Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Sao BOT 100 năm cũng không thể thu hồi vốn?

Sao BOT tại VN nếu không có hỗ trợ của Nhà Nước thì đến 100 năm cũng không thể thu hồi vốn?
RFA 2020-09-09 - Nhiều nhận định cho rằng tình trạng BOT tại Việt Nam thời gian qua đang gây ra nhiều bất bình trong dư luận vì không minh bạch, thậm chí còn có tin cho rằng BOT như 'sân sau' của các quan chức vì luôn được đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi vô cớ, thậm chí được ‘ngó lơ’ mỗi khi có sai phạm.

PGS. TS. Trần Chủng điều hành tọa đàm 8/9/2020.
100 năm không hoàn vốn?
Báo Nhà nước Việt Nam ngày 9/9 đồng loạt đăng tin với tiêu đề ‘Dự án BOT kêu thu phí 100 năm cũng không thể hoàn vốn’ gây xôn xao dư luận. Cụ thể, vấn đề vừa nêu được đề cập đến trong buổi tọa đàm trực tuyến “Những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)” do Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức vào ngày 8/9.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam khi loan tải nội dung buổi tọa đàm rằng nhiều nhà đầu tư cho hay những dự án BOT giao thông doanh thu chỉ đạt 20-30% so với phương án tài chính ban đầu, do đó nếu Nhà nước không hỗ trợ thì sẽ có dự án thu phí 100 năm cũng không thể hoàn vốn.

Trao đổi với RFA tối 9/9, ông Nguyễn Duy Lộ - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Vietcombank kiêm Giám đốc Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần phải thông tin rõ ràng hơn. Ông lý giải:

“Tùy giai đoạn, tùy con đường, nếu đường Bắc – Nam thì mới nhiều vốn, còn ngắn ngắn khoảng 200-300km trở lại thì làm gì 100 năm, cũng lắm là 10-20 năm đổ lại. Nếu đầu tư 100 năm phải dùng vốn công của nhà nước.”

Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng nếu nói kéo dài đến 100 năm thì các nhà đầu tư BOT cần nói rõ hơn về các con số cũng như cách tính toán để có thể ra được con số này.

Ngân hàng hạn chế cho vay dự án BOT

Thảo luận về những bất cập trong khi triển khai các dự án BOT trong buổi tọa đàm ngày 8/9, nhiều nhà đầu tư cho rằng với tình hình hiện tại, công tác thu phí không đạt hiệu quả nên doanh thu giảm. Điều này khiến cho những khoản vay ngân hàng của các nhà đầu tư không đảm bảo trả đúng lãi và gốc, khiến các nhà đầu tư có nguy cơ trở thành nợ xấu ngân hàng và không thể tham gia các dự án khác.

Thêm vào đó, dự án cao tốc Bắc – Nam được đầu tư theo hình thức PPP đang phát hành hồ sơ mời thầu cũng được các nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, việc huy động vốn tín dụng cho dự án được cho hay gặp rất nhiều khó khăn.

Với kinh nghiệm nhiều năm quản trị tại Vietcombank, ông Nguyễn Duy Lộ giải thích nguyên nhân:

“Đầu tư BOT là đầu tư dài hạn, nhưng hiện chính phủ đang trong cơn dịch nên làm sao để khôi phục kinh tế nên tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực không có hạ tầng cơ sở. Lĩnh vực BOT này đòi hỏi nhiều vốn, vốn dài hạn vay như vốn công là một, đầu tư nước ngoài là hai, rồi vốn tư nhân là ba. Còn ngân hàng thì cho BOT vay rồi nhưng bây giờ hạn chế cho vay, cũng như bất động sản bị ngân hàng hạn chế. Phải hạn chế vì vốn ngân hàng thiếu nguồn nên tập trung vấn đề sản xuất trong nông nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ…”



Bên cạnh đó, ông Nguyễn Duy Lộ cũng cho rằng trong thời điểm hiện tại, chính phủ Hà Nội nên có xem xét mức độ cần thiết khi xây dựng các dự án cao tốc.

“BOT theo tôi là phải đầu tư thận trọng thêm và chậm rãi hơn, không thể cùng một lúc mà rải ra như vậy được. Đường Bắc – Nam thì đương nhiên hoan nghênh nhưng có mức độ và từ từ, tập trung cho Đồng bằng Sông Cửu Long trước.”

Theo ông Nguyễn Duy Lộ, sở dĩ nên ưu tiên tuyến đường thông thương cho Đồng bằng Sông Cửu Long trước vì đã có nhiều tuyến đường nối hai miền đất nước, kể cả đường sắt.

Cần thay đổi chính sách

Trước thực trạng vừa nêu, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng do đầu tư ngân sách hạn chế và nhu cầu cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam rất cao nên chính phủ phải huy động vốn tư nhân trong đó có hình thức BOT.

Tuy nhiên, do BOT luôn là nội dung gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận từ trước đến nay, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra đề xuất:

“Tôi nghĩ hình thức BOT hiện nay để có thể cải thiện nên thực hiện công khai minh bạch đấu thầu công khai và có giám sát độc lập và giám sát chất lượng độc lập, như vậy sẽ tốt hơn và đem lại hiệu quả cao hơn. Chừng nào chưa có đấu thầu công khai và giám sát độc lập thì mọi ý kiến vấn đề đó rất khó có cơ sở đưa ra một kết luận chính xác được. Hiện nay thiếu công khai minh bạch và giám sát độc lập nên chất lượng BOT đang có những ý kiến khác nhau.”

Phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 8/9, Chủ tịch VARSI, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Chủng cho biết, thời gian qua, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy tiềm năng, huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, kể cả phát triển hạ tầng giao thông, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo lời người đứng đầu VARSI, Luật PPP ra đời được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Giải thích rõ hơn về điều luật mới sẽ được áp dụng từ đầu năm 2021, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đưa ra nhận định về các thay đổi tích cực và những lợi ích cho các nhà đầu tư BOT như sau:

“Lĩnh vực đầu tư đối tác công tư là luật Quốc hội mới ban hành, có 7 điểm mới. Đặc biệt trong lĩnh vực giao thông tôi thấy có nhiều lợi ích. Thứ nhất là vấn đề minh bạch thông tin, công bố dự án trong thời gian qua chưa thực hiện nghiêm túc nên chính phủ ban hành năm 2018 ra Nghị định 63 và Luật đầu tư trên tinh thần khắc phục những tình trạng đó, khắc phục những tồn tại và phát huy vai trò PPP mang lại trong thời gian tới, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực vốn đầu tư tư nhân. Thứ hai là tăng cường công tác lựa chọn các nhà thầu, chọn các nhà đầu tư. Đây là công tác hết sức quan trọng. Một điểm nữa là tạo ra cơ chế chia sẻ rủi ro của chính phủ đối với nhà đầu tư. Hoàn thiện cơ chế tài chính cho đối tác công tư mà theo đó, vốn nhà nước có thể được nghiên cứu, bố trí từ ngân sách để chi đặc trưng chung cho các dự án công tư được lựa chọn theo từng thời kỳ, phù hợp với kế hoạch đầu tư công và kế hoạch tài chính.”

Còn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Chủng, dù cho có luật để Nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro khi doanh thu thay đổi (tăng hoặc giảm) và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như: Thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan ..., thế nhưng thực tiễn cho thấy quá trình triển khai dự án từ trước đến nay đã phát sinh nhiều khó khăn. Ông liệt kê những điển hình như phương án tài chính bị ảnh hưởng, khó khăn trong thanh quyết toán công trình, các dạng vi phạm hợp đồng dự án từ phía nhà đầu tư, cơ quan nhà nước...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng những rào cản về luật pháp vẫn có xưa nay, tuy nhiên từ thực tiễn và những sửa đổi đúc kết trong việc giải quyết những khúc mắc mà PGS. TS. Trần Chủng nêu trên, thì Luật Đầu tư công tư 2020 mới được hoàn thiện.

Nhiều nhận định cho rằng tình trạng BOT tại Việt Nam thời gian qua đang gây ra nhiều bất bình trong dư luận vì không minh bạch, thậm chí còn có tin cho rằng BOT như 'sân sau' của các quan chức vì luôn được đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi vô cớ, thậm chí được ‘ngó lơ’ mỗi khi có sai phạm.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/without-the-gov-support-bot-in-vn-cant-recover-capital-after-100-years-09092020161704.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét