Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Đoàn Thị Hương nhắn cha: ‘Đừng sang Malaysia’

Đoàn Thị Hương nhắn cha: ‘Đừng sang Malaysia’
WESTMINSTER, California – Đoàn Thị Hương, người đang bị cáo buộc ám sát ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, nhắn với cha ruột mình, ông Đoàn Văn Thạnh, rằng: “Đừng sang Malaysia.” Khuya Thứ Năm, 2 Tháng Ba (giờ California), phóng viên Người Việt có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông Đoàn Văn Thạnh, cha ruột, và bà Nguyễn Thị Vy, mẹ kế của Đoàn Thị Hương. Người nhà của cô Hương cho biết thêm một số chi tiết liên quan đến hoàn cảnh gia đình cũng như những suy nghĩ của họ về sự kiện đang được cả thế giới quan tâm.

Ông Đoàn Văn Thanh, 64 tuổi, cha của Đoàn Thị Hương, ngồi trong nhà của gia đình ở làng Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định. (Hình: Getty Images)

Ngọc Lan (Người Việt): Hôm nay Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã có cuộc gặp với gia đình để nói về chuyện sẽ giúp đỡ cho Hương. Vậy bà có thể cho biết rõ hơn là họ hứa giúp đỡ như thế nào không?

Bà Nguyễn Thị Vy: Họ nói với gia đình là họ tài trợ cho bên luật sư không mất tiền, họ chỉ nói vậy thôi.

Người Việt: Họ có nói sẽ giúp cho gia đình đi sang đó để dự phiên tòa sắp tới không?

Bà Nguyễn Thị Vy: Có, nhưng là những người ngoài họ nói giúp thôi chứ Bộ Ngoại Giao không nói. Những người ngoài nói họ sẽ tài trợ cho đi.

Người Việt: Những người ngoài hứa tài trợ cho gia đình đi sang đó cụ thể là ai?

Bà Nguyễn Thị Vy: Bên báo chí, bên Cục Viễn Thông gì đấy, cứ thấy họ ghé nói “chúng cháu đang quyên góp cho chú đi sang bên đấy,” mấy ngày hôm nay cứ thấy họ đến bảo vậy.

Người Việt: Gia đình chuẩn bị cho cha của Hương đi thôi hay có ai đi theo không?

Bà Nguyễn Thị Vy: Còn đang xem xét, thì chỉ có ba bố con thôi, có một thằng con trai và một thằng con rể. Bố thì bố bảo bố chân què quặt không đi được, còn thằng con trai và con rể không biết chúng có đi được không. Mà hôm gặp Bộ Ngoại Giao thì nghe họ bảo đại sứ quán hôm 25 Tháng Hai sang gặp Hương thì Hương bảo “bố không phải đi.”

Bà Nguyễn Thị Vy, mẹ kế của Đoàn Thị Hương. (Hình: Getty Images)

Người Việt: Từ hôm trước giờ gia đình chưa có cuộc nói chuyện nào trực tiếp với Hương phải không?

Bà Nguyễn Thị Vy: Chưa, chưa bao giờ trực tiếp nói được.

Người Việt: Những người ở Bộ Ngoại Giao gặp gia đình có nói họ là người trực tiếp gặp Hương không?

Bà Nguyễn Thị Vy: Không, không có ai là người trực tiếp nói chuyện với Hương. Chưa ai gặp và nói được. Chỉ có hôm ra gặp Bộ Ngoại Giao ở Hà Nội thì họ nói là họ gặp hôm 25 Tháng Hai, chỉ có mỗi cái người ở Đại Sứ Quán Việt Nam bảo là ông ấy gặp được Hương ở bên ấy thôi chứ còn chẳng ai gặp được.

Người Việt: Tinh thần gia đình hiện nay như thế nào?


Bà Nguyễn Thị Vy: Thì gia đình biết làm thế nào được. Cháu thì ở nước ngoài mà nhà thì nhà quê thế này thì biết làm thế nào được, chỉ biết nhờ đến cơ quan nhà nước, chính phủ, tất cả các ban ngành giúp đỡ để đúng người đúng tội. Cháu và nhà tôi đều khẳng định là cháu nó không dám làm cái việc này. Bây giờ chỉ nói là nó ra đường bị xúi giục như thế nào đấy, gặp phải cạm bẫy họ giăng thế nào thì nó mới phải làm những chuyện như vậy chứ ở nhà nó nhát lắm, nó không dám làm những chuyện ấy đâu. Giờ nhà ở quê thì biết kêu ai được, chả biết kêu ai được. Thế cho nên chịu thôi.

Người Việt: Bà biết Hương từ khi Hương bao nhiêu tuổi?

Bà Nguyễn Thị Vy: Tôi là mẹ kế của cháu chưa được một năm, mới cưới Tháng Năm năm ngoái.

Người Việt: Bà có gặp Hương nhiều lần không và những lần gặp đó, bà thấy Hương là người ra sao?

Bà Nguyễn Thị Vy: Gặp ba bốn lần. Cháu nó về nhà gặp ba lần rồi. Ngoan ngoãn bình thường, nó về nó tình cảm lắm.

Người Việt: Trong gia đình Hương có mấy anh chị em?

Bà Nguyễn Thị Vy: Hương là út, có một anh trai và ba chị gái.

Mẹ ốm, bố tàn tật nên không dạy được con đến nơi đến chốn

Người Việt: Khi chuyện xảy ra thì hàng xóm và những người ở chính quyền địa phương đối với gia đình như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Vy: Họ chỉ nói con nhà này không có tiền án tiền sự gì, nhà rất hòa đồng, không có ác cảm gì với mọi người, nhà hiền lành đạo đức. Mà giờ con cái thế này thì nói thật là con thì ở nhà quê, mẹ thì ốm, bố thì chân tay như vậy, cho nên nói thẳng là cũng không dạy con được đến nơi đến chốn. Con cái nhà quê thì suy nghĩ nó cũng không được bằng trên thành phố, cho nên giờ nó như vậy, nó cứ bảo nó đi làm ở Hà Nội, bố mẹ không quan sát được nên mới để xảy ra chuyện này. Mẹ thì ốm, bố thì thương binh cụt chân, cho nên cũng vất vả.

Người Việt: Thưa bà, mẹ ruột của Hương giờ còn hay mất?

Bà Nguyễn Thị Vy: Mất rồi. Mẹ Hương ốm 22 năm, mất năm 2015.

Người Việt: Gia đình có biết ngày 1 Tháng Ba vừa rồi Hương đã ra phiên tòa đầu tiên, và tòa cho rằng nếu Hương bị buộc tội giết người thì cổ có thể sẽ lãnh án tử hình. Gia đình mình biết tin này chưa?

Bà Nguyễn Thị Vy: Có biết, lên mạng có biết rồi.

Người Việt: Bà cảm thấy như thế nào khi nghe tin này?

Bà Nguyễn Thị Vy: Cảm thấy bất ngờ quá. Mà nếu vậy thì bất công cho cháu quá. Nó quá là… Buộc tội cho cháu quá như vậy thì tôi thấy là không phải.

Người Việt: Nghĩa là bà và gia đình không nghĩ là Hương có thể hành động như vậy?

Bà Nguyễn Thị Vy: Không, không thể hành động được như vậy. Nó bị lừa, bị bắt buộc thôi. Cháu nó tưởng là đi đóng phim hài, vì ngày xưa ở bên truyền thông nó cũng bảo nó đi đóng phim đóng kịch gì đấy. Thì nó nghĩ là như vậy, chứ nếu nó biết làm những chuyện giết người như vậy thì làm gì nó dám, lại còn đi mặc những cái áo như vậy, còn trở lại sân bay như vậy. Nếu nó biết nó làm những chuyện như vậy thì nó phải vứt áo đi chứ, làm gì có chuyện nó mặc lại cái áo đó và trở lại sân bay như vậy.

Người Việt: Nghe nói sau ngày xảy ra việc này thì ngày hôm sau, 14 Tháng Hai, Hương có gọi điện thoại về gia đình phải không?

Bà Nguyễn Thị Vy: Không, từ hồi đi không có gọi lần nào, mất tăm tích thì bố cứ gọi vào thuê bao thôi. Nó có gọi về cho cháu nó chứ không có gọi về nhà.

Người Việt: Lần cuối Hương về nhà là khi nào và có gì khác thường không?

Bà Nguyễn Thị Vy: Hôm 28 Tết và đến chiều Mùng Hai thì nó đi và chả có có khác thường, cứ Tết thì nó về thôi, không có biểu hiện gì khác cả.



Đoàn Thị Hương (trái) được một nữ cảnh sát đi kèm khi rời tòa án Malaysia hôm 1 Tháng Ba 2017 vì bị truy tố tội giết Kim Yong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà độc tài Bắc Hàn Kim Yong-un. (Hình: Getty Images)

Hương gần gũi mẹ nhiều hơn, nhưng mẹ mất rồi’

Người Việt: Thưa ông, hiện bây giờ ông có thể cho biết tinh thần như thế nào đối với chuyện Hương đang gặp phải?

Ông Đoàn Văn Thạnh: Gia đình biết làm sao được, cháu nó vậy thì gia đình cũng phiền lòng, nhưng biết làm sao được.
Người Việt: Tin này do địa phương báo hay do người quen hay qua báo chí mà gia đình biết?

Ông Đoàn Văn Thạnh: Tin này địa phương cho biết, báo chí cũng nói nên gia đình biết.

Người Việt: Thưa ông, khi có tin này thì địa phương có làm khó dễ gia đình không?

Ông Đoàn Văn Thạnh: Ồ không, không. Các cơ quan nhà nước giúp đỡ đến nơi đến chốn luôn mà, không có làm khó đâu.

Người Việt: Ông có đang chuẩn bị tinh thần Tháng Tư tới đây sang Malaysia để dự phiên xử con gái không?

Ông Đoàn Văn Thạnh: Cái đó còn phải bàn với gia đình chứ chưa biết được. Cháu thì bảo “bố đừng sang” cho nên để bàn xem sao.

Người Việt: Chuyện Hương nói “Bố đừng sang” là Hương nhắn với ai nói lại với ông như vậy?

Ông Đoàn Văn Thạnh: Nhắn với đại sứ quán và hôm gia đình đi gặp Bộ Ngoại Giao thì họ nói cháu Hương nói vậy.

Người Việt: Là cha của Hương, ông thấy từ nhỏ Hương là người như thế nào?

Ông Đoàn Văn Thạnh: Cháu là người bình thường, con nhà nông bình thường, không có vấn đề gì. Bố thì đi nạng, Hương gần gũi mẹ nhiều hơn, nhưng mẹ mất rồi.

Người Việt: Hồi nhỏ ở nhà Hương gần gũi ai nhiều nhất?

Ông Đoàn Văn Thạnh: Cũng chả gần gũi ai, chỉ có mẹ con nó với nhau thôi chứ chả gần gũi ai cả.

Người Việt: Cám ơn hai ông bà về cuộc phỏng vấn này.



“Bản tin Bảo hộ công dân” được đăng trên website của Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết “ngày 2 Tháng Ba, 2017, đại diện Cục Lãnh Sự – Bộ Ngoại Giao đã có cuộc gặp với gia đình công dân Đoàn Thị Hương để giải thích tiến trình tố tụng của vụ án và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương theo đúng quy định của pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.”


Ngọc Lan
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét