Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Tin lạ: cần 'xét lại' các dự án vay vốn TQ

Tin lạ: Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng KHĐT) đã và đang quyết liệt bảo vệ dự luật Luật đặc khu kinh tế nay lại dám chê vốn Tàu thì khó tin thật.
VN cần 'xét lại' các dự án vay vốn TQ
16 tháng 8 2018 - Chi phí cao hơn dự kiến và lãi suất cao khiến Hà Nội khuyến cáo chính phủ cần xét lại các dự án vay vốn Trung Quốc. Các khoản cho vay và viện trợ từ Trung Quốc tính lãi suất hàng năm là 3%, cao hơn lãi suất 0,4% -1,2% của Nhật Bản, 0%-2% Hàn Quốc, và 1,75% của Ấn Độ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra lời cảnh báo chính phủ Việt Nam về vốn vay ưu đãi và hỗ trợ phát triển chính thức từ Trung Quốc. Họ cho hay nhiều dự án như vậy đã được quản lý một cách yếu kém trong khi Hà Nội phải bỏ ra chi phí nhiều hơn dự kiến, theo Nikkei Asian Review.
Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Thủ tướng 
TQ Lý Khắc Cường (trái) tại Bắc Kinh năm 2016
Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được truyền thông Việt Nam trích dẫn, Bộ này cho hay các dự án vay vốn Trung Quốc nhìn chung có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với vay từ các nước khác. Theo VnExpress, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý chính phủ định hướng thời gian tới vay vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc.

Các khoản cho vay và viện trợ từ Trung Quốc tính lãi suất hàng năm là 3%, cao hơn lãi suất 0,4% -1,2% của Nhật Bản, 0%-2% Hàn Quốc, và 1,75% của Ấn Độ. Chưa kể, vay vốn từ Trung Quốc sẽ phải chịu phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, trong khi thời hạn vay và ân hạn đều ngắn hơn các thị trường vốn khác, lần lượt 15 và 5 năm. Các khoản vay tín dụng ưu đãi được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank), theo VnExpress.

Nhiều dự án thuộc chương trình ODA của Bắc Kinh tiến triển chậm và có chất lượng kém, dẫn đến tăng đầu tư để khắc phục các vấn đề phát sinh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuyến tàu điện đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng bởi nguồn vốn ODA của Trung Quốc, chạy thử nghiệm đầu tiên vào tháng 8/2018. Tàu điện ngầm ở Hà Nội dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019, trễ bốn năm so với lịch trình dự kiến. Tổng mức đầu tư đổ vào dự án này lên đến 18.000 tỷ đồng (770 triệu đô la), gấp hơn hai lần so với kế hoạch ban đầu là 8,7 nghìn tỷ đồng.

Khi Bắc Kinh đẩy mạnh sáng kiến Vành đai, Con đường trên toàn khu vực, những lo ngại về các dự án vay vốn Trung Quốc trở nên thêm trầm trọng.

Nhiều dự án thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc trong các khu vực khác nhau của châu Á sử dụng công nghệ lạc hậu và thiết bị lỗi thời, các học giả Việt Nam cho hay. Họ đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phải chọn lọc kỹ hơn các dự án vay vốn Trung Quốc, vì một số nước trong khu vực như Sri Lanka và Malaysia ngày càng trở nên thận trọng về đầu tư của nước này.

Thời gian qua, một số dự án liên quan đến vay vốn, hợp tác với Trung Quốc tại Việt Nam đã để lại tiếng xấu và hệ luỵ rất lớn cho nền kinh tế, như: Đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai..., theo Dân trí.

Mới đây, chính phủ Myanmar đã phải xem xét lại một số dự án vay vốn Trung Quốc, trong đó có dự án cảng Kyauk Pyu ở bang Rakhine, theo The South China Morning Post. Đây là dự án tham vọng của Trung Quốc, nằm trong sáng kiến Vành đai, Con đường, nhằm mở rộng các kết nối thương mại toàn cầu. Nhưng Myanmar lo ngại sẽ trở thành con nợ phụ thuộc vào Trung Quốc.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45204268

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét