phát biểu của họ luôn dành phần công trạng để tung hô đảng, chính quyền. Những phát biểu hao hao như “nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, sự quan tâm của chính quyền, lãnh đạo...” làm nặng nề hơn hội chứng “ban ơn” và lệch lạc trong suy nghĩ mỗi cá nhân.

Nghịch lý

Chính quyền và Đảng sử dụng hội chứng “ban ơn” đó để lãnh đạo, kiểm soát toàn thể nhân dân. Nó như là một lý thuyết bất di bất dịch rằng, Đảng và Chính quyền đã lôi cả dân tộc ra khỏi vực tối xâm lược, khỏi chiến tranh với những công lao vào thành tựu to lớn. Và bây giờ nghiễm nhiên họ là Đảng, chính quyền duy nhất nắm quyền tại Việt Nam và thanh trừng tất cả mọi ý kiến trái chiều, đặc biệt là vấn đề đòi đa đảng. Tới đây chắc hẳn nhiều bạn đọc đứng về phía chính quyền Việt Nam hiện nay thấy tôi nói vô lý, vì với các bạn đó là sự thật không thể chối cãi. Nhưng một cái vế trên kia mà tôi đưa ra hẳn chỉ là một nửa của sự thật mà truyền thông ra rả suốt ngày. Tôi chưa bao giờ phủ nhận công ơn Đảng và chính quyền* đem lại. Tôi điểm qua những công lao lớn của Đảng* như sau: đó là lãnh đạo dân tộc chiến thắng thực dân Pháp đưa nước ta thoát khỏi ách đô hộ, đánh bại đế quốc Mỹ đưa Việt Nam khỏi ách xâm lược (điều chắc chắn được lịch sử thừa nhận đó là sự văn minh tiến bộ của Sài Gòn chỉ là tác dụng phụ cần thiết để Hoa Kỳ chống lại “Làn sóng đỏ”, chứ đó không phải là mục đích của họ) và thống nhất đất nước. Nhưng sau đây là nghịch lý của trò chơi chính trị mà họ đang đặt ra luật chơi.

Tôi hỏi Đảng là ai?, ai là Đảng khi mà Đảng không phải là một chủ thể mang tính một cá thể! Trong luật pháp Việt Nam khi xét xử một người bị cáo với tội danh nào đấy, thì tội danh chỉ được áp đặt lên một chủ thể cụ thể nhất định. Có nghĩa là không có chủ thể bị xét xử khi chủ thể đó là nhóm 2 cá nhân trở lên, mà ai tội danh gì thì bị xử phạt nấy. Điều này đảm bảo tính công bằng cho từng cá nhân nếu họ tham gia một tổ chức tội phạm, người phạm tội nhẹ thì xử nhẹ, người phạm tội nặng thì xử nặng. Không có chuyện xử chung “chủ thể nhóm” một tội danh, và mỗi thành viên đều chịu chung tội danh của chủ thể nhóm.

Nhưng đối với khen thưởng mà nói đúng hơn là báo công, họ lại tự nhận công lao về cho cái nhân vật mang tên “Đảng” để rồi độc quyền về lãnh đạo chính trị. Chính xác là những công lao Đảng và chính quyền(*) mà tôi thừa nhận kể trên thuộc về cụ thể từng chủ thể: Chủ tịch Hồ Chí Minh, có công như sau:.., Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có công như sau: ,... cho đến từng chiến sỹ, Đảng viên trong 2 cuộc kháng chiến, chứ không nằm chung chung ở “chủ thể nhóm” gọi là Đảng. Để rồi họ duy trì cái tên “Đảng” để làm bình phong phục vụ quản lý chính trị.

Cột sống của Đảng là chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng cái lý thuyết đó không thay thế vị trí của con người trong vai trò lãnh đạo. Những người vào Đảng bây giờ liệu có công lao gì trong quá khứ mà để thiết lập độc quyền lãnh đạo chính trị. Tự cho rằng con đường họ đang đi là con đường duy nhất đến XHCN tươi đẹp, và vì mục đích của họ là XHCN nên họ đúng và họ được quyền lãnh đạo và tiêu diệt các ý kiến đối lập là thiếu khách quan. Nói cách khác, họ đang vỗ về nhân dân rằng cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đi đúng hướng đến XHCN và hãy cứ để họ tiếp tục lãnh đạo để đi tới đó. Họ kế tục thành công của thế hệ đi trước thì không có nghĩa chắc chắn họ sẽ thành công, họ đi con đường mà họ cho rằng là đúng đắn để lên XHCN thì đâu chắc rằng họ đang đúng. Hoài nghi về đường lối mà những lãnh đạo hiện tại vạch ra có đúng hay không sẽ có câu trả lời khi chúng ta tự hỏi Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới về: kinh tế, giáo dục, y tế, đời sống , văn hóa, xã hội... Hệ thống chính trị Việt Nam vẫn khăng khăng rằng họ đúng và phủ nhận tất cả các đường lối chính trị khác ngoài họ ra.

Chính người dân có thể tự tạo ra Đảng phái cho mình, chứ không phải bị ép buộc đi theo một Đảng mà những người lãnh đạo hiện tại số nhiều không có công lao gì trong quá khứ. Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại đang chọn thế độc quyền để tránh sự đào thải. Đảng, chính quyền hiện tại bây giờ lợi dụng “ơn Đảng, ơn chính quyền” chung chung đó để áp đặt và giữ nguyên hệ thống chính trị, bởi vì một khi còn kiểm soát nó thì họ kiểm soát được lợi ích của toàn đất nước trong đó trực tiếp là lợi ích của họ. Tất nhiên là đến khi có một Đảng viên nào đó tham nhũng, phạm tội với những đại án nghìn tỷ thì mãi mãi đó chỉ là sai lầm cá nhân.

Tác giả: V.M.D
(Vấn Đề)

1 nhận xét:

  1. Trời đất, rứa mà nãy chừ tui ráng đọc...

    Trả lờiXóa