Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Con voi nuốt cái vòi tự tử

Con voi nuốt cái vòi tự tử
19/02/2017ĐỖ QUANG VINH
Những nhân viên sở thú cố gắng kéo cái vòi, giờ đã chui hẳn vào miệng con voi. Khi họ lôi được cái vòi voi xám xịt, dính đầy nước dãi và máu ra thì con voi đã chết. Mùi nước dãi, dịch tiêu hóa và máu hòa lẫn với nhau bắt đầu bốc lên hôi hám.... Về nhà, tôi đóng cửa lại rồi nhảy lên giường. Trùm chăn tôi cuộn tròn người lại, xung quanh tôi phủ đầy bóng tối. Hình ảnh con voi chết vẫn hiện rõ trong đầu, cái chết ấy như một biểu tượng. Tôi thấy bụng quặn lại, cảm giác buồn nôn dâng lên cổ họng. Rõ ràng con voi đã tự tử, nó biểu diễn cái chết giống như một trò tiêu khiển cho đám đông bên ngoài. Hay đó là sự chống đối? Liệu một con voi có hiểu thế nào là chống đối?
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú
Ngay khi bước lên cái bục trên sân trường, trong đầu tôi bỗng nhiên hiện ra hình ảnh con voi trong sở thú, phải rồi, con voi. Nó là nguồn cơn của tất cả mọi chuyện. Mọi âm thanh bỗng trở nên vô nghĩa, ngay cả bài phát biểu của tay dẫn chương trình. Tôi nhìn cái lưng của kẻ đứng trước, một cô gái với thân hình nhỏ nhắn đi những bước như một con nai con đang nhún nhảy. Tôi quay ra sau lưng, không còn ai nữa, tôi là kẻ cuối cùng.

Thật ngu ngốc!

Tôi lại nghĩ về chuyện con voi, hẳn cũng phải nửa năm rồi kể từ lúc ấy nhưng kí ức vẫn còn tươi mới tựa ngày hôm qua. Đó là một buổi sáng cuối tuần, như thường lệ tôi lại hẹn hò với nàng. Hôm ấy chúng tôi cứ lòng vòng ngoài đường hao phí xăng mà chẳng dừng ở đâu. Nếu chỉ có một mình thì tôi đã lang thang như vậy mãi, đi hết con đường này đến con đường khác. Nhưng vì có nàng phía sau nên tôi phải rẽ vào đâu đó, trên hành trình này sự vô định không được chấp nhận. Nó chỉ đem tới mệt mỏi và chán nản. Vừa chạy tôi vừa ngó quanh tìm một nơi dừng chân vào. Công viên thì đông nghịt người qua kẻ lại, những quán cà phê đều giông giống nhau và chúng tôi cũng đã ngán đến tận cổ. Thành phố bỗng nhiên thu nhỏ lại và ánh nắng trên đầu trở nên gay gắt. Một buổi sáng ồn ào và đầy khó chịu, xe bus bấm còi inh ỏi xả khói đen mù che phủ tầm nhìn và xộc vào sống mũi. Ai cũng có vẻ nóng vội bực mình. Mắt tôi cay xè, nheo lại. Nàng ngồi im lặng phía sau xe đôi tay nhỏ nhắn ấp hờ vào eo tôi.

- Đi đâu giờ hả em? - Tôi hỏi nàng, gần như gào lên trong tuyệt vọng khi dừng lại ở ngã tư.
- Ưm, em không biết - Nàng nói nhẩn nha - À, hay là đi sở thú đi anh, lâu rồi em chưa vào đó.
- Sở thú? - Tôi lặp lại, gào lên vì ngạc nhiên - Có gì ở đó?
- Ừ, thì mấy con thú, không lẽ cứ chạy ngoài đường hoài.
- Chắc anh chưa vào đó từ hồi mười tuổi.

Vậy là chúng tôi đến sở thú, gửi xe rồi mua vé. Giá đã tăng lên hơn năm mươi phần trăm kể từ khi tôi mười tuổi. Tôi chặc lưỡi, cũng phải thôi, hơn mười năm rồi còn gì. Bao nhiêu chuyện đã xảy ra kể từ hồi ấy: khủng hoảng kinh tế, lạm phát, giá dầu tăng cao, đạo đức băng hoại xuống cấp, gia nhập WTO, mất lòng tin vào xã hội, internet bùng nổ, tỉ lệ béo phì gia tăng, bùng nổ dân sổ, đói nghèo ở châu Phi, chiến tranh ở Trung Đông, bất ổn ở Tây Tạng và Bắc Triều Tiên lại thử tên lửa. Khi nghĩ về tất cả những chuyện ấy tôi cảm thấy việc tăng giá vé cũng chẳng đáng là bao.

- Anh đang nghĩ gì vậy? - Nàng nhìn tôi chau mày.
- À, không có gì, chuyện vớ vẩn thôi.

Sở thú ngày cuối tuần tràn ngập trẻ con, chúng đi lại hò hét choán đầy cả không gian. Lũ trẻ trêu chọc lũ động vật bên trong chuồng, chụp ảnh rồi đòi hỏi đủ thứ khiến các bậc cha mẹ cuống quýt gào thét đáp lại. Bãi cỏ đầy những tấm bạt được trải ra nơi các gia đình tề tựu ăn uống nói cười inh ỏi. Rác nằm nghẹt trong thùng và tràn ngập những lối đi. Rõ ràng sở thú đã trở nên quá tải vào hôm nay. Giống như một rạp xiếc, nó bùng nổ từ trong ra ngoài trong sự ồn ào, náo nhiệt.

Trong khi ấy lũ thú vật lại trầm ngâm với vẻ chán nản, ở trong chuồng chúng thừa thãi không gian để nằm, đứng hoặc đi lại. Năm sáu con đười ươi nằm dài dưới bóng một cái cây chết khô ngáp vặt, bầy cá sấu lên bờ há miệng sưởi nắng và một con hổ cuộn tròn mình trên bãi cỏ nheo mắt nhìn xa xôi. Thật lạ thường khi bọn thú vật bình tĩnh hơn con người ở chốn này. Có lẽ chúng đã quen với tiếng ồn, sự cầm tù hay những bầy người đủ màu sắc sặc sỡ kích động khi thấy mình.

Trong lúc ấy nàng kéo tôi qua một cái chuồng thú khác.

Cũng có vài cặp đôi như chúng tôi ở nơi này, lang thang với vẻ hớn hở. Họ thì thầm nói với nhau rồi cười khe khẽ. Không gian nồng nặc mùi thức ăn, rác rưởi, không có mùi của thú vật, chỉ toàn mùi của con người. Tôi nhăn mặt, nàng đang huyên thuyên điều gì đó, mọi thứ quyện vào nhau trong cảm giác khó chịu.

Đi một vòng, chúng tôi dừng lại ở chuồng voi, cái chuồng lớn nhất dành cho con vật lớn nhất trong cái sở thú: một cặp voi châu Á. Một con đang thơ thẩn đi lại, còn một con thì nằm im như đang ngủ, cạnh chúng là một cái hồ nước với những đám bèo nho nhỏ. Che chắn hai con voi với người xem ngoài một hàng rào mắt cáo khá cao còn có một hào nước đục ngầu. Dĩ nhiên lũ voi là ngôi sao ở đây, trẻ con tập trung quanh chuồng voi rất đông. Nhiều bàn tay cầm điện thoại đang chụp những tấm hình. Tôi nghiêng đầu nhìn chúng, ngoài đời thực voi không đến mức đồ sộ như trên tivi. Đúng hơn cặp voi có vẻ nhỏ bé trước quang cảnh trong sở thú, bộ da xám xịt và kích thước của chúng khiến tôi âm thầm thất vọng.

- Lần cuối cùng em thấy voi là khi nào?
Nàng lắc đầu, tay cầm li nước ngọt.
- Em không nhớ, cũng lâu rồi, một lần em thấy voi diễu hành ngoài đường khi có một đoàn xiếc thú biểu diễn gần đó. Nhưng hình như mấy con này hơi nhỏ, em nhớ con voi đó lớn hơn nhiều.

Tôi gật gù, hẳn là trí tưởng tượng của chúng tôi đã cường điệu kích thước lũ voi lên, con người thường cường điệu mọi thứ trong trí nhớ mình thành những chiều kích khác. Kí ức cũng như một bộ phim được biên tập, chẳng đáng tin cậy là bao. Người ta chỉ nhớ hay nghĩ cái mà mình muốn, dù vô thức hay hữu thức. Cũng có thể mấy con voi thật sự to lớn khi đi lại trong một cánh rừng hay đứng gặm cỏ trên một khoảng đồng trống, nhưng ở đây với bốn bức tường, một cái hồ nông và những đứa trẻ đứng xung quanh thì cũng bình thường thôi nếu hai con voi bị thu nhỏ lại.

Tôi và nàng lại gần hàng rào mắt cáo hơn.
Con voi đang nằm đứng dậy một cách thong thả, cơ thể to lớn của nó cử động uyển chuyển và nhẹ nhàng gần như không gây ra tiếng động nào. Con voi đi đến giữa chuồng, nó vươn vòi ra rồi rống lên một tiếng đinh tai nhức óc như để thu hút sự chú ý. Những cặp mắt lập tức đổ dồn về nó. Thế rồi, con voi bắt đầu cuộn cái vòi của mình lại rồi nhét vào miệng, giống như đang biểu diễn một trò ảo thuật. Cái vòi khéo léo di chuyển vào khoang miệng đang há to ra hết cỡ. Trong khoảnh khắc ai cũng hiểu đây là một sự lạ, họ ồ lên khiến mọi người gần đó chú ý và kéo lại ngày càng đông.

Như chẳng hề quan tâm đến xung quanh, con voi vẫn tiếp tục nuốt cái vòi của chính mình. Cả sở thú như dồn lại cái chuồng voi. Tôi và nàng bị ép sát vào hàng rào mắt cáo bởi sức nặng của hàng trăm con người hiếu kì. Những cái điện thoại được rút ra quay phim chụp hình quang cảnh lạ mắt, vài nhân viên của sở thú rẽ đám đông chạy tới trước cửa chuồng.

Con voi cứ thế nuốt lấy nuốt để cái vòi của chính mình, thọc càng ngày càng sâu hơn vào cổ họng. Có thể thấy rõ cái vòi khổng lồ đang di chuyển bên dưới lớp da xám ở cổ nó như một con trăn đang trườn chậm rãi. Mắt con voi trợn ngược lên như ngộp thở và từ trong cổ họng của nó những tiếng ho phát ra, trầm và dữ dội như tiếng trống. Nhân viên sở thú mở cổng chuồng bước vào, năm người đàn ông hò hét nhau cố gắng ngăn sự việc lại. Nhưng ngay khi họ vừa vào con voi đã đổ xuống nền cỏ, cặp chân voi run run, nó hộc lên những tiếng cuối cùng, dữ dội và khủng khiếp hơn mọi âm thanh tôi từng nghe thấy trên đời, đôi mắt khổng lồ gần như lồi ra khỏi tròng. Rồi con voi nằm im không cục cựa nữa. Cả đám đông chết sững vì quang cảnh trước mặt, tất cả diễn ra quá nhanh, có lẽ chỉ trong vòng ba phút đồng hồ. Sự bất ngờ khiến họ ngớ người. Những nhân viên sở thú cố gắng kéo cái vòi, giờ đã chui hẳn vào miệng con voi. Khi họ lôi được cái vòi voi xám xịt, dính đầy nước dãi và máu ra thì con voi đã chết. Lũ trẻ con bắt đầu khóc, vài đôi mắt mở to ngơ ngác. Người lớn thì kinh hoàng kéo chúng đi xa.

Mùi nước dãi, dịch tiêu hóa và máu hòa lẫn với nhau bắt đầu bốc lên hôi hám. Tôi nhăn mặt bịt mũi nhìn con voi còn lại, nó đứng im nhìn đồng loại của mình nằm xuống. Chẳng biết là kinh hoàng hay dửng dưng mặc kệ.

- Mình ra khỏi đây đi anh! - Nàng giật giật tay tôi thì thầm.
- Ừ.
Chúng tôi đi nhanh ra bãi giữ xe nắng vẫn ong ong trên đầu và đường phố vẫn đông nghịt xe cộ.
- Em muốn đi đâu nữa không?
- Thôi, để hôm khác vậy.

Tôi liếc nhìn nàng qua kính chiếu hậu, rồi nhìn tới bàn tay mình, nó đang khe khẽ run giữa buổi sáng nóng như đổ lửa.
Về nhà, tôi đóng cửa lại rồi nhảy lên giường. Trùm chăn tôi cuộn tròn người lại, xung quanh tôi phủ đầy bóng tối. Hình ảnh con voi chết vẫn hiện rõ trong đầu, cái chết ấy như một biểu tượng. Tôi thấy bụng quặn lại, cảm giác buồn nôn dâng lên cổ họng. Rõ ràng con voi đã tự tử, nó biểu diễn cái chết giống như một trò tiêu khiển cho đám đông bên ngoài. Hay đó là sự chống đối? Liệu một con voi có hiểu thế nào là chống đối?

Toát mồ hồi hột tôi nhắm nghiền mắt, cơn run bắt đầu dữ dội hơn. Tôi cắn môi choàng tay ôm hai đầu gối lại.

Ánh sáng bên ngoài hắt vào xuyên qua tấm chăn biến thành những đốm sáng đủ màu lập lòe, tôi nhắm mắt lại và chúng như trải ra rộng hơn, những sắc màu loãng dần rồi hòa trộn vào nhau kết thành một khối lùng bùng trong trí não.

Có những ngày tôi đến giảng đường, điểm danh rồi lẻn ra giữa tiết đi lang thang khắp nơi. Tôi không ra khỏi khuôn viên trường đại học, bởi ở bên ngoài chẳng có nơi nào mà tôi muốn tới. Thế nên tất cả những gì tôi làm là đi hết hành lang này tới hành lang khác. Đôi khi tôi gọi cho nàng, chúng tôi nói chuyện điện thoại với nhau, toàn những thứ vô thưởng vô phạt.

Khi nàng bận, tôi lại một mình ngắm màu trời và những đám mây. Vào những phòng học vắng tanh nằm dài trên bàn nhìn cái quạt trần xoay tròn trên đầu. Ngồi trên băng ghế đá ở cái sân vắng tanh được quây quanh bởi bốn dãy nhà, mảnh lưới cầu lông cũ kĩ nằm trơ trọi trên hai cây cọc rỉ sét. Nắp cống chênh vênh để lộ ra những đường ống ẩm ướt và phủ đầy rêu xanh, đôi khi vài chồi nắm nho nhỏ mọc lên đầy màu sắc.

Có lúc mưa vào buổi chiều và chúng như dài vô tận, gió rít giữa khoảng trống của tòa nhà và thành phố chìm ngập trong màn nước khi tôi đứng ở lầu bảy nhìn ra. Và rồi tôi cảm thấy, chỉ có ở trong khuôn viên trường đại học, khi trốn tiết để lang thang mình mới có tự do đích thực. Ngoài kia mọi hành trình đều cần đích đến nhưng ở chốn này lại không đòi hỏi điều ấy.

Thỉnh thoảng ông hiệu phó, bạn của cha tôi lại gọi tôi lên văn phòng nằm trên tầng năm. Đó là một người đàn ông mập mạp, da mặt chảy sệ và nhợt nhạt như bị phù thũng, đầu hói, đôi mắt cá chết lờ đờ và bộ râu lởm chởm màu muối tiêu. Lúc nào ông ta cũng ngồi ở cái bàn có bảng tên của mình, mặc sơ mi tay dài màu trắng và thắt cà vạt đỏ. Xung quanh ông ta là những chồng tài liệu và hai cái tủ hồ sơ nằm sát tường, một chậu cây giả đặt kế cửa sổ. Căn phòng luôn được ấp trong hơi máy lạnh, cửa ra vào nằm khuất sau một chỗ ngoặt của hành lang và lúc nào cũng đóng kín. Không bao giờ tôi thấy ông hiệu phó ở trên sân trường, đến phòng họp, tham gia một hoạt động nào. Ông ta hình như luôn ở đây, tựa một sự sắp đặt không thể thay thế hay dịch chuyển. Cứ như người đàn ông này được cố định mãi mãi ở vị trí này, trong bộ quần áo ấy, ông ta không muốn và cũng không thể ra khỏi chỗ ngồi của mình. Mỗi khi thấy ông hiệu phó tôi lại liên tưởng tới một kiểu ân sủng của cuộc sống hoặc lời nguyền tai ác nào đó.

- Tôi đã hứa với cha cậu sẽ nhận cậu vào học bất kể thành tích - Ông ta luôn bắt đầu như thế, giọng đều đều lãnh đạm. Cái ghế được xoay nghiêng qua một bên, cả cơ thể ông ta dựa vào lưng ghế một cách uể oải, chân gác lên bàn, mắt không nhìn tôi mà ngó ra khung cửa sổ - Và khi đủ bốn năm thì tôi sẽ cho cậu ra với một tấm bằng loại trung bình, cũng không cần biết thành tích. Nhưng chỉ có một yêu cầu thôi, cậu phải đến lớp đầy đủ đừng nghỉ quá số buổi quy định, nếu cậu không học đủ số tiết thì tôi cũng bó tay. Chúng ta hãy hợp tác với nhau, được chứ?

Ngay từ lần đầu tiên nghe những lời này tôi đã nhận ra người đàn ông này chẳng hề quan tâm tới bất cứ điều gì ông ta nói với tôi. Nhưng tôi vẫn cứ gật đầu như cái máy, chúng tôi trao đổi với nhau như để hoàn thành một thứ thủ tục phiền hà cần phải có trong xã hội.

- Cái gì cũng có giới hạn! - Đó là cách ông ta kết thúc, một lời cảnh cáo yếu ớt và chẳng hề thực tâm - Thôi, giờ cậu ra ngoài được rồi!

Cuộc trao đổi chỉ có bấy nhiêu, ông hiệu phó phẩy tay và tôi bước ra ngoài, không quên khép cửa lại. Đôi khi tôi đứng trước cửa thật lâu, chờ ông ta bước ra ngoài hoặc có người muốn vào bên trong. Tôi nghĩ rốt cuộc rồi mình sẽ làm phiền được ai đó, làm cho họ khó chịu vì cứ đứng lù lù trước cửa.

Nhưng chẳng ai cần vào hay ra khỏi căn phòng ấy, nó bị bỏ quên hay đúng hơn, được lờ đi một cách lịch sự.

Chuyện con voi tự tử trong sở thú trở thành một hiện tượng, ai cũng bàn tán về nó. Trên mạng, trên báo, trên tivi mọi người đều nhắc tới con voi chết. Người ta lên án sở thú và sở thú cũng trở nên nổi tiếng. Mọi người kéo đến đó chỉ để thấy cái chuồng voi trống rỗng, chụp ảnh, thắp nến, đặt những bó hoa, cầu nguyện và chửi rủa, cố vớt vát chút dư âm còn sót lại của sự kiện mà mình đã không được chứng kiến. Cả cộng đồng lao vào một cơn sốt mới, con sốt về con voi một sáng cuối tuần bỗng nhiên giở chứng đòi chết trước bàn dân thiên hạ.

Con voi anh hùng, con voi đáng thương, con voi có tình người, rất nhiều thứ được gán cho một con vật đã chết. Con voi đã trở thành một thứ biểu tượng.

- Anh vẫn nghĩ về chuyện con voi! - Tôi nói với nàng qua điện thoại khi đang ngồi trong giảng đường.
- Đừng có nhắc tới chuyện đó nữa, thật gớm ghiếc - Nàng gắt.
- Anh thì lại thấy nó đẹp, một kiểu phản kháng. Nó có mọi thứ nó cần nhưng lại chọn cái chết.
- Thôi, thôi. Đủ rồi, em gặp ác mộng mấy đêm nay rồi.
- Vậy à?

Nàng im lặng một lúc rồi cúp máy, hình như tôi đã làm cho nàng khó chịu.
Nhét điện thoại vào túi, tôi ngáp vặt.

- Mày đã xem cái này chưa? - Một thằng bạn từ đâu chạy lại trước mặt dúi màn hình điện thoại của nó vào mặt tôi.
Tôi nhìn quanh giảng đường đầy những gương mặt xa lạ đang ngồi nói chuyện, gãi gãi trán rồi lại nhìn cái màn hình điện thoại thằng bạn.

- Xem cái gì?
- Con voi nuốt cái vòi tự tử.
- Con voi nuốt cái vòi tự tử? - Tôi lặp lại rồi cười khô khan mấy tiếng - Nghe như chuyện hài.
- Đúng đúng, thì hài mà - Nó cười hớn hở rồi chạm ngón tay vào màn hình.

Ai đó đã quay lại toàn bộ sự việc hết sức rõ ràng từ đầu đến cuối, tôi chau mày xem cái chết của con voi một lần nữa. Nhưng lần này chẳng có gì đáng sợ, tiếng những người xung quanh đã át hết âm thanh của con voi. Họ xì xào bàn tán, ngạc nhiên rồi kinh hoàng. Cái chết trong điện thoại diễn ra như một vở hài kịch, con voi gục xuống và đám đông reo lên chẳng biết là kinh hoàng hay hân hoan. Mọi thứ đều bị làm cho sai lệch và méo mó, lần đầu tiên tôi nhận ra có những thứ chỉ chứng kiến tại chỗ người ta mới hiểu được. Mùi vị, âm thanh, hình ảnh; trong đoạn ghi hình này chẳng có gì cả, nó trống rỗng như một bản photocopy của bức tranh sơn dầu. Không thể cảm nhận được những lớp màu quét chồng lên nhau, không có cảm xúc của họa sĩ khi vẽ, chỉ có một dãy hình ảnh đều đặn và đồng nhất trải ra nhạt nhẽo.

Thằng bạn tôi cười ngặt nghẽo khi xem xong đoạn phim, nó vỗ vỗ vào vai tôi.
- Cái này là đồ giả thôi - Tôi thì thầm.
- Giả gì mà giả, báo chí đăng ầm ầm kìa.
- Mày xem thứ này bao nhiêu lần rồi?
Nó xoa xoa cằm.
- Chắc năm sáu lần gì đó.
- Nếu mày có ở đó thì mày sẽ không muốn xem lại và cũng chẳng thấy gì buồn cười nên cái này là đồ giả thôi.
- Mày nói cứ như mày ở đó, nhảm nhí…
Tôi giật cái điện thoại trên tay thằng bạn, tua lại đoạn phim.
- Ngay hàng ghế đầu của sân khấu - Tôi chỉ vào lưng mình trên màn hình - Mày bỏ lỡ vở diễn rồi!

Nói xong tôi đứng lên rẽ dòng người đông đúc trên hành lang. Tôi chạy vào nhà vệ sinh, lần này là nôn thực sự, cả bữa sáng trôi tuột ra khỏi cổ họng và nằm trên bồn cầu bốc mùi tanh tưởi. Dựa lưng vào tường tôi nhìn cái cửa lùa ở trên cao, một mảnh trời xanh đang phản chiếu bên ngoài. Bỗng nhiên tôi tự hỏi nó có thực hay chỉ là một hình ảnh được ghi lại, giống như người ta ghi hình con voi chết trên máy quay rồi nghĩ rằng nó sẽ truyền tải được cái gì đó.

Thật ngu ngốc!
Tôi ở lì trong phòng vệ sinh cho tới khi vào tiết mới mò ra ngoài. Ngồi trên băng ghế đá gần bảng thông báo tôi gọi cho nàng lần nữa. Điện thoại đổ chuông mãi mà chẳng ai bắt máy, mọi thứ chìm trong tĩnh lặng. Tay giữ xe ngồi trước cổng gác một chân lên cái ghế nhựa cũ kĩ, chẳng biết hắn đang nghĩ gì nhưng dáng vẻ đầy tư lự.

Tôi không còn muốn lang thang nữa, cũng không muốn vào lại giảng đường nghe những lời vô nghĩa. Mọi thứ dường như đã biến mất, cả quá khứ, tương lai lẫn hiện tại. Bỗng nhiên ngay cả sự vô định cũng không còn, tôi thấy cả con người mình như đang dần bốc hơi khỏi thực tại này.

Thở dài ngán ngẩm, tôi ngước lên cao, từ đây có thể thấy khung cửa sổ của phòng hiệu phó. Chắc hẳn ông ta vẫn đang ngồi gác chân lên bàn rồi nhìn ra bên ngoài từ văn phòng của mình, trong sự nhàn rỗi gần như vĩnh viễn, ông ta buông thả cơ thể, một khối thịt đồ sộ trên cái ghế xoay bọc da êm ái. Thật khó có thể tưởng tượng ra một khung cảnh khác.

- Sáu tháng nữa là mày tốt nghiệp đúng không? - Cha hỏi tôi trong bữa cơm, ông liếc nhìn tôi từ đầu bên kia của chiếc bàn, đôi mắt sắc lạnh sau cặp kính lão.
Tôi phản đối một cách yếu ớt.
- Con còn chưa thi nữa mà, chưa chắc được đâu.

- Có bằng rồi thì chú Ba sẽ lo được cho mày việc làm - Cha phớt lờ câu nói của tôi - Sắp xếp hết rồi, chỉ cần bằng đại học, mà bằng gì cũng được. Vào làm chung với chú mày thì tương lai bảo đảm. Trước ba sắp xếp cho chú giờ tới chú sắp xếp cho mày. Cứ làm ở vị trí đó, yên ổn cả đời, không tranh giành với ai mà cũng không ai tranh giành được với mình.


Đặt chén cơm trên tay xuống, tôi nhìn cha, gương mặt ông chẳng biểu lộ một cảm xúc nào.

-
Vậy là sau này con cũng sẽ phải sắp xếp cho ai đó?
- Bình thường thôi, người trong nhà phải lo cho nhau.
- Nhiều người muốn mà không được đó chứ! - Mẹ tôi tiếp lời.
- Nhiều người không muốn mà vẫn cứ được - Tôi vặn lại, nhếch mép.
- Sau này từ từ mày sẽ hiểu - Cha nói với giọng kẻ cả của người bề trên và đã từng trải - Muốn hay không muốn, chả có gì quan trọng hết. Ổn định là tốt nhất.

Bữa cơm lại tiếp tục, trong sự ổn định vĩnh viễn của nó!
Đã năm ngày sau vụ con voi, nàng không trả lời điện thoại của tôi, khi tôi tới tìm thì nàng không có ở nhà. Không phải là cãi nhau, càng không phải chia tay, có lẽ chúng tôi cần thời gian ở một mình, sắp xếp lại mọi thứ.

Cuối tuần tôi lại đến sở thú nhưng lần này chỉ một mình. Trời đầy mây u ám, mọi thứ chìm ngập trong tông màu xám buồn tẻ. Tất cả có vẻ bị kéo xuống, chậm lại và tĩnh lặng hơn khi nắng không xuyên qua được lớp mây dày trên đầu. Mua vé vào cổng tôi đi thẳng tới chuồng voi, hôm ấy tôi mặc áo khoác dày, đội mũ lưỡi trai và đeo kính mát. Trong thâm tâm tôi sợ có ai ở đây nhận ra mình đã đứng trong đám đông hôm trước, một nỗi sợ hãi vớ vẩn không duyên cớ gì.

Cái chuồng voi trống rỗng, một tấm bảng mới được treo lên thông báo chuồng hiện tại tạm ngừng hoạt động vì nguyên nhân khách quan. Tôi nhìn quanh, không thấy ai tới thăm hay tưởng niệm gì, dưới đất vài bó hoa đã héo nằm vương vãi khắp nơi chưa có ai dọn dẹp, chúng bốc lên mùi của thực vật đang thối rữa. Vùi tay vào túi áo khoác tôi nhìn bãi cỏ qua lớp hàng rào, không thấy gì còn sót lại của cái chết vừa diễn ra tuần trước. Cái xác, máu và nước dãi đã được dọn sạch. Chỉ có những khoảng trống, có lẽ đó là dấu vết duy nhất mà cái chết thật sự để lại, những khoảng trống nhất thời không thể lấp đầy.

Một người đàn ông già nua và đen đúa bước vào chuồng voi, ông ta mặc đồ của nhân viên sở thú, lúi cúi quét lá vàng rụng trên đám cỏ xanh.
- Bác ơi, bác ơi! - Tôi kêu, tự nhiên tôi muốn hỏi về con voi hôm trước.
Người đàn ông ngước lên nhìn tôi, những nếp nhăn in hằn khắp mọi nơi trên khuôn mặt. Ông ta đứng trơ ra một lúc rồi lại cúi xuống làm tiếp công việc của mình.
Tôi kêu thêm mấy tiếng nữa nhưng ông ta cứ tảng lờ đi.

Có lẽ ông ta đã quá mệt mỏi với những câu hỏi của các vị khách về con voi trong mấy hôm nay hoặc ông ấy đã luôn vô tâm như thế. Lạnh lùng làm việc của mình.
Thở dài tôi quay ra bãi giữ xe, tay vẫn vùi vào túi.

Buổi chiều, trời đổ mưa. Tôi về nhà, chui vào phòng khóa cửa lại. Nằm trên giường tôi lên mạng tìm hiểu về con voi đã chết. Tin bài la liệt khắp nơi, mọi người đều bàn tán về vấn đề này và họ bỏ công sức điều tra mọi thứ đến nơi đến chốn, thật đáng sợ khi đám đông quyết tâm làm điều gì. Mọi ngóc ngách đều được đào xới, người ta lật tung tất cả lên để đạt được cái mình muốn, chút thông tin để làm thỏa mãn cơn khát không bao giờ chấm dứt.

Hóa ra con voi chết thuộc thế hệ voi thứ ba sinh ra và lớn lên trong sự nuôi nhốt. Ông bà nó bị bắt ngoài thiên nhiên rồi bán cho một sở thú, cả cha mẹ con voi đều sinh ra trong một sở thú bên Pháp rồi sau đó, tới lượt nó được tặng cho sở thú trong thành phố trong dịp tổng thống Pháp tới thăm như một hành động thể hiện tình hữu nghị. Trải qua ba thế hệ, con voi đã mất khả năng tồn tại ngoài thiên nhiên hay hòa nhập với các con voi khác. Voi sống theo bầy nhưng những con voi trong sở thú lại luôn đơn độc.

Tôi nhìn ảnh con voi khi nó mới một năm tuổi. Mưa rào rào bên ngoài cửa sổ, mọi thứ chìm trong một lớp màn trắng xóa.

Lại cảm giác đó, cơn buồn nôn trào lên cổ họng!


Tay dẫn chương trình nhường lời lại cho hiệu trưởng, giọng ông ta oang oang đầy phấn khởi. Tôi nhìn xuống bên dưới, hàng trăm con người khác cũng đang chờ tới lượt, máy ảnh nháy đèn khắp nơi. Khoác lên mình bộ áo tốt nghiệp màu đỏ sậm và đội cái nón với núm tua vải trên đầu tôi cảm giác mình như một kẻ ngớ ngẩn. Cha ở giữa đám đông, quần áo lịch sự, chỉnh tề như mọi khi, khuôn mặt lạnh tanh không cảm xúc, ngồi cạnh ông là mẹ, bà đang quay phim lại bằng cái điện thoại thông minh mới mua tháng trước. Bạn gái tôi cũng ở dưới, cách xa cha và mẹ, nàng vẫy tay với tôi một cách vui vẻ, khuôn mặt bừng sáng. Bài phát biểu kết thúc, ai đó đến dúi vào tay tôi một tờ giấy được cuộn lại và thắt bằng một cái nơ lụa màu vàng.

Nhạc nổi lên, hoa giấy được bắn ra
, phía dưới vang lên những tràng vỗ tay ầm ào như sóng vỗ.

Tôi thấy ngây ngất và choáng váng, không phải niềm vui, chỉ là cảm giác trống rỗng. Ngước nhìn lên cao, từ đây có thể thấy được cửa sổ của văn phòng hiệu phó, ông ta hẳn đang ở đó, luôn luôn là vậy. Áo sơ mi, cà vạt đỏ, ấp trong hơi máy lạnh. Làn da như bị phù thũng, nhợt nhạt, cái đầu hói láng bóng. Thân hình phì nộn, nói những câu vô nghĩa như một cỗ máy.

Hít một hơi, tôi nhắm mắt lại, gió đang thổi trên đầu ào ạt. Một quãng trời xanh, cao đến mức không thể nào với tới.
Không còn những ngày lang thang nữa, giờ hành trình nào cũng phải có đích đến, cái vô định thì đầy bất ổn. Tôi phải ổn định, ổn định mãi mãi…
Đó là điều bình thường!

Con voi nuốt cái vòi vào một buổi sáng cuối tuần, nó nghĩ gì vậy?
Không ai biết cả, đó mãi mãi là bí ẩn sau cùng, bí ẩn tối hậu. Sáu tháng đã trôi qua, sở thú đã có một con voi mới, tất cả đã lãng quên cái chết ấy. Không ai nhắc tới nữa nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ.

Thật ngu ngốc!
Ba thế hệ sống trong sở thú.
- Là một sinh viên mới vừa tốt nghiệp em có cảm nghĩ gì không?
Tôi giật mình mở mắt, ai đó đang dúi cái micro vào miệng mình.

Ngơ ngác nhìn những người bên dưới, tôi không hiểu họ đang chờ đợi gì ở mình. Cha tôi hơi chau mày, ông tỏ rõ vẻ khó chịu trên khuôn mặt.
- Tôi không phải là con voi! - Tôi thì thầm yếu ớt.
- Sao? - Gã dẫn chương trình hỏi lại - Em nói gì?
- Không, không có gì!

Tôi mỉm cười với gã rồi bước xuống.
Tôi không phải con voi. Thật đáng buồn, nhưng tôi còn chẳng có một cái vòi để nuốt!
Đ.Q.V
http://vannghequandoi.com.vn/Van-xuoi/con-voi-nuot-cai-voi-tu-tu-10102.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét