Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Sự đọc bình dân tiểu thuyết ngôn tình

Sự đọc bình dân tiểu thuyết ngôn tình
14/03/2017 HOÀNG PHONG TUẤN
(Trường hợp các fanpage trên facebook)

Ảnh minh họa - Internet
1. Sự ảnh hưởng và phổ biến mạnh mẽ của tiểu thuyết ngôn tình tại Việt Nam hiện nay là một hiện tượng đang gây ra những ý kiến trái chiều. Đa số ý kiến dựa trên các tiêu chuẩn văn học hàn lâm cho rằng đây là một hiện tượng tiêu cực của thị hiếu văn học, một số ý kiến khác căn cứ trên điểm nhìn về sự tồn tại của văn hóa thông tục, văn hóa bình dân cho rằng đây là hiện tượng bình thường, thể hiện những thị hiếu khác nhau của người đọc. Những ý kiến này gợi nên vấn đề về sự đọc tiểu thuyết ngôn tình: Tiểu thuyết ngôn tình tác động đến người đọc như thế nào? Đâu là nguồn gốc của sức hấp dẫn mà tiểu thuyết ngôn tình đem đến cho người đọc?

Góp phần trả lời câu hỏi trên, bài viết lựa chọn phạm vi xem xét sự đọc trong các nhóm, hội, các fanpage của người đọc các văn bản ngôn tình trên facebook. Bài viết sử dụng cách thức đối chiếu quan niệm về “sự đọc bình dân” của Henry Jenkins và Tony Bennett làm cơ sở cho tiến trình phân tích, đồng thời sử dụng phương pháp phân tích nội dung đối với các loại hình văn bản khác nhau trên facebook biểu hiện cho sự đọc.

2. Các fanpage của tiểu thuyết ngôn tình trên facebook phát triển ngày một phong phú và đa dạng, có số lượng thành viên đông đảo. Đa số trang có hàng ngàn thành viên, một số trang trên hai mươi ngàn thành viên, cá biệt có những trang hàng trăm ngàn thành viên. Các trang này hoạt động tích cực ở nhiều phương diện, chủ yếu là bình luận, chia sẻ, giới thiệu những bản dịch các tác phẩm tiểu thuyết ngôn tình mới nhất, giới thiệu các phim chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình, hay sáng tác, minh họa cho tiểu thuyết ngôn tình… Phổ biến nhất là việc trích dẫn các câu, đoạn tiêu biểu của tác phẩm như là một hình thức giới thiệu, bày tỏ sự yêu thích tác phẩm. Thành viên các trang này chủ yếu là các nữ học sinh, sinh viên tuổi từ 16, 17 - 23, 24. Từ những vùng miền khác nhau trên đất nước, họ kết nối với nhau qua internet để cùng thỏa mãn sở thích đọc các tiểu thuyết ngôn tình, cùng chia sẻ mối quan tâm đối với loại hình văn học này. Điều hành các trang là những admin say mê (“cực ghiền”) tiểu thuyết ngôn tình, am tường nhiều kiểu loại, có nhiều thông tin về các tác phẩm mới nhất.

Những lời bộc bạch về tác động của tiểu thuyết ngôn tình đối với người đọc, chủ yếu là những người trẻ tuổi, cho thấy thế giới ngôn tình mở ra cho họ những cơ hội trải nghiệm bản ngã, trải nghiệm tình yêu, cuộc sống. Một thành viên của “Hội yêu mến ngôn tình và soái ca” chia sẻ sau khi đọc Hãy nhắm mắt khi anh đến của Đinh Mặc: “Có lẽ tôi hơi cô độc nên tôi yêu cái tính tự kỉ của lão (Bạc). Có lẽ tôi hay cười nên tôi thấy yêu từng câu nói độc ngôn, loạn ngôn của lão. Và có lẽ tôi cũng biến thái mất rồi nên tôi thích mấy vụ án của lão…”.

Một thành viên trong fanpage “Những câu nói hay trong tiểu thuyết ngôn tình” bày tỏ cảm nhận của mình về tác phẩm Đừng nói với anh ấy tôi vẫn còn yêu (Lục Xu): “Đừng nói với anh ấy tôi vẫn còn yêu, đấy là tên truyện mà tôi thích nhất, ấn tượng nhất. Tựa đề này cũng chính là câu nói tôi muốn gửi tới một ai đó. Khi đọc truyện tôi như thấy hình ảnh mình trong đó, tôi cũng giống Y Bối, trẻ con, ích kỉ, ngang bướng, cố gắng níu giữ những mối tình đấy rồi cũng phải buông tay. Nhưng Y Bối may mắn hơn tôi, qua bao nhiêu năm mối tình đầu của cô ấy vẫn còn có một kết thúc HE(1). Còn tôi thì khác, vẫn mong chờ anh ấy quay lại, luôn hi vọng anh ấy như Trần Tử Hàn vẫn tồn tại trên thế gian này để tôi còn chờ kết thúc như họ. Rất tiếc tôi không phải là Vương Y Bối, anh cũng (không?) phải là Trần Tử Hàn”. Ở những trích dẫn này, người đọc thông qua sự yêu thích của mình về nhân vật và tác phẩm để tìm kiếm chính mình. Sự tìm kiếm bản thân ở đây không dựa trên việc tự đánh giá và nhận thức chính mình trong đời sống thực tại, mà dựa trên sự đánh giá và nhận thức về nhân vật và những sự kiện trong tác phẩm hư cấu. Hay nói khác hơn, nhân vật và tác phẩm như tấm gương mà người đọc dùng để soi chiếu chính mình, phát hiện ra con người mình và thực tại tình yêu của chính mình.

Trải nghiệm tác phẩm như một hình thức chiêm nghiệm và thấm thía giữa lí tưởng và thực tế cuộc sống là một phương diện sâu sắc hơn của sự soi chiếu tìm kiếm chính mình trong sự đọc tiểu thuyết ngôn tình. Một thành viên trong fanpage “Những câu nói hay trong tiểu thuyết ngôn tình” bày tỏ cảm nhận của mình về tác phẩm Người tình Bắc Hải như sau: “Câu chuyện buồn mà đẹp. Nó như nằm giữa hai bờ hư thực. Vì nó quá đẹp nên ảo mộng. Vì nó quá tàn khốc nên thực tế. Mỗi nhân vật là mỗi mảnh tính cách trong mỗi người. Có trải qua mới biết nó thấm thía đến nhường nào”. Người tình Bắc Hải là tiểu thuyết của Thiên Tầm, kể về mối tình ba người giữa Mao Lệ, cô biên tập viên xinh đẹp, tài năng, Chương Kiến Phi và Triệu Thành Tuấn, hai doanh nhân bản lĩnh và thành đạt. Cốt truyện xoay quanh chủ đề tình yêu và thù hận, chân thành và giả dối, cao thượng và thấp hèn… Lời bình luận của người đọc đi theo một mô hình tương tự với lời bình luận về nhân vật Bạc Cận Ngôn trong Hãy nhắm mắt khi anh đến của Đinh Mặc đã dẫn ở trên, nhưng ở chiều ngược lại. Ở đây, người đọc từ kinh nghiệm bản thân (“có trải qua mới biết nó thấm thía đến nhường nào”) soi chiếu vào tác phẩm và nhận ra sự chênh vênh giữa hai chiều đối nghịch hư-thực (“nó nằm giữa hai bờ hư thực”) của câu chuyện. Như vậy, trong trường hợp này, tác phẩm là tấm gương để chuyển hóa trải nghiệm đời sống thành một trải nghiệm văn học. Tác động thẩm mĩ của câu chuyện (“đẹp nhưng buồn”) là tác động dựa trên sự đối nghịch giữa cái lí tưởng (“đẹp”) của một tình yêu chân thành, tận hiến của các nhân vật và cái thực tế (“tàn khốc”) của hận thù giữa các nhân vật với nhau (Triệu Thành Tuấn và Chương Kiến Phi). Cách bày tỏ “có trải qua” của người đọc mang ý nghĩa kép: trải qua tình yêu trong đời thực và trải qua câu chuyện tình yêu đã đọc. Ở đây, trải nghiệm về tác phẩm và trải nghiệm thực tế trong kinh nghiệm cá nhân của người đọc hầu như không còn phân biệt được. Đó là cách mà người đọc tiểu thuyết ngôn tình mở ra kinh nghiệm sống mới, và trải nghiệm lại kinh nghiệm sống của mình.

Những tìm kiếm hình ảnh bản thân còn thể hiện qua sự yêu thích nhân vật “soái ca”, hiện thân như là những người hùng trong thế giới hư cấu của tác phẩm. Soái ca là các nhân vật nam chính trong tiểu thuyết ngôn tình, thường hội đủ tiêu chuẩn cao nhất của nam giới thời hiện đại trong cái nhìn của nhân vật nữ chính: giàu có, đẹp trai, tài năng, đầy nam tính, chung thủy, biết hi sinh trong tình yêu… Hình ảnh soái ca tập trung những mối quan tâm của người đọc nữ, đồng thời thể hiện sự kì vọng của họ về những phẩm chất tiêu biểu của người khác giới. Trên fanpage “Tiểu thuyết ngôn tình hay”, một thành viên liệt kê những đức tính cần có của một người bạn trai trong tương lai dựa trên hình ảnh và tính cách của các soái ca:

- Là người hiểu biết rộng, luôn chỉ bảo những điều tôi chưa biết như Bạc Cận Ngôn chỉ bảo Giản Dao.
- Là người ấm áp, nuông chiều tôi như Lôi Dận chiều Mạch Khê.
- Là người luôn theo sát tôi không rời nửa bước như Từ Vi Vũ theo sát Thanh Khê.
- Là người để tôi học cách mạnh mẽ, tự đứng dậy khi vấp ngã như Tề Mặc để Ly Tâm học cách mạnh mẽ.
- Là người biết nấu cho tôi ăn mỗi ngày như Doãn Tắc.
- Là người luôn làm tôi cười mỗi ngày như An Dĩ Phong.
- Là người luôn có mặt khi tôi gặp khó khăn như Phong Đằng.


Người liệt kê đã lấy những nét tính cách và hành động của các nhân vật được xem là soái ca làm tiêu chuẩn cho việc lựa chọn bạn trai của mình. Điểm đáng chú ý ở đây là việc người đọc đồng nhất sự đối xử của người bạn trai lí tưởng trong tương lai dành cho mình với sự đối xử của nhân vật soái ca dành cho nhân vật nữ chính trong các tác phẩm. Hay nói cách khác, hình dung về người bạn trai lí tưởng cũng là sự phóng chiếu hình dung về bản thân ở bình diện lí tưởng. Phóng chiếu này thể hiện rõ hơn nữa qua các bình luận của người đọc về những câu tỏ tình của các soái ca. Những bình luận này cho thấy mối quan tâm của bạn đọc nữ trẻ đến thế giới nội tâm và tính cách chân thành có phần thẳng thắn, trần trụi, phong thái ngạo nghễ bất cần đời của các soái ca của họ. Họ say mê tiểu thuyết ngôn tình, vì chỉ tiểu thuyết ngôn tình, chứ không phải là hiện thực cuộc sống hay tác phẩm văn chương tinh hoa, mới đem đến cho họ không gian lí tưởng, tương thích để thực hiện sự tìm kiếm bản thân và kẻ khác nơi khoảng lưng chừng giữa thực tại và kì vọng này.


Trong sự đọc tiểu thuyết ngôn tình, người đọc tìm kiếm chính mình đồng thời kiến tạo bản thân mình. Hay nói khác hơn, sự đọc không chỉ là sự phóng chiếu bản thân mà còn là sự trở thành và định hình bản thân. Trích dẫn tác phẩm Tháng ngày ước hẹn (Tân Di Ổ) của một thành viên và bình luận của nhiều thành viên về trích dẫn đó trong fanpage “Những câu nói hay trong tiểu thuyết ngôn tình” sẽ cho thấy rõ hơn sự trở thành bản thân này của người đọc nữ trẻ:

“-Tình yêu quan trọng đến thế sao, có thể khiến người ta chết, làm người ta điên. Nếu đúng như thế, tôi thà không yêu ai còn hơn.
- Chính vì cậu không yêu ai cả, cho nên cậu mới không thể nào hiểu nổi và mới có thể nói nhẹ như không như vậy.
Đinh Tiểu Nhã chau mày. - Thế giới này rõ ràng là lớn đến thế, đàn bà cũng có đôi chân mà, tại sao lại dính lấy đàn ông để làm ếch ngồi đáy giếng?
- Với nhiều phụ nữ, họ không cần một thế giới rộng lớn, thế giới có bao la đến đâu cũng không phải là dành cho họ và cũng có ý nghĩa gì đâu. Con ếch tại sao cứ ở dưới đáy giếng, bởi vì khi nó nhìn qua miệng giếng, sẽ cho rằng bầu trời là của nó, chỉ thuộc về nó. Dù chỉ một mảnh nhỏ nhưng đối với nó, thế là đủ đầy rồi”.


Trích dẫn này được rất nhiều người like và chia sẻ. Một thành viên bình luận: “Từng câu từng chữ đều ý nghĩa”. Hai thành viên khác tỏ ý tán đồng: “Hảo hảo”, “Hay”. Hai thành viên khác trích lại câu cuối biểu hiện sự đồng cảm: “…bầu trời là của nó… Dù chỉ một mảnh nhỏ nhưng đối với nó, thế là đủ đầy rồi”. Những thành viên biểu lộ ý kiến trên đều là nữ.

Đoạn trích trên là một đối thoại có tính chất xác lập và điều chỉnh quan niệm về khác biệt giới tính. Nhân vật thứ nhất bình luận về vai trò của tình yêu trong cuộc sống và qua đó thể hiện quan niệm về giới của mình thông qua hình dung về sự gắn bó giữa người đàn bà và người đàn ông trong tình yêu: “Thế giới này rõ ràng là lớn đến thế, đàn bà cũng có đôi chân mà, tại sao lại dính lấy đàn ông để làm ếch ngồi đáy giếng?”. Quan niệm về giới này dựa trên cái nhìn có tính chất đàn áp giới ở khía cạnh người nữ sẽ đánh mất tự do và giá trị của mình nếu quá lệ thuộc người nam. Hiểu như thế có nghĩa là trong tình yêu, nam giới thì tự do, còn nữ giới thì tù túng. Cái nhìn đó là sự gán ghép mặc định về tính chất đàn áp của nam giới, hóa ra lại là cái nhìn mang tính chất đàn áp, vì nó được phát ngôn để quy hạ nam giới như là biểu tượng cho sự đàn áp. Nhân vật nữ thứ hai cho thấy một cái nhìn nghiêng về lựa chọn đặc thù của nữ giới, một lựa chọn không dựa trên quan niệm đàn áp, mà dựa trên quan niệm về ý nghĩa tình yêu mang bản sắc nữ. Hình ảnh cái giếng ở đây được nhắc lại nhưng không là biểu tượng cho sự tù túng, mà là biểu tượng cho sự lựa chọn ý nghĩa, bởi lẽ đó là sự lựa chọn mang đặc thù nữ giới, nên không thể được lí giải bằng cái nhìn có tính chất đàn áp giới nào cả. Chính cái nhìn mang bản sắc nữ như thế nhận được sự đồng cảm và đồng tình của những người đọc nữ.

Sau đây là những bình luận tiêu biểu cho sự tìm kiếm các giá trị lí tưởng của tình yêu trong sự đọc tiểu thuyết ngôn tình. Những bình luận này rút ra từ một cuộc thi trên fanpage, trong phần nội dung thi yêu cầu thành viên bày tỏ cảm nhận của mình về một tác phẩm yêu thích.

“Có bao nhiêu cuộc tình trong cuộc đời, nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được nắm tay nhau đến đầu bạc răng long. Điều mà Bên nhau trọn đời của Cố Mạn muốn nói, chính là hạnh phúc đó.


Đây cũng là mơ ước của biết bao cô gái như tôi. Mơ về tình yêu đẹp, về chàng hoàng tử trong cuộc đời, một cái kết có hậu, một tình yêu đẹp. Đã không biết bao lần tôi đọc đi đọc lại không biết chán dù nội dung vẫn nhớ rõ, từ bản xuất bản đầu tiên tới bản tái bản có ngoại truyện và giờ là đọc online, đọc quên cả đi ngủ, trong mơ cũng nghĩ tới. Mối tình đẹp như mộng khiến tôi liên tưởng tới hình bóng của họ trong các tác phẩm sau này của Cố Mạn, một hình mẫu đẹp, chuyện tình đẹp, xúc động và sâu lắng. Vui khi họ hạnh phúc, hồi hộp lo lắng khi họ sống trong hiểu lầm thù hận mà ngọn lửa tình vẫn cháy”.

“Tôi từng đọc khá nhiều truyện của Phỉ Ngã, nhưng cuốn sách này, vẫn tự nó mang trong mình rất nhiều dư vị. Cái hay ở truyện Phỉ Ngã, là dù có đau đớn, khắc khoải đến đâu, nó vẫn cứ thu hút người ta không từ bỏ được. Nó không phải là câu chuyện huyễn ảo đầy màu hồng, rằng một cô bé lọ lem yêu một chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng, sau đó cả hai nắm tay nhau hạnh phúc đến trọn đời. Mà tình yêu, là một điều quá nhỏ trong hàng trăm thứ khác của cuộc sống. Có đôi khi nó còn bị hận thù che lấp mất. Nhưng người ta cứ thế yêu, cứ thế hiến mình cho một tình yêu thực sự, thì cho dù có kết quả hay không, cũng sẽ không hối hận”.

Hai bình luận trên cho thấy vẻ đẹp của tình yêu lí tưởng như là những giá trị mà người đọc mơ ước và tìm kiếm. Chúng thể hiện cảm nhận về câu chuyện tình yêu xoay quanh hai phương diện đối lập chủ đạo: tình yêu và thù hận. Hai bình luận thể hiện hai khuynh hướng cảm xúc về tình yêu khác nhau của hai người đọc nhưng giữa họ có điểm chung là đều tìm thấy được giá trị của tình yêu trong những hoàn cảnh hầu như là trái ngược nhau. Bình luận thứ nhất thể hiện khuynh hướng cảm xúc đồng cảm với những gì lãng mạn và lí tưởng của tình yêu. Bình luận thứ hai thì ngược lại, khuynh hướng cảm xúc ở đây hướng về mặt thực tế của tình yêu. Điều này cho thấy không phải chỉ tình yêu lãng mạn và lí tưởng mới hấp dẫn giới trẻ, mà sự hấp dẫn chính là giá trị trong tình yêu đích thực toát lên từ sự đối diện với những thử thách, những khó khăn của cuộc sống và những hiểu lầm, thậm chí những hận thù, đau đớn của/giữa các nhân vật.

3. Có thể nói, chính không gian facebook với những điểm đặc thù của thế giới công nghệ và truyền thông trong vai trò điều kiện vật chất và tác nhân thông diễn đã góp phần vào khả năng cộng hưởng, tác động và lan tỏa mạnh mẽ của tiểu thuyết ngôn tình. Khác với các không gian biểu hiện sự đọc truyền thống, trong không gian mạng, người đọc được tự do thành lập, tham gia, kết nối với nhau thành những nhóm với độ mở hầu như vô hạn về số lượng. Cùng một thành viên có thể tham gia nhiều nhóm khác nhau và thực hiện những hoạt động khác nhau liên quan đến tác phẩm mà mình yêu thích.

Tính chất chia sẻ liên cá nhân trở thành một thành tố quan trọng cấu thành nên cấu trúc của hoạt động đọc, và về cơ bản, khác biệt về bản chất so với sự đọc hàn lâm. Sự chia sẻ dự phần vào chân trời chờ đợi của người đọc trước khi đến với tác phẩm. Những bình luận, những chia sẻ cảm xúc về nhân vật hay tác phẩm đều góp phần tác động đến mối quan hệ giữa người đọc và tác phẩm. Tác động này trở nên mạnh mẽ hơn với hiệu ứng truyền thông. Hàng loạt những bình luận, trích dẫn, những hình ảnh minh họa về soái ca, về tác phẩm xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau không chỉ cung cấp thông tin mà còn tạo nên hiệu ứng chi phối kinh nghiệm thẩm mĩ của người đọc. Nói cách khác, nếu như trước đây kinh nghiệm thẩm mĩ của người đọc có tính chất cá nhân dựa trên kinh nghiệm đọc các tác phẩm trước đó, thì giờ đây, dưới sự tác động của các hiệu ứng truyền thông, kinh nghiệm thẩm mĩ của người đọc đến từ các kinh nghiệm đọc của người đọc khác. Sự chia sẻ cũng tham gia vào trong và sau tiến trình đọc, khi người đọc bày tỏ cảm xúc của mình, giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm của mình với người đọc khác. Điều này làm cho họ trở thành một mắt xích trong chuỗi những ảnh hưởng và tác động của tác phẩm.

4. Ở một góc nhìn bao quát nhất, sự đọc tiểu thuyết ngôn tình trên facebook kích thích những chia sẻ, kết nối, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm bản thân, tìm kiếm và định hình các giá trị của những người đang trưởng thành. Nó tạo điều kiện cho những tìm tòi, trải nghiệm văn học ngoài không gian nhà trường, ngoài không gian của những diễn ngôn văn học, đạo đức và xã hội được thiết lập bởi các định chế. Tuy nhiên, sự mở rộng hầu như không giới hạn và không kiểm soát của không gian cho sự đọc đã góp phần hình thành những biểu hiện tiêu cực của khuynh hướng chạy theo thị trường và chạy theo những nhu cầu tiêu cực của người đọc. Nó làm giảm đi khả năng tinh lọc và lựa chọn của người đọc, và phần nào làm cho những kết nối chia sẻ không còn dựa trên nhu cầu tự thân của họ. Tuy thế, những biểu hiện tiêu cực này chỉ là một phần nhỏ, và cũng là điểm vốn dĩ cố hữu của văn hóa đại chúng nói chung
H.P.T
-----

1. HE là chữ viết tắt của Happy End (khác với SE, chữ viết tắt của Sad End), thể hiện một nhóm tác phẩm ngôn tình kết thúc có hậu, hai người yêu nhau được kết hôn, hoặc có tình yêu nồng thắm sau nhiều trở ngại…
http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/su-doc-binh-dan-tieu-thuyet-ngon-tinh-10195.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét