Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Kỳ dị: Đốt chân dài, sổ đỏ cho người âm

Đốt chân dài, sổ đỏ cho người âm, tổ tiên nào muốn vậy?
TRẦN PHƯƠNG (GDVN) - Giáo sư Đặng Vũ Cảnh Khanh cho rằng chẳng tổ tiên nào muốn con cháu mình đốt những thứ vật phẩm kỳ dị như vậy cả, việc này vừa méo mó văn hóa vừa lãng phí. “Tôi cho rằng nếu như có một thế giới âm nào đó, các cụ tổ tiên sẽ dõi theo con cháu của mình và mong rằng con cháu sẽ làm tốt vai trò của mình, sống tốt về đạo đức về cuộc sống. Không tổ tiên nào che chở con cháu mình khi chúng làm sai trái đạo lý để rồi đốt cho họ cả đống vàng mã an ủi để được bỏ qua”.

Biệt phủ sổ đỏ là mặt hàng được ưa 
chuộng mỗi dịp rằm tháng 7 về. (Ảnh: LC)
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ rằm tháng 7 Âm lịch, rất nhiều gia đình đua nhau mua sắm vàng mã đốt cho người đã khuất. Việc coi trọng cội nguồn tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Truyền thống này đã ăn sâu vào suy nghĩ của từng con người bởi ai cũng thấm thía câu nói “Cây có cội, nước có nguồn, con người ta có tổ tiên”, hay “Uống nước nhớ nguồn”…

Tục thờ cúng tổ tiên đã được duy trì cả ngàn đời nay thành mạch chảy tâm linh trong mỗi con người.

Theo truyền thống Phật giáo, Rằm tháng 7 là lễ Vu Lan, là dịp để con cháu báo hiếu với ông bà, cha mẹ - những người thân yêu đã về bên kia thế giới.


Trong cả năm thì có lẽ lễ Rằm tháng 7 là dịp đốt vàng mã nhiều nhất, vì nhiều người cho rằng đốt vàng mã vào thời điểm này thì người nhà ở cõi âm dễ nhận được.

Tuy nhiên, những năm gần đây, phong tục đốt vàng mã đang bị nhiều người lạm dụng, bị biến tướng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, gây ra sự lãng phí rất lớn.

Vật phẩm đốt cho những người đã khuất không còn dừng lại ở giấy tiền xu, thiếp vàng mã hay chút giấy thay vải cho người đã khuất nữa mà nó biến tướng thành đủ thứ.

Nhiều người đã hiểu sai (hoặc cố tình hiểu sai) ý của câu nói “trần sao, âm vậy”, cho nên họ không chỉ đốt cho người đã khuất tiền bạc, ti vi, nhà lầu, xe hơi, điện thoại... thậm chí đến giờ còn có cả người giúp việc, sổ đỏ...


Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ vàng mã, cúng sao, xin ấn

Theo thống kê chưa đầy đủ thì trung bình mỗi năm người dân đốt hết 5000 tỷ đồng tiền vàng mã. Tiền thật đổi lấy những tờ giấy và đốt bỏ theo một niềm tin mơ hồ.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng, việc đốt vàng mã như hiện nay là một sự lãng phí vô cùng lớn.

Theo Giáo sư Khanh, đốt vàng mã cho người đã khuất ở Việt Nam cũng như ở một số nước Á đông ban đầu xuất phát với ý nghĩa tốt đẹp, tưởng nhớ tới người đã mất.

Tuy nhiên, việc đốt vàng mã này được người dân sử dụng như thói quen, nhiều người áp dụng mà không hiểu rõ ý nghĩa, cho nên mới bị biến tướng và lạm dụng như ngày nay.

“Chuyện ông bà tổ tiên, hay thánh thần có nhận được lễ vật, tiền bạc thông qua việc đốt vàng mã hay không thì không ai biết.

Theo tôi, không ông bà tổ tiên nào muốn con cái mình thể hiện lòng hiếu thảo bằng cách này.

Truyền thống của người Việt là sự hòa hợp giữa tổ tiên, con cháu. Việc đốt vàng mã cũng là một cách trấn an tinh thần và đó là phong tục thì cũng nên chấp nhận phong tục ấy.

Nhưng nên chấp nhận theo ý nghĩa tốt đẹp, việc đốt vàng mã đó là việc tưởng nhớ đến người xưa, những đấng sinh thành việc đóng góp cho tổ tiên làm người ta yên tâm, an định.

Thế nhưng, đốt vàng mã càng nhiều thì có nghĩa càng đi ngược lại tinh thần truyền thống”. Giáo sư Khanh bày tỏ.

Mức độ đốt mã của người Việt tăng dần trong những năm gần đây. (Tranh minh họa: họa sĩ LAP)

Giáo sư Khanh chia sẻ: “Tôi cho rằng nếu như có một thế giới âm nào đó, các cụ tổ tiên sẽ dõi theo con cháu của mình và mong rằng con cháu sẽ làm tốt vai trò của mình, sống tốt về đạo đức về cuộc sống.

Không tổ tiên nào che chở con cháu mình khi chúng làm sai trái đạo lý để rồi đốt cho họ cả đống vàng mã an ủi để được bỏ qua”.

Đốt vàng mã là một tín ngưỡng văn hóa của dân tộc ta từ nhiều đời nay, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của con, cháu với thế hệ đi trước.

Tuy nhiên, quá lạm dụng việc đốt vàng mã hay đốt vàng mã không đúng nơi quy định lại gây ảnh hưởng không tốt đến nếp sống văn hóa hay cảnh quan môi trường xung quanh.

Căn cứ theo quy định tại điều 15, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, việc đốt vàng, mã không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa.

Trần Phương
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin-van-hoa/Dot-chan-dai-so-do-cho-nguoi-am-to-tien-nao-muon-vay-post188790.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét