Dời núi và lấp biển kiểu Tàu
TRẦN NGỌC VƯƠNG (giáo sư)
Câu chuyện Trung Quốc "Ngu Công dời núi" đã được kể từ ngày xửa ngày xưa, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ người Hán, mà dần dần đã lan truyền ra ít nhất trong phạm vi bốn quốc gia "đồng văn", phổ biến đến mức rất nhiều người Việt tận nơi "hang cùng xóm vắng" cũng có thể thao thao kể lại.
Phạm Trường Long- Tinh vệ Tàu
Bài học dễ dàng rút ra qua câu chuyện đó là bài học về lòng kiên nhẫn, nghị lực bền bỉ cùng quyết tâm, ý chí phi thường của con người có thể làm được những chuyện cực lớn lao, thậm chí thoạt tiên dường như bất khả! Đó cũng là một câu chuyện phản ánh một nét đặc trưng trong " bản tính tộc người" của người Trung Quốc. Vì những " giấc mơ" to lớn ấy mà quốc gia của họ bao lần đổ vỡ, loạn ly, tan nát, nhưng cũng "vịn vào những giấc mơ mà đứng dậy", người Trung Quốc vẫn tiếp tục mơ những giấc mơ càng ngày càng kỳ vĩ hơn.
Dời núi, họ đã từng mơ, từng làm. Là một đế chế lục địa trong cả một trường kỳ lịch sử, loại hành vi dời núi được họ khuyến khích lẫn nhau và từng nỗ lực thực hiện. Chỉ có điều, họ dời núi theo cách " tiện lợi" là "san thành bình địa", chứ họ không mơ mang đất đá ấy đổ thẳng ra biển trong " câu chuyện Ngu Công" kia!
Nói cho công bằng thì người Trung Quốc cũng từng mơ lấp biển, qua chuyện truyền thuyết về con chim Tinh vệ. Nhưng đó là giấc mơ bắt đầu từ lòng thù hận, không mang ý nghĩa thực dụng.
Vào thời điểm Quốc - Cộng giao tranh, khi khả năng quân Cộng sản chiến thắng, chính quyền Tưởng Giới Thạch tính kế lui về miền Đông Nam, biển mới thực sự trở thành một địa bàn chiến lược lâu dài. Cái "đường lưỡi bò" là sản phẩm "quy hoạch trong mơ" của họ, ra đời một cách vội vàng, cẩu thả, thậm chí nguệch ngoạc , là như thế.
Nhưng đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, trong giới cầm quyền cao nhất của Trung Quốc đại lục đã bùng lên mạnh mẽ "giấc mơ làm chủ các đại dương". Kể từ đó, họ liên tục triển khai "ý chí Ngu Công" trên biển. Mấy quốc gia biển láng giềng đột ngột và nhanh chóng trở thành kẻ tranh chấp trong mắt họ: Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, rồi cả Hàn Quốc, và không loại trừ trong tương lai, cả Triều Tiên và Nga!
Hàng đàn Tinh vệ Tàu đang bay ra biển, giấc mơ nghìn đời sống dậy. Một trong những con chim Tinh vệ đầu đàn gắn 3 sao trên cánh và mang cái tên: Phạm Trường Long.
Nhưng đám Tinh vệ này không định lấp biển! Thay vì làm thế, họ chỉ định làm cướp biển.
Những quốc gia sống ngàn đời với biển đang bị đe doạ bởi lũ giặc đất (thổ phỉ).
P/s: Người viết những dòng này là chủ biên cuốn "Sự kiện dàn khoan HD 981 và âm mưu của Trung Quốc độc chiếm biển Đông", NXB Thông tin truyền thông, 2014 - sách đặt hàng của nhà nước. Rất nhiều điều tâm huyết đã được trình bày trong đó. Mẩu viết này chỉ như đính kèm một lời cảnh báo nữa gửi tới những ai có trách nhiệm hàng đầu với chủ quyền quốc gia!
Trần Ngọc Vương(Giáo sư, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội)
Chuyện Ngu công dời núi
Chuyện kể rằng, có một ông lão, tên là Ngu Công, đã gần 90 tuổi rồi. Trước cửa nhà ông có hai ngọn núi lớn, một ngọn tên là Thái Hàng Sơn, một ngọn là Vương Ốc Sơn, mọi người ra vào rất không tiện.
Một hôm, Ngu Công triệu tập tất cả người trong nhà lại nói: “Hai ngọn núi này đã ngăn cản trước cửa nhà ta, ta ra cửa phải đi nhiều đường vòng oan uổng. Chi bằng chúng ta cả nhà ra sức, di chuyển hai ngọn núi này, mọi người thấy thế nào ?”
Các con, cháu Ngu Công nghe nói đều nói: “Ông nói đúng, từ ngày mai chúng ta bắt tay vào làm.” Thế nhưng, vợ Ngu Công cảm thấy dọn hai ngọn núi này khó quá, nêu ra ý kiến phản đối nói: “Chúng ta đã sống nhiều năm tại đây, làm sao lại không thể tiếp tục sống như thế này ? Huống chi, hai ngọn núi lớn như vậy, cho dù có thể di dời từng tí một, nhưng nơi nào có thể đổ nhiều đất đá xuống như vậy ?”
Lời nói của vợ Ngu Công lập tức khiến mọi người bàn luận, đây quả thực là một vấn đề. Sau cùng họ quyết định: Chuyển đất đá trên núi đổ xuống biển.
Ngày thứ hai, Ngu Công dẫn cả nhà bắt đầu dọn núi. Láng giềng của ông là một bà goá, bà có một đứa con trai, mới mười bảy, mười tám tuổi, nghe nói dời núi cũng vui vẻ đến giúp. Nhưng công cụ di dời núi của nhà Ngu Công chỉ là cuốc và gùi địu trên lưng, hơn nữa giữa núi và biển cả cách nhau xa xôi, một người một ngày không đi được hai chuyến. Một tháng làm việc, ngọn núi xem ra chẳng khác gì ban đầu.
Có một ông lão tên là Trí Tẩu, ăn ở đối xử rất tinh ranh. Ông thấy cả nhà Ngu Công dọn núi thì cảm thấy nực cười. Có một hôm, ông nói với Ngu Công rằng: “ông đã nhiều tuổi như vậy, đi lại đã không dễ dàng, làm sao có thể dọn được hai ngọn núi này ?”
Ngu Công trả lời rằng: “Tên ông là Trí Tẩu, nhưng tôi thấy ông còn không giỏi bằng con nít. Tôi tuy đã sắp chết, nhưng tôi còn có con trai, con trai tôi chết, còn có cháu, con cháu đời đời truyền cho nhau, vô cùng vô tận. Đất đá trên núi dọn đi chút nào thì ít đi chút ấy, không thể mọc thêm được. Chúng tôi ngày nào, tháng nào, năm nào cũng dọn, làm sao không thể dọn nổi ngọn núi ?” Trí Tẩu tự cho là thông minh nghe nói cũng không nói thêm được lời nào.
Ngu Công dẫn cả nhà, bất kể mùa hè nóng nực, hay là mùa đông giá lạnh, hàng ngày đi sớm về tối, không ngừng đào núi. Việc làm của họ cuối cùng đã cảm động Thượng Đế. Thượng Đế đã cử hai vị thần tiên xuống trần gian, dọn hai ngọn núi này, Thế nhưng chuyện Ngu Công dời núi luôn lưu truyền đến nay. Nó nói với mọi người, bất kể gặp phải việc khó khăn ra sao, miễn là có quyết tâm có nghị lực làm thì có thể thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét