Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Tư bản thân hữu TQ hay là căn bệnh toàn cầu

Tư bản thân hữu Trung Quốc hay là căn bệnh toàn cầu
03-8-2018 NGUYỄN QUỐC TRUNG - Nguồn gốc của tư bản thân hữu ở Trung Quốc, theo tác giả là cách thức thay đổi thể chế làm tăng tham nhũng, khởi đầu là ở lĩnh vực đất đai và khoáng sản, sự chuyển nhượng và phát triển bất động sản. Sự nhập nhằng về quyền tài sản trên danh nghĩa quyền nhà nước thời kỳ hậu Thiên An Môn tạo cơ hội cho giới chóp bu chính trị và kinh tế chiếm đoạt sở hữu tài sản với giá thấp hay không mất đồng nào. Các đại gia ở Trung Quốc thời kỳ này thường là ở ngành bất động sản. Muốn chiếm đoạt đất đai số lượng lớn, có ưu thế để kinh doanh nhất thiết phải nắm được quy hoạch, và bằng cách này hay cách khác phải mua được chính quyền địa phương. Đây chính là dạng đầu tư trước tiên. 
Trên mỗi chương đoạn của Tư bản thân hữu Trung Quốc(*), tác giả Minxin Pei đều viện dẫn phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều đó thể hiện vấn đề cuốn sách đặt ra là hết sức nhạy cảm. Cho dù Minxin Pei là giáo sư khoa Chính trị học Đại học Claremont McKenna ở California (Mỹ) kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Keck, năm 2008 tạp chí Prospect (Anh) chọn ông vào bảng 100 nhà trí thức của công chúng. Nghĩa là ông ở vùng khá an toàn khi viết cuốn sách này. Có người cho rằng ông quá thận trọng, nhưng sự thận trọng cũng là cần thiết.

Tham nhũng không phải là căn bệnh nữa mà là đại dịch xảy ra trên bình diện toàn cầu, nhưng ở những nước từng có biến động lớn trong đời sống chính trị hay đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế thì tư bản thân hữu có nguy cơ phát triển nhanh hơn, tinh vi và cực kỳ nham hiểm vì nó câu kết, móc nối với quyền lực bòn rút đến cạn kiệt tài nguyên, khoáng sản, làm băng hoại đạo đức và gây rối loạn xã hội.

Nguồn tư liệu, qua các vụ đại án về các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu, phần lớn đã được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc, dồi dào tới độ nhiều khi người đọc cảm thấy tác giả hơi tham, không biết chọn lọc để lại những sự vụ điển hình, nhưng quả thực nếu lược bỏ sẽ rất tiếc. Điều đó chứng tỏ Minxin Pei đã công phu thu thập tư liệu mấy thập kỷ.

Mở đầu tác giả điểm những vụ trọng án, điển hình là vụ Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, có trách nhiệm giám sát các lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc. Chu từng là người đứng đầu tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc. Chu Bân, con trai cả của ông ta, chuyên dàn xếp hợp đồng của tổng công ty dầu khí quốc gia và mua rẻ tài sản của tập đoàn dầu khí khổng lồ này. Chỉ một phi vụ, Chu Bân đã mua một mỏ dầu 10 triệu NDT rồi bán cho một nhà kinh doanh với giá 500 triệu NDT. Chu Bân còn hợp tác với Liu Han tác động với chính quyền Tứ Xuyên, nơi Chu Vĩnh Khang đang là bí thư tỉnh ủy, xây dựng ba trạm thủy điện, và được ngân hàng nhà nước cho vay 600 triệu NDT, sau đó chúng đã bán được 1,7 tỉ NDT.

Đây chính là tiêu biểu cho tham nhũng câu kết, nó tàn phá dữ dội hơn tham nhũng cá nhân vì hành vi đó hủy hoại cơ cấu tổ chức và chuẩn mực của nhà nước, khó bị phát hiện hơn vì được che chắn bởi chính quyền, mang lại cho chúng khối tài sản khổng lồ. Tham nhũng câu kết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và sự sống còn của chế độ.

Chu Vĩnh Khang chính là con hổ lớn trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của Tập Cận Bình. Nhưng đây không phải là vụ cá biệt, vụ án Lệnh Kế Hoạch, Chánh văn phòng đầy quyền lực trong Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, phụ tá lâu năm của Hồ Cẩm Đào - Tổng bí thư 2002-2012. Dựa vào quyền lực của Lệnh, gia đình ông ta có tài sản khổng lồ. Em trai út là Lệnh Hoàn Thành, chủ sở hữu công ty quản lý đầu tư, kiếm được 1,2 tỉ NDT. Chị dâu, cháu trai Lệnh sở hữu công ty quảng cáo và giành được hợp đồng quảng cáo Thế vận hội Bắc Kinh 2008 và World Expo Thượng Hải năm 2010, vợ Lệnh sở hữu hợp pháp nhiều công ty truyền thông và Internet.

Nguồn gốc của tư bản thân hữu ở Trung Quốc, theo tác giả là cách thức thay đổi thể chế làm tăng tham nhũng, khởi đầu là ở lĩnh vực đất đai và khoáng sản, sự chuyển nhượng và phát triển bất động sản. Sự nhập nhằng về quyền tài sản trên danh nghĩa quyền nhà nước thời kỳ hậu Thiên An Môn tạo cơ hội cho giới chóp bu chính trị và kinh tế chiếm đoạt sở hữu tài sản với giá thấp hay không mất đồng nào. Các đại gia ở Trung Quốc thời kỳ này thường là ở ngành bất động sản. Muốn chiếm đoạt đất đai số lượng lớn, có ưu thế để kinh doanh nhất thiết phải nắm được quy hoạch, và bằng cách này hay cách khác phải mua được chính quyền địa phương. Đây chính là dạng đầu tư trước tiên. 

Quan chức chính quyền và giới điều hành doanh nghiệp nắm thực sự tài sản nhà nước lại luôn có tư tưởng họ nắm quyền điều hành khối tài sản ấy sẽ được hưởng lợi. Doanh nghiệp tư nhân không có quyền lực chính trị sẽ dùng cách hối lộ để đạt bằng được sở hữu tài sản đó. Hối lộ bằng tiền, bằng kim loại quý, bằng đồ dùng có giá trị cao và cả bằng gái gú. Ngoài hối lộ, có lúc chúng còn dùng đến bạo lực và đe dọa để chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Tác giả mổ xẻ tình trạng phổ biến ở Trung Quốc là hệ thống ngân sách địa phương dựa vào đất đai. Tầm quan trọng của việc bán đất với tài chính công ngày càng tăng khiến các chính quyền địa phương khát tiền dẫn đến tìm cách khai thác đất đai do họ kiểm soát. Chính quyền địa phương thu được khoản ngân sách lớn từ tiền bán đất. Nhưng số tiền này không được cho các khoản chi dịch vụ xã hội và tiền lương cho nhân viên chính quyền mà đầu tư cho tài sản cố định. Đây cũng là kẽ hở cho tham nhũng và tăng thêm bất công trong xã hội. 

Bên cạnh đó, sự phát triển của quyền khai thác mỏ, phân cấp cho chính quyền địa phương quản lý, đã tạo nên kẽ hở để giới tư nhân móc ngoặc với chính quyền địa phương chiếm đoạt khối tài nguyên khổng lồ. Khi chính quyền địa phương được quyền loại bỏ doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ sẽ tạo ra nhiều cơ hội chiếm đoạt của nhóm lợi ích. Quá trình này cho phép giới doanh nhân địa phương có thế lực và quan chức chính quyền mua rẻ tài sản doanh nghiệp nhà nước. Tài sản này thường được định giá rất thấp và các khoản nợ thuế vay ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước phá sản đều bị người mua lẫn địa phương khước từ trách nhiệm.

Cốt lõi của tham nhũng tài sản nhà nước chính là do quyền sở hữu không minh bạch. Các nhóm đã hưởng lợi từ việc phân cấp quyền kiểm soát tài sản không có quyền sở hữu thực sự. Các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là những kẻ hưởng lợi nhiều nhất vì họ nắm quyền kiểm soát trực tiếp và có nhiều cách bòn rút tài sản nhà nước. Giới chính trị chóp bu, địa phương và cả nước cùng kiếm lợi lộc bất chính cực lớn từ hệ thống thể chế này. Dù họ không trực tiếp kiểm soát tài sản doanh nghiệp nhà nước nhưng họ thực sự nắm quyền bổ nhiệm các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. 

Vì vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước luôn phải làm vừa lòng cấp trên trong chính quyền bằng những món hối lộ để các tài sản nhà nước được định giá rẻ. Tác giả dẫn chứng, khi tư nhân hóa nhà máy dệt Kiến Vĩ ở tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2002, tay trùm kinh doanh đã chi 40 triệu NDT mua nhà máy và 28 triệu NDT hối lộ. Thực tế, giá trị thị trường nhà máy này cao hơn nhiều vì nó là một trong 500 công ty lớn của Tứ Xuyên. Điều đáng nói là giá mua của hắn thấp hơn hai người mua khác, một người đặt mua 80 triệu NDT và một người nữa đặt 100 triệu NDT, lẽ ra người đặt mua giá cao sẽ thắng, nhưng ở đây ngược lại. Điều đó, cho thấy khoản hối lộ kinh khủng.

Một trong những chương trọng tâm có nhan đề “Mua quan bán chức: Chợ đen quyền lực chính trị”. Tác giả dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình: “Tham nhũng trong công tác nhân sự là một vấn đề nghiêm trọng. Vi phạm nguyên tắc trong bổ nhiệm cán bộ rất phổ biến. Hệ thống quản lý cán bộ chỉ để phô trương. Trong một số lĩnh vực vấn đề hối lộ lấy phiếu bầu, chạy chức, chạy quyền và mua quan bán chức rất nghiêm trọng”. Từ đó, tác giả bàn tới vấn đề cốt lõi, đó là tổ chức nhân sự. Nhà nước Trung Quốc, về mặt nhân sự, là một thị trường lao động khép kín. Cửa thoát cho quan chức rất đắt, và một khi họ đã lên tới một cấp nào đó, cực kỳ hiếm hoi. Các nhân tố khác như tình bạn, riêng tư quan hệ và tin cậy có thể được thiết lập thông qua trường học và nơi làm việc. Các trường đảng hay các chương trình đào tạo bồi dưỡng cung cấp môi trường lý tưởng cho việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa các quan chức địa phương và ban ngành khác nhau. 

Trong việc cơ cấu, bổ nhiệm chức quyền trở thành thị trường và định giá. Bí thư các cấp có quyền trong việc bổ nhiệm nhân sự, đặc biệt ở cấp huyện và thấp hơn. Một bí thư huyện thường tạo ra thị trường chức quyền bằng đề bạt chức quyền và giả tạo tăng luân chuyển như tăng khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán. Bí thư huyện thường tạo ra thì trường chức quyền như sắp xếp nhân sự trong nhiệm kỳ để tăng sự mua bán trên thị trường chức quyền. Tiêu biểu là Li Tiecheng đã bán hơn 100 vụ bổ nhiệm, đề bạt. Đúng như lời Chủ tịch Tập Cận Bình: “Trong một số vụ án lớn gần đây liên quan đến quan chức, tính nghiêm trọng của tội phạm và số tiền liên quan thực sự gây sốc. Họ đổi tiền lấy quyền và tình dục cực kỳ trơ tráo và liều lĩnh”.

Bọn tham nhũng thường câu kết với nhau chặt chẽ, tinh vi tới độ tác giả gọi là “kinh tế học câu kết”. Các ông trùm tạo ra mối quan hệ lâu dài với quan chức địa phương, với người thực thi pháp luật để bảo vệ chúng làm ăn. Từ hoạt động thông thường của chúng như cờ bạc, mại dâm, buôn bán ma túy. Dẫn chứng như ở huyện Đồng Quan, Thiểm Tây, do sự can thiệp của công an ăn bẩn, một tên đã làm giả bằng chứng tạo nên cái chết của một nông dân do tội phạm giết người đã không được xử trong tám năm. Ở Ôn Lĩnh, Chiết Giang, trưởng công an biến chất chỉ đạo thuộc cấp không bắt giam các thành viên băng nhóm đã tham gia ba vụ tấn công bạo lực. Có một số nơi, công an biến chất còn câu kết đến độ cảnh báo cho tội phạm khi chúng sắp bị bắt giữ.

Dẫn chứng quá nhiều tư liệu nên tác giả không còn đất để bình luận, nên Tư bản thân hữu Trung Quốc ít có ý kiến riêng, hay nói cách khác đây là tập hợp tội phạm kinh tế, xã hội Trung Quốc diễn ra trong mấy thập kỷ. Dấu ấn, phong cách tác giả bị chìm khuất vào khối tư liệu khổng lồ, miên man, từ đầu tới cuối.

Người đọc cao cấp có thể thấy rằng, tội phạm tham nhũng không phải do chế độ sản sinh mà là do kẽ hở của chính sách, luật pháp trong thời kỳ chuyển đổi mô hình kinh tế. Hơn thế, văn hóa đạo đức xuống cấp cũng là nhân tố tha hóa của kẻ tham nhũng, tội phạm.

Dẫu thủ đoạn tham nhũng tinh vi, sự câu kết ngang dọc và được sự bảo trợ của quan chức cao đến đâu, đám tư bản thân hữu cũng không qua khỏi luật pháp. Kết cục của tham nhũng là những đại án và đòn trừng phạt đích đáng dành cho chúng. Phần này tác giả đề cập ít, khiến độc giả có phần hẫng hụt.

Người chuyển ngữ Tư bản thân hữu Trung Quốc là Nguyễn Đình Huỳnh, một doanh nhân ở Đà Nẵng, đã bỏ nhiều công sức để dịch cuốn sách khá dày và bề bộn tư liệu này. Chỉ hơi tiếc là tên nhân vật chưa thống nhất, một số đã chuyển sang âm Việt như Chu Vĩnh Khang, Chu Bân, Cao Ưng Chính..., một số còn lại vẫn giữ âm địa phương như Lui Han, Chen Shaoyong, Zhang Gaiping... khiến người đọc bị vấp. Thống nhất cách chuyển ngữ tên nhân vật là điều cần thiết của một văn bản dịch.
____

(*) Cuốn sách China’s Crony Capitalism của nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Trung Quốc Minxin Pei đã được tạp chí The Economist bình chọn là sách hay trong năm 2016. Bản tiếng Việt của Nguyễn Đình Huỳnh mang tên Tư bản thân hữu Trung Quốc do NXB Hội Nhà văn ấn hành giữa năm 2018.

http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/5808-hv128-t-bn-thn-hu-trung-quc-hay-l-cn-bnh-ton-cu.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét