Nông nghiệp đã tới điểm nghẽn tăng trưởng?
10/04/2017 Hiền Anh - Nông nghiệp đã tới điểm nghẽn của sự tăng trưởng, nếu không thay đổi, không cải cách sẽ không có cách nào khai thác để đóng góp vào tăng trưởng. Ngược lại, có thể trở thành gánh nặng kéo theo sự suy giảm về tăng trưởng.Nông nghiệp đã tới điểm nghẽn của sự tăng trưởng và cần sự cải tổ mạnh mẽ.“Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm 2011-2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020” tại Đại hội Đảng 12 đã nhấn mạnh đến sự quan trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp cao nghệ cao. Từ việc nhìn nhận tình hình thực tế, mới tìm ra giải pháp phù hợp thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh hơn trong tương lai.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cùng với ngành khai khoáng, nông nghiệp được xác định là một trong hai nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP trong năm 2016 chậm lại. Nông nghiệp bỗng dưng mất đi vai trò trong tăng trưởng được xác định là do thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kể cả không có những nguyên nhân trên, ngành nông nghiệp đã tới "điểm nghẽn" của sự tăng trưởng. Nếu không thay đổi, không cải cách sẽ khó có cách nào khai thác nông nghiệp để đóng góp vào tăng trưởng.
Ngoài vấn đề biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn nước, nông nghiệp đang chịu sức ép rất lớn trước sự tăng trưởng về công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa. Điều này đã tước đoạt rất nhiều nguồn lực của nông nghiệp. Trong những năm qua, nông nghiệp gần như bị lãng quên, tất cả các chỉ số đều cho thấy đầu tư vào nông nghiệp liên tục bị sụt giảm. Nhà nước luôn kêu doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước không chịu đầu tư vào nông nghiệp, nhưng chính đầu tư của nhà nước vào nông nghiệp cũng sụt giảm rất nhiều kể từ sau khi tham gia WTO vào năm 2006. Bà Phạm Chi Lan lấy dẫn chứng mức đầu tư vào nông nghiệp đã sụt giảm từ hơn 13% xuống còn hơn 6% kể từ sau thời điểm này.
“Bỏ quên nông nghiệp tức là bỏ quên tới 65% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn. Cũng đã có nhiều tiền đổ vào Chương trình Nông thôn mới, nhưng Nông thôn mới thực ra không phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Trong khi phát triển nông nghiệp mới là sinh kế, nông thôn mới có thể tạo được bộ mặt bên ngoài, nhưng nó cũng kéo theo hệ lụy là số nợ tăng lên của các địa phương khi không ít địa phương vì chạy theo thành tích đã vay nợ để chạy cho được các tiêu chí của Chương trình,” bà Phạm Chi Lan nói.
Thực tế cho thấy, bức tranh của nông thôn mới không phản ánh sự phát triển của nông nghiệp, ngoài ra sức ép của hội nhập trong nông nghiệp cũng vô cùng lớn. Các cam kết hội nhập mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán, kể cả EVFTA, cũng đều có sức ép đối với nông nghiệp.
“Điều đáng nói là chúng ta chỉ biết là sức ép sẽ tăng lên chứ gần như không có biện pháp để chống chọi lại với sức ép cho nông nghiệp. Nông nghiệp gần như đã tới ngưỡng rồi, nếu không có những thay đổi mang tính chất đột phá, nông nghiệp sẽ không có cách gì để đi lên”.
Điều đáng mừng là lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng như lãnh đạo các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có những quyết định thay đổi mạnh mẽ. Suốt một thời gian dài nông nghiệp bị đặt vào vị trí chỗ dựa cho nền kinh tế nhưng lại không được đầu tư thích đáng, hơn nữa lại có những sự đầu tư không đúng hướng, trong đó có những sai lầm như hóa học hóa nền sản xuất nông nghiệp, cụ thể là dùng phân bón hóa học quá nhiều đã mang lại những hệ quả vô cùng xấu cho nông nghiệp Việt Nam. Nó mang lại hệ lụy là lâu nay chúng ta đạt được là năng suất tăng lên, nhưng phải trả giá là chất lượng nông sản bị suy giảm. Phân bón hóa học cũng khiến cho người nông dân phải bỏ ra chi phí đầu vào quá lớn, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và thu nhập của người nông dân bị hạn chế đi rất nhiều.
Hiện nay bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra một số cải cách quan trọng, chẳng hạn như tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, tập trung vào cải thiện canh tác lúa gạo bằng cách giảm diện tích trồng lúa gạo để có thể chuyển đổi sang lĩnh vực khác đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
Cải cách nông nghiệp tới đây không chỉ là vấn đề tích tụ ruộng đất mà cả vấn đề phân bổ lại đất đai như thế nào, bỏ bớt những hạn chế về chuyển đổi, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng các cây khác cũng phải được tính toán cụ thể theo từng vùng, chứ không đặt ra một áo khoác chung cho toàn bộ nền kinh tế.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng phải đề cao chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị và truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Chỉ có như vậy thì nông nghiệp mới có cửa để phát triển, nếu không nông nghiệp sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
http://infonet.vn/nong-nghiep-da-toi-diem-nghen-tang-truong-post219664.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét