Thái Lan từ bỏ tham vọng đặc khu kinh tế vì kém hiệu quả
16/08/2018 - Chính phủ Thái Lan điều chỉnh lại chiến lược xây dựng đặc khu kinh tế, thay vào đó đẩy mạnh liên kết các nước láng giềng, tăng kết nối khu vực... Nikkei Asian Review ngày 15/8 dẫn lời Phó thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết các cơ quan chính phủ nước này đang lên kế hoạch phát triển những khu vực biên giới thay vì tiếp tục theo đuổi mô hình xây dựng đặc khu kinh tế (SEZ).
Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak. Ảnh: The Nation.
Chiến lược này nhằm thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời tạo tại thêm việc làm cho người dân, thu hẹp sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. "Thái Lan có vị trí trung tâm của khu vực và cần biết tận dụng tối đa những cơ hội từ vị thế này", ông Somkid cho biết.Kể từ khi nắm quyền vào năm 2014, chính quyền quân sự Thái Lan đề ra những dự án SEZ, xây khu công nghiệp lớn ở các tỉnh biên giới còn kém phát triển. Tuy nhiên, tham vọng này nhanh chóng "phản tác dụng". Tình trạng đầu cơ, sốt đất đã đẩy chi phí xây dựng vượt ngoài dự tính ban đầu.
Mô hình đặc khu ở các tỉnh biên giới cũng không đảm bảo khả năng cạnh tranh với những nước láng giềng dọc sông Mekong. Hàng hóa từ những nền kinh tế đang phát triển như Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam có thể được miễn thuế nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU). Trong khi đó, Thái Lan với vị thế một nền kinh tế phát triển hơn phải đối diện với mức thuế gần 30% đa số các mặt hàng nhập khẩu vào EU. Một số mặt hàng có thể chịu thuế lên đến 100%.
"Những yếu tố đó khiến chúng tôi phải cân nhắc lại về các dự án SEZ. Thực tế là Thái Lan cần rút kinh nghiệm từ các dự án này, thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng thay vì tranh đua", ông Somkid nhấn mạnh.
Thái Lan muốn chú trọng nhiều hơn vào các dự án xây dựng đường sắt kết nối khu vực, cải thiện giao thông và hậu cần ở các vùng tiếp giáp biên giới để thúc đẩy thương mại và đầu tư tại các đặc khu của những nước láng giềng. Đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan vào hàng hóa xuất khẩu từ các nước láng giềng cũng tránh được hàng rào thuế quan của EU.
Nhà máy sản xuất xà phòng trong Đặc khu kinh tế Savan Seno, Lào. Ảnh: Savanpark.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, ông Korbsak Pootrakool cho biết trước mắt nước này sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ hậu cần tại tỉnh Mukdahan. Khu vực này nằm sát biên giới với Lào, gần đặc khu kinh tế Savan Seno của nước láng giềng.
"Cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ hậu cần sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư Thái Lan quan tâm đến các dự án của Lào và hàng xuất khẩu từ nước bạn, giúp tận dụng lợi thế thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU", ông Korbsak cho biết.
Chính phủ Thái Lan cũng dự tính đầu tư vào các cơ sở phục vụ thương mại và hậu cần ở những tỉnh biên giới phía tây và phía bắc, gần 2 thành phố Dawei và Myawaddy của Myanmar. Cả hai thành phố đều có những dự án đặc khu kinh tế.
Thái Lan kỳ vọng thương mại với Myanmar sẽ tăng gấp đôi từ giờ đến năm 2026, đạt 12 tỷ USD.
Thâm Quyến phá dỡ 'biên giới đặc khu' sau bốn thập kỷ
Bắc Kinh đã chính thức chỉ thị xóa bỏ hệ thống hàng rào và đồn bốt kiểm soát được dựng lên để bảo vệ vùng lõi ban đầu của đặc khu kinh tế Thâm Quyến cách đây 40 năm.
Jeju: 'Hòn đảo mơ ngủ' và những đặc quyền duy nhất ở Hàn Quốc
Cho đến trước khi những chính sách đặc biệt làm thay đổi bộ mặt Jeju, hòn đảo "mơ ngủ" này chỉ được biết đến với ba thứ nổi tiếng: đá núi lửa, gió và những ngôi làng toàn phụ nữ.
Thanh Danh
https://news.zing.vn/thai-lan-tu-bo-tham-vong-dac-khu-kinh-te-vi-kem-hieu-qua-post869119.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét