“Các ngành công nghiệp đang suy giảm một cách bất thường“
LĐO K.LINH 10/04/2017 Đó là nhận định do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại “Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I/2017” vừa công bố chiều nay (10.4). Theo VEPR, hầu hết các ngành công nghiệp trong quý I/2017 suy giảm một cách bất thường khiến tình hình tăng trưởng của Việt Nam không đạt được như kỳ vọng.
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: K.L)
Theo VEPR, giá trị GDP ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung. Trong quý I/2017, do tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của “đại gia” này khiến GDP quý 1 chỉ đạt 5,1% (thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây).Trong đó, sự suy giảm tăng trưởng quý I đến từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức 9,7% và 8,94% trong hai năm 2015-2016. Công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh, làm giảm 0,76 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế quý I. Tính chung lại, ngành công nghiệp chỉ tăng trưởng 3,85% trong quý I, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
Mặt khác, theo nhận định của VEPR, mặc dù thương mại tăng trưởng cao nhưng xuất khẩu vẫn chưa phục hồi thực sự về lượng. Đặc biệt, khuynh hướng tỉ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục giảm xuống chỉ còn 28%/năm. Điều này cho thấy khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.
Không chỉ các ngành công nghiệp lao dốc bất thường, việc xuất khẩu với giá trị gia tăng thấp… cũng đang là nguyên nhân khiến tăng trưởng của Việt Nam bị lệ thuộc vào các “ông lớn” như Samsung.
Mặt khác, theo TS.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, luồng vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm, qua lượng FDI giải ngân cũng như dòng vốn đăng kí mới. Việc đầu tư nước ngoài chững lại nhiều khả năng liên quan đến việc hiệp định TPP bị hủy bỏ. Ngoài ra, do quá trình hội nhập AEC, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chuyển sang các nước ASEAN khác như Indonesia, Thái Lan… Khuynh hướng này hiện đang bị khỏa lấp nhưng sẽ ngày càng bộc lộ rõ hơn…
Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh. Trung Quốc hiện đã vượt các nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông để trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam trong quý I. Theo đó, Trung Quốc có 66 dự án đăng ký mới và bổ sung vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 0,82 tỉ USD. Như vậy, chỉ trong 3 tháng, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã xấp xỉ bằng một nửa so với lượng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước này trong cả năm 2016 (trị giá 1,88 tỉ USD).
VEPR dự báo, quý II/2017 sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 5,7% và cả năm sẽ đạt khoảng 6,1% (thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo của VEPR đưa ra hồi quý trước). Đồng thời, với chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng, lạm phát cả năm có thể thấp hơn 5%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn mức dự báo, do hiệu ứng điều chỉnh giá dịch vụ công trên toàn quốc và sự bất định của mức giá thế giới.
http://laodong.com.vn/kinh-te/cac-nganh-cong-nghiep-dang-suy-giam-mot-cach-bat-thuong-654775.bld
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét