Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Tín dụng đen càn lướt: ​Dân nghèo kiệt quệ

Tệ nạn này xảy ra ở khắp cả nước chứ đâu chỉ ở Tây Nguyên. Chính quyền hoàn toàn lam ngơ, cột điện, bức tường nào cũng bị dán quảng cáo mời dân nghèo vay tiền. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác cũng làm ngơ, mặc kệ lũ dân đen ngu dốt, bẩn thỉu sống chết thế nào, vì đụng vào chuyện này chỉ mất công sức mà không kiếm được tiền.
Tín dụng đen càn lướt Tây Nguyên: ​Dân nghèo kiệt quệ
18/08/2018 - Những đầu mối “tín dụng đen” tại các làng xã vùng sâu ở Gia Lai đang “hút máu” đồng bào bằng cách cho họ vay tiền, ứng gạo, phân bón với lãi suất cắt cổ… Khi con nợ cạn khả năng chi trả, lập tức bị chủ nợ lấy mất cả đất lẫn nhà, khiến họ đã nghèo đói lại thêm khổ cực triền miên.
Tín dụng đen giăng mắc, vây bọc người nghèo. 
Vay tiền trả bằng nông sản
Thực tế cho thấy các văn bản do UBND tỉnh Gia Lai ban hành từ trước tới nay nhằm ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” dường như không mấy hiệu quả. Bởi tệ nạn này tại các địa bàn vùng sâu vẫn đang diễn ra và lan tràn, thậm chí còn sôi động hơn trước.


Đi một vòng quanh buôn Chai (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai), tôi ghé vào gia đình chị Siu H’Min (SN 1980). Sự nghèo đói xuất hiện ngay từ ngoài sân với cảnh cả 6 đứa con của chị H’Min đang phải chia nhau một ổ bánh mì.

Gọi là nhà cho “sang” vì bên trong có một gia đình trú ngụ, chứ thực ra đó chỉ là một cái chòi rộng hơn chục mét vuông, phần mái và 4 bên hông được che đậy bởi những miếng tôn thủng đã han gỉ, gá tạm bợ vào mấy chiếc cột nhỏ cong queo. Bên trong cũng không có thứ gì giá trị, ngoài 2 cái xoong và chiếc xe máy cũ trị giá khoảng 1 triệu đồng, do một đầu mối “tín dụng đen” ở cùng địa phương là bà M.C cho mượn tiền mua, chồng chị H’Min phải làm thuê trả nợ.

Mỗi lần con cái đau ốm, hay gia đình hết gạo, chị H’Min lại tìm đến nhà bà M.C để ứng tiền.

“Mình ứng 300.000 đồng, sau này đến vụ, bà M.C sẽ đến lấy 3 bao khoai mì (tức sắn lát) khô. Gần đến lúc thu hoạch bà ấy sẽ ghé nhà, đưa trước cho mình mấy cái bao cỡ lớn để mình đựng khoai mì vào đó. Đúng ngày bà ấy sẽ cho xe đến chở về nhà”, Chị H’Min nói.


Gia đình chị Siu H’Min kiệt quệ vì “Tín dụng đen”.

Theo lời kể của chị H’Min, em gái của chị là Siu H’Len (SN 1988, buôn Chai) vừa lấy chồng cũng phải vay của bà M.C. 60 triệu đồng, nguy cơ không thể trả nổi. Bà M.C. cảnh báo nếu đến năm 2019, Siu H’Len không thanh toán được khoản nợ trên thì cả 2 sào đất thổ cư và 6 sào đất rẫy của gia đình Siu H’len sẽ bị chủ nợ “thu hồi”.

Nhìn những đứa con khóc vì đói, chị H’Min nóng ruột bảo: “Tối rồi. Anh cần gì thì hỏi nhanh đi để mình còn đi ứng gạo về nấu cơm. Mình ứng M.C 5 bao rồi, nếu tới năm 2019 mà không trả được sẽ thành 10 bao. Lo lắm”.

Ở cùng buôn, chị Ksor H’Máo (sinh năm 1995) là lao động chính trong gia đình có 11 người.

Chị H’Máo chia sẻ: "Mỗi lần hết gạo đều qua nhà M.V, cũng là người cùng xã lấy, mỗi bao bị tính 700.000 đồng, trong khi đó nếu mua ngoài đại lý, trả tiền luôn thì chỉ có 450.000 đồng. Nếu như được ứng 1 triệu đồng sẽ phải trả 10 công làm. Trong khi mỗi công làm thời điểm này được trả 200.000 đồng.

Biết là mình bị ép, nhưng lúc người nhà bị đau ốm thì cũng phải cắn răng mà vay.

“Hiện tại để trang trải cuộc sống, sau khi đi làm về, chồng em ra sông Ba bắt cá để kiếm thêm thức ăn cho gia đình. Không có tiền mua thịt lợn về cho gia đình ăn đâu. Toàn bộ tài sản của 11 người nhà em bây giờ chỉ có 200.000 nghìn, chính là khoản tiền em vừa đi vay”, chị H’Máo ngậm ngùi.

Cả làng đi vay nặng lãi


Ông Rơ Ô Loan, Trưởng thôn buôn Chai cho biết: "Trong buôn có 204 hộ dân thì 190 hộ đã sa vào bẫy 'cung ứng' từ 5 đầu mối 'tín dụng đen'. Trong đó, đầu mối lớn nhất là bà L.Th đã hoạt động gần 20 năm".


Chị Siu H’Máo biết mình bị ép với mức lãi quá cao nhưng vẫn phải vay.

Theo vị trưởng thôn này, mới đây, có gia đình anh Ksor Plông phải nuôi 6 miệng ăn, do túng thiếu nên vay 20 triệu đồng với lãi suất cao, vì không có khả năng trả, nên bà L.Th. đã lấy 1 ha đất của hộ dân này. “Vừa rồi xã gọi bà L.Th. lên nói chuyện, nhắc nhở. Tuy nhiên người này không lên. Tôi đề nghị công an có biện pháp mạnh tay hơn để người dân trong buôn không bị cạn kiệt nguồn sống”, ông Loan nói.

Ông đồng thời cho biết ngay gia đình ông cũng phải vay của bà L.Th. 20 triệu đồng, với lãi suất 600.000 đồng/tháng.

Báo chí nên vào cuộc

Liên quan việc xác định căn cứ để có thể xử lý hình sự cho vay nặng lãi, Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Ðắk Lắk, cho biết: Nếu như việc các đầu mối 'tín dụng đen' không để lại bút tích thể hiện thì cần lấy lời khai của nhiều người.

Một người chưa đủ tin cậy, nhưng hàng chục người đều khai giống nhau thì đó có thể xem là dữ liệu, căn cứ để khởi tố. Và cơ quan chức năng có thể tính ra mức tiền. Ví dụ 1 tạ gạo giá 20 triệu đồng, cuối năm phải trả tới 200 triệu đồng thì rõ ràng là đã vay nặng lãi.

Báo chí nên vào cuộc phơi bày thực trạng này, nhằm ngăn chặn những bàn tay bóp cổ người dân. Ðồng bào thiểu số đa số trình độ thấp, trong hoàn cảnh khó khăn nếu có người đưa gạo tiền thì họ nhận thôi. Khi đó họ đâu có hiểu sau này sẽ phải trả bằng một lãi suất khủng khiếp như vậy.

https://www.tienphong.vn/ban-doc/tin-dung-den-can-luot-tay-nguyen-dan-ngheo-kiet-que-1314307.tpo

Theo Tiền Lê/Tiền Phong
https://news.zing.vn/tin-dung-den-can-luot-tay-nguyen-dan-ngheo-kiet-que-post869593.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét