Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

EVFTA: Vì đâu nên nỗi?

EVFTA: Vì đâu nên nỗi?
Nguyễn Anh Tuấn - Lợi ích từ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, là khó có thể bàn cãi. Một đánh giá tác động thực hiện bởi Ủy ban Châu Âu (EC) chỉ rõ Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhất trong các nước ASEAN nếu Hiệp định đi vào hoạt động, với mức tăng thêm về xuất khẩu là 35%, về tăng trưởng GDP là 15% và lương bổng cho người lao động là 13%. [1] Những lợi ích này, khi đặt trong tương quan thâm hụt mậu dịch và lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, mới tỏ rõ hơn tầm quan trọng đối với Việt Nam, cả trước mắt lẫn dài hạn, cả về kinh tế, lẫn an ninh địa chính trị.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (thứ hai bên trái) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (thứ hai bên phải), Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmstrom (phải) và Bộ trưởng Công thương VN Vũ Huy Hoàng dự lễ ký kết thúc đàm phán EVFTA giữa Việt nam và EU ở Brussels hôm 2/12/2015
Tuy nhiên, đã hơn 3 năm rưỡi kể từ ngày được ký kết mà triển vọng có hiệu lực của Hiệp định này, vì nhiều lý do, vẫn còn mờ mịt. Chuyến thăm Việt Nam mới nhất chỉ vài ngày gần đây của Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Quốc Hội Châu Âu, đã lần đầu tiên đặt ra viễn cảnh EVFTA có thể bị trì hoãn vô thời hạn với phát biểu: “Nếu vì lý do nào đó làm chậm việc ký kết, chẳng hạn chậm 1 năm, không ai có thể biết nó sẽ diễn ra như thế nào trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu.” [2]

Ngay đây cũng cho thấy phần nào sự tai hại khi báo chí quốc doanh luôn tỏ ra lạc quan thái quá trong vài năm vừa rồi khi mà thường xuyên đưa ra các mốc nào là cuối năm 2016, đầu năm 2017, rồi đầu năm 2018, gần đây lại là giữa năm 2018, để rồi bây giờ chính người đứng đầu cơ quan nắm giữ chìa khóa của EVFTA còn không dám chắc chắn về số phận của EVFTA. Không hiểu báo chí và cơ quan tuyên giáo cấp trên có hiểu được rằng, chính việc mô tả quá lạc quan về viễn cảnh phê chuẩn EVFTA đã không ít thì nhiều khiến các bên liên quan phớt lờ những trở ngại quan trọng để rồi có khi nhận ra thì đã muộn.

Đơn cử, ông Bernd Lange, nhân dịp kể trên cũng đã nêu quan điểm không thể rõ hơn trước công luận: “Đồng nghiệp của tôi tại Nghị viện châu Âu cũng quan tâm tới công ước cốt lõi của ILO phải được phê chuẩn. Theo đó, bên đối tác phải thể hiện cam kết đầy đủ trong phê chuẩn các công ước này trước khi Nghị viện Châu Âu tiến hành xem xét để phê chuẩn hiệp định.” Và Việt Nam, theo lời ông, “phải thể hiện được cam kết mang tính ràng buộc từ phía đối tác về một lộ trình về phê chuẩn, quá trình thực thi và giám sát quá trình thực thi” [3]

Ba Công ước ILO mà Bernd Lange muốn nói đến ở đây chính là Công ước số 87 về tự do liên kết, Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể và Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Trong đó quan trọng nhất dĩ nhiên là Công ước số 87 vì là cơ sở pháp lý của nghiệp đoàn độc lập.

Trong khi phía EU đã chỉ rõ mối quan tâm chính yếu của họ thì hãy xem Chính phủ Việt Nam đã phản ứng thế nào. Đầu tháng 2/2018, Đại sứ Vương Thừa Phong, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU đã thông báo Việt Nam cam kết sẽ tham gia 3 công ước quan trọng của ILO với lộ trình hoàn tất Công ước số 87 vào tháng 10/2020. Thế mà ngay tuần trước, trong buổi gặp với Bernd Lange, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH lại đưa ra một lộ trình khác là dự kiến phê chuẩn Công ước 87 vào năm 2023.

Đáp lại mối quan tâm bậc nhất của đối tác bằng những thông báo tiền hậu bất nhất như vậy trách sao EVFTA lại khó có thể suôn sẻ cho được?

Đó là còn chưa nói đến chính vì hồ sơ nhân quyền và ô nhiễm môi trường bết bát mà nhiều Nghị sĩ EU, dẫu muốn tăng cường thương mại với Việt Nam, cũng khó lòng ủng hộ hết lòng cho được.

Bởi thế, chẳng hề bất hợp lý khi nói rằng, có một thế lực nào đó trong số những người nắm quyền ở Việt Nam, trong khi bỏ rơi lợi ích giai cấp công nhân Việt Nam và phớt lờ môi trường bị ô nhiễm vì quyền lợi thiểu số giới chủ (nhất là giới chủ FDI), đã vô tình hay cố ý, ngăn chặn việc phê chuẩn EVFTA từ phía EU, qua đó cản trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như gia tăng sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc.

Giải pháp duy nhất hiện nay là phải ngay lập tức phê chuẩn và nội luật hóa các Công ước ILO kể trên, cải thiện hồ sơ nhân quyền và ô nhiễm môi trường để EU không còn lý do gì trì hoãn việc phê chuẩn EVFTA, đem lại nguồn lợi to lớn cho kinh tế Việt Nam. Chậm trễ để rồi lại khiến Việt Nam lỡ tàu lần này chắc chắn sẽ để lại những di họa to lớn đáng chê cười về sau, xin nhớ lấy.

Nguyễn Anh Tuấn
------------------------
[1] http://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2018/614702/EPRS_BRI(2018)614702_EN.pdf
[2] [3] https://nhadautu.vn/fta-viet-nam-eu-ap-luc-toi-phan-viec-sau-cung-d11962...

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét