Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Nước Mỹ: Lòng tốt và giáo điều

Nước Mỹ như tôi thấy: Lòng tốt và giáo điều
25/07/2018 - Dù lớn hay nhỏ, ở mức độ cá nhân hay toàn cầu thì hảo tâm luôn là một trong những giá trị cốt lõi của người Mỹ. Trong xã hội Mỹ, lòng biết ơn được đề cao. Người Mỹ nhận thức rằng sự thịnh vượng của họ không chỉ đến từ lao động chăm chỉ mà còn có nhiều phần do may mắn. Vì vậy họ luôn có ý thức đền đáp bằng việc giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Suy nghĩ đó thấm nhuần trong nhiều người Mỹ vì nước Mỹ là một đất nước tôn giáo, đặc biệt là Cơ đốc giáo. Hầu hết đều đi nhà thờ từ nhỏ, giáo lý Thiên Chúa dạy họ những điều tốt đẹp, nhưng cũng tồn tại nhiều giáo điều.

Ông bà Lamberts và con trai của một cặp sinh viên Việt Nam tại Mỹ
Vào một buổi sáng oi bức năm 2011, còn đang mơ màng ngủ nướng, tôi nhận được điện thoại của một chị nhân viên sứ quán Mỹ thông báo rằng tôi đã được học bổng trao đổi mùa hè tới Đại học Notre Dame ở bang Indiana. Dù vui mừng và phấn khích, tôi lúc đó không biết rằng đây sẽ là bước đệm cho một chương hoàn toàn mới trong cuộc đời.

Chuyến đi kéo dài hai tháng chỉ như một chuyến “window shopping” khi những hình ảnh về nước Mỹ đều là những gì đẹp nhất. Chỉ đến khi quay lại học cao học rồi đi làm, tôi mới thực sự trải nghiệm cuộc sống xứ Cờ hoa. Năm năm sống ở Mỹ đã mang lại cho tôi những bài học giá trị về tình người và cũng cho tôi thấy nhiều góc khuất của đất nước này.

Lòng tốt của người Mỹ

Với tôi, một trong những thứ quý giá nhất của nước Mỹ và cũng là thứ giúp tôi trưởng thành hơn là lòng tốt mà người Mỹ dành cho người xa lạ.

Khi mới tới, vì chưa có xe, phương tiện công cộng lại rất hạn chế, tôi và nhóm bạn thường phải chờ vài tiếng cho một chuyến xe buýt. Một lần chúng tôi vào một nhà hàng gần đó để ăn trưa và chờ xe. Để ý thấy nhóm sinh viên quốc tế, một cô bồi bàn tiến lại gần hỏi han và còn mời chúng tôi đến nhà ăn tối mặc dù không quen biết gì.

Khi tới nhà, chúng tôi mới biết gia cảnh của cô cũng không phải khá giả. Hai vợ chồng và ba con gái mới chuyển về Indiana sau khi không tìm được cuộc sống như ý ở vùng khác. Chồng cô vẫn đang tìm việc, còn cô thì đang làm bồi bàn tạm thời. Họ vẫn niềm nở mời chúng tôi tới ăn và sau đó thỉnh thoảng lại mang cho chúng tôi hoa quả hay lấy xe chở đi đây đi đó

Trong suốt năm năm ở Mỹ, tôi còn được chứng kiến thêm nhiều việc làm tốt đẹp giữa những người không quen biết như vậy. Một cặp vợ chồng cao tuổi người Mỹ nhận sinh viên quốc tế vào nhà như người thân để giúp đỡ, đưa đi mua sắm, đi chơi. Một người qua đường thấy tôi bê vác nặng liền dừng xe nói tôi lên để chở về cho nhanh.


Trường tôi học có chương trình “Friendship Family” ghép các gia đình địa phương với sinh viên quốc tế để giúp đỡ trong quá trình sống và học tập. Khi tôi sang học vào năm 2013, nước Mỹ còn chưa hồi phục từ cuộc đại suy thoái kinh tế, nhiều gia đình vẫn chật vật với cuộc sống của chính họ nhưng giúp đỡ người khác, đặc biệt là người nhập cư và sinh viên quốc tế luôn là việc họ muốn làm.

Không chỉ thể hiện lòng tốt với những người mới tới, người dân Mỹ còn được biết đến với sự hảo tâm dành cho những người kém may mắn trên toàn thế giới.

Những ngày đầu ở đây, tôi đã có cơ hội được biết gia đình hai bác người Mỹ có tên Dan và Norma Lamberts. Mỗi năm, ngoài việc tham gia sửa nhà, giúp đỡ người dân nghèo trong vùng, nhà Lamberts còn dành thời gian tới Mexico xây trường học cho trẻ em ở đây. Một cô bạn thân của tôi, Kate, dù được trả lương giáo viên rất khiêm tốn, nhưng luôn dành 10% thu nhập hàng tháng để quyên góp cho các tổ chức thiện nguyện.

Ở mức độ quốc gia, Mỹ là nước đứng đầu thế giới về quyên góp từ thiện. Theo một báo cáo năm 2016, giá trị quyên góp cho các mục đích nhân đạo của người dân Mỹ chiếm tới 1,44% tổng thu nhập quốc dân (GDP), được chuyển tới người dân ở khắp mọi ngõ ngách trên thế giới.

Dù lớn hay nhỏ, ở mức độ cá nhân hay toàn cầu thì hảo tâm luôn là một trong những giá trị cốt lõi của người Mỹ. Trong xã hội Mỹ, lòng biết ơn được đề cao. Người Mỹ nhận thức rằng sự thịnh vượng của họ không chỉ đến từ lao động chăm chỉ mà còn có nhiều phần do may mắn. Vì vậy họ luôn có ý thức đền đáp bằng việc giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Suy nghĩ đó thấm nhuần trong nhiều người Mỹ vì nước Mỹ là một đất nước tôn giáo, đặc biệt là Cơ đốc giáo. Hầu hết đều đi nhà thờ từ nhỏ, giáo lý Thiên Chúa dạy họ những điều tốt đẹp, nhưng cũng tồn tại nhiều giáo điều.

Giáo điều

Cơ đốc giáo, đặc biệt các nhánh Tin Lành là tôn giáo phổ biến và có ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ. Trong năm năm sống ở tiểu bang Indiana, đa số những người tôi có cơ hội gặp và làm quen đều theo đạo Tin Lành và hầu hết đều là những người rất tốt, suy nghĩ tích cực và quan tâm tới người khác. Tôi quen một cậu bạn, Nick, rất tốt bụng. Cậu là người đầu tiên bắt chuyện với tôi ở lớp học.

Biết tôi là sinh viên quốc tế, cậu hay giúp đỡ, cho mượn xe, mời tới chơi nhà nhân dịp Giáng sinh và thậm chí còn bị tai nạn đứt một phần ngón tay khi giúp tôi sử dụng máy cắt gỗ. Nick là một người Tin Lành rất sùng đạo và luôn cho rằng tin vào Chúa Trời là cách duy nhất để trở thành một người tốt.



Trong suốt hai năm học cùng nhau, có lẽ thất bại lớn nhất của Nick là không thể biến tôi thành một người Cơ đốc. Mặc cho những nỗ lực của Nick khi đưa tôi đến nhà thờ, tham dự bữa ăn miễn phí mỗi dịp lễ Tạ ơn để giảng giải về sự hào phóng và công đức của Chúa, tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến vào lúc đó là món gà tây hầm miễn phí.

Một lần Nick mời tôi tới nhà thờ dự lễ khánh thành tác phẩm điêu khắc cậu làm. Cấu trúc được sắp đặt từ các thanh gỗ và thủy tinh treo lên trần nhà; những thanh dưới cùng gần mặt sàn nhất sơn đen, những thanh ở giữa thì để mộc, còn gần với trần nhà và cửa sổ nhất là những thanh thủy tinh. Khi tôi hỏi về ý nghĩa thì cậu nói, những thanh thủy tinh đại diện cho những người ngoan đạo nhất, gần ánh sáng của Chúa nhất nên tinh khiết nhất!

Khi vào phía trong để nghe mục sư giảng đạo, tôi đã đứng dậy đi ra khỏi nhà thờ khi ông ấy nói những người không theo đạo là tội lỗi và họ “đang đi xuống địa ngục”. Về sau khi Nick hỏi tôi thấy bị xúc phạm phải không, tôi trả lời rằng về bản thân thì tôi thấy không quan trọng lắm nhưng “bố mẹ tôi dành cả đời nuôi chị em tôi ăn học, người thì chữa bệnh cứu người, người kia truyền kiến thức cho trẻ nhỏ, tôi không nghĩ là họ sẽ đi xuống địa ngục”. Nick tìm mọi cách phân bua rằng ý của ông mục sư không phải tiêu cực như vậy nhưng cũng từ đó, cậu không còn cố gắng cải đạo cho tôi nữa.

Với tôi thì dưới địa ngục có khi lại vui vẻ và nhiều đồ ăn hơn.


Một bảng “quảng cáo” cho nhà thờ ở miền Nam nước Mỹ

Cách suy nghĩ của Nick cũng phản ảnh cách suy nghĩ của cả nước Mỹ: có ý tốt, quan tâm đến người khác nhưng luôn cho rằng cách sống của mình là đúng đắn nhất và mọi người nên hoặc phải theo.

Thật là khó để có một nhận định chung về nước Mỹ. Nếu phải tóm gọn thì chỉ có một câu luôn đúng: ở Mỹ, điều gì cũng có thể xảy ra. Nước Mỹ có thể sản sinh ra những lý tưởng đẹp đẽ nhất và những hành động xấu xí, man rợ nhất. Nhưng dù xấu hay tốt, nước Mỹ không bao giờ đứng yên, luôn đấu tranh với chính mình, luôn chuyển động. Và sự chuyển động đó có thể tạo ra những thứ tồi tệ nhưng cũng có thể mang đến những điều thật tuyệt vời.

Bài và ảnh: Nguyễn Nhật Huy

http://nguoidothi.net.vn/nuoc-my-nhu-toi-thay-long-tot-va-giao-dieu-14339.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét