Các cách xưng hô và chủ nghĩa gia đình ở Hàn Quốc
Tác giả: Thảo Nguyên
“Gia đình là đơn vị tổ chức đặc trưng phổ biến ở mọi xã hội loài người. Tuy nhiên, ở mỗi loại hình văn hoá, mỗi nền văn hoá, vai trò của gia đình rất khác nhau. Trong xã hội phương Tây hoặc phương Tây hóa, thì vai trò của gia đình thấp mà vai trò của của cá nhân cao; trong xã hội phương Đông thì ngược lại. Ngay trong xã hội phương Đông, cùng với xu hướng hội nhập, vai trò của gia đình trong xã hội cũng giảm dần, nhường chỗ cho sự gia tăng của vai trò cá nhân. Song ở Hàn Quốc ngày nay, dù đã trở thành một nước công nghiệp phát triển, nhưng truyền thống gia đình và ảnh hưởng của gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ. Sở dĩ như vậy là vì trong nền văn hoá Korea, gia đình không chỉ đơn giản là một tế bào xã hội, mà hơn thế nữa, nó trở thành một nhân tố chi phối tổ chức xã hội, một thứ “chủ nghĩa” – chủ nghĩa gia đình (familism).” (GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm).Gia đình Việt Nam có ảnh hưởng ra xã hội, nhưng nó không phải là mô hình tổ chức quan trọng nhất. Văn hoá Việt Nam coi trọng làng hơn gia đình, do vậy mà trong truyền thống Việt Nam chỉ có khái niệm “làng nước”. Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, gia đình và đất nước mới là hai hình thái xã hội cơ bản, tạo thành quốc gia (국가 – Quốc Gia = nhà + nước). Khái niệm “nhà nước” (quốc gia) ở Việt Nam được vay mượn từ văn hoá Trung Quốc.
Ở Việt Nam không có “chủ nghĩa gia đình” mà chỉ có lối sống và làm việc kiểu “gia đình chủ nghĩa“. Không nên nhầm lẫn hai khái niệm này. “Gia đình chủ nghĩa” là khái niệm dùng để chỉ lối làm việc theo kiểu tình cảm, coi nhau là “anh Hai”, “anh Ba”, “chú Tư”, thiếu tôn ty trên dưới rạch ròi, dẫn đến bệnh xuê xoa đại khái. Sở dĩ có sự khác biệt giữa một bên là văn hoá Việt Nam với đặc tính “gia đình chủ nghĩa” đại khái xuê xoa, còn bên kia là văn hoá Korea với đặc tính “chủ nghĩa gia đình” tôn ti chặt chẽ là vì nghề nông nghiệp lúa nước thì đòi hỏi tính cộng đồng cao ở một phạm vi rộng mới đủ sức chống hạn, chống lụt và làm cho kịp thời vụ, mà chất nông nghiệp lúa nước thì ở Việt Nam đậm nét hơn ở Bắc Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó thì địa hình núi đá ở Hàn Quốc buộc phải sống phân tán, không cho phép ở tập trung được theo ý mình, không tạo nên những cánh đồng lớn đòi hỏi tính cộng đồng cao, khiến cho vai trò của gia đình buộc phải lớn hơn làng xã.
Trong tiếng Hàn, “Chủ nghĩa gia đình” Hàn Quốc được thể hiện rõ ở các từ xưng hô. Tính tôn ti cũng là nguyên nhân của hệ thống kính ngữ rất phát triển. Trong tiếng Hàn, có những từ mà chỉ có người trên mới được dùng để gọi người dưới và, ngược lại, có những từ chỉ dành cho người dưới sử dụng để gọi người trên. Tiếng Hàn phân biệt cách gọi các thành viên ở hai bên nội ngoại bằng cách gắn từ 시 vào trước các từ xưng hô chỉ gia đình nhà chồng, và gắn từ 친정 vào trước các từ xưng hô chỉ gia đình nhà vợ.
Sau đây, xin được giới thiệu cách qui tắc xưng hô trong gia đình Hàn Quốc lấy qui chiếu vị trí của người con dâu trong gia đình. Bởi khi người phụ nữ về nhà chồng nghĩa là đã đón nhận thêm một gia đình mới, đảm nhiệm những vai trò và chức phận mới trong gia đình chồng. Theo đó, bố mẹ của chồng sẽ gọi là 시아버지 (bố chồng), 시어머니 (mẹ chồng). Anh trai của chồng là 시아주버니, em trai chồng là 시동생, chị em gái của chồng được gọi chung là 시누이.
Cần chú ý, đây là các cách gọi được thể hiện dưới phương thức kể (câu tường thuật), tức khi người con dâu không trực tiếp giao tiếp với các đối tượng được nhắc đến trong câu. Ví dụ:
나의 시아버지는 현재 고등학교 교장으로 재직 중이시다.
Bố chồng tôi hiện là hiệu trưởng trường cấp 3.
나의 시아버지는 현재 고등학교 교장으로 재직 중이시다.
Bố chồng tôi hiện là hiệu trưởng trường cấp 3.
Khi trực tiếp gọi bố mẹ chồng, người con dâu sẽ gọi bố chồng là 아버님 (phân biệt với gọi bố đẻ là 아버지), gọi mẹ chồng là 어머님 (phân biệt với gọi mẹ đẻ là 어머니); anh trai chồng chỉ cần gọi là 아주버니.
Khác với Việt Nam, việc xưng hô trong gia đình Hàn Quốc còn phụ thuộc vào việc người được gọi đã kết hôn hay chưa. Đối với em trai chồng, nếu đó là người đã lập gia đình, người chị dâu sẽ gọi em trai chồng là 서방님; nếu chưa kết hôn sẽ gọi là 도련님. Trường hợp là chị em gái của chồng, nếu đó là chị gái đã kết hôn, người em dâu sẽ phải gọi là chị chồng là 형님; nếu chị hay em gái chồng chưa kết hôn sẽ gọi là 아가씨. Ngoài ra, anh trai chồng sẽ gọi em dâu là 제수씨, em trai chồng sẽ gọi chị dâu là 형수, chị em gái chồng sẽ gọi em (chị) dâu là 올케.
Đặc biệt, từ “con dâu” trong tiếng Hàn có nghĩa là 며느리, nhưng trong thực thế bố mẹ chồng gọi người con dâu mới về nhà chồng là 아가 hay 새아가 . 아가 vốn là cách gọi em bé, như trong trường hợp:
엄마, 아가가 막 울어.
Mẹ ơi, em bé khóc.
Cách gọi con dâu là 아가 hay 새아가 thể hiện thái độ trìu mến, gần gũi của bố mẹ chồng đối với người con dâu mới về như một lời nhắn nhủ: Con dâu cũng là con trong nhà, cũng sẽ được bố mẹ chồng đối xử bình đẳng như những thành viên khác trong gia đình. Khi người con dâu đã sinh con, ngoài cách gọi trên, bố mẹ chồng còn có thể mượn tên của cháu để gọi con dâu, ví dụ như 동훈어미, 동훈어멈(Mẹ của Dong-hun).
Hiện nay ở Hàn Quốc hệ thống gia đình lớn truyền thống đang được thay thế bằng hệ thống gia đình hạt nhân tập trung vào người chồng và vợ. Gia đình và xã hội truyền thống lấy người già làm trung tâm bây giờ đang chuyển đổi dần thành gia đình và xã hội lấy người trẻ làm trung tâm. Sự thay đổi này thể hiện rõ trong những thế hệ đang tiếp nhận ảnh hưởng của nền giáo dục kiểu phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, khiến cho khuynh hướng chủ nghĩa tập thể ngày càng giảm. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của H.J. Lee, tuy tỉ lệ phần trăm hôn nhân có tình yêu trước ở Hàn Quốc có xu hướng tăng nhanh – tỉ lệ này vào năm 1958 là 32,5% thì đến năm 1980 tăng lên 77,7% – nhưng trong số này, những người trẻ tuổi quyết định kết hôn không tham khảo ý kiến gia đình chỉ chiếm có 3,4%. Điều này cho thấy ở Hàn Quốc chủ nghĩa tập thể vẫn đang được duy trì, nó cùng với chủ nghĩa cá nhân vẫn đang song song tồn tại và phát triển.
Nguồn: Thongtinhanquoc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét