Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

(1) Tổng thống D. Trump và Kinh tế học Vĩ Mô

Tổng thống D. Trump và Kinh tế học Vĩ Mô (P1)
Tác giả Đỗ Ngọc Hiển - Người viết những dòng sau đây, trước hết bản thân người viết nhằm mục đích ôn lại những gì đã học về môn Kinh Tế Vĩ Mô (Macroeconomics) và thứ đến nhằm truyền đạt cho người đọc nào chưa học Kinh Tế Học (Economics) một số kiến thức tổng quát về những vấn đề trọng yếu ảnh hưởng đến đời sống của mỗi cá nhân. Sau cùng người viết muốn thử đánh giá thành quả kinh tế (Economic Performance) trong nhiệm kỳ bốn năm đầu của Tổng Thống Donald Trump.
Để bàn về những Nguyên Lý (Principles) và Chính Sách (Policy) trong Kinh Tế Vĩ Mô, chúng ta cần một số kiến thức căn bản và tổng quát trong môn Kinh Tế Học.

Trước hết chúng ta phải hiểu thế nào là một Người Kinh Tế (The Economic man). Con Người Kinh Tế là một cá nhân có lý trí (Rationale) biết phân tích và lý luận những hoạt động kinh tế (Economic Activities) như kiếm lợi tức (Income), chi tiêu (Expenditures) tiết kiệm (Saving), đầu tư (Investment) v.v để đạt được tư lợi (Self-Interest) và sự thỏa mãn tối đa (Maximum Satisfaction).

Như vậy người mất trí hay điên khùng không phải là một người kinh tế. Thứ đến con người kinh tế là một cá nhân đặt tư lợi trên hết. Tất cả các hoạt động kinh tế của họ đều nhằm mang lại tư lợi và sự thỏa mãn tối đa.

Sau cùng, con người kinh tế còn là một người tiêu thụ (Consumer) ngay cả khi mới sinh và có một thái độ tiêu thụ (Consumer behavior) hay thay đổi, khó ước đoán được, vì thái độ tiêu thụ của họ bị ảnh hưởng bởi tâm lý cá nhân (Individual psychology).

Một vấn đề khác cần bàn tới là Lý Luận Kinh Tế (Economic reasoning). Lý luận kinh tế nhằm phân tích và giải đoán một Sự Kiện Kinh Tế (Economic event) như giảm sút chi tiêu, như thất nghiệp, lạm phát v.v .. hay một Vấn Nạn Kinh Tế (Economic problem) để tìm ra nguyên nhân và hậu quả rồi đưa ra những Giải Pháp (Measures) hoặc Chính Sách (Policy) để điều chỉnh.

Lý luận kinh tế chỉ có giá trị dựa trên các chứng cớ (Proofs) qua các dữ liệu thống kê (Economic data) chứ không chỉ lý luận suông. Như người ta thường nói có một sự kiện hay một vấn nạn kinh tế thì có hàng trăm kinh tế gia có ý kiến khác nhau.

Điều này dễ hỉểu vì Kinh Tế Học là một Khoa Học Xã Hội (Social Science). Kinh tế học liên quan tới rất nhiều khoa học xã hội khác như Xã Hội Học, Tâm Lý Học, Dân Số Học, Chính Trị Học, Khảo Cổ Học v…v… và ngay cả chiến tranh, biến loạn chính trị hay đảo chính. Ngoài ra thiên tai như lụt lội, hoả hoạn, động đất và gần đây nhất là bệnh dịch corona-virus đều ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế của một quốc gia.

Trong lý luận kinh tế chúng ta phải tránh một số Ngụy Luận (Fallacies) sau đây: Ngụy luận thứ nhất là một hành động kinh tế cá thể tốt hay đúng không có nghĩa là đúng hay tốt đối với một tập thể. Tiết kiệm cá nhân (Individual saving) là một việc tốt, đáng khuyến khích; nhưng tiết kiệm tổng thể (Total saving) của đại đa số người tiêu thụ trong nền kinh tế sẽ gây ra giảm sút chi tiêu (Expenditure decrease) đưa đến ứ đọng Tài Hóa và Dịch Vụ. Do đó các nhà sản xuất sẽ giảm mức sản xuất đưa đến thất nghiệp (Unemployment) gia tăng. 


Ngụy luận thứ hai cho là một sự kiện kinh tế xảy ra trước là nguyên nhân chính của sự kiện kinh tế khác xảy ra sau đó. Thí dụ khi mức lương tối thiểu gia tăng, liền sau đó giá cả tổng quát gia tăng. Do đó người ta kết luận mức lương tối thiểu tăng là nguyên nhân chính yếu. Ngụy luận thứ ba là hai sự kiện kinh tế biến đổi cùng chiều, người ta kết luận ngay là sự kiện kinh tế này là nguyên nhân duy nhất tạo thay đổi của sự kiện kinh tế kia. Ngụy luận thứ tư là khi thiết lập một mô hình kinh tế (Economic model) người ta thường đưa ra giả thuyết các yếu tố (Factors) kinh tế khác cố định. Trong thực tế một sự kiện kinh tế xảy ra do nhiều yếu tố khác tác động tới theo cấp số cộng và cấp số nhân nữa.

Thứ đến chúng ta cũng nói qua về Phương Pháp Lý Luận (Reasoning methodology) trong Kinh Tế Học. Các kinh tế gia dùng hai phương pháp lý luận, đó là Phương Pháp Qui Nạp và Phương Pháp Diễn Dịch. Phương pháp qui nạp (Induction) là quan sát các sự kiện kinh tế đơn lẻ để đi đến một kết luận tổng thể, nói một cách khác là một giả thuyết để rồi trở thành một quy luật, thí dụ quy luật cung cầu trong thị trường, nếu được chứng minh bằng dữ liệu thống kê. Ngược lại phương pháp diễn dịch (Deduction) là từ quan sát tổng thể để giải thích các sự kiện cá nhân đơn lẻ.

Sau hết chúng ta đề cập tới các Phương Tiện (Means) để giải thích các sự kiện và hoạt động kinh tế. Các kinh tế gia sử dụng ba phương tiện sau đây để phân tích và giải đoán các vấn đề kinh tế. Thứ nhất bằng Lời (Words), thứ hai bằng Đại Số Học (Algebra) và thứ ba là bằng Đồ Hình (Graphs). Ngày nay toán học (Math) nói chung và đại số nói riêng được các kinh tế gia sử dụng tối đa qua các phương trình (Equations) và các hàm số (Functions) để phân tích và giải đoán các dữ liệu thống kê về các hoạt động kinh tế.

Chính vì vậy gần đây môn Kinh Tế Toán (Econometrics) mới xuất hiện và ngày càng trở nên quan trọng trong phân khoa kinh tế (Faculty of Economics) tại các đại học Hoa Kỳ. Các kinh tế gia nổi tiếng tại Hoa Kỳ hiện nay phần lớn họ học chuyên toán ở bậc Cử Nhân rồi chuyển sang học kinh tế ở bậc Cao Học (Master) và bậc Tiến Sĩ (Ph. D.). Ngày nay muốn lấy bằng tiến sĩ kinh tế ở Hoa Kỳ phải có trình độ toán học khá cao, đặc biệt phải học Đại Số Học bậc đại học (College Algebra), môn Vi Tính (Calculus) và Xác Xuất Học (Probability).

Trên đây là những kiến thức tổng quát, căn bản và là nền tảng cho việc tìm hiểu môn Kinh Tế Học (Economics) nói chung và Kinh Tế Học Vĩ Mô (Macroeconomics) nói riêng.

Bây giờ người viết xin đi thẳng vào chủ đề tìm hiểu kinh tế học và kinh tế học vĩ mô là gì. Kinh tế học được đặt trên nền tảng “Luật khan hiếm“ (The law of scarcity} Trước hết nhu cầu vật chất (Material wants) của một xã hội, nghỉa là nhu cầu vật chất của các cá nhân và các định chế là vô giới hạn và không bao giờ thỏa mãn nổi. Ngược lại tài nguyên kinh tế (Economic resources), nghỉa là các phương tiện sản xuất (Means of production) tài hóa và dịch vụ thì có hạn hay khan hiếm. Hai thực tế nền tảng (Fundamental facts) này cùng tạo nên vấn nạn tiết kiệm (Economizing problem) và là nền tảng cho khoa kinh tế học.

Tài Hóa Kinh Tế và Tài Hóa Miễn Phí.

Chúng ta cũng phải hiểu Tài Hóa Kinh Tế (Economic goods) và Tài Hóa Miễn Phí (Free goods) là gì. Tài hóa kinh tế được sản xuất với một giá phí (Production cost) nào đó, như sản xuất một chiếc xe hơi hay một tô phở. Ngược lại tài hóa miễn phí không có giá phí như nước biển hay không khí. Như vậy một tài hóa kinh tế không bao giờ trở thành một tài hóa miễn phí, nhưng ngược lại, một tài hóa miễn phí có thể trở thành một tài hóa kinh tế. Thí dụ người ta chế biến nước biển mặn thành nước ngọt như ở một số quốc gia thiếu nước uống. Vì nhu cầu con người vô hạn và tài nguyên hữu hạn, nên chúng ta phải tiết kiệm (To economize) và từ đó kinh tế học (Economics) mới xuất hiện. Có rất nhiều định nghĩa kinh tế học khác nhau, nhưng tựu trung định nghĩa sau đây được chấp nhận một cách phổ quát. “Kinh tế học là một khoa học nhằm nghiên cứu việc sử dụng tài nguyên hữu hạn để thỏa mãn những nhu cầu vô hạn của con người.”

Do đó bất cứ một nền kinh tế nào, Tư Bản (Capitalist), Cộng Sản (Communist), Xã Hội (Socialist) hay Hỗn Hợp (Mixed) đều phải giải quyết ba vấn nạn cốt lõi sau đây: sản xuất gì (What)? sản xuất thế nào (How)? và sản xuất cho ai (For whom)? Nói cho dễ hiểu là phải chọn lựa sản xuất gì và bao nhiêu, dùng kỹ thuật nào để sản xuất hữu hiệu nhất và phân phối tài hóa ra sao để đạt được sự công bằng xã hội tối hảo.

Sự định hình nền kinh tế.

Nền kinh tế của một quốc gia được định hình bởi thể chế chính trị của quốc gia đó. Nói đúng hơn mức độ kiểm soát và can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế là yếu tố chủ yếu định hình. Nếu dùng thước đo can thiệp (Interference) thì nền kinh tế cộng sản như Bắc Hàn (North Korea) có sự can thiệp tuyệt đối ở một đầu, đầu kia là nền kinh tế Hoa Kỳ có sự can thiệp của chính phủ ít nhất, còn hai nền kinh tế nằm giữa là xã hội và hỗn hợp. Ngày nay, trên thực tế không có nền kinh tế nào trên thế giới không có sự can thiệp của chính phủ, vấn đề là ít hay nhiều mà thôi.

Sự can thiệp của chính phủ liên quan tới ba vấn nạn kinh tế chủ yếu nêu trên, là sản xuất gì, sản xuất thế nào và sản xuất cho ai. Ba vấn nạn này được giải quyết hữu hiệu hay không tùy thuộc vào các yếu tố dưới đây: Ai là chủ đất đai, tư nhân hay nhà nước; các phương tiện sản xuất như cơ sở hành chánh, cơ xưởng sản xuất, máy móc và dụng cụ thuộc tư nhân hay nhà nước, thị trường có được tự do vận hành theo luật cung cầu hay bị chính phủ kiểm soát và định hình; có sự tự do cạnh tranh trong kinh doanh hay bị hạn chế bởi nhà nước vì sự ưu đãi của nhà nước đối với các công ty quốc doanh v.v…

Có thể nói trong nền kinh tế cộng sản Bắc Hàn sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế là tuyệt đối, trong khi đó nền kinh tế tư bản Hoa Kỳ, chính phủ chỉ giữ vai trò hướng dẫn (Guiding) và điều chỉnh (Adjustment) qua luật lệ, các biện pháp kinh tế ngắn hạn (Short-term economic measures) hay các chính sách kinh tế dài hạn (Long–term economic policies) qua Chính Sách Tiền Tệ (monetary policies) Chính Sách Tài Chánh (Fiscal policies) hay cả hai.

Nền móng của nền kinh tế tư bản Hoa Kỳ.

Trong bài này người viết chỉ đề cập tới những nguyên lý và chính sách kinh tế trên bình diện vĩ mô hay tổng thể của nền kinh tế tư bản Hoa Kỳ.

Nền kinh tế Hoa Kỳ đặt trên những nền móng sau đây. Trước hết Quyền Tư Hữu (Private property right) nhất là tư hữu đất đai, là tuyệt đối được bảo đảm bởi hiến pháp. Con người kinh tế Hoa Kỳ đặt Tư Lợi (Self interest) trên hết và tư lợi là động lực (Motive) cho mọi hoạt động kinh tế. Thị trường phải có cạnh tranh tự do theo luật cung cầu. Tư nhân làm chủ các phương tiện sản xuất, không có công ty quốc doanh chỉ có tư doanh vì đối với dân chúng Hoa Kỳ chỉ có tư nhân mới quản lý (To manage) một xí nghiệp hay một cơ quan một cách hữu hiệu (Efficiently) nhất. Theo người viết biết tại Hoa Kỳ chỉ có Bưu Điện và Đập Hoover là do chính phủ quản lý dưới hình thức cơ quan tự trị (Automous Authority). Dân chúng Hoa Kỳ quan niệm rằng sự quản trị của hệ thống công quyền (bureaucracy) kém hữu hiệu vì “cha chung không ai khóc” và tiền bạc của chính phủ là “tiền chùa” nên dễ đưa đến lãng phí và nạn tham nhũng. Điều này thể hiện rõ trong nền kinh tế chỉ huy Việt Nam hiện nay.

Thước đo thành quả kinh tế.

Khi nói đến thành quả kinh tế của một nền kinh tế người ta thường nói tới Tổng Sản Lượng Quốc Gia Xổi (Gross National Product –GNP) và ít nói tới Tổng Lợi Tức Quốc Gia Xổi (Gross National Income). Thực ra đây chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Tổng sản lượng quốc gia xổi gồm Tài Hóa và Dịch Vụ và Tổng Sản Phí (Total production costs) của nó chính là tổng lợi tức xổi của người dân gồm tiền lương (Wages) tiền lãi (Interest) phải trả khi mượn vốn (Capital) để đầu tư, tiền thuê (Rent) khi thuê mướn cơ sở hành chánh, cơ xưởng sản xuất, máy móc và dụng cụ và tiền lời kinh doanh (Business profit). Tiền lời kinh doanh này còn được gọi là lợi nhuận (Net profit) như ở Việt Nam. Theo Karl Marx 1818-83, nhà triết học kinh tế và xã hội người Đức, đó là Giá Trị Thặng Dư (Surplus value) trong cuốn sách của ông Tư Bản Luận (Das Capital) xuất bản năm 1867 ở Đức. Theo Marx tiền lời kinh doanh là tiền lương của công nhân bị chủ nhân bóc lột.

Ngược lại, chủ thuyết kinh tế tư bản coi tiền lời kinh doanh như là tiền thưởng cho khả năng quản trị (Ability of entrepreneurship). Thực ra chính các doanh nhân (Entrepreneurs) là chủ thể kết hợp các yếu tố sản xuất (Production factors) nhân công, cơ sở sản xuất, máy móc và dụng cụ để sản xuất tài hóa và dịch vụ nên tiền lời kinh doanh phải được coi như một sản phí. Như vậy sản phí của một tài hóa gồm tiền lương, tiền lãi, tiền thuê và tiền thưởng tài quản trị.

Thực ra trong thực tế, tổng sản lượng quốc gia xổi (GNP) không phải là thước đo lường chính xác thành quả kinh tế trong năm vì nó chưa trừ đi những hư mòn, hao hụt và già cỗi của các phương tiện sản xuất như cơ sở, máy móc và dụng cụ được sử dụng trong tiến trình sản xuất. Các phương tiện này cũng là một phần của tổng sản lượng quốc gia xổi. Do đó phải trừ ra khỏi Tổng Sản Lượng Quốc Gia Xổi giá phí chiết cựu (Depreciation cost) để được Tổng Sản Lượng Quốc Gia Thuần (Net National Product – NNP). Đây mới là thước đo thành quả kinh tế đích thực.

Hãy lấy một thí dụ làm sáng tỏ. Hai quốc gia A và B có tổng sản lượng quốc gia xổi bằng nhau, nhưng quốc gia A sản xuất hữu hiệu hơn nhờ nhân công bảo trì cơ sở, máy móc và dụng cụ tốt, nên ít hư hỏng, giảm bớt chi phí sửa chữa. Trái lại trong quốc gia B, cơ xưởng sản xuất, máy móc và dụng cụ không được bảo trì tốt nên phí tổn sửa chữa cao hơn. Do đó, chúng ta phải kết luận quốc gia A có thành quả kinh tế cao hơn quốc gia B, nói cách khác quốc gia A có tổng sản lượng quốc gia thuần cao hơn quốc gia B trong năm.

Một thước đo chính xác thành quả kinh tế nữa là thước đo theo tiêu chuẩn đầu người (Per Capita). Nhiều người hoảng sợ Trung Quốc hiện nay là cường quốc kinh tế thứ nhì sau Hoa Kỳ trên thế giới. Tổng Sản Lượng Xổi của Trung Quốc hiện nay gần bằng của Hoa Kỳ, chưa nói tới Tổng Sản Lượng Quốc Gia Thuần, chắc chắn Trung Quốc còn thua xa. Nhưng người đọc nên nhớ rằng Trung Quốc có 1.4 tỷ người trong khi Hoa Kỳ chỉ có 350 triệu người. Như vậy số lượng Tài Hóa và Dịch Vụ mà một người được hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ còn cách nhau rất xa. Nói khác đi mức sống (Standard of living) của một người dân còn cách nhau trời vực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngoài ra con người không chỉ sống bằng vật chất mà cần món ăn tinh thần nữa như tự do tư tưởng, tôn giáo, báo chí, chính trị, lập hội, văn học và nghệ thuật v.v…

Một thước đo thành quả kinh tế khác nữa hết mức trung thực là Lợi Tức Khả Dụng (Disposable income). Đây mới là lợi tức hay tiền mà một cá nhân mang về thực sự để chi tiêu trong gia đình. Đây là lợi tức sau khi trừ thuế lợi tức cá nhân (Individual income tax) và thuế lợi tức doanh nghiệp (Corporale income tax). Hai loại thuế này chiếm khoảng 80% tổng số thuế thu vào cho ngân sách quốc gia Hoa Kỳ. Vì thước đo này trung thực và chính xác nên các kinh tế gia thường dùng nó trong các bài toán kinh tế.

Ý niệm về kinh tế gia đình có từ xa xưa và theo thời gian phát triển trong các bộ lạc hay quốc gia. Vào thời đó các hoạt động kinh tế cũng đã được phân công hóa trong gia đình. Người chồng đi săn bắn thú rừng hay đi lưới cá để kiếm lương thực nuôi gia đình. Người vợ lo việc nội trợ trồng trọt rau quả quanh nhà, hoặc nuôi thêm ít gia súc như heo hay gà vịt để phụ thêm vào bữa cơm gia đình. Các hoạt động kinh tế nhằm nuôi sống gia đình và nếu còn dư đem trao đổi lấy các vật dụng khác. Danh từ Kinh Tế Học có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp"Oiko-nomia”. Oiko có nghĩa là gia đình (Household), nomia có nghĩa là chính sách (Policy). Vậy chúng ta có thể hiểu Oiko-nomia là môn học các sinh hoạt kinh tế gia đình.

Trường phái Kinh Tế Cổ Điển.

Trong thế kỷ XVIII có rất nhiều luồng tư tưởng kinh tế đơn lẻ đề cập tới mọi hoạt động kinh tế trong xã hội, và có nhiều Kinh Tế Gia (Economists) Triết Gia Kinh Tế (Economic philosophers) và Tư Tưởng Gia Kinh Tế (Economic thinkers) xuất hiện, phần lớn từ Âu Châu, đặc biệt từ Anh và Đức Quốc vì hai quốc gia này thời đó có nền kinh tế khá phát triển. James Mill, Henry, George Marshall, David Ricardo với các bài khảo luận về Nguyên Lý Tiền Tệ và Thuế Vụ (Theory of Money and taxation). David Ricardo cũng là người sáng lập ra trường phái Kinh Tế Cổ Điển (The founder of the classical school of economics). Chúng ta phải còn kể tới Thomas Robert Malthus (1766-1834) người Anh với khảo luận nổi tiếng về Dân Số (Essay on the principle of population). Theo Malthus, thực phẩm tăng theo cấp số cộng, dân số tăng theo cấp số nhân do đó nhân loại sẽ có nạn Nhân Mãn (Over population).

Sau hết, kinh tế gia đại diện cho trường phái kinh tế cổ điển nổi tiếng nhất thời đó là Adam Smith (1723-1790) người Tô Cách Lan (Scottish) với tác phẩm “Sự giàu có của các quốc gia” (Wealth of Nations) xuất bản năm 1776. Trong cuốn sách này Adam Smith tổng hợp và hệ thống hóa các tư tưởng kinh tế đương thời và từ cuốn sách này nền Kinh Tế Tư Bản (Capitalism) ra đời. Ông chủ trương chính sách bất can thiệp (Non-interference) hay không nhúng tay vào (Hand-off) của chính quyền vào nền kinh tế. Cơ chế thị trường tự do cạnh tranh (Mechanism of free and competitive market) sẽ hướng dẫn (Guiding) các hoạt động kinh tế và điều chỉnh (Adjusting) các vấn nạn kinh tế (Economic problems) nếu có. Ngày nay, một trong những kinh tế gia nổi tiếng đại diện cho trường phái kinh tế cổ điển là giáo sư kinh tế gia Milton Friedman tại đại học Chicago, tiểu bang Illinois.

Trong thế kỷ XIX xuất hiện một số kinh tế gia có khuynh hướng xã hội cấp tiến như Friedrich Engels (1820–95) và Karl Marx (1818–83) cả hai đều là người Đức. Engels va Marx là đồng tác giả bản “Tuyên ngôn Cộng sản (Communist Manifesto–1884). Marx viết riêng cuốn sách nổi tiếng “Tư Bản Luận” (Das Capital–1867). Hai ông này Engels và Marx đả kích kịch liệt học thuyết kinh tế tư bản cổ điển vì những bất công xã hội do nền kinh tế tư bản tạo ra, Marx cho rằng các nhà tư bản hay các ông chủ xí nghiệp thời đó bóc lột giới công nhân bằng cách trả mức lương rẻ mạt để kiếm lời tối đa mà ông cho rằng đó là Giá Trị Thặng Dư (Surplus Value) đề cập tới trong tác phẩm Tư Bản Luận của ông. Theo ông, giá trị thặng dư này chính là số lương của công nhân bị chủ nhân ăn cướp, vì vậy phải trả lại cho công nhân.

Sau đây là những điểm chính yếu của trường phái kinh tế tư bản cổ điển. Trước hết chính phủ hay nhà nước tuyệt đối không được can thiệp vào nền kinh tế và hãy để cơ chế thị trường hướng dẫn các hoạt động kinh tế và điều chỉnh các vấn nạn kinh tế. Nền kinh tế tư bản lúc nào cũng ở thế quân bình (Equilibriun) giữa cung cầu và toàn dụng nhân công (Full employment), không có thất nghiệp (Unemployment). Đôi lúc có thiếu hụt (Shortage) hoặc thặng dư (Surplus) tài hóa nhưng chỉ là đoản kỳ, trong trường kỳ cơ chế thị trường sẽ điều chỉnh lại và lập lại thế quân bình.

Các kinh tế gia cổ điển đem ra một luận cứ nữa là “số cung tạo ra số cầu” (Supply creates demand), nghĩa là các nhà sản xuất, người cung ứng (Suppliers) thường tạo ra nhu cầu tài hóa mà người tiêu thụ (Consumer) cần, như trong thí dụ điện thoại thông minh trên thị trường hiện nay. Các hãng điện thoại như Apple hay Samsung luôn luôn thay đổi mẫu mã để câu khách, và đó cũng là lý do tại sao ban nghiên cứu thị trường giữ vai trò quan trọng trong các công ty sản xuất.

Về tiền tệ và giá cả với phương trình MV = PT trong đó M là khối lượng tiền lưu hành V là tốc độ lưu hành của đơn vị tiền tệ như một đô la chẳng hạn, P là giá cả trung bình và T là khối lượng tài hóa trao đổi. Từ phương trình trên, các kinh tế gia cổ điển đi đến kết luận giá cả tăng hay giảm là do khối lượng tiền tệ tăng hay giảm, nói khác đi khối tiền tệ là nguyên nhân của việc tăng hay giảm của giá cả.

Như chúng ta biết Y1 Tổng Lợi Tức Quốc Gia, Y2 Tổng Sản Lượng Quốc Gia là hai mặt của một thực thể, cũng như hai mặt của một đồng tiền trong hai phương trình Y1 = C+S và Y2 = C2+I+G . Trong phương trình Y1 tổng lợi tức quốc gia dùng để tiêu thụ công và tư (C), còn lại tiết kiệm (S), và chúng ta đã biết tổng lợi tức quốc gia gồm tiền lương (Wages), tiền lãi (Interests) tiền thuê (Rents) và tiền lời kinh doanh (Business profits) và các loại lợi tức này chính là các loại sản phí của tổng sản lượng quốc gia. Trong phương trình Y2 tổng sản lượng quốc gia gồm chi tiêu hay tiêu thụ tư nhân (Consumption) (C2), chi tiêu cho đầu tư của xí nghiệp (Investment) và chi tiêu hay tiêu phụ của chính phủ (Government).

Như vậy chúng ta có Y1 = Y2 , tiêu thụ tư nhân và chính quyền (C) thì bằng tiêu thụ tư nhân (C2) cộng với chi tiêu hay tiêu thụ của chính quyền (G)(Government). Từ đó suy ra C = C2+G và tiết kiệm (S) bằng đầu tư (I).

Nói tóm lại, các kinh tế gia cổ điển cho rằng tiền tiết kiệm của dân chúng luôn luôn bằng tiền đầu tư của xí nghiệp, vì dân chúng gửi hết tiền tiết kiệm vào các ngân hàng và các ngân hàng này cho các xí nghiệp sản xuất vay vốn để đầu tư. Vì vậy nền kinh tế luôn luôn ở thế quân bình giữa cung cầu tài hóa và toàn dụng nhân công.

Nền kinh tế Hoa Kỳ có tăng trưởng kinh tế (Economic growth) khá cao trong thời kỳ Đệ Nhất Thế Chiến (1914–1917) nhờ các xí nghiệp quốc phòng, sản xuất vũ khí, các trang bị quân sự và lương thực. Nền kinh tế đạt được mức toàn dụng nhân công, thất nghiệp kể như không có.

Nhưng những năm sau thế chiến chấm dứt, kỹ nghệ chiến tranh giảm sút, quân nhân giải ngũ đông cộng với gánh nặng thương phế binh, nền kinh tế bắt đầu rơi vào tình trạng trì trệ (Stagnancy) rồi suy thoái (Recession) cuối cùng rơi vào cuộc Đại Khủng Hoảng ( Great depression) kinh tế vào năm 1929 và kéo dài đến hết năm 1933.

Cho đến nay các kinh tế gia cũng chưa giải thích được những lý do nào dẫn đến cuộc đại khủng hoảng hồi đó. Chỉ thấy rằng đùng một cái thị trường chứng khoán sụp đổ, dân chúng hoảng loạn (Panic) chạy đến các ngân hàng thương mại rút tiền làm các ngân hàng khánh kiệt đưa đến cả hệ thống ngân hàng tan rã. Lúc đó, Hoa Kỳ chưa có Ngân Hàng Trung Ương (Central bank), ngày nay gọi là Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (The Federal Reserve Bank–The FED). Hàng hóa thì tràn ngập thị trường nhưng không có người mua vì không có tiền do thất nghiệp cao, chiếm 20% lực lượng lao động.

Trường phái Kinh Tế Keynes.

Vào năm 1936, một cuốn sách nổi tiếng với nhan đề “Lý thuyết tổng quát về nhân dụng, lãi suất và tiền tệ" (The general Theory of employment Interest and money) của kinh tế gia người Anh John Maynard Keynes xuất hiện. Ông là một kinh tế gia và là một chuyên gia tài chánh (An Economist and financial Expert). Keynes là trưởng phái đoàn Anh Quốc tham dự hội nghị Bretton Woods Conference 1944. Ông cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc thành lập Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund–IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (The World Bank). Trong cuốn sách của ông, Keynes đưa ra giải thích mới về Chu Kỳ Thương Mại (Trade cycle). Ông nhấn mạnh về những thay đổi đầu tư nghĩa là mua máy móc, dụng cụ sản xuất (Capital goods) như là chìa khóa cho những thay đổi của tổng số cầu hay tổng số chi tiêu của giới tiêu thụ. Như những biện pháp kiểm soát kinh tế, Keynes đề xướng sử dụng những thay đổi lãi suất (Interest changes) và các công trình công cộng như sửa chữa đường xá, cầu cống, phi trường, thương cảng v.v… để bảo đảm toàn dụng nhân công. Ông cũng chú trọng tới Tái Phân Phối Lợi Tức để làm sao sức mua (Purchasing power) gia tăng theo tỷ lệ với sự phát triển của các phương tiện sản xuất (Means of production) tức là cơ xưởng, máy móc và dụng cụ. Quan điểm và lập luận kinh tế trong cuốn sách của ông được rất nhiều kinh tế gia hồi đó hưởng ứng và đồng tình và từ đó Keynes được coi như là người sáng lập ra Trường Phái Kinh Tế Keynes (Keynesian school of economics)

Tất cả kinh tế gia ngày nay không hẳn chấp nhận hay bác bỏ toàn bộ những giải thích và lập luận các sự kiện và vấn nạn kinh tế của Trường Phái Kinh Tế Cổ Điển và Trường Phái Kinh Tế Keynes. Do đó, có những bổ túc, sửa chữa hay cải tiến trong giải thích và lập luận và đưa đến hai trường phái kinh tế mới xuất hiện gần đây: Trường Phái Kinh Tế Cổ Điển Biến Thái (Neo-classical school of economics) và Trường Phái Kinh Tế Keynes Biến Thái (Neo-Keynesian school of economics). Chữ Neo có nghĩa là gần giống.

Nói chung, trường phái kinh tế cổ điển chính thống hay biến thái đặc biệt chú trọng đến số Cung tức là nhà sản xuất, trong khi trường phái kinh tế Keynes chính thống hay biến thái đặc biệt chú trọng vào số Cầu tức là giới tiêu thụ.

Ngày nay, qua kinh nghiệm thực tế đau thương của cuộc Đại Khủng Hoảng kinh tế (Great Depression) 1929–1933 tại Hoa Kỳ, và nhờ có những dữ liệu thống kê tương đối chính xác, tất cả các kinh tế gia trên thế giới nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng đều phản biện và bác bỏ một số luận cứ của trường phái kinh tế cổ điển.

Trước hết thị trường nói chung không có sự cạnh tranh hoàn hảo (Perfect competition) nên có nhiều khuyết điểm phát sinh ra nhiều vấn nạn kinh tế như thất nghiệp, lạm phát, giá cả bất ổn, trì trệ và suy thoái kinh tế. Cơ chế thị trường (Market mechanism) bất lực trong việc điều chỉnh các vấn nạn trên. Do đó, sự can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế là cần thiết. Đây cũng là quan điểm của trường phái kinh tế Keynesian.

Thứ đến, số Cung không tạo ra số Cầu. Người ta thường nói ngày nay “Người tiêu thụ là vua”. Chính giới tiêu thụ bỏ phiếu quyết định số mạng sống còn của bất cứ xí nghiệp sản xuất nào. Vì những bất cập của thị trường, cung cầu tài hóa và dịch vụ trong thị trường không luôn luôn ở mức quân bình (Equilibrium) nên thường nảy sinh nạn thừa thãi (Surplus) hay thiếu hụt (Shortage) tài hóa và dịch vụ. Hơn nữa khi nền kinh tế đạt được mức quân bình không có nghĩa là nền kinh tế có toàn dụng nhân công, không có nạn thất nghiệp.

Trước cuộc đại khủng hoảng kinh tế, Hoa Kỳ không có Ngân Hàng Trung Ương (Central Bank) để kiểm soát và điều phối khối tiền tệ (M) lưu hành và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Sau cuộc khủng hoảng, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve Bank) tương tự Ngân Hàng Trung Ương và Công Ty Bảo Hiểm Ký Thác Liên Bang (Federal Deposit Insurance Corporation) mới ra đời.

Công nhân có thể được lập Nghiệp Đoàn, nhưng ai vào nghiệp đoàn dễ bị chủ nhân sa thải và mãi sau đại khủng hoảng, Nghiệp Đoàn Công Nhân mới được chính phủ hợp thức hóa (Legalized) và được phép đình công hợp pháp. Ngày nay có rất nhiều nghiệp đoàn chuyên ngành như nghiệp đoàn sắt thép, nghiệp đoàn công nhân bốc rỡ hàng tại các thương cảng, nghiệp đoàn kỹ nghệ xe hơi, nghiệp đoàn công nhân mỏ than v.v... Tổng Liên Đoàn Lao Động và Kỹ Nghệ (American Federation of Labor – Congress of Industrial Workers) viết tắt là AFL–CIO hiện nay là lớn và quyền lực nhất tại Hoa Kỳ trên bình diện kinh tế cũng như chính trị.

Các doanh nghiệp vì ham danh lợi cấu kết với nhau thành lập các tập đoàn doanh nghiệp độc quyền (Monopolies) giảm mức sản xuất và tăng giá để kiếm lời tối đa; vì tệ nạn này mới có Luật Chống Độc Quyền (Anti-trust-law) ra đời. Tất cả những diễn biến này xảy ra trong thời kỳ Tổng thống Franklin Rosevelt 1882–1945, vị Tổng Thống duy nhất có ba nhiệm kỳ trong lịch sử tổng thống Hoa Kỳ.

Trong lãnh vực tiền tệ và giá cả tổng quát, trường phái kinh tế cổ điển đưa ra phương trình MV=PT như đã giải thích ở trên, đưa ra kết luận số cung tiền tệ có tương quan nhân quả với giá cả. Những thay đổi trong khối tiền tệ là nguyên nhân các thay đổi giá cả. Các kinh tế gia ngày nay hoàn toàn bác bỏ lập luận này vì phương trình trên là một sự thật hiển nhiên (Truism). Khối tiền tệ (M) nhân với tốc độ lưu hành (V) đương nhiên bằng số lượng tài hóa (T) nhân với giá cả trung bình (P).

Một lập luận nữa của trường phái kinh tế cổ điển là tiết kiệm (Saving) của giới tiêu thụ luôn luôn bằng đầu tư (Investment) của các doanh nghiệp. Nói rõ hơn, giới tiêu thụ luôn luôn ký thác tất cả số tiền tiết kiệm vào các ngân hàng thương mại và các ngân hàng này cho các xí nghiệp sản xuất vay hết số tiền tiết kiệm đó. Kinh nghiệm thực tế qua các dữ liệu thống kê không chứng minh được lập luận này. Vì đôi khi không có sự quân bình giữa tiết kiệm (S) của giới tiêu thụ và đầu tư (I) của giới sản xuất nên mới có nạn thiếu hụt hoặc dư thừa tài hóa và dịch vụ.

Tóm lại, cơ chế thị trường tự do cạnh tranh có nhiều khuyết điểm, vì vậy sự can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế là bắt buộc. Vì ba vấn nạn nền tảng sản xuất gì (What) sản xuất thế nào (How) và sản xuất cho ai (For whom) trong mọi nền kinh tế, nên mới sinh ra các vấn nạn kinh tế phụ. Đó là Tăng Trưởng Kinh Tế (Economic growth), Toàn Dụng Nhân Công (Full employment), Thất Nghiệp (Unemployment), Lạm Phát (Inflation), Ổn Định Giá Cả (Price stability) Suy Thoái (Recession) Thiếu Hụt Ngân Sách (Budget deficit) Nợ Công (Public debt) và Thiếu Hụt Cán Cân Thương Mại (Trade deficit). Người viết sẽ trình bày từng đề tài trên đây và những chính sách kinh tế, tiền tệ và tài chánh mà các kinh tế gia sử dụng để điều chỉnh sau đây.

Vấn nạn cốt lõi là Tăng Trưởng Kinh Tế. Làm thế nào duy trì được Tổng Sản Lượng Quốc Gia (GDP) gia tăng mỗi năm, nói nôm na là làm đồng-bánh càng ngày càng to hơn để mỗi công dân được chia miếng bánh càng ngày càng lớn hơn. Đó là mục tiêu chủ yếu và tối hậu của mọi nền kinh tế.

Các kinh tế gia đưa ra nhiều lập luận. Người thì đưa ra một yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như gia tăng đầu tư (Investment) của các xí nghiệp sản xuất, nghĩa là xây cất thêm cơ sở sản xuất, mua thêm các máy móc và dụng cụ hiện đại. Người thì cho là phải duy trì cao mức chi tiêu tổng thể của giới tiêu thụ và nhất là chi tiêu của chính quyền. Người khác chủ trương phải sử dụng một tổng hợp các yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng như giảm thuế lợi tức cá nhân và doanh nghiệp, gia tăng các chương trình công cộng (Public works) tăng mức lương tối thiểu (Minimum wage rate), hạ lãi suất tái chiết khấu (Rediscount rate) của ngân hàng dự trữ liên bang khi cho các ngân hàng thương mại vay tiền và cuối cùng là đơn giản hóa luật lệ và thủ tục hành chánh trói buộc các nhà kinh doanh.

Hiện nay có rất nhiều kinh tế gia đồng tình với lập luận tăng trưởng kinh tế “Con gà đẻ trứng vàng” được trình bày sau đây.

Trước hết, tăng trưởng kinh tế nói riêng (Economic growth) và phát triển kinh tế (Economic development) nói chung chỉ có thể xẩy ra trong một môi trường chính trị ổn định và chính phủ, nếu cần, phải can thiệp vào nền kinh tế để hướng dẫn và điều chỉnh qua việc đưa ra luật lệ kinh doanh mới hoặc thay đổi luật lệ cũ cho phù hợp. Chính phủ có hai công cụ trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, đó là Chính Sách Tiền Tệ và Tài Chánh. Chính sách tiền tệ gồm những thay đổi khối lượng tiền tệ qua thay đổi tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng thương mại, tỷ lệ tái chiết khấu (Rediscount rate) khi các ngân hàng thương mại vay ngân hàng dự trữ liên bang và qua các hoạt động thị trường mở (Open market operations) qua việc mua bán trái phiếu (Bonds) trên thị trường chứng khoán như Down Jones, Nasdaq và S&P. Chính sách tài chánh gồm những thay đổi chi tiêu thuế má của chính phủ.

Lập luận tăng trưởng kinh tế “Con gà đẻ trứng vàng" mang ý nghĩa giới kinh doanh (Entrepreneurs) cần được nâng đỡ và ưu đãi vì chính họ mang lại công ăn việc làm cho dân chúng. Họ thuê thêm nhân công, mua thêm cơ sở sản xuất, mua thêm máy móc và dụng cụ hiện đại để gia tăng khả năng sản xuất. Họ là những đầu tàu kéo con tàu kinh tế quốc gia tiến lên.

Những doanh nhân này mạo hiểm và liều lĩnh bỏ vốn kinh doanh với mục tiêu duy nhất là kiếm doanh lợi, nếu thất bại chính họ sẽ bị tán gia bại sản. Muốn có nhiều trứng ăn, phải vỗ béo con gà, hay cá nhân nếu muốn có miếng bánh ăn càng ngày càng lớn hơn phải tạo ra đồng-bánh càng ngày càng to hơn. Đây cũng là quan điểm của Trường Phái Kinh Tế Nghiêng Về Số Cung (Supply-side economics) xuất hiện gần đây mà chính Tổng Thống Ronald Reagan áp dụng trong hai nhiệm kỳ của ông và được gọi là Reaganomics, đưa lại mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững suốt trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông. Toàn thể dân chúng có lợi tức cao hơn, nhất là giới trung lưu và có một đời sống sung túc và thoải mái hơn.

Các hình thức kinh doanh.

Có ba loại hình thức hay công ty kinh doanh:

- Công ty cá nhân hay gia đình (Sole proprietor). Một cá nhân hay gia đình bỏ một số vốn riêng và mượn thêm vốn từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè nếu cần để thành lập một công ty kinh doanh sản xuất một hay nhiều tài hóa. Nếu thành công, họ được hưởng toàn số doanh lợi, nhưng nếu thất bại họ mất hết tài sản và nếu mượn nợ họ phải bán hết tài sản riêng để trả nợ. Nếu làm ăn khấm khá, muốn phát triển lớn hơn họ có thể bán trái phiếu (Bonds) đó là giấy IOU (I owe you) để gây vốn thêm.

- Công ty hùn hiệp (Parnership) cũng được thành lập và hoạt động tương tự như công ty cá nhân hay gia đình. Hai hay ba người, có thể là bạn, góp vốn thành lập công ty hùn hiệp. Họ được hưởng toàn số doanh lợi nhưng cũng có những trách nhiệm thanh toán các món nợ đã mượn, tiền mặt hay trái phiếu.

- Công ty cổ phần hữu hạn (Corporation limited). Một người hay nhiều người bỏ một số vốn khá lớn thành lập một công ty cổ phần hữu hạn và bán cổ phiếu (Stocks) và trái phiếu (IOU) để gây vốn thêm. Trái phiếu là một giấy nợ, người mua trái phiếu (Bond holder) cho vay một số tiền, đến kỳ đáo hạn, được hưởng một số tiền lãi (Interests) nhất định như 10% bất kể công ty thành công hay thất bại. Cổ phần (Stocks) cũng là một lối gây vốn nhưng người mua cổ phần (Stock holder) là một sở hữu chủ của công ty. Có hai loại cổ phần, cổ phần thường (Common stock) và cổ phần ưu tiên (Prefered stocks) có quyền lợi khác nhau. Nếu có lời, sở hữu chủ cổ phần ưu tiên được chia cổ lợi (Dividends) trước rồi mới đến sở hữu chủ cổ phần thường. Công ty cổ phần hữu hạn, trước pháp luật là một thực thể pháp lý (Legal entity) giống như một cá nhân. Những người thành lập (Founders) công ty cổ phần bỏ vốn được định giá theo số lượng cổ phần với mệnh giá như 20 đô la một cổ phần. Vì là một thực thể pháp lý, nếu có lời, các cổ đông thường hay ưu tiên chia nhau số doanh lợi dưới hình thức cổ lợi (dividends). Nếu thất bại, các cổ đông thành lập công ty và các sở hữu chủ cổ phần chỉ chịu trách nhiệm về số tiền đã hùn mua cổ phiếu. Họ không phải bán tài sản riêng để trả nợ cho sở hữu chủ cổ phiếu, hay ngân hàng nếu họ có vay.

Các công ty lớn nếu thành công, có danh tiếng và muốn gây vốn thêm để phát triển rộng lớn hơn, họ có thể niêm yết trên giàn chứng khoán nội địa như Down Jones, Nasdaq, hay S&P hoặc các thị trường chứng khoán quốc tế như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật, Singapore v.v…

Ở Hoa Kỳ, hàng tháng có hàng ngàn công ty lớn nhỏ bị phá sản và đóng cửa nhất là các công ty cá nhân và hùn hiệp, nhưng cũng có hàng ngàn công ty lớn nhỏ khác được thành lập, nhảy vào thị trường kinh doanh với hy vọng kiếm lời lớn.

Các công ty kinh doanh cũng phải đối diện với những áp lực nặng nề về những vụ kiện tụng của giới tiêu thụ về những tài hóa kém phẩm chất (Defects) như trong kỹ nghệ xe hơi, túi an toàn không hoạt động hữu hiệu khi có tai nạn giao thông. Những hãng sản xuất thuốc lá cũng thường bị kiện bởi liên bang hay tiểu bang vì gây tai hại bệnh tật cho giới tiêu thụ, đăc biệt là giới trẻ.

Các xí nghiệp sản xuất y dược hay cung cấp thực phẩm động vật và rau trái cũng phải đối đầu với nhiều vụ kiện. Quan trọng hơn nữa, các xí nghiệp sản xuất còn phải đối diện với những áp lực của các nghiệp đoàn lao động bởi các cuộc đình công đòi tăng lương, phúc lợi bảo hiểm, và môi trường làm việc thoải mái.

Lực lượng lao động.

Chúng ta cũng nên biết qua về Lực Lượng Lao Động (Labor force) và nạn thất nghiệp. Lực lượng lao động Hoa Kỳ gồm tất cả những ai trên 16 tuổi đang tìm kiếm việc làm. Như vậy học sinh Trung Tiểu Học không nằm trong lực lượng lao động. Dân số Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 350 triệu người và lực lượng lao động có khoảng 180 triệu người.

Có hai loại thất nghiệp, tự ý (Voluntary) và không tự ý hay bắt buộc (Involuntary or forced). Những người đang có việc làm mà tự ý bỏ để tìm một việc làm có mức lương cao hơn hay vì môi trường làm việc không thích hợp thì gọi là thất nghiệp tự ý. Những người đang ở tuổi lao động mà không có việc làm đang đi tìm việc làm với mức lương trung bình tương xứng trong thị trường lao động (Labor market) là người thất nghiệp không tự ý hay bắt buộc. Vậy một người lao công muốn kiếm việc làm có mức lương của một kỹ sư không được coi là người thất nghiệp.

Trước đây khi có mức thất nghiệp 4% lực lượng lao động, thì nền kinh tế được coi như có Toàn Dụng Nhân Công (Full employment). Tiêu chuẩn hiện nay là từ 5,5% tới 6% lực lượng lao động được phần lớn các kinh tế gia chấp nhận. Mức thất nghiệp bắt buộc trong nhiệm kỳ 4 năm đầu của Tổng thống Donald Trump được nhiều người coi như một phép lạ kinh tế thần kỳ. Mức thất nghiệp bắt buộc trung bình trong nhiệm kỳ của ông thay đổi từ 3.7% và 3.5% mức thất nghiệp thấp nhất trong 5 thập niên qua.

Năng suất nhân công – Chìa khóa tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề Năng Suất Công Nhân (Worker productivity) cũng nên được bàn tới vì nó liên quan đến nền giáo dục quốc gia. Năng suất công nhân được hiểu là số lượng tài hóa mà một giờ của công nhân tạo ra. Như công nhân A một giờ sản xuất được 10 cái đinh ốc chẳng hạn, nhưng công nhân B sản xuất được 50 chiếc, như vậy chúng ta có thể kết luận công nhân B có năng suất sản xuất gấp 5 lần công nhân A. Công nhân Hoa Kỳ có năng suất sản xuất vào hàng cao nhất thế giới. Đức và Nhật cũng có năng suất công nhân cao không kém.

Nền giáo dục tân tiến Hoa Kỳ hiện nay nhằm hổ trợ mục tiêu phát triển và gia tăng tiện ích vật chất nên đăc biệt chú trọng đến các khoa học như Toán Học, Vật Lý và Hóa Học Thuần Túy (Pure science) và nhất là các Khoa Học Áp Dụng (Applied science) để tạo ra nhiều kỹ sư (Engineers) và các kỹ thuật viên (Technicians) thuộc đủ ngành. Hai nhóm này là nòng cốt sản xuất trong nền kinh tế Hoa Kỳ.

Xã hội Hoa Kỳ nghiêng về vật chất, không hẳn là duy vật, nhưng không kém về phương diện tâm linh. Bằng chứng là hầu hết dân chúng Hoa Kỳ theo Thiên Chúa Giáo (Christian) và các tôn giáo khác. Có thể nói dân chúng Hoa Kỳ quan niệm “Có thực mới vực được đạo”. Nền giáo dục Hoa Kỳ hết sức tân tiến và đa dạng, tuy nhiên, khoa học và khoa học áp dụng được đặt nặng hơn vì chúng là những chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong xã hội.

Nền giáo dục Hoa Kỳ là một nền giáo dục chuyên sâu (Specialized) nhằm đào tạo ra những chuyên gia (Experts) các khoa học gia (Scientists) nổi tiếng trong mọi ngành. Chắc người đọc cũng biết trong xã hội Hoa Kỳ nếu bạn là người tài giỏi nhất (second to none) trong bất cứ ngành nào cũng có thể trở thành triệu phú. Thí dụ một thợ cắt tóc giỏi làm chủ một tiệm cắt tóc nam nữ, một thợ làm móng tay giỏi mở một tiệm làm móng tay, chã mấy hồi trở thành triệu phú như thực tế chứng minh trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại hiện nay. Trong xã hội Hoa Kỳ, bạn đừng là người cái gì cũng biết (Jack of all trades) nhưng chỉ biết lơ mơ mà hy vọng thành triệu phú.

Tuy là đặt nặng phương diện vật chất, nhưng Hoa Kỳ cũng có một nền văn hóa và văn học phát triển và tân tiến không thua quốc gia nào trên thế giới. Về văn chương và nghệ thuật, nhất là nghệ thuật phim ảnh như Hollywood ở Los Angeles và nghệ thuật diễn xuất như Broadway ở New York không có quốc gia nào qua mặt nổi. Hoa Kỳ cũng có rất nhiều nhà văn nổi tiếng như Mark Twain 1835–1910, Ernest Hemingway 1898-1961 và tiểu thuyết gia như Danielle Steel với hàng trăm cuốn tiểu thuyết.

Khi người viết theo học tại đại học Wisconsin, tiểu bang Wisconsin 1959 và đại học Georgetown 1962 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, các chính phủ như Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn và Singapore có một chính sách gửi các sinh viên học bổng hay tự túc với mục đích rõ ràng. Các sinh viên này chỉ chuyên học các khoa học như toán, vật lý và hóa học. Người viết quen rất nhiều sinh viên thuộc các quốc gia nói trên, nói chung là người Tàu theo học tại hai đại học trên. Khi hỏi môn học chuyên môn (Major subject) của họ thì chỉ là Toán Học, Vật Lý và Hóa Học Áp Dụng. Không một sinh viên nào học khoa học xã hôi như Kinh Tế Học, Xã Hội Học hay Chính Trị Học v..v…Duy chỉ có một sinh viên học Quản Trị Khách Sạn (Hotel management) Không lạ gì vì sao mà Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn và Singapore có nền kinh tế phát triển mạnh như ngày nay chỉ trong vòng 20 năm qua.

Một điểm son trong nền kinh tế Hoa Kỳ mà ít quốc gia nào có là sự tương quan mật thiết giữa các đại học và các công ty kinh doanh. Cứ mỗi kỳ ra trường cuối năm, các công ty gửi nhân viên đến các trường đại học tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc trong mọi ngành, đặc biệt là các kỹ sư giỏi. Các công ty còn tuyển lựa ngay cả các sinh viên giỏi năm chót, cấp học bổng cho họ để khi ra trường vào làm việc cho các công ty đó.

Một điểm son nữa là các doanh nhân thành công, triệu phú cũng như tỷ phú thường hiến tặng các đại học những số tiền rất lớn cho việc nghiên cứu trong nhiều lãnh vực. Steve Jobs và Bill Gates là những gương mặt điển hình. Gần đây tháng 2 năm 2020 Jeff Bezos, chủ nhân công ty Amazon với tích sản (assets) 180 tỷ mỹ kim đã hứa hiến tặng 10 tỷ mỹ kim cho các chương trình công cũng như tư nhân nhằm kiểm soát và cải tiến những thay đổi khí hậu.

Vì thế rất nhiều phát minh trong mọi lãnh vực phát xuất từ các trường đại học. Các cựu sinh viên thành công trong thương trường cũng thường trở về giúp đỡ ngôi trường mẹ đã đào tạo ra họ. Các doanh nhân triệu phú hay tỷ phú Hoa Kỳ có tinh thần xã hội rất cao, vì xã hội đã ưu đãi họ nên họ cảm thấy có trách nhiệm phải trả lại cho xã hội một phần nào bằng cách giúp đỡ các hội từ thiện hay các trung tâm nghiên cứu bệnh tật như bệnh tim, Parkinson, Alzeimer, Cancers các loại v..v…

Với nền văn hóa đặt trên căn bản độc lập và tự lập, mỗi cá nhân phải đứng trên đôi chân mình để kiếm sống, không được ỷ lại vào cha mẹ. Các nhà giàu Hoa Kỳ thường chỉ để lại một phần tài sản rất nhỏ cho con cái khi quá vãng, họ hiến tặng số tài sản còn lại cho các đại học, các hội từ thiện và các trung tâm nghiên cứu bệnh tật nói ở trên.

Trở lại vấn nạn tăng trưởng kinh tế, khi nền kinh tế có tăng trưởng kinh tế cao và bền vững qua nhiều năm, vấn đề toàn dụng nhân công và nạn thất nghiệp không còn là vấn đề nữa. Thâm thủng ngân sách cũng dần dần được cải thiện vì có tăng trưởng kinh tế hằng năm, chính phủ sẽ thu được càng nhiều thuế, đặc biệt là thuế lợi tức cá nhân và doanh nghiệp chiếm 80% ngân sách quốc gia. Nhờ tăng trưởng kinh tế, chính phủ cũng giảm được chi tiêu cho các chương trình phúc lợi xã hội như Medicaire, phiếu thực phẩm (Food stamp), trợ cấp nhà cửa (Housing) v.v... Tăng trưởng kinh tế cũng dần dà giúp giảm bớt nợ công, nhờ chính phủ thu được nhiều thuế hơn hàng năm. Trong nền kinh tế mở (Open economy) nghĩa là có giao thương quốc tế, cán cân thương mại (Trade balance) sẽ được cải thiện vì có dồi dào tài hóa các loại bán ra ngoại quốc giúp gia tăng xuất cảng và giảm nhập cảng. Tuy nhiên xuất cảng tăng còn tùy thuộc vào tổng lợi tức của các quốc gia nhập cảng. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế còn mang lại sức mạnh quân sự và ngoại giao. Công dân trong nền kinh tế tăng trưởng cũng được thơm lây, được nể trọng và mến phục trên toàn thế giới.

Lạm phát và ổn định giá cả.

Vấn đề kế tiếp là Lạm Phát và Ổn Định Giá Cả. Lạm phát (Inflation) có thể được hiểu một cách đơn giản là quá nhiều tiền đuổi theo quá it tài hóa (Too much money chases few goods) hay lạm phát phi mã (Hyperinflation) thường xảy ra trong nền kinh tế độc tài chính trị (totalitairian economic regime) như cộng sản Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam hay trong nền kinh tế kiểm soát bởi trung ương (Centrally controlled economy) như trong một số quốc gia theo chủ nghĩa xã hội cấp tiến. Vì trong các quốc gia này, ngân hàng trung ương hoàn toàn theo lệnh của thủ tướng hay tổng thống, các vị này thấy nếu cần chi tiêu thêm chỉ cần ra lệnh cho Thống Đốc Ngân Hàng in tiền thêm tiêu thả cửa và bừa bãi, chẳng thèm quan tâm tổng sản lượng quốc gia có tăng trưởng tương xứng không, do đó nhiều tiền đuổi theo ít tài hóa, giá cả tổng quát tăng vọt, đó là lạm phát.

Trong nền kinh tế tư bản tự do, Ngân Hàng Trung Ương (Central bank) hay Dự Trữ Liên Bang (The federal reserve bank-The FED) như ở Hoa Kỳ là một cơ quan độc lập và tự trị có nhiệm vụ điều phối khối lượng tiền tệ cho tương ứng với tổng sản lượng quốc gia để giá cả tổng quát không thay đổi (Price stability). Thống Đốc (The governor) của Ngân Hàng Trung Ương hay Chủ Tịch (Chairman) của FED do thủ tướng hay tổng thống bổ nhiệm và quốc hội chấp thuận với nhiệm kỳ 5 đến 7 năm tùy mỗi quốc gia, không bị thủ tướng hay tổng thống bãi nhiệm. Các vị này được hưởng mức lương rất cao và suốt đời, dù chỉ một ngày giữ chức này, ngoài ra còn được hưởng nhiều bổng lộc như nhà cửa xe cộ, nhân viên phục dịch để tránh tham nhũng. Các thống đốc hay chủ tịch là những kinh tế gia nổi tiếng, chuyên môn trong lãnh vực tiền tệ.

Trong nền kinh tế tư bản tự do, đôi khi có những xung khắc về chính sách tiền tệ giữa thủ tướng hay tổng thống và thống đốc hay chủ tịch thuộc đảng phái chính trị khác nhau. Như người viết được biết có chút xung khắc về chính sách tiền tệ giữa Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ. Chủ tịch ngân hàng dự trữ hiện nay do tổng thống Barack Obama bổ nhiệm. Xung khắc đó là Tổng T hống Trump muốn chủ tịch ngân hàng dự trữ liên bang hạ mức lãi suất tái chiết khấu (Rediscount rate) khi các ngân hàng thương mại vay tiền từ ngân hàng dự trữ. Ông chủ tịch ngân hàng dự trữ từ chối vì sợ lạm phát.

Giá cả tổng quát liên hệ với khối lượng tiền tệ và khối lượng tài hóa đang lưu hành trong nền kinh tế, do đó sự ổn định giá cả ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của người dân. Giá cả tăng, mức sống giảm và ngược lại. Một điều tai hại nữa là giá cả có tính cách cứng ngắc (Price stickiness). Nó tăng rồi đôi khi giảm chút đỉnh rồi lại tăng cao hơn mức tăng trước khi giảm và cứ như thế ngày càng cao hơn. Sự duy trì ổn định giá cả rất phức tạp, nhiêu khê được trình bày dưới đây. Một đô la chi tiêu thêm của giới tiêu thụ hay của chính phủ, một đô la đầu tư thêm của giới sản xuất, và một đô la giảm thuế chảy vào dòng hoạt động kinh tế, mỗi đồng đô la thêm này có hiệu ứng kinh tế theo cấp số nhân (Multiplier effect).

Hiệu ứng số nhân.

Dùng một thí dụ cho dễ hiểu. Một ngàn đô la (1000) chi tiêu thêm chảy vào dòng hoạt động kinh tế nó sẽ tạo ra một tổng số chi tiêu thêm gấp nhiều lần. Giả thử khuynh hướng Tiêu Thụ Biên Tế (Marginal propensity to consume) là 20% thì tổng số chi tiêu tăng gấp 5 lần chi tiêu lúc ban đầu bằng 5000 đô la. Người tiêu thụ A có lợi tức thêm 1000 đô la, nếu khuynh hướng tiêu thụ biên tế của họ là 20%, họ sẽ chi tiêu 80% tức 800 đô la và để dành 20% tức 200 đô la. Người tiêu thụ B nhận được thêm 800 đô la và theo tỷ lệ như trên họ chi tiêu 80% tức 512 đô la và để dành 20% tức 128 đô la, và cứ tiếp tục như vậy tổng chi tiêu cuối cùng bằng 5 lần tức 5000 đô la. Và ngược lại, 1000 đô la chảy ra khỏi dòng hoạt động kinh tế sẽ làm giảm chi tiêu gấp 5 lần tức 5000 đô la.

Cùng một lập luận đó, một người tiêu thụ ký thác thêm vào một ngân hàng thương mại A 1000 đô la với luật dự trữ bắt buộc (Reserve requirement) của ngân hàng trung ương hay dự trữ liên bang là 20%, họ phải bỏ vào 20% tức 200 đô la và có quyền cho vay 80% tức 800 đô la. Ngân hàng thương mại B nhận được 800 đô la ký thác phải nộp 20% tức 218 đô la cho ngân hàng trung ương và có quyền cho vay 80% tức 512 đô la và cứ như vậy tổng số tiền cho vay gấp 5 lần ký thác đầu, tức 5000 đô la. Và ngược lại 1000 đô la rút ra khỏi một ngân hàng thương mại có hiệu ứng ngược lại. Đây là sức mạnh tạo ra tiền (Money creation) của cả hệ thống ngân hàng thương mại. Như vậy người đọc thấy được vai trò của thống đốc ngân hàng trung ương hay chủ tịch ngân hàng dự trữ quan trọng và khó khăn như thế nào để kiểm soát và điều hướng khối tiền tệ tương ứng với tổng sản lượng quốc gia hiện có và duy trì được sự ổn định giá cả.

Phân chia lợi tức quốc gia.

Vấn đề kế tiếp là phân phối tổng lợi tức hay tổng sản lượng quốc gia, ai hưởng nhiều ai hưởng ít và làm thế nào đạt được công bằng xã hội tối hảo. Một số người cho rằng sự phân phối lợi tức hay sản lượng quốc gia lý tưởng và công bằng khi 20% dân số được hưởng 20% và 80% dân số được hưởng 80% tổng lợi tức hay sản lượng quốc gia. Điều này thiếu thực tế, không hợp lý và thiếu công bằng theo quy luật Hữu Dụng Biên Tế (Principle of marginal utility). Hữu dụng được tạm định nghĩa là sự thỏa mãn hay khoái lạc. Thí dụ người viết đang đói, ăn bát cơm đầu tiên thấy rất khoái, giả định đo được 10 đơn vị hữu dụng, ăn bát thứ hai 8 đơn vị, bát thứ ba 7 đơn vị, bát thứ tư 4 đơn vị, bát thứ năm 0 đơn vị và bát thứ sáu trừ 1 đơn vị (--1), nghĩa là ăn bát thứ sáu người viết không còn cảm thấy khoái lạc nữa mà cảm thấy đầy bụng khó chịu, nên ai lấy đi cũng không màng. Qui luật này phải được áp dụng cho việc phân phối lợi tức hay sản lượng quốc gia.

Đối với người triệu phú, ngàn đồng đầu tiên có hữu dụng cao vì để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết như thực phẩm, quần áo, y dược, tiện ích công cộng như điện nước, hơi đốt v.v…Những ngàn đồng kế tiếp ngày càng bớt hữu dụng hay giá trị và ngàn đồng cuối cùng, nếu mất đi, cũng không gây ra tiếc rẻ và đau khổ.

Dựa trên lập luận này, chính phủ áp dụng những loại thuế và thuế suất khác nhau trên lợi tức của người dân. Có ba thuế suất khác nhau, Lũy Tiến (Progressive) Tỷ Lệ (Proportional) và Tiệm Tiến (Regressive). Thí dụ ai có lợi tức 200 ngàn đô la một năm, 50 ngàn đô la đầu chịu thuế suất 10%, 50 ngàn đồng kế tiếp 20%, 50 ngàn đồng chót có thể phải trả 50% thuế suất. Theo thuế suất tỷ lệ, mọi người có lợi tức cao hay thấp đều phải chịu một thuế suất như nhau như 25%. Thuế suất tỷ lệ không công bằng theo quy luật Hữu Dụng Biên Tế nói trên.

Không có thuế suất tiệm tiến, nhưng có những sắc thuế tiệm tiến. Thuế lợi tức cá nhân và lợi tức doanh nghiệp là lũy tiến. Thuế tài sản (Property tax) là theo tỷ lệ, thuế được ước tính theo giá trị tài sản, thí dụ thuế suất tài sản 1.1% như ở California hiện nay. Thuế bán lẻ (Sale tax) là thuế tiệm tiến, người giàu hay người nghèo đều trả thuế suất như nhau khi mua một món hàng

Tất cả các chính phủ trong nền kinh tế tư bản đều nhằm phân chia lợi tức quốc gia để có giới trung lưu lớn, chiếm 90% dân số, còn lại hai đầu, người nghèo chiếm 5%, và người giàu chiếm 5% dân số. Như vậy 90% dân số tức giới trung lưu hưởng 90%, 5% dân số giàu và nghèo hưởng 5% tổng số lợi tức quốc gia mỗi nhóm.

Điều này dễ hiểu vì giới trung lưu lớn bảo đảm sự ổn định chính trị và kinh tế trong một quốc gia.. Đây cũng là cái nôi xuất hiện các nhà lãnh đạo quốc gia tài đức như George Washington, Winston Churchill, De Gaule và những lãnh đạo độc tài, gian ác như Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh.

còn nữa.

không rõ tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét