Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Trump âm mưu gì khi rút Mỹ khỏi WTO ?

Trump âm mưu gì khi rút Mỹ khỏi WTO ?
Vừa qua Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa rút Mỹ ra khỏi WTO vì thua thiệt hoặc như ông nói nếu tổ chức này không cải tổ. Cái đích mà Trump hướng tới còn lớn hơn nhiều. Đó là muốn tạo ra một sân chơi không bình đẳng... Sau hơn 2 thập kỷ WTO được thành lập, nhiều thực thể kinh tế-chính trị trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức Mỹ, từ đó làm thay đổi nhiều cơ chế do Mỹ tạo ra và chi phối, qua đó là ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ. Theo giới phân tích, đây mới là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Trump muốn rút Mỹ khỏi WTO hoặc WTO phải cải tổ theo hướng đảm bảo vị thế và lợi ích Mỹ như trong hệ thống Bretton Woods, từng được xác lập hơn nửa thế kỷ qua.

Trump muốn rút Mỹ khỏi WTO
BBC đưa tin, ngày 30/8 Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới, nếu định chế quốc tế này không đối xử tốt với Mỹ, làm ảnh hưởng tới lợi ích của nước Mỹ. "Nếu họ không điều chỉnh, tôi sẽ rút Mỹ khỏi WTO", vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ đã khẳng định như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg News tại Nhà Trắng.

WTO được thành lập là nhằm cung cấp các quy tắc cho thương mại toàn cầu và giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.

Do vậy, nếu Mỹ rút khỏi WTO sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại đa phương do chính Mỹ góp công xây dựng.

Đáng lưu ý là Tổng thống Trump đã thúc đẩy các chính sách bảo hộ mậu dịch nhưng lại cho rằng Mỹ bị đối xử bất công bởi WTO, vì định chế này "dung túng" cho những quốc gia thực hiện chính sách phi thi trường tự do.

Năm ngoái, ông Trump đã từng phàn nàn: "WTO được thành lập chỉ để mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, ngoài Mỹ. Chúng tôi đã thua kiện, hầu như tất cả các vụ kiện trong WTO", theo Fox News.

Theo BBC, thực ra lời cảnh báo của Tổng thống Trump chỉ là sự giận dỗi của vị tổng thống doanh nhân khi chính sách thương mại của ông đã ngày càng trở nên xung đột với hệ thống thương mại mở mà WTO giám sát.

Gần đây chính quyền Washington đã ngăn chặn việc bầu các thẩm phán mới cho Uỷ ban giải quyết tranh chấp của WTO, điều này có thể làm tê liệt khả năng đưa ra các phán quyết của họ, dù Mỹ đang kiện Nga tại WTO.

Tiếp lời Tổng thống Trump, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cáo buộc WTO can thiệp vào chủ quyền của Mỹ, nhất là trong các trường hợp chống bán phá giá, nhằm cân bằng lợi ích trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Vị tổng thống doanh nhân tính toán gì?

Theo giới phân tích, việc cảnh báo của người đứng đầu Nhà Trắng dường như không chỉ xuất phát từ thiệt thòi mà Mỹ phải chịu bởi WTO, mà cái đích của vị tổng thống doanh nhân lớn hơn nhiều.

Khi Mỹ đã đưa ra luật chơi, tạo ra cuộc chơi mà nay lại muốn bỏ cuộc chơi thì có thể nhận diện Washington đang hướng tới cuộc chơi mới với những luật chơi mới, song Mỹ vẫn phải là tác giả luật chơi và đạo diễn cuộc chơi.

Thứ nhất, muốn tái lập vị thế độc tôn của đồng USD và thương mại Mỹ như trong hệ thống Bretton Woods.

Xin ngược dòng thời gian. Sau Thế chiến I, các quốc gia đã cố gắng phục hồi hệ thống bản vị vàng nhưng đã sụp đổ hoàn toàn trong cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930.

Trong bối cảnh đó, 730 đại biểu đến từ 44 quốc gia đã gặp nhau tại Bretton Woods, New Hampshire, năm 1944 để xây dựng hệ thống tài chính thế giới thời hậu chiến, tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng kinh tế.

Bretton Woods thể hiện vai trò độc tôn của USD và lợi ích Mỹ cũng từ đó được tối đa hoá.

Tại Hội nghị Bretton Woods các đại biểu đã đề xuất thành lập Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITO) nhằm thiết lập các quy tắc và luật lệ cho thương mại giữa các quốc gia và thương mại toàn cầu.


Hiến chương ITO được nhất trí tại Hội nghị của LHQ về Thương mại và Việc làm tại La Habana, Cuba vào tháng 3/1948. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ đã không phê chuẩn hiến chương này.

Nguyên nhân được cho là do giới doanh nghiệp Mỹ lo ngại ITO có thể được sử dụng để kiểm soát chứ không phải đem lại tự do hoạt động cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ.

Tại thời điểm đó, nước Mỹ chiếm hơn một nửa tiềm năng sản xuất và giữ gần như toàn bộ lượng vàng của thế giới nên giới lãnh đạo các quốc gia quyết định gắn các đồng tiền thế giới với đồng USD, sau đó được quy ra vàng ở mức 35 USD/ounce.

Dưới hệ thống Bretton Woods, đồng USD và hàng hoá của nước Mỹ đã chi phối cả hệ thống tiền tệ lẫn hoạt động thương mại thế giới và lợi ích của nước Mỹ cũng được tối đa hoá nhờ sự độc tôn này.

Khi Thượng viện Mỹ không phê chuẩn hiến chương ITO đã khiến ITO chết yểu.

Tuy nhiên, hiệp định mà ITO định dựa vào đó để điều chỉnh thương mại quốc tế vẫn tồn tại. Đó là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT).

GATT là khung pháp lý chủ yếu của hệ thống thương mại đa phương trong suốt gần 50 năm sau đó. Các nước tham gia GATT đã tiến hành tám vòng đàm phán, ký kết thêm nhiều thỏa ước thương mại mới.

Vòng đám phán thứ tám -Vòng đàm phán Uruguay - kết thúc năm 1994 với sự đồng thuận thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thay thế cho GATT. Các nguyên tắc và các hiệp định của GATT được WTO kế thừa và mở rộng.

Không giống như GATT chỉ có tính chất của một hiệp ước, WTO là một tổ chức, có cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động cụ thể. WTO chính thức được thành lập vào ngày 1/1/1995.


10 quốc gia thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ năm 2013 và 2014 khiến Tổng thống Trump cho rằng lợi ích Mỹ đang bị lấy đi.

Dù ra WTO đời sau ITO tới 51 năm, song ảnh hưởng của Mỹ với WTO vẫn mang tính quyết định vì vai trò độc tôn của USD trong hệ thống tài chính toàn cấu và trao đổi thương mại của Mỹ vẫn đóng vai trò quyết định với hoạt động thương mại thế giới.


Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ WTO được thành lập, nhiều thực thể kinh tế-chính trị trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức Mỹ, từ đó làm thay đổi nhiều cơ chế do Mỹ tạo ra và chi phối, qua đó là ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ.

Theo giới phân tích, đây mới là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Trump muốn rút Mỹ khỏi WTO hoặc WTO phải cải tổ theo hướng đảm bảo vị thế và lợi ích Mỹ như trong hệ thống Bretton Woods, từng được xác lập hơn nửa thế kỷ qua.

Thứ hai, muốn lồng ghép cơ chế song phương trong cơ chế đa phương, từ đó tạo ra sân chơi không bình đẳng

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cáo buộc hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đã can thiệp vào chủ quyền của Mỹ, đặc biệt là đối với các trường hợp chống bán phá giá, thực ra đó chỉ là sự bất lực của Mỹ trước các cơ chế đa phương.

Khi lên nắm quyền, Tổng thổng thống Trump thể hiện sự ưu tiên cho các cơ chế song phương hơn là các cơ chế đa phương, mà thể hiện rõ nhất là rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong cơ chế song phương, Mỹ có thể khai thác tốt nhất lợi thế tuyệt đối của mình là sức mạnh Mỹ - cả về chính trị, kinh tế, quân sự - để ép đối phương phải nhượng bộ, từ đó tối đa hoá lợi ích Mỹ, điều mà trong cơ chế đa phương không dễ gì có được.

Xin phân tích về chống bán phá giá - vấn đề mà Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer cho rằng Mỹ bị WTO chén ép - và lấy vụ việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá sản phẩm cá da trơn của Việt Nam làm ví dụ.

Mỹ áp thuế chống bán phá giá là tước mất lợi thế so sánh của Việt Nam

Tháng 11/2014, Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với cá sản phẩm cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam, mà theo lời người phát ngôn Lê Hải Bình thì việc này là "không công bằng, đi ngược lại với tinh thần tự do thương mại".


Còn Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thì cho rằng: "Điều đó thực ra là một trong những biện pháp bảo hộ, giúp cho các công ty cá da trơn của Mỹ trong việc cạnh tranh với những nhà nhập khẩu cá da trơn của Việt Nam".

Theo lịch sử các học thuyết kinh tế, tập quán sản xuất và nguồn nhân lực là hai yếu tố quan trọng nhất tạo nên lợi thế so sánh của một hay một số quốc gia trong một hay một số lĩnh vực sản xuất nào đó.

“Trăm hay không bằng tay quen” luôn là một yếu tố tạo ra sự khác biệt của tập quán sản xuất, truyền thống sản xuất, dù ở bất cứ thời đại nào, giai đoạn nào của sản xuất - kinh doanh.

Điều đó đã trở thành nguyên lý. Dù ngày nay công nghệ hiện đại có thể thay thế con người tạo ra hiệu quả, hiệu suất gấp nhiều lần lao động con người, nhưng khi khoa học được áp dụng và trở thành “tay quen” thì hiệu quả công việc vẫn sẽ cao hơn hẳn.

Trong hoạt động sản xuất thuỷ hải sản xuất khẩu của Việt Nam, nhất là tại đồng bằng sống Cửu Long, tập quán sản xuất và lối sống vùng sông nước đã tạo nên những khả năng riêng có của người dân ở khu vực này.

Khi đưa khoa học-kỹ thuật vào nuôi trồng thì rõ ràng tạo ra hiệu quả rất lớn, mà cụ thể là năng suất cao, đương nhiên giá thành rẻ và người dân có lãi.

Tuy nhiên, Mỹ không chấp nhận điều đó mà cho rằng Việt Nam đã bán phá giá cá da trơn vào Mỹ.

Rút Mỹ khỏi TPP là do Tổng thống trump ưu tiên cơ chế song phương hơn cơ chế đa phương.

Như vậy, các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đã triệt tiêu lợi thế so sánh và làm mất đi một trong hai yếu tố quan trọng nhất giúp cho doanh nghiệp và người sản xuất thể hiện sức mạnh của mình - đó là giá cả.


Bị tước mất 50% sức mạnh thì làm sao một thực thể kinh tế có thể chiến thắng và thế là biện pháp chống bán phá giá đã tạo ra điều kiện cho cạnh tranh không bình đẳng, thậm chí không lành mạnh trên thị trường.

Khi các quốc gia khác đưa vấn đề ra giải quyết tại WTO thì Mỹ cho rằng họ bị WTO can thiệp vào chủ quyền.

Do vậy, việc Tổng thống Trump yêu cầu WTO cải tổ thực ra là muốn định chế này tạo ra một sân chơi không bình đẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét