Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Miền đất tao nhã đang biến thành… tao mày

Miền đất tao nhã đang biến thành… tao mày
17/04/2017 Thanh Niên Online - Lâu lắm rồi chưa thấy có tình khúc nào mượt mà, thơ mộng kiểu như nhạc phẩm Đà Lạt hoàng hôn (Minh Kỳ - Dạ Cầm) hay Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên). Tôi tự hỏi: chẳng lẽ sự thơ mộng của Đà Lạt ngàn hoa đang bị “tha hóa” cùng năm tháng? Hỏi nhưng ngẫm lại mới hiểu cái thân phận của một “miền đất châu Âu” tọa lạc trên cao nguyên Lâm Viên này trước sau gì cũng bị “đồng hóa” như những đô thị xô bồ ở VN.
Một góc bình yên của Đà LạtẢNH: ĐOÀN XUÂN HẢI
Cách đây nhiều năm, tôi không nhớ chính xác năm nào, trong một bài viết trên báo Xuân Thanh Niên, có người nhận xét Đà Lạt hình như “mọc” nhầm chỗ. Ý nói, lẽ ra thành phố này phải nằm đâu đó ở… châu Âu mới phải. Lời nhận xét ấy không phải vô căn cứ.

Vào thời Pháp thuộc, Đà Lạt không khác gì một thị trấn của miền Nam nước Pháp với không gian êm đềm, biệt thự sang trọng, phong thái lịch thiệp của cư dân địa phương, thời tiết mát lạnh quanh năm. Thời ấy, người Việt trên cả nước muốn đến Đà Lạt đều buộc phải có giấy phép của chính quyền thuộc địa, không phải muốn đến là đến.

Điều ấy giống như hiện nay đi du lịch sang Trung Quốc, muốn lên Tây Tạng, du khách phải có giấy thông hành riêng thì mới được, nếu không sẽ bị chặn lại. Cho đến trước năm 1975, thành phố mộng mơ này vẫn giữ nét tao nhã vốn có. Tuy chuyện đi đứng không còn khó khăn buộc phải có “visa” như thời Pháp thuộc, Đà Lạt vẫn là miền đất kén chọn lữ khách và cả những người Việt muốn định cư. Nạn trộm cướp, côn đồ, du đãng… có thể xuất hiện ở Sài Gòn - Chợ Lớn hoặc đâu đó tại miền Nam chứ Đà Lạt thì không. 

Hình như nhờ được “Âu hóa” nên Đà Lạt tránh được những hình ảnh xấu xí, điều mà bất cứ ai muốn có cuộc sống an bình pha lẫn một chút phong lưu, lãng mạn đều thích. Đó là thời mà, ngay cả món thịt chó, có thèm lắm cũng ăn lén lút chứ không dám công khai. Một miền đất thơ mộng như vậy mà ăn thịt chó thì còn gì là mộng mơ!

Bây giờ mọi chuyện đã khác xưa.

Ngoài chuyện hàng quán bán thịt chó hoạt động rầm rộ, Đà Lạt đã và đang hứng chịu đủ thứ điều chướng tai, gai mắt không thua gì miền xuôi.

Nạn cướp giật không còn là điều xa lạ với thành phố này, các băng nhóm thanh toán nhau theo kiểu xã hội đen, gây án, đã lộ diện. Kiểu buôn bán chộp giựt, lừa lọc du khách xuất hiện ngày càng nhiều, hoàn toàn xa lạ với phong cách kinh doanh mang hơi hướm “kiểu Tây” trước đây. Đà Lạt hồi xưa lạnh suốt ngày, trời trưa nắng mà vẫn lạnh, chẳng thấy rịn ra giọt mồ hôi nào, mặc cái áo 3 ngày không giặt vẫn thấy OK. Không chỉ áo quần, ngay cả người Đà Lạt thời ấy 3 ngày chưa tắm vẫn thấy OK. Không khí lạnh có cái lợi của nó. Chẳng nói đâu xa, cách nay khoảng 25 năm, đi khắp thành phố không thấy ai bán máy lạnh hoặc máy quạt, vậy mà ngày nay người ta buộc phải lắp thêm máy điều hòa không khí và bán cả máy quạt mát (ngày trước chỉ bán máy quạt nóng để sưởi ấm). Dường như Đà Lạt ngày càng nóng khiến con người cũng “nóng” theo thì phải.

Nóng nảy hoặc chán nản quá ắt sẽ lụi tàn luôn nguồn cảm hứng sáng tác, nó đối kháng với sự thanh thoát và thăng hoa của tâm tồn người nghệ sỹ vốn dĩ tùy thuộc vào môi trường sống mà họ nhập tâm.

Lâu lắm rồi chưa thấy có tình khúc nào mượt mà, thơ mộng kiểu như nhạc phẩm Đà Lạt hoàng hôn (Minh Kỳ - Dạ Cầm) hay Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên). Tôi tự hỏi: chẳng lẽ sự thơ mộng của Đà Lạt ngàn hoa đang bị “tha hóa” cùng năm tháng? Hỏi nhưng ngẫm lại mới hiểu cái thân phận của một “miền đất châu Âu” tọa lạc trên cao nguyên Lâm Viên này trước sau gì cũng bị “đồng hóa” như những đô thị xô bồ ở VN.

Điều gì đã khiến Đà Lạt ra nông nổi này? Chợt tiếc, ngay cả đảo ngọc Phú Quốc cũng rơi vào tình cảnh tương tự, cũng diễn ra những sự việc không đẹp ngoài mong đợi. 

May ra chỉ còn Côn Đảo là chưa bị “đồng hóa”. Nghe nói ngày trước Côn Đảo cũng manh nha hoạt động bia ôm phục vụ du khách tứ xứ. Thấy không ổn, chính quyền địa phương quyết định gom hết những người kinh doanh lĩnh vực “nhạy cảm” này xuống tàu trả về đất liền, quyết giữ cho hòn đảo có đời sống thanh bạch. Không riêng gì bia ôm, các loại tệ nạn xã hội thường thấy như trong đất liền cũng biến mất khỏi hòn đảo mang tính lịch sử này.

Tôi đã du lịch đến Côn Đảo rồi nên thấu hiểu muốn có cuộc sống lành mạnh như hiện nay, đôi khi phải quyết định dứt khoát như vậy. Giá mà Đà Lạt (và cả Phú Quốc) cũng quyết liệt như Côn Đảo ngay từ đầu thì hay biết dường nào.

Kim Trà Mi
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống ở TP.HCM.

http://thanhnien.vn/toi-viet/mien-dat-tao-nha-dang-bien-thanhtao-may-826557.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét